Biến chứng của bệnh viêm tá tràng
Tá tràng là phần đầu của ruột non có hình dạng chữ C, nằm ngay giữa dạ dày và hỗng tràng. Viêm tá tràng xảy ra khi trên bề mặt niêm mạc tá tràng xuất hiện những vết loét và tổn thương gây ra đau đớn.
Một số biến chứng của bệnh viêm tá tràng
Bệnh viêm tá tràng nếu không được điều trị dứt điểm, tái đi tái lại nhiều lần có thể dẫn tới những biến chứng nguy hiểm sau:
Chảy máu tá tràng
Vết viêm loét khi ăn sâu vào niêm mạc tá tràng sẽ làm thủng các mạch máu. Lúc này người bệnh sẽ bị nôn và đi ngoài phân có máu. Nếu để tình trạng xuất huyết kéo dài sẽ gây mất máu, thiếu máu dẫn tới choáng rất nguy hiểm.
Thủng tá tràng
Khi ổ loét bào mòn lâu ngày sẽ gây ra lỗ thủng trên thành tá tràng. Chúng sẽ làm chảy dịch tiêu hóa vào ổ bụng, từ đó gây viêm phúc mạc. Khi đó bụng sẽ căng cứng, cảm giác đau dữ dội như bị dao đâm. Tại thời điểm đó người bệnh cần phải được can thiệp phẫu thuật cấp cứu ngay. Nếu không được xử lý kịp thời bệnh nhân có thể dẫn đến tử vong do nhiễm trùng nặng.
Ung thư tá tràng
Nếu viêm tá tràng để lâu ngày mà không điều trị thì sẽ có thể hình thành ung thư tá tràng. Có thể nói đây là biến chứng nguy hiểm nhất và cơ hội điều trị khỏi bệnh không cao.
Quản lý và điều trị biến chứng
Viêm tá tràng là một căn bệnh phổ biến và có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, giới tính. Khi được phát hiện và điều trị kịp thời thì bệnh sẽ hồi phục hoàn toàn. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân chủ quan và không thực hiện nghiêm túc việc chữa trị hoặc phát hiện bệnh quá trễ sẽ phải đối mặt với những biến chứng xấu của bệnh, đặc biệt là ung thư tá tràng có nguy cơ tử vong cao. Vì vậy, người bệnh cần tuân thủ điều trị, khi nhận thấy cơ thể có bất cứ triệu chứng nào kể trên, hãy tới gặp bác sĩ ngay để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp người bệnh mau chóng hồi phục sức khỏe.
Các biện pháp phòng ngừa
Tá tràng là một bộ phận đóng vai trò khá quan trọng trong hệ tiêu hóa của cơ thể chúng ta. Do vậy, để tá tràng luôn được khỏe mạnh việc chăm sóc và bảo vệ thật tốt cho nó là điều vô cùng cần thiết. Một số biện pháp phòng ngừa bệnh hiệu quả:
- Thực hiện chế độ ăn uống khoa học:
- Tập thói quen ăn chậm, nhai kỹ, ăn đúng giờ và tránh bỏ bữa (đặc biệt là bữa sáng), không nên ăn sau 8 giờ tối, không ăn quá no hoặc để quá đói.
- Bổ sung thêm chất xơ, uống đủ nước mỗi ngày.
- Không sử dụng thực phẩm đóng hộp, đồ ăn nhanh.
- Có thể hỗ trợ đường tiêu hóa luôn khỏe mạnh bằng cách cung cấp một số chất dinh dưỡng cần thiết như: men vi sinh probiotic, glutamine, kẽm,…
- Thay đổi thói quen sinh hoạt:
- Luyện tập thể dục thể thao hằng ngày để có sức khỏe tốt và tinh thần thoải mái.
- Duy trì thói quen nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc.
- Giữ tâm trạng thư giãn, tránh căng thẳng.
- Không hút thuốc lá, uống rượu bia.
- Khám sức khỏe định kỳ: Hạn chế sử dụng các loại thuốc kháng viêm, kháng sinh, thuốc giảm đau, khi dùng các loại thuốc trên nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để tránh gây ảnh hưởng xấu tới niêm mạc tá tràng. Ngoài ra, người bệnh nên tái khám đúng hẹn, mang theo các loại giấy tờ cần thiết và loại thuốc đang dùng để bác sĩ đối chiếu, đưa ra lời khuyên cụ thể.