Trào ngược dạ dày: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách khắc phục
Trào ngược dạ dày là một tình trạng phổ biến mà nhiều người thường gặp phải. Đây là vấn đề gây khó chịu và ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống. Việc hiểu rõ nguyên nhân, dấu hiệu và các biện pháp khắc phục sẽ giúp bạn kiểm soát tốt hơn tình trạng này.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trào ngược dạ dày
Trào ngược dạ dày xảy ra khi axit dạ dày trào ngược lên thực quản. Một số nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng này bao gồm:
- Yếu cơ thắt thực quản dưới: Khi cơ thắt này không hoạt động đúng cách, axit dạ dày dễ dàng trào ngược lên.
- Do thói quen ăn uống: Ăn quá nhiều, ăn quá gần giờ đi ngủ, ăn những thực phẩm khó tiêu hoặc có tính axit cao đều có thể gây trào ngược.
- Thừa cân, béo phì: Lượng mỡ thừa ở vùng bụng có thể tạo áp lực lên dạ dày, làm tăng nguy cơ trào ngược.
- Căng thẳng, lo âu: Tình trạng căng thẳng liên tục có thể ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa, làm tăng nguy cơ trào ngược.
- Thói quen sinh hoạt: Lười vận động, sử dụng các chất kích thích như rượu, thuốc lá,..
- Bệnh lý: Các bệnh lý như viêm loét dạ dày, ung thư dạ dày, nhiễm trùng ở thực quản gây xơ hay hẹp hang môn vị dạ dày…
- Tác dụng phụ của thuốc: Một số loại thuốc như aspirin, ibuprofen và các loại thuốc huyết áp… có thể gây trào ngược dạ dày.
Dấu hiệu trào ngược dạ dày
Người bị trào ngược dạ dày thường có các triệu chứng đi kèm như:
- Ợ nóng, ợ hơi.
- Buồn nôn và nôn.
- Đau tức ngực, đau vùng thượng vị.
- Khó nuốt, ăn không ngon.
- Ho khan, khàn tiếng.
- Tiết nhiều nước bọt.
Khi nào cần đi gặp bác sĩ?
Mặc dù tình trạng trào ngược dạ dày khá phổ biến và thường có thể tự cải thiện, nhưng nó cũng có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời.
Các biến chứng có thể bao gồm viêm thực quản, loét thực quản hoặc nghiêm trọng hơn là ung thư thực quản. Nếu bạn gặp phải các triệu chứng sau đây, hãy đến gặp bác sĩ ngay:
- Cơn đau ngực lan ra cánh tay, cổ hoặc hàm.
- Ợ nóng thường xuyên và kéo dài, không thuyên giảm sau khi dùng thuốc.
- Khó nuốt hoặc có cảm giác thức ăn bị mắc kẹt trong cổ.
- Giảm cân không rõ nguyên nhân, buồn nôn hoặc nôn mửa kéo dài.
- Đi ngoài phân đen hoặc có máu.
Các cách điều trị và cải thiện trào ngược dạ dày hiệu quả
Dưới đây là các biện pháp giúp kiểm soát và điều trị trào ngược dạ dày bạn có thể áp dụng:
Thay đổi thói quen ăn uống
Bạn nên chia nhỏ bữa ăn trong ngày thay vì ăn 3 bữa lớn, giúp giảm áp lực lên dạ dày và ngăn chặn axit trào ngược. Bên cạnh đó, cần hạn chế các thực phẩm kích thích như đồ ăn có tính axit, cay nóng và nhiều dầu mỡ.
Để giúp thức ăn được tiêu hoá nhanh hơn, hãy tránh nằm ngay sau khi ăn. Ngoài ra, hạn chế ăn vào buổi tối hoặc trước khi đi ngủ ít nhất 2-3 giờ để dạ dày có thời gian tiêu hóa thức ăn, từ đó giảm nguy cơ trào ngược dạ dày vào ban đêm.
Một số loại thực phẩm giúp cải thiện tình trạng trào ngược có thể kể đến như:
- Chuối: Loại trái cây giúp trung hòa axit trong dạ dày và giảm triệu chứng ợ nóng.
- Yến mạch: Chứa nhiều chất xơ, yến mạch giúp hấp thụ axit dư thừa và cải thiện tiêu hóa.
- Gừng: Gừng có tính kháng viêm tự nhiên, giúp làm dịu dạ dày và giảm các triệu chứng của trào ngược.
- Sữa chua: Chứa men vi sinh có lợi cho hệ tiêu hóa, giúp cân bằng môi trường axit trong dạ dày.
- Các loại rau xanh: Bông cải xanh, cải bó xôi và dưa chuột rất giàu chất xơ, hỗ trợ hệ tiêu hóa hoạt động trơn tru hơn.
Sinh hoạt lành mạnh
Thay đổi các thói quen sinh hoạt dưới đây có thể giúp bạn cải thiện triệu chứng trào ngược dạ dày hiệu quả:
- Tránh mặc quần áo bó sát vì có thể gây áp lực lên dạ dày.
- Duy trì cân nặng hợp lý giúp ngăn ngừa axit trào ngược lên thực quản.
- Ăn chậm, nhai kỹ để thức ăn được tiêu hoá tốt hơn.
- Tránh xa các tác nhân làm tăng nguy cơ trào ngược dạ dày như thuốc lá, bia rượu, thực phẩm chiên rán, cay nóng.
- Khi ngủ nên đặt thêm gối để nâng cơ thể từ thắt lưng trở lên để giảm bớt các cơn trào ngược về đêm.
Kiểm soát căng thẳng
Tập thể dục thường xuyên không chỉ cải thiện tuần hoàn mà còn hỗ trợ hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả hơn, giúp giảm nguy cơ axit trào ngược. Ngoài ra, việc ngủ đủ giấc giúp cơ thể phục hồi, giảm căng thẳng và duy trì sự cân bằng của hệ tiêu hóa.
Để kiểm soát căng thẳng tốt hơn, hãy dành khoảng 30 phút mỗi ngày cho các hoạt động như hít thở sâu, giãn cơ hoặc ngồi thiền.
Sử dụng thuốc điều trị trào ngược dạ dày
Sử dụng thuốc điều trị trào ngược dạ dày là một phương pháp hiệu quả giúp kiểm soát các triệu chứng. Các loại thuốc như kháng axit giúp trung hòa axit dạ dày, thuốc ức chế bơm proton (PPI) giảm sản xuất axit và thuốc giảm tiết axit H2 giúp hạn chế axit trào ngược. Cần lưu ý rằng khi sử dụng thuốc cần tuân theo chỉ định của bác sĩ để đảm bảo an toàn và hiệu quả.
Trào ngược dạ dày là một tình trạng hoàn toàn có thể kiểm soát được nếu áp dụng đúng các biện pháp phòng ngừa và điều trị. Hãy duy trì lối sống lành mạnh và chế độ ăn uống khoa học để bảo vệ sức khoẻ tổng thể nhé!