Cách điều trị đau nửa đầu
Đau nửa đầu là một bệnh lý khá phổ biến, đặc biệt ở nữ giới. Bệnh ảnh hưởng nhiều đến công việc và sinh hoạt thường ngày của người bệnh. Hiện nay, nguyên nhân của bệnh vẫn chưa được giải thích rõ ràng nên việc điều trị còn nhiều hạn chế, chủ yếu chỉ điều trị giảm nhẹ và hạn chế việc tái phát triệu chứng đau. Vậy cách điều trị đau nửa đầu là gì? Cùng tìm hiểu ở bài viết dưới đây.
Các triệu chứng của đau nửa đầu
Đau nửa đầu (hay đau đầu Migraine) là cơn đau xảy ra ở một bên đầu, diễn ra đột ngột và gây nhói trong vài giờ hoặc thậm chí là vài ngày. Cơn đau nửa đầu thường đi cùng với một số dấu hiệu như buồn nôn, nôn hoặc nhạy cảm với ánh sáng, tiếng ồn. Do vậy mà đau nửa đầu gây nên nhiều trở ngại trong cuộc sống cũng như các hoạt động cơ thể con người.
Đau nửa đầu bao gồm 4 giai đoạn ứng với những triệu chứng khác nhau, gồm:
Giai đoạn 1: Triệu chứng mơ hồ
Ở giai đoạn này, cơn đau nửa đầu thường đến sau khi phát những dấu hiệu cảnh báo trước 1 đến 2 ngày như:
- Tâm trạng thay đổi thất thường.
- Mệt mỏi, uể oải trong người.
- Thèm ăn hoặc chán ăn.
- Nhạy cảm với ánh sáng, âm thanh.
- Thường xuyên ngáp.
- Táo bón hoặc tiêu chảy.
Tuy nhiên vẫn có trường hợp cơn đau xảy ra nhưng không xuất hiện một dấu hiệu cảnh báo nào. Theo Migraine Trust, có khoảng 70 – 90% người bệnh đau nửa đầu sẽ nằm trong trường hợp này.
Giai đoạn 2: Hào quang
Hào quang là sự rối loạn các giác quan, có thể xảy ra trước hoặc trong khi bị đau nửa đầu, xuất phát từ hệ thần kinh và dẫn đến nhiều rối loạn cơ thể, kéo dài trong vài phút đến 1 giờ, bao gồm:
- Nhìn thấy ảo giác như tia sáng nhấp nháy, chấm đen, đường lượn sóng, có điểm mù hoặc khoảng trống trong tầm nhìn…
- Mất thị lực, không nhìn thấy gì cả.
- Cảm giác ngứa và tê ở một bên cơ thể.
- Cảm thấy nặng ở phần tay chân.
- Không nói rõ ràng được, ù tai.
Giai đoạn 3: Tấn công
Ở giai đoạn tấn công, cơn đau nửa đầu có phần dữ dội hơn, nếu không được điều trị sẽ kéo dài từ 4 đến 72 giờ. Mức độ cơn đau xảy ra tùy thuộc vào mỗi người, có người bị đau vài ngày 1 lần, có người lại bị 1-2 lần/năm. Những dấu hiệu cụ thể như:
- Cơn đau xuất hiện ở 1 bên hoặc toàn bộ đầu.
- Có cảm giác đau giật nhói đầu.
- Buồn nôn và nôn.
- Cơ thể yếu ớt, nhợt nhạt.
- Nhạy cảm với ánh sáng, âm thanh và mùi.
Giai đoạn 4: Sau cơn đau
Sau khi cơn đau nửa đầu đã đi qua, bạn có thể gặp những triệu chứng như:
- Mệt mỏi, kiệt sức.
- Đau hay yếu cơ.
- Có cảm giác thèm ăn hoặc chán ăn tùy vào từng người.
- Tâm trạng thay đổi.
Cách điều trị đau nửa đầu
Mục tiêu của điều trị đau nửa đầu là chấm dứt các triệu chứng đang xảy ra và phòng ngừa các đợt đau đầu tái phát sau này.
Điều trị đau nửa đầu thường được sử dụng thuốc. Trong đó, 2 nhóm thuốc được sử dụng phổ biến gồm:
- Thuốc giảm đau dùng điều trị các cơn đau nửa đầu và giảm bớt các triệu chứng. Các thuốc thường được sử dụng thuốc giảm đau kháng viêm NSAIDs, Sumatriptan, Dihydroergotamine, Lasmitidan, thuốc giảm đau Opioid, thuốc chống nôn…
- Thuốc phòng ngừa có thể được dùng thường xuyên, hàng ngày để giảm bớt mức độ nghiêm trọng hoặc tần suất xuất hiện cơn đau nửa đầu. Các lựa chọn trong nhóm này gồm thuốc làm hạ huyết áp (như chẹn beta), thuốc chống trầm cảm ba vòng, thuốc chống động kinh (Valproate, Topiramate)…
Biện pháp hỗ trợ
Ngoài việc dùng thuốc để điều trị đau nửa đầu có thể áp dụng những phương pháp hỗ trợ như sau:
- Nghỉ ngơi đúng cách: Người bệnh nên nghỉ ngơi ở không gian yên tĩnh, hạn chế tiếp xúc với ánh sáng và âm thanh. Từ đó có thể thư giãn nghỉ ngơi và ngủ để hệ thần kinh được thoải mái hơn.
- Dùng đồ uống chứa caffeine: Uống đồ uống chứa một lượng nhỏ caffeine cũng có thể giảm cơn đau nửa bên đầu. Nhưng cần chú ý không được uống quá nhiều gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
- Châm cứu: Một phương pháp hỗ trợ điều trị chứng đau đầu đó là châm cứu. Phương pháp này giúp giảm bớt căng thẳng, giúp bạn thư giãn ngăn chặn các cơn đau.
- Thư giãn: Nếu cơn đau đầu xuất hiện khi đang tập trung làm việc hoặc suy nghĩ đến một vấn đề nào đó, bạn nên tạm dừng làm việc và tìm một hoạt động khác để thư giãn, từ đó làm dịu cơn đau nửa đầu của mình.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Các cơn đau nửa đầu thường không xuất hiện thường xuyên, vẫn ở trong mức chịu đựng được của nhiều người nên họ không tìm cách chữa trị ngay. Tuy nhiên, nếu đau nửa đầu kèm các dấu hiệu dưới đây thì bạn nên đi khám ngay vì nó có thể là dấu hiệu cảnh báo sức khỏe đang bị đe dọa.
- Cơn đau đầu khởi phát đột ngột và dữ dội.
- Bệnh nhân trên 50 tuổi, xuất hiện những cơn đau diễn ra thường xuyên.
- Đau nửa đầu kèm theo các triệu chứng khác như sốt, nôn không kiểm soát, co giật, mắt mờ,…
- Phụ nữ xuất hiện cơn đau đầu trong khi mang thai hoặc ngay khi vừa sinh xong (trước đây chưa từng xuất hiện cơn đau).
- Đau đầu dẫn tới mất ý thức, hôn mê.
- Cơn đau nửa đầu trở nên nghiêm trọng hơn khi ho, hắt hơi, cúi người xuống hoặc khi tập thể dục.
- Cơn đau nửa đầu xuất hiện sau khi gặp tai nạn, chấn thương, có va chạm ở phần đầu (đặc biệt là 5 ngày đầu tiên sau chấn thương).
- Sử dụng thuốc giảm đau nhưng không khỏi.
- Cứng gáy, gặp khó khăn khi nói, động kinh, nhìn mờ.
- Bị liệt hoặc yếu ở cánh tay hoặc một bên mặt.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.