Để Bé Vui Khỏe Mùa Tựu Trường: Giải Pháp Xóa Tan Nỗi Lo Táo Bón
Mùa tựu trường đến, việc thay đổi môi trường và thói quen sinh hoạt có thể khiến trẻ dễ mắc phải táo bón. Đừng để điều này ảnh hưởng đến những ngày đến trường đầy năng lượng của con! Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin cho các bậc phụ huynh nhé!
Cứ 10 trẻ thì có đến 3 trẻ mắc táo bón
Theo các thống kê, táo bón xuất hiện với tỉ lệ lên đến 30% ở trẻ em(1). Trong đó, 95% là táo bón chức năng nghĩa là không có tổn thương hay bất thường gì ở đường tiêu hóa của trẻ(1).
Đối với táo bón chức năng, nguyên nhân chính xác gây táo bón ở trẻ còn chưa được xác định. Tuy nhiên, có một số yếu tố có thể góp phần làm gia tăng táo bón ở trẻ bao gồm: hành vi nín giữ phân, chế độ ăn ít chất xơ từ rau và trái cây, uống không đủ nước, ít vận động, rối loạn chế độ sinh hoạt bao gồm giờ ngủ, giờ ăn hoặc giờ đi vệ sinh hằng ngày , v.v(3)
Đặc biệt trong mùa tựu tường, khi sự thay đổi tâm lý khi đến trường và không gian khác biệt so với ở nhà khiến bé ngại đi vệ sinh hoặc thói quen ăn uống không khoa học cũng góp phần làm bé dễ bị táo bón hơn. Do đó việc nhận biết để phòng ngừa bệnh và lựa chọn giải pháp đúng cho trẻ bị táo bón trong mùa tựu trường trở nên vô cùng quan trọng.
Dấu hiệu nhận biết táo bón ở trẻ em
Cha mẹ có thể dễ dàng nhận biết trẻ táo bón với tình trạng trẻ khó đi ngoài, số lần đi ngoài quá ít, thường là dưới 3 lần/tuần kèm theo tính chất phân khô, khó rặn.
Theo tiêu chuẩn năm 2010 của NICE (National Institute for Health and Care Excellence, UK) chẩn đoán táo bón được xác định nếu có từ 2 tiêu chí trở lên tại Bảng 1 dưới đây
Bảng 1: Tiêu chuẩn chẩn đoán táo bón trẻ em(2),(3)
Trẻ dưới 1 tuổi | Trẻ từ 1 tuổi trở lên | |
Tính chất phân | • Có ít hơn 3 lần đi tiêu trọn vẹn trong tuần (phân loại 3 hoặc 4 trong biểu đồ phân Bristol, không áp dụng cho trẻ bú mẹ hoàn toàn) • Phân cứng và to • Phân “dê” (loại 1 biểu đồ phân Bristol) | • Có ít hơn 3 lần đi tiêu trọn vẹn trong tuần (phân loại 3 hoặc 4 trong biểu đồ phân Bristol) • Són phân • Phân “dê” (loại 1 biểu đồ phân Bristol) • Phân rất to, đi không thường xuyên, làm nghẹt toilet |
Triệu chứng khi đi tiêu | • Khó chịu, căng thẳng khi đi tiêu • Phân cứng gây chảy máu hậu môn • Rặn | • Kém ăn, đi tiêu được thì ăn khá hơn • Giảm và hết đau bụng sau khi đi tiêu • Hành vi nín giữ phân • Rặn • Đau hậu môn |
Bệnh sử | • Đã có những đợt táo bón trước đây • Tiền căn hoặc hiện tại có nứt hậu môn | • Đã có những đợt táo bón trước đây • Tiền căn hoặc hiện tại có nứt hậu môn • Tiền căn đau khi đi tiêu và chảy máu do phân cứng |
Hình 1: Biểu đồ phân Bristol (tình trạng phân loại 1 và 2 thể hiện trình trạng táo bón)(3)
Tuổi nào trẻ em dễ mắc táo bón?
- Có 3 thời điểm táo bón xảy ra với trẻ em(1):
- Giai đoạn chuyển từ chế độ ăn lỏng sang đặc (6 tháng – 1 tuổi).
- Giai đoạn bé tập ngồi bô một mình (2 – 3 tuổi).
- Giai đoạn bé bắt đầu đến trường (3 – 5 tuổi).
Lựa chọn phương pháp điều trị táo bón phù hợp cho trẻ
Làm thế nào để bé không còn khó chịu và vui vẻ trong suốt mùa học mới? Bên cạnh việc điều chỉnh chế độ ăn uống và thói quen sinh hoạt thì việc sử dụng các loại thuốc nhuận tràng cũng hỗ trợ giúp bé dễ dàng đi tiêu hơn. Điều quan trọng là hiểu rõ các lựa chọn phù hợp để giúp bé thoải mái hơn mỗi ngày. Các loại thuốc nhuận tràng thường được sử dụng đó là:
- Nhuận tràng kích thích: hoạt động theo cơ chế truyền tín hiệu trực tiếp cho các cơ và dây thần kinh của ruột, khiến các cơ và dây thần kinh này co bóp để đẩy phân ra khỏi cơ thể. Lưu ý thuốc nhuận tràng kích chỉ được dùng cho trẻ em trên 6 tuổi.
- Nhuận tràng tạo trơn (hay bơm thụt): hoạt động theo cơ chế tạo một lớp bôi trơn thành ruột, bao phủ quanh phân và hút dịch giúp phân không bị khô và dễ thải ra ngoài hơn.
- Nhuận tràng tạo khối: chứa chất xơ – loại carbohydrate phức hợp không hấp thụ được, và hoạt động theo cơ chế hút nước từ ruột, làm cho phân mềm hơn, to hơn, giúp trẻ dễ đi ngoài hơn.
- Nhuận tràng thẩm thấu: có tác dụng giảm hấp thu nước ở thành ruột, làm tăng lượng nước trong thành ruột và thúc đẩy sự tích tụ nước trong đường ruột, từ đó ngăn ngừa tình trạng phân bị khô, giúp phân mềm hơn và đi qua ruột dễ dàng hơn.
Lactulose – giải pháp điều trị táo bón hiệu quả
Lactulose là một đường đôi, hầu như không được hấp thu ở đường tiêu hóa. Khi đến ruột già, Lactulose được các vi khuẩn tại đây phân hủy thành các acid béo chuỗi ngắn và làm giảm pH trong lòng đại tràng. Đồng thời, áp lực thẩm thấu cũng gia tăng làm tăng giữ nước trong lòng ruột giúp làm mềm phân, tăng khối lượng phân, giảm thời gian lưu trú của phân nhờ kích thích nhu động ruột. Từ đó, giúp việc đi tiêu trở lại bình thường(4).
So với các thuốc điều trị táo bón khác, Lactulose mang lại nhiều lợi ích trong điều trị táo bón với cơ chế tác dụng kép: vừa giúp điều trị táo bón, vừa giúp tăng sinh lợi khuẩn ruột, giúp bảo vệ sức khỏe đường tiêu hóa lâu dài.
Lactulose giúp cải thiện tần suất đi tiêu và tính chất phân
Lactulose được chứng minh mang lại hiệu quả điều trị táo bón cao. Ở trẻ em, dùng Lactulose trong 6 tuần, có số lần đi tiêu được cải thiện đến 83% và làm mềm phân với tính chất phân được cải thiện đến 53%(5).
Lactulose – Tăng sinh vi khuẩn có lợi đường ruột
Ngoài tác dụng nhuận tràng hiệu quả trong điều trị táo bón, Lactulose có đặc tính tăng sinh vi khuẩn có lợi trong đường ruột mà các nhóm thuốc khác không có. Lactulose như là 1 một chất tiền sinh học – prebiotic, có khả năng kích thích sự phát triển của những vi khuẩn có lợi trong đường ruột như Bifidobacteria, giúp tăng cường sức khỏe đường ruột. So với giả dược, với liều 10g/ngày Lactulose giúp tăng sinh 1000 lần lợi khuẩn Bifidobacteria sau 4 tuần điều trị(6)(7).
Đồng thời, Lactulose cũng ức chế sự phát triển của những vi khuẩn có hại như Clostridium và Coliforms, góp phần cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột(6)(7). Tác dụng gia tăng lợi khuẩn, giảm hại khuẩn của Lactulose góp phần hỗ trợ giảm táo bón hiệu quả và phục hồi chức năng hàng rào niêm mạc ruột. Đây là một lợi ích rất quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe đường tiêu hóa lâu dài cho trẻ em.
Hy vọng bài viết này giúp ba mẹ hiểu hơn thông tin về táo bón thường gặp mùa tựu trường để có thể bảo vệ bé con nhà mình tránh khỏi căn bệnh này. Con khỏe mạnh, mẹ yên tâm!
Tài liệu tham khảo:
- Functional constipation in infants, children, and adolescents: Clinical features and diagnosis – Uptodate 2021
- NICE 2010 – Constipation in children and young people: diagnosis and management
- Bản đồng thuận chẩn đoán và xử trí táo bón chức năng trẻ em – Hội Nhi khoa Việt Nam
- Schumann C. Medical, nutritional and technological properties of lactulose. An update. Eur J Nutr. 2002 Nov;41 Suppl 1:I17-25. doi: 10.1007/s00394-002-1103-6.
- Cao Y, Liu SM. Lactulose for the treatment of Chinese children with chronic constipation: A randomized controlled trial. Medicine (Baltimore). 2018 Dec;97(52):e13794. doi: 10.1097/MD.0000000000013794.
- Bouhnik Y, et al. Lactulose ingestion increases faecal bifidobacterial counts: a randomised double-blind study in healthy humans. Eur J Clin Nutr. 2004 Mar;58(3):462-6. doi: 10.1038/sj.ejcn.1601829.
- Ballongue J, et al. Effects of lactulose and lactitol on colonic microflora and enzymatic activity. Scand J Gastroenterol Suppl. 1997;222:41-4. doi: 10.1080/00365521.1997.11720716.