Chế độ dinh dưỡng và hoạt động thể chất ở người bị trào ngược dạ dày thực quản
Trào ngược dạ dày thực quản hay Gastroesophageal Reflux Disease (GERD) là tình trạng bệnh lý khi các chất trong dạ dày vào thực quản gây ra các triệu chứng khó chịu và có/hoặc gây biến chứng. Hiện nay, bệnh ngày càng phổ biến hơn bởi tính chất của xã hội hiện đại, ảnh hưởng đáng kể đến cả thể chất và tinh thần của người mắc bệnh. Chế độ dinh dưỡng và hoạt động thể chất là các yếu tố quan trọng trong cả phòng và hỗ trợ điều trị bệnh.
Nguyên nhân gây bệnh trào ngược dạ dày thực quản là gì?
Bình thường khi nuốt thức ăn, cơ vòng thực quản dưới sẽ mở ra và cho phép đồ uống, thức ăn đi xuống dạ dày sau đó đóng lại để ngăn dòng trào ngược, tuy nhiên trong trường hợp cơ này bị yếu hoặc đóng – mở bất thường sẽ dẫn đến các chất dịch trong dạ dày như axit HCl, pepsin, dịch mật…trào vào thực quản, có thể từng lúc hay thường xuyên dẫn đến tổn thương niêm mạc thực quản, gây ra nhiều triệu chứng và biến chứng.
Các nguyên nhân gây bệnh trào ngược dạ dày, thực quản gồm:
Nguyên nhân do các bệnh lý đường tiêu hóa:
- Suy cơ thắt dưới thực quản: Cơ thắt dưới thực quản là cơ thấp nhất của thực quản nối với dạ dày. Khi trương lực cơ thắt này suy giảm sẽ không thể ngăn dịch dạ dày trào ngược lên.
- Thoát vị hoành: cơ hoành không co đủ cũng làm giảm khả năng co thắt dưới thực quản
- Các bệnh lý dạ dày: Viêm dạ dày, ung thư dạ dày, hẹp môn vị… Các bệnh lý này khiến các chất trong dạ dày chậm tiêu hóa, lưu thông xuống ruột từ đó làm tăng áp lực trong dạ dày.
- Nhiễm vi khuẩn H.pylori: vi khuẩn này gây loét, viêm dạ dày, tăng sản xuất acid,… tạo điều kiện quan trong gây nên GERD
Nguyên nhân khác:
- Stress
- Thói quen ăn uống không lành mạnh: Ăn quá no, ăn đêm, ăn hoa quả có tính axit (cam, chanh…) khi đói, ăn đồ ăn nhanh, chiên rán…
- Béo phì
- Dùng thuốc: các loại thuốc kích thích β thụ cảm, ức chế α, kháng tiết choline, theophylline, thuốc giảm đau, thuốc kháng sinh hoặc thuốc chống viêm
Thực đơn cho người mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản
Ngoại trừ các nguyên nhân mang tính chất bẩm sinh, bệnh lý thì hầu như bệnh trào ngược dạ dày, thực quản có thể phòng tránh và kiểm soát bằng một chế độ ăn khoa học. Vậy trào ngược dạ dày thực quản nên ăn gì, không nên ăn gì?
Không nên x | Nên ✓ |
Ăn quá no, ăn vội; nói chuyện, xem điện thoại, tivi khi ăn | Ăn vừa đủ, chia nhỏ các bữa ăn trong ngày, ăn đúng giờ, đủ bữa Ăn chậm nhai kĩ, tập trung vào việc ăn |
Ăn nhiều đồ ăn dạng lỏng hay uống nước trong hay gần bữa ăn. | Ăn khô: lượng nước tiêu thụ trong mỗi bữa ăn nên dưới 200ml; nhưng vẫn phải đảm bảo lượng nước bổ sung cho cả ngày |
Ăn đồ cay nóng, chiên rán nhiều dầu mỡ, gia vị mạnh; các chất kích thích: bia rượu | Ăn đồ hấp luộc, sử dụng thêm các loại sữa chua bổ sung lợi khuẩn |
Các thực phẩm nên có trong thực đơn:
- Cơm, bánh mì, yến mạch: Tinh bột dễ hấp thu, tốt cho dạ dày.
- Các loại đậu đỗ: Chứa nhiều chất xơ và amino acid, giúp trung hòa acid dịch vị.
- Trái cây: Giàu vitamin và chất xơ, tốt cho tiêu hóa (trừ các loại có chua mạnh như chanh, quất, cam…).
- Gừng, nghệ: Giúp cải thiện chức năng tiêu hóa, chống viêm loét. Có thể bổ sung gừng vào thực đơn hàng ngày hay uống trà gừng, nhấm nháp vài lát gừng sống. Nghệ và mật ong có thể được pha cùng nước ấm vào buổi sáng.
Các bài tập thể chất cho người mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản
Không chỉ cần ăn uống khoa học điều độ mà chế độ tập luyện, vận động cũng giúp hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả hơn, giảm tình trạng trào ngược dạ dày, thực quản.
Tập thể dục là một hoạt động có lợi cho sức khỏe, nhưng nếu tập không đúng cách có thể làm tăng triệu chứng trào ngược dạ dày, thực quản và gây tổn thương cho niêm mạc thực quản. Những bài tập được lựa chọn nên có tính vận động nhẹ nhàng, tránh tạo những áp lực lớn lên vùng bụng, hay tư thế bài tập thể dục “không an toàn” dễ kích hoạt trào ngược.
Các bài tập thể dục nên được áp dụng như: đi bộ, đạp xe, tập thể dục nhịp điệu, tập Yoga. Các động tác nhẹ nhàng, đều đặn ở những môn tập này sẽ giúp cơ thể đảm bảo độ linh hoạt, dẻo dai, tinh thần thư thái lại không gây áp lực quá lớn đến dạ dày. Cần bổ sung nước trong quá trình tập luyện bằng cách nhấm nháp ít một (tránh uống nhiều); ăn nhẹ sau khi ngừng tập để đảm bảo đủ nước, đủ năng lượng, tránh áp lực cho dạ dày.
Những điều cần lưu ý:
- Tránh các bài tập có động tác mạnh, cường độ cao kéo dài như chạy nước rút, nhảy dây, nâng tạ, bóng đá, bóng rổ…
- Tránh các tư thế tập như trồng cây chuối, nâng đầu, uốn cong…
Các bài tập nên áp dụng:
- Đi bộ, đạp xe, tập thể dục nhịp điệu, Yoga: Các động tác nhẹ nhàng, đều đặn sẽ giúp cơ thể đảm bảo độ linh hoạt, dẻo dai, tinh thần thư thái, không gây áp lực quá lớn đến dạ dày.
- Bổ sung nước trong quá trình tập luyện bằng cách nhấm nháp ít một (tránh uống nhiều); ăn nhẹ sau khi ngừng tập để đảm bảo đủ nước, đủ năng lượng, tránh áp lực cho dạ dày.
Kết luận
Trên đây là những gợi ý về chế độ ăn uống và hoạt động thể chất cho người bị trào ngược dạ dày – thực quản. Hy vọng những thông tin này sẽ giúp bạn kiểm soát và giảm thiểu tần suất, mức độ của bệnh.