Bệnh động mạch ngoại biên ở người hút thuốc lá điện tử
Thuốc lá điện tử, dù được quảng cáo là ít độc hại hơn thuốc lá truyền thống, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe, bao gồm cả bệnh động mạch ngoại biên (PAD). Bài viết này sẽ cung cấp thông tin về mối liên hệ giữa hút thuốc lá điện tử và PAD, cũng như các triệu chứng, chẩn đoán và phương pháp điều trị bệnh.
Bệnh động mạch ngoại biên là gì?
Bệnh động mạch ngoại biên là tình trạng hẹp của các động mạch ngoại biên của chân, tay, một số nội tạng hay của đầu mà thường gặp nhất là hẹp các động mạch của cẳng chân. Bệnh này không bao gồm các động mạch chi phối cho tim hay não (hai trường hợp này được gọi là bệnh động mạch vành và bệnh mạch máu não).
Nguyên nhân chính gây bệnh lý động mạch ngoại biên:
Là hẹp tắc do mảng xơ vữa. Lòng mạch bị hẹp lại do lắng đọng mỡ và các chất khác trên thành mạch. Những chất lắng đọng này tạo nên mảng bám vào lớp nội mạc thành mạch tạo thành mảng xơ vữa, các mảng này phát triển dần làm hẹp và có thể tắc nghẽn hoàn toàn dòng chảy trong lòng mạch, gây thiếu máu nuôi cục bộ, hoại tử chi
Triệu chứng của bệnh động mạch ngoại biên:
Đau cách hồi là biểu hiện điển hình của bệnh động mạch ngoại biên. Đau cách hồi là cảm giác đau, nhức, chuột rút, cảm giác khó chịu hoặc mệt mỏi ở chân khi bạn đi lại nhưng cơn đau sẽ biến mất khi bạn được nghỉ ngơi. Có thể nó không phải là cơn đau mãnh liệt mà là cảm giác bị bó chặt, nặng chân khi leo dốc hay leo cầu thang. Cơn đau càng kéo dài thì thời gian đi lại của bạn càng ngắn, dần dần cơn đau sẽ xuất hiện ngay cả khi bạn di chuyển một quãng đường ngắn.
Các triệu chứng khác như:
- Chuột rút ở tay, chân hoặc ở vị trí động mạch bị tắc
- Đau khối cơ sau khi hoạt động
- Lạnh chân
- Đau ngón chân, bàn chân
- Vết thương lâu không lành
- Móng tay, chân chậm phát triển
- Không tìm thấy mạch ở chân hoặc mạch yếu
- Rối loạn cương dương ở nam giới
- Màu sắc bàn chân nhợt nhạt, không có sắc tố
Khoảng 20% bệnh nhân mắc bệnh động mạch ngoại biên không có triệu chứng, đôi khi vì họ không hoạt động đủ để gây thiếu máu cục bộ. Một số bệnh nhân có triệu chứng không điển hình (ví dụ đau hông hay đau khớp).
Khi thiếu máu nặng, loét có thể xuất hiện (thường là ở ngón chân hoặc gót chân, thỉnh thoảng ở chân hoặc bàn chân), đặc biệt là sau chấn thương. Các vết loét có xu hướng được bao quanh bởi các mô đen, hoại tử (hoại tử khô). Tình trạng này thường gây đau, nhưng những người mắc bệnh thần kinh ngoại biên (ví dụ: do bệnh tiểu đường hoặc rối loạn sử dụng rượu) có thể không cảm nhận được tình trạng đó. Nhiễm trùng của vết loét thiếu máu (hoại tử ướt) xảy ra dễ dàng, gây ra viêm tế bào nhanh.
Đây là bệnh có thể xảy ra ở cả nam và nữ với số lượng tương đương nhau. Đặc biệt những người béo phì, mỡ máu cao, bị bệnh tiểu đường, huyết áp, ít vận động. Một yếu tố nguy cơ phải kể đến là do hút thuốc lá. Đây là nguy cơ chính của bệnh động mạch ngoại biên. Những người hút thuốc lá có nguy cơ bị bệnh động mạch ngoại biên sớm hơn khoảng 10 năm những người không hút thuốc.
Tác động của thuốc lá điện tử đối với bệnh động mạch ngoại biên
Hai hóa chất trong thuốc lá gây hại nhất là nicotine và carbon monoxide. Nicotine, ngoài việc gây nghiện, còn gây tác động rất lớn đối với các động mạch trên khắp cơ thể. Nicotine là một chất kích thích, tăng nhịp tim khoảng 20 nhịp mỗi phút với mỗi điếu thuốc. Nó làm tăng huyết áp và là liều thuốc làm co mạch, nghĩa là làm cho các động mạch trên khắp cơ thể trở nên nhỏ hơn. Điều đó khiến tim khó bơm máu qua các động mạch bị tắc nghẽn và khiến cơ thể giải phóng chất béo dự trữ và cholesterol vào máu.
Hút thuốc làm tăng nhanh quá trình xơ cứng và thu hẹp trong động mạch. Quá trình này bắt đầu sớm hơn và tăng khả năng máu đông cục lên cao gấp hai đến bốn lần. Hút thuốc làm giảm mức cholesterol lipoprotein mật độ cao và làm tăng mức cholesterol lipoprotein mật độ thấp. Nghĩa là giảm sự di chuyển của cholesterol qua cơ thể và góp phần tích lũy của nó trong các động mạch của bạn. Điều này khiến bạn có nguy cơ cao bị đau tim, đột quỵ và tắc nghẽn động mạch tại các chi.
Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ đông máu đáng kể. Nếu có cục máu đông trong động mạch và máu không thể đi qua được nữa, mô đáng lẽ phải được cung cấp máu đã mất nguồn oxy và chất dinh dưỡng sẽ chết trong vài phút. Điều này có thể dẫn đến đau tim, đột quỵ và hoại tử chân.
Biến chứng của bệnh động mạch ngoại biên
- Thiếu máu chi đáng kể. Bệnh khởi đầu bằng các cơn đau không khỏi, tổn thương hay nhiễm trùng bàn chân hay cẳng chân. Nhiễm trùng có thể đưa đến hoại thư, đôi khi phải đoạn chi.
- Đột quỵ và cơn đau tim do mỡ lắng đọng tại các động mạch nuôi tim và não, thường gặp hơn ở những người bị bệnh động mạch ngoại biên.
Phòng ngừa bệnh động mạch ngoại biên bằng cách nào?
Duy trì nếp sống tốt là cách phòng ngừa tốt nhất đối với bệnh động mạch ngoại biên:
- Ngừng hút thuốc: Hút thuốc lá bao gồm cả thuốc lá điện tử làm tăng nguy cơ bị bệnh động mạch ngoại biên, nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Do đó, hãy bỏ thuốc lá nếu bạn đang hút. Hành động này sẽ giúp làm chậm tiến triển bệnh động mạch ngoại biên và các bệnh liên quan đến tim mạch khác.
- Duy trì tập luyện thể dục đều đặn hằng ngày (35-40 phút), đây là cách hữu hiệu giúp tăng tuần hoàn máu, cải thiện khả năng lọc máu, cung cấp oxy cho cơ thể.
- Uống đủ nước, ăn uống lành mạnh, chú ý chọn thức ăn dinh dưỡng, tăng cường ăn rau quả, cung cấp đầy đủ vitamin A, B6, C và E, folate, chất xơ và omega 3 cũng như hạn chế thức ăn có quá nhiều chất béo bão hòa hay thức ăn mặn. Tập thói quen ăn nhạt rất tốt cho sức khỏe lâu dài.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.