Giải đáp thắc mắc cây cứt lợn chữa xoang được không?
Cây cứt lợn là một loại thảo mộc mọc quanh năm, dễ sống trên mọi địa hình, mọi loại đất nên loại cây này xuất hiện ở hầu khắp các tỉnh thành nước ta. Ngoài ra, cứt lợn còn là dược liệu thường được sử dụng để điều trị bệnh trong Đông y. Ngày nay, có nhiều thông tin cho rằng cây hoa cứt lợn có tác dụng đặc trị bệnh viêm xoang. Bài viết sau đây sẽ cung cấp thêm các thông tin chi tiết về loài cây này.
Cây cứt lợn là dược liệu thường được sử dụng để điều trị bệnh trong Đông y
Giới thiệu chung về cây cứt lợn
Cây cứt lợn có tên khoa học là Ageratum conzoides L. Ngoài ra, dân gian còn có nhiều tên gọi khác như cỏ hôi, cây hoa ngũ sắc, cây bù xích, cỏ cứt heo, cây hoa ngũ vị, thắng hồng kế,… loài cây này thuộc họ cúc (Asteraceae). Bởi khi vò lá cây ra có mùi hôi và có thể gây nôn, đây cũng là lý do người ta đặt tên cây như vậy. Có thể vì thấy cây có tác dụng chữa bệnh tốt mà lại có cái tên xấu xí nên đặt nó là cây ngũ vị hay cây ngũ sắc.
Loại hoa ngũ sắc này phân bố ở nhiều nơi trên đất nước ta và thường mọc ở những vùng đất hoang, ngoài ruộng đồng. Cây hầu như có quanh năm nhưng tốt nhất là vào mùa hạ. Người ta lấy cả cây và chỉ bỏ phần rễ có thể dùng tươi hoặc đem phơi khô, tuy nhiên chủ yếu được dùng tươi.
Ở một số quốc gia, loài cây này được xem là một loại cỏ dại rất khó kiểm soát và mọc bừa bãi. Tuy nhiên, ở Việt Nam, cây cứt lợn được biết như là một loại thảo dược, giúp điều trị nhiều bệnh. Vậy cây cứt lợn có tác dụng gì? Mời bạn tham khảo bài viết sau đây.
Thành phần hoá học trong cây cứt lợn
Cây cứt lợn có nhiều thành phần tuy nhiên vẫn chưa rõ là những hoạt chất nào. Người ta phân lập được trong cây có khoảng 0,16% tinh dầu đặc (cây khô kiệt) tỷ trọng 1,109. Chỉ số este 11,2, chỉ số acid 0,9, trong tinh dầu có coumarin.
Hoạt chất chứa trong hoa có chứa khoảng 0,2% tinh dầu, mùi khá khó chịu và có thể gây nôn với tỷ trọng 0,9357, αD=9°27. Trong tinh dầu hoa lá đều có cadinen, geratocrornen, caryophyllen, demetoxygeratocromen và một số thành phần khác
Cây cứt lợn thường mọc ở những vùng đất hoang, ngoài ruộng đồng
Tác dụng của cây cứt lợn đối với bệnh xoang
Tác dụng cây cứt lợn đối với bệnh xoang là gì? Theo Y học cổ truyền, cứt lợn có vị cay hơi đắng, tính mát nên có tác dụng thanh nhiệt và giúp giải độc, cầm máu, tiêu sưng hiệu quả. Cũng vì vậy, người ta đã dùng cây cứt lợn để dùng làm thuốc chống viêm, chống phù nề và chống dị ứng trong các trường hợp sổ mũi, viêm họng, viêm xoang, viêm mũi dị ứng cấp và mạn tính.
Theo một số nghiên cứu, các hoạt chất flavonoid, terpen, ancaloit, chromenes, sterol và saponin có tác dụng kháng viêm, kháng khuẩn, chống oxy hóa và chống dị ứng. Nhờ đó, cây cứt lợn chữa viêm xoang là có hiệu quả.
Vào năm 1973, bệnh viện Phú Thọ đã dùng cây hoa cứt lợn chữa viêm xoang dị ứng và đạt được hiệu quả tốt. Khoa tai mũi họng của bệnh viện Việt Nam – Cu Ba và phòng khám tai mũi họng bệnh viện Hai Bà Trưng (Hà Nội) cũng đã áp dụng các chế phẩm của cây cứt lợn để giúp điều trị bệnh viêm mũi xoang. Kết quả đạt được như sau:
- Điều trị viêm xoang mạn tính và viêm xoang dị ứng cho thấy kết quả tích cực. Tác dụng kéo dài, làm giảm ngạt mũi, giảm tiết dịch, giảm viêm, giảm hắt hơi và sổ mũi nhức đầu.
- Cho tác dụng kém với viêm mũi và viêm xoang bội nhiễm nặng .
- Chỉ gây xót trong một thời gian ngắn khi nhỏ chế phẩm vào mũi, ngoài ra sẽ không gây tác dụng phụ với cơ thể.
Một số cách chữa viêm xoang bằng cây cứt lợn
Viêm xoang cấp và mạn tính không chỉ gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người bệnh mà còn gây cản trở nhiều hoạt động sinh hoạt hàng ngày. Do đó, bệnh nhân cần được điều trị dứt điểm và hạn chế tình trạng tái phát nhiều lần gây khó khăn trong việc kiểm soát và điều trị bệnh. Một số chữa viêm xoang bằng cây cứt lợn mà bạn có thể tham khảo như sau:
Uống nước sắc từ cây cứt lợn chữa viêm xoang
Đây là một bài thuốc đơn giản, tiết kiệm mà bạn có thể dễ dàng thực hiện tại nhà. Phương pháp này được xem là tương đối an toàn đối với sức khỏe. Bạn có thể tiến hành theo các bước sau đây:
- Chuẩn bị: Dùng 30 – 50g lá và hoa cứt lợn tươi, sau đó đem rửa thật sạch với nước muối loãng hoặc khoảng 15 – 30g dược liệu khô.
- Cách thực hiện: Dược liệu tươi hoặc khô sắc cùng với 500ml nước sạch, nấu còn lại khoảng 200ml, sau đó chia 2 lần uống sau bữa ăn 1- 2 giờ để tránh kích ứng dạ dày đến khi triệu chứng giảm nhẹ.
Xông hơi là liệu pháp chữa viêm xoang với hoa cứt lợn hiệu quả
Xông hơi là một bài thuốc dùng cây cứt lợn chữa xoang tại nhà hiệu quả và dễ dàng thực hiện với các bước như sau:
Chuẩn bị: Một nắm hoa cứt lợn tươi (bạn có thể dùng cây hoa khô nhưng hiệu quả có thể thấp hơn bởi lượng tinh dầu trong cây khô sẽ ít hơn).
Cách thực hiện như sau:
- Rửa sạch rồi cho vào nồi nước đun sôi
- Nước sau khi sôi thì tắt bếp, trùm khăn kín đầu và bắt đầu xông hơi
- Hít thở sâu từ 10 – 15 phút để tinh dầu có thể đi sâu vào các hốc xoang, đến tận những ổ viêm, từ đó giúp thông thoáng xoang mũi.
Tuy nhiên cần lưu ý, không nên xông hơi ở nhiệt độ quá cao và cũng nên giữ khoảng cách với nồi xông để không bị bỏng. Người bệnh nên kiên trì thực hiện cách này ít nhất mỗi tuần 3 lần và duy trì trong vòng 2 – 3 tuần. Hơn nữa, đừng quên vệ sinh mũi sạch trước và sau khi xông hơi nhé!
Thuốc nhỏ mũi từ cây cứt lợn chữa viêm xoang
Ngoài việc sử dụng nước sắc để uống và xông hơi, bạn có thể chế thành dung dịch nhỏ mũi. Với thành phần chống viêm tự nhiên, nước nhỏ mũi từ cây cứt lợn sẽ giúp giảm nhanh triệu chứng ngứa mũi, nghẹt mũi, chảy nước mũi do viêm xoang gây ra. Với phương pháp này, bạn cần chuẩn bị và thực hiện như sau:
Chuẩn bị: 2 cây cứt lợn có hoa màu tím cùng với 1 lọ nước nhỏ mắt rỗng
Cách thực hiện như sau:
- Cắt bỏ phần rễ cây, sau đó mang thảo dược rửa sạch, ngâm với nước muối loãng khoảng 5 phút để giúp loại bỏ tạp chất, rồi vớt ra rổ, để ráo.
- Dùng cối giã nát cây cứt lợn, ép lấy nước cốt cho vào lọ thuốc nhỏ mắt sau khi đã vệ sinh sạch.
- Sau khi vệ sinh mũi sạch sẽ với nước muối sinh lý, bạn sử dụng dung dịch này nhỏ vào bên trong hai hốc mũi khoảng 3 – 4 giọt.
- Thực hiện mỗi ngày 2 – 3 lần sẽ giúp làm thông thoáng hốc xoang, giảm nhanh các triệu chứng bệnh.
Lưu ý, thời gian đầu khi sử dụng nước cây cứt lợn nhỏ vào mũi sẽ thấy có cảm giác nóng rát. Tuy nhiên, bạn không cần quá lo lắng, đây chỉ là phản ứng tự nhiên và nó sẽ tự mất đi ngay sau đó. Tuy nhiên, nếu tình trạng nóng rát kéo dài, bạn nên ngưng sử dụng để đảm bảo an toàn.
Dùng nước ép cây cứt lợn tẩm bông hút dịch mũi
Cách thực hiện phương pháp này như sau:
- Sử dụng một nắm cây cứt lợn rửa sạch, ngâm cùng với nước muối khoảng 5 phút.
- Sau đó cho vào cối giã nát, ép lấy nước cốt.
- Sau khi thu được nước ép cứt lợn, dùng một miếng bông thấm dung dịch rồi nhẹ nhàng đưa vào hai bên mũi khoảng 15 phút.
Với cách này, bông thấm dung dịch sẽ có tác dụng hút dịch mủ trong xoang mũi, từ đó sẽ giúp hốc xoang sạch dịch nhờn, thông thoáng hơn.
Một số cách chữa viêm xoang bằng cây cứt lợn
Lưu ý khi dùng cây cứt lợn chữa viêm xoang
Cây cứt lợn là loại cây mang lại nhiều lợi ích với sức khỏe cho chúng ta, nhất là đối với bệnh xoang. Dù đây là loại cây lành tính tuy nhiên khi thực hiện chữa viêm xoang bằng cây cứt lợn, người bệnh cũng cần chú ý một số điều sau.
- Cây cứt lợn có mùi hắc hôi nên khó uống, do đó có thể gây nôn ói. Đối với phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ thì không nên sử dụng.
- Dù loài cây này có tác dụng làm giảm triệu chứng xoang nhưng chỉ nên dùng ở giai đoạn xoang nhẹ. Nếu như mũi xoang có mủ bít tắc thì không nên dùng. Khi nước mũi chuyển sang dịch trong, người bệnh có thể phối hợp với các thuốc có tác dụng giảm xuất dịch tiết. Bởi nếu dùng tiếp cây cứt lợn có thể sẽ chảy mũi liên tục.
- Dù lành tính nhưng khi sử dụng thấy bất cứ tình trạng dị ứng phát ban hay ngứa nào thì nên dừng ngay để đảm bảo an toàn.
Kết luận: Cây cứt lợn là một vị thuốc cổ truyền được sử dụng từ rất lâu trong dân gian. Do bởi có nhiều tác dụng quý mà dược liệu này được dùng nhiều trong các bài thuốc chữa bệnh. Tuy nhiên, để có thể phát huy hết công dụng của vị thuốc này đối với sức khỏe, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để có thể kiểm soát rủi ro và những tác dụng không mong muốn.
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.