Hưng cảm là gì? Biểu hiện và phương pháp điều trị hiệu quả
Hưng cảm là một dạng rối loạn cảm xúc đặc biệt, đối nghịch hoàn toàn với trầm cảm. Người bệnh thường ở trong trạng thái dễ bị kích động, phấn khích quá độ,… Bệnh có thể dẫn đến tình trạng hoang tưởng và gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Cùng tìm hiểu chi tiết về bệnh hưng cảm qua bài viết dưới đây nhé!
Hưng cảm là một dạng rối loạn cảm xúc đặc biệt và đối nghịch với trầm cảm
Hưng cảm là gì?
Hưng cảm là tình trạng rối loạn tâm thần trong một thời gian, tình trạng này có thể lặp lại thường xuyên. Cơ thể tăng cường mức độ hoạt động quá độ, đột ngột. Người bệnh thường có cảm xúc phấn khích, biểu hiện tăng khí sắc, tăng cường hoạt động và tư duy hưng phấn một cách quá mức bình thường.
Hưng cảm khiến người bệnh cảm giác hưng phấn và tràn đầy năng lượng, có thể dẫn đến tình trạng mất ngủ hoặc thèm ăn liên tục. Tuy vậy, giữa các khoảng thời gian đó, họ có thể có những biểu hiện suy nhược thể chất, thậm chí biểu hiện dấu hiệu của trầm cảm gián đoạn.
Nguyên nhân dẫn đến hưng cảm là gì?
Hưng cảm là giai đoạn mà người bị rối loạn lưỡng cực gặp phải. Nguyên nhân dẫn đến rối loạn lưỡng cực vẫn chưa rõ ràng, tuy nhiên những ai sinh ra trong gia đình có người từng mắc chứng này thì nguy cơ mắc phải thường rất cao. Theo ý kiến của các chuyên gia, rối loạn lưỡng cực xuất hiện có thể do mất cân bằng hormone bên trong não.
Mặt khác, một số yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng bị hưng cảm bao gồm:
- Mất ngủ hoặc thiếu ngủ trong thời gian dài.
- Gặp tác dụng phụ của thuốc, đặc biệt là thuốc chống trầm cảm SSRI, thuốc kháng viêm steroid.
- Ngộ độc các chất kích thích như cocaine và methamphetamine.
- Nghiện ma túy, rượu bia.
- Di chứng của một số bệnh ác tính.
Hưng cảm là giai đoạn mà người bị rối loạn lưỡng cực gặp phải
Các mức độ của bệnh trầm cảm
Ngày nay, theo phân loại thống kê quốc tế về các bệnh tật và các vấn đề sức khỏe liên quan – ICD, hưng cảm được chia thành 3 giai đoạn:
- Giai đoạn hưng cảm nhẹ (hypomania): Đây là giai đoạn mà bản thân người mắc phải và những người xung quanh có thể không nhận ra. Một số triệu chứng ban đầu thường gặp là bốc đồng, dễ cáu, mất ngủ,…
- Giai đoạn hưng cảm cấp tính (acute mania): Giai đoạn này thường xảy đến đột ngột, khiến cho những người mắc phải hành động thiếu suy nghĩ, thiếu kiềm chế, bộc phát. Một số triệu chứng thường gặp là không ngủ, suy nghĩ nhanh, nói liên tục nhiều chủ đề khác nhau và bắt đầu có những dấu hiệu của tình trạng mất khả năng nhận thức về thực tế.
- Giai đoạn hưng cảm nặng (delirious mania): Giai đoạn này có thể được gọi là mê sảng. Các triệu chứng thường gặp ở giai đoạn này bao gồm các triệu chứng của giai đoạn hưng cảm cấp tính và có thể có tình trạng mê sảng. Một số biểu hiện có thể xảy ra là nói lung tung, mất khả năng nhận thức, mất phương hướng,…
Người bệnh cần được điều trị và chăm sóc tại các bệnh viện chuyên khoa tâm thần
Một số biểu hiện thường gặp của chứng hưng cảm
Cơn hưng cảm có đặc điểm là khởi phát nhanh và đột ngột, có thể trong vài giờ hoặc vài ngày, hoặc thậm chí có những trường hợp đến vài tuần. Một giai đoạn của hội chứng hưng cảm thường được biểu hiện với những thay đổi hưng phấn về khí sắc, hoạt động, tư duy cùng với một số các rối loạn cơ thể.
Các biểu hiện thường gặp bao gồm:
- Dễ bị phân tâm, ảo thanh, ảo giác
- Suy nghĩ nhiều và các ý tưởng nảy ra liên tục.
- Một số rối loạn khác như thèm ăn, ăn nhiều và nhanh
- Ít cảm thấy buồn ngủ, thường chỉ ngủ trong vài giờ mỗi ngày.
- Thích khẳng định bản thân, khoe khoang, hống hách và có cái tôi cao
- Tăng ham muốn tình dục, có thể trở nên sỗ sàng và không biết xấu hổ
- Hành động thiếu suy nghĩ, nên sẽ thường sẽ chi tiền quá mức, thực hiện các hành vi liều lĩnh,…Hoạt động hưng phấn, không thể ngồi yên, bồn chồn, cảm thấy không mệt mỏi nhưng không thể hoàn chỉnh được một việc nào
- Năng lượng cao hơn so với bình thường, hay cười nói, hát nhưng cũng sẽ rất dễ nổi cáu, kích động, không thể tự kiềm chế được bản thân
- Hoang tưởng, phi thực tế trong suy nghĩ (có thể hoang tưởng tự cao và cho rằng mình là người có quyền, địa vị, thậm chí là thần thánh).
Những người mắc chứng hưng cảm có thể tự nhận ra hoặc được người khác góp ý về những thay đổi của bản thân. Tuy vậy, họ thường có xu hướng không tin vào những lời góp ý của người khác. Khi cơn hưng phấn đi qua, điều còn sót lại trong họ là sự hối hận, chán nản, dằn vặt về những điều đã làm.
Người bệnh dễ vui, buồn, cáu gắt và không thể tự kiềm chế được bản thân
Phương pháp điều trị chứng hưng cảm hiệu quả
Biện pháp tư vấn luôn là ưu tiên hàng đầu để hỗ trợ điều trị các bệnh về tâm lý. Những người mắc hội chứng hưng cảm cần nhanh chóng làm dịu bớt cơn hưng cảm bằng cách tiếp xúc, nói chuyện nhẹ nhàng, khéo léo, tế nhị và tránh những lời nói có thể làm kích thích trạng thái hưng cảm.
Đối với các trường hợp nặng, người bệnh cần được điều trị, chăm sóc tại các bệnh viện chuyên khoa tâm thần. Để điều trị, bác sĩ có thể kê toa kết hợp với liệu pháp tâm lý. Thuốc có thể gồm thuốc ổn định tâm trạng và thuốc chống loạn thần. Người bệnh cần phải thử nhiều loại thuốc trước khi tìm ra được phác đồ điều trị bệnh phù hợp nhất.
Ngoài ra, bệnh nhân cần phải áp dụng các biện pháp giúp cải thiện hưng cảm khác như:
- Duy trì chế độ ăn uống cân bằng và đầy đủ dưỡng chất
- Vận động cơ thể một cách hợp lý giúp để giải tỏa năng lượng
- Hạn chế caffeine và tuyệt đối không sử dụng các chất kích thích bất hợp pháp
- Tránh các tình huống căng thẳng về cảm xúc, dễ kích động
- Tránh thức khuya vì không ngủ đủ giấc có thể sẽ kích hoạt các triệu chứng hưng cảm
- Có thể ghi chép nhật ký mỗi ngày để giúp kiểm soát hành vi khi hưng cảm.
Để có thể chữa dứt hưng cảm, bệnh nhân và người nhà cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ để có thể tìm ra được giải pháp tốt nhất. Không nên chần chừ hoặc tự ý dùng thuốc để tránh những rủi ro xấu cho sức khỏe bản thân và những người xung quanh.
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.