LÀM THẾ NÀO PHÁT HIỆN SỚM HEN PHẾ QUẢN?
Việt Nam có khoảng 4,1% dân số mắc hen, tương đương khoảng 4 triệu người. Phần lớn bệnh nhân bị bỏ sót chẩn đoán …
Việt Nam có khoảng 4,1% dân số mắc hen, tương đương khoảng 4 triệu người mắc hen. Phần lớn bệnh nhân bị bỏ sót chẩn đoán do không biết bệnh, không chấp nhận chẩn đoán hoặc có thể bị chẩn đoán nhầm dẫn tới điều trị sai, gây ảnh hưởng tới sức khỏe do tác dụng phụ của thuốc, mất thời gian cho bệnh nhân. Hen là bệnh viêm mạn tính đường thở, với sự tham gia của nhiều tế bào viêm và chất trung gian gây viêm, làm tăng phản ứng quá mức đường thở, co thắt và tắc nghẽn đường thở, xuất hiện các triệu chứng hô hấp như ho, khò khè, nặng ngực và khó thở tái phát, nặng hơn về đêm, biến đổi theo mùa, nặng khi tiếp xúc yếu tố nguy cơ hoặc thay đổi thời tiết, có thể hồi phục tự nhiên hoặc do dùng thuốc.
Vậy làm thế nào để người bệnh nhận biết được dấu hiệu của bệnh lý hen?
Theo GINA (Sáng kiến toàn cầu về quản lý hen) để chẩn đoán bệnh hen có thể dựa vào các dấu hiệu sau:
+ Khó thở, khò khè, thở rít, đặc biệt thì thở ra;
+ Thời điểm xuất hiện cơn khó thở: về đêm, theo mùa, sau một số kích thích (cảm cúm, gắng sức, thay đổi thời tiết, khói bụi);
+ Tiền sử có cơn khó thở kiểu hen: ho khạc đờm, khó thở, cò cử, nặng ngực, nghe phổi có ran rít, ran ngáy;
Những triệu chứng này thường xuất hiện nhiều và nặng vào ban đêm, gần sáng và tái đi tái lại nhiều lần:
. Triệu chứng xuất hiện nhiều hơn hoặc nặng hơn khi thay đổi thời tiết, chuyển mùa,..
. Triệu chứng xuất hiện rõ hoặc xấu đi khi tiếp xúc với các yếu tố khởi phát, dị nguyên như: mạt nhà, lông thú, phấn hoa, khói thuốc, hóa chất, thay đổi thời tiết, nhiễm khuẩn hô hấp, vận động mạnh, xúc động mạnh
– Tiền sử bản thân:
+ Viêm mũi dị ứng, viêm kết mạc dị ứng, dị ứng thuốc, thức ăn.
+ Phơi nhiễm nghề nghiệp: tỷ lệ mắc cao ở những người làm nghề có tiếp xúc thường xuyên với hóa chất như nhựa, cao su; sản xuất giấy, nghề chế biến thực phẩm, thức ăn, nghề xây dựng, luyện kim… có tỷ lệ mắc cao hơn so với các nghề ít phải tiếp xúc với yếu tố nguy cơ của Hen phế quản.
– Tiền sử gia đình: bố mẹ, anh chị em mắc hen (bố hoặc mẹ bị hen thì nguy cơ con cái bị hen tăng 2,5-3 lần)3. Đặc biệt trẻ song sinh, hoặc bố mẹ mắc hen thì nguy cơ xuất hiện bệnh cao hơn hẳn nhóm khác.
– Xác định hen phế quản nếu thấy cơn hen với các dấu hiệu đặc trưng:
+ Tiền triệu: hắt hơi, sổ mũi, ngứa mắt, ho khan, buồn ngủ…
+ Cơn khó thở: lúc bắt đầu khó thở chậm, ở thì thở ra, có tiếng cò cứ người khác cũng nghe được, khó thở tăng dần, sau có thể khó thở nhiều, vã mồ hôi, nói từng từ hoặc ngắt quãng. Cơn khó thở kéo dài 5 – 15 phút, có khi hàng giờ, hàng ngày. Cơn khó thở giảm dần và kết thúc với ho và khạc đờm. Đờm thường trong, quánh, dính.
Cần làm gì khi có dấu hiệu nghi ngờ hen?
Khi nghi ngờ bị hen cần gặp bác sỹ sớm để được khám, làm các xét nghiệm nhằm có chẩn đoán và bắt đầu điều trị kiểm soát hen suyễn sớm.
– Đo chức năng hô hấp (CNHH): là một xét nghiệm không thể thiếu, giúp đánh giá được quá trình thông khí phổi, chẩn đoán xác định bệnh hen, đánh giá mức độ bệnh và phân biệt với các rối loạn hô hấp khác.
– X – quang: giúp phân biệt chẩn đoán Hen phế quản vưới các bệnh lý khác có khó thở.
– Máu: thường bạch cầu ái toan tăng.
– Khí máu: PO2 bình thường hoặc giảm tùy theo mức độ bệnh, chỉ có ích cho đánh giá biến chứng không dùng để chẩn đoán bệnh.
– Test kích thích phế quản: đánh giá sự tăng tính phản ứng của đường thở. Các tác nhân kích thích bao gồm methacholine hít, histamine, vận động, tăng thông khí tự ý với CO2 máu bình thường hoặc mannitol hít.
– Test dị ứng: test lẩy da hoặc định lượng nồng độ immunoglobulin E (lgE) đặc hiệu trong huyết thanh để phát hiện tình trạng quá mẫn với các dị nguyên.
– Oxit Nitric trong khí thở ra (FENO): tăng lên trong hen ái toan.
Ngoài ra, bạn có thể kiểm tra ngay nguy cơ mắc bệnh hen phế quản của mình thông qua việc trả lời bảng câu hỏi tầm soát của Pharmacity, được xây dựng theo tiêu chuẩn IPCRG và GINA tại: Kiểm tra sức khỏe trực tuyến | Đánh Giá Sức Khỏe Nhanh Chóng Tại Pharmacity
Việc này sẽ giúp bạn phát hiện nguy cơ kịp thời, phòng tránh các biến chứng nguy hiểm sau này!
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Epidemiology of adult asthmatics in Vietnam: results from cross – sectional study nationwide, 23th ASCIA 2012
- GINA 2019
- https://asthma.ca/get-help/asthma-3/diagnosis-3/how-to-tell-you-have-asthma/.
- “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị hen phế quản người lớn và trẻ em trên 12 tuổi” – Bộ Y tế 2020.
- http://www.hoihendumdlstphcm.org.vn/index.php/kien-thuc-y-khoa/196-bang-cau-hoi-tam-soat-hen-copd