Lối sống lành mạnh cho người bị tay chân miệng
Bệnh tay chân miệng (Hand Foot Mouth Disease – HFMD) là một bệnh lý do virus gây ra, có khả năng lây truyền trực tiếp từ người này sang người khác, dễ bùng phát thành dịch bệnh nếu không có phương pháp phòng ngừa và kiểm soát kịp thời. Sự xuất hiện các nốt mụn nước tập trung ở vùng niêm mạc miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối là triệu chứng điển hình của tay chân miệng. Bệnh có thể xảy ra ở cả người lớn và trẻ em nhưng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi và có nguy cơ gây ra nhiều biến chứng, thậm chí gây tử vong cao ở trẻ dưới 3 tuổi. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về lối sống lành mạnh cho người bị tay chân miệng qua bài viết dưới đây.
Các lưu ý khi vệ sinh cá nhân hàng ngày
- Rửa tay sạch sẽ với xà phòng trước khi nấu ăn và ăn uống, trước khi cho trẻ ăn, sau khi dùng nhà vệ sinh và sau khi thay tã cho trẻ, đặc biệt chú ý vệ sinh sau khi tiếp xúc với các bọng nước.
- Làm sạch môi trường và các vật dụng dễ bị ô nhiễm (bao gồm đồ chơi, bàn ghế, tay nắm cửa,…) với nước (và xà phòng nếu có thể), sau đó khử trùng bằng các chất tẩy rửa thông thường và rửa lại một lần nữa.
- Tránh các hành vi tiếp xúc gần (như ôm, hôn, dùng chung đồ dùng) với các bệnh nhi khác cũng là một cách để phòng bệnh tay chân miệng;
- Khi đã mắc bệnh, tạm thời không cho trẻ đi mẫu giáo, nhà trẻ, trường học hoặc những nơi đông người cho tới khi các triệu chứng bệnh tay chân miệng ở trẻ em đã lui hẳn.
- Theo dõi chặt chẽ tình trạng bệnh và đưa trẻ đến bệnh viện để được chăm sóc y tế kịp thời nếu nhận thấy triệu chứng sốt cao, li bì, mất tỉnh táo;
- Chú ý che miệng và mũi khi hắt hơi và ho, sau đó vệ sinh tay bằng nước và xà phòng.
- Xử lý khăn giấy và tã lót đã sử dụng bằng việc thải bỏ rác đúng cách, tránh thải bừa bãi ra môi trường chung.
- Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, sân vườn, nơi vui chơi của trẻ sạch sẽ.
- Không cần kiêng tắm: vì khi vệ sinh không tốt sẽ tạo môi trường cho vi khuẩn phát triển, làm cho quá trình hết bệnh chậm, thậm chí gây ra những biến chứng khó lường như hoại tử.
- Không cần kiêng gió vì nếu bé ở trong môi trường bí bách sẽ gây cho tình trạng bệnh nặng hơn. Đặc biệt là trong môi trường không có sự điều hòa tốt thì rất dễ tích tụ virus, vi khuẩn,… khiến trẻ bị bội nhiễm. Tuy nhiên, cũng không khuyến khích cho trẻ bị bệnh tay chân miệng tiếp xúc với gió lớn. Vì thể trạng của bé còn khá yếu khi mắc bệnh, đặc biệt là hệ hô hấp của trẻ nhỏ.
Những thực phẩm cần thiết cho người bệnh
Thực phẩm giàu vitamin A
Đã có nghiên cứu chứng minh trẻ em mắc tay chân miệng có biểu hiện suy giảm vitamin A. Điều này liên quan đến việc giảm khả năng miễn dịch và sự tiến triển nặng của bệnh. Do đó, người bệnh tay chân miệng nên bổ sung thực phẩm chứa vitamin A. Vitamin A thường có mặt trong các loại thực phẩm sau:
- Rau lá xanh: cải xoăn, rau bina, bông cải xanh,…
- Rau củ màu vàng: cà rốt, khoai lang, bí ngô,…
- Cà chua, ớt chuông đỏ, xoài,…
- Gan bò.
- Dầu cá.
- Sữa.
- Trứng.
Thực phẩm giàu kẽm
Kẽm tham gia vào nhiều khía cạnh của quá trình chuyển hóa tế bào. Kẽm cần thiết cho hoạt động xúc tác của hàng trăm enzym và nó đóng vai trò tăng cường chức năng miễn dịch, tổng hợp protein và DNA, chữa lành vết thương, truyền tín hiệu và phân chia tế bào.Kẽm cũng hỗ trợ sự tăng trưởng và phát triển khỏe mạnh trong thời kỳ mang thai, trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và thanh thiếu niên và tham gia vào vị giác.Những thực phẩm chứa nhiều kẽm có thể kể đến như:
- Các loại thịt, đặc biệt là thịt bò
- Cá, hải sản
- Trứng
- Đậu
- Ngũ cốc nguyên hạt,…
Thực phẩm giàu vitamin C
Vitamin C có vai trò quan trọng trong việc chữa lành vết thương, tăng cường hệ miễn dịch. Ngoài ra, vitamin C còn là chất cần thiết cho quá trình tổng hợp collagen, chuyển hóa protein,… Vitamin C có nhiều trong trái cây và rau củ, đặc biệt là trái cây có múi, dưa hấu, cà chua, khoai tây, ớt chuông đỏ, ớt chuông xanh, kiwi, bông cải xanh, dâu tây, mầm cải Brussels, dưa vàng,…
Khoáng chất và vitamin là chất dinh dưỡng vô cùng cần thiết đối người bệnh
Cách điều trị tay chân miệng ở trẻ em
Bệnh tay chân miệng hiện vẫn chưa có vaccine phòng ngừa và thuốc đặc trị. Do đó, khi mắc bệnh, bác sĩ sẽ hướng dẫn điều trị dựa vào các triệu chứng đã xuất hiện, giúp trẻ cảm thấy thoải mái, dễ chịu, đồng thời, ngăn ngừa xảy ra biến chứng nguy hiểm.
Hơn nữa, bệnh do virus gây ra nên thuốc kháng sinh sẽ không được sử dụng trong điều trị bệnh này. Nếu có, thuốc chỉ được sử dụng khi có bội nhiễm do vi khuẩn. Tay chân miệng ở mức độ nhẹ, bệnh có thể được chữa khỏi sau 7-10 ngày với sự hỗ trợ của các loại thuốc hạ sốt, giảm đau, bù nước,… theo chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên, nếu bệnh có dấu hiệu nghiêm trọng, không có dấu hiệu thuyên giảm qua điều trị, chăm sóc tại nhà, trẻ cần được đưa đến bệnh viện để được điều trị tích cực.
Kết luận
Việc duy trì lối sống lành mạnh khi mắc bệnh tay chân miệng đóng vai trò quan trọng trong quá trình phục hồi và phòng ngừa biến chứng. Hãy luôn chú ý vệ sinh cá nhân, giữ môi trường sống sạch sẽ, và bổ sung các thực phẩm giàu dinh dưỡng để tăng cường hệ miễn dịch. Đặc biệt, khi phát hiện triệu chứng bệnh, việc tuân thủ các chỉ dẫn của bác sĩ là vô cùng cần thiết. Sự quan tâm và chăm sóc đúng cách không chỉ giúp người bệnh mau khỏi mà còn ngăn ngừa sự lây lan của bệnh trong cộng đồng.