Những dấu hiệu trở nặng của trẻ mắc tay chân miệng mà cha mẹ cần lưu ý
Bệnh tay chân miệng là bệnh cấp tính do virus gây ra, thường là do nhóm virus đường ruột, điển hình là virus Coxsackievirus A16 (nhóm A16) và Enterovirus 71 (EV71). Trong đó, virus nhóm A16 là loại thường gặp nhất, với các triệu chứng ở thể nhẹ, ít biến chứng. Còn nhóm EV71 gây bệnh nặng hơn, biến chứng nguy hiểm hơn, thậm chí dễ dẫn đến tử vong do viêm màng não, viêm não, viêm cơ tim… Do vậy, qua bài viết này quý phụ huynh có thể nhận biết sớm các dấu hiệu nặng và cách chăm sóc trẻ mắc bệnh là hai yếu tố rất quan trọng giúp giảm tỷ lệ mắc, giảm tỷ lệ tử vong.
Đối tượng nào mắc bệnh tay chân miệng
Bệnh tay chân miệng chủ yếu xảy ra ở trẻ em dưới 10 tuổi, thường là ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Trẻ càng nhỏ thì các triệu chứng càng nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, tất cả những ai chưa từng mắc bệnh đều có nguy cơ lây nhiễm khi tiếp xúc với các dụng cụ hoặc bề mặt bị nhiễm virus do người bệnh chạm vào, nhưng không phải ai bị nhiễm vi rút cũng có biểu hiện của bệnh.
Trẻ em có nguy cơ lây nhiễm vi rút và mắc bệnh cao hơn vì các em có khả năng đề kháng và miễn dịch yếu hơn người lớn. Hầu hết người lớn được miễn dịch nhưng những trường hợp thanh thiếu niên và người trưởng thành bị nhiễm vi rút cũng không phải là hiếm.
Phụ nữ mang thai cần phòng tránh bệnh, không nên tiếp xúc gần gũi với người nhiễm bệnh bởi có khả năng lây nhiễm và truyền virus sang cho con ngay trước khi sinh hoặc trong khi sinh.
Điều đáng lưu ý là một người có thể nhiễm bệnh tay chân miệng nhiều lần do mỗi lần nhiễm bệnh, cơ thể chỉ tạo ra kháng thể với một loại vi rút nhất định. Do đó dù đã từng nhiễm, người bệnh vẫn có thể mắc bệnh trở lại nếu bị nhiễm vi rút khác thuộc nhóm Enterovirus.
Các triệu chứng tay chân miệng trở nặng ở trẻ
Ở trẻ nhỏ hơn sẽ có các triệu chứng điển hình của tay chân miệng như: Không ăn được, bỏ bú đối với trẻ còn nhỏ do đau vì những bóng nước, vết loét ở miệng, bóng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, ở đầu gối, ở mông.
Đa phần trẻ mắc tay chân miệng có diễn biến nhẹ nhưng bệnh cũng có thể có biến chứng nguy hiểm và đặc biệt là diễn biến rất nhanh chỉ trong vòng vài giờ. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng nặng như sốc, viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp thậm chí dẫn đến tử vong.
Các dấu hiệu của bệnh bao gồm: sốt (sốt nhẹ hoặc sốt cao) và tổn thương ở da (rát đỏ, mụn nước ở các vị trí đặc biệt như họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối…). Tuy nhiên, cha mẹ phải rất tinh ý mới phát hiện kịp thời.
Các dấu hiệu bệnh tay chân miệng trở nặng
- Sốt cao không hạ và kéo dài: Khi trẻ mắc bệnh tay chân miệng thường sốt nhưng dấu hiệu trở nặng là trẻ sốt cao không đáp ứng với điều trị. Nếu trẻ sốt trên 38,5 độ C kéo dài hơn 48 giờ và không đáp ứng với thuốc hạ sốt đường uống cần được đưa đến bệnh viện ngay.
- Quấy khóc nhiều: Trẻ có thể quấy khóc nhiều, thậm chí là quấy khóc cả đêm không ngủ. Trẻ cứ ngủ khoảng 15-20 phút lại dậy quấy khóc khoảng 15-20 phút rồi lại ngủ tiếp. Nhiều cha mẹ thường nghe là do bé có các nốt đau miệng nhưng thực tế không phải vậy. Đó là do tình trạng nhiễm độc thần kinh ở giai đoạn rất sớm.
- Giật mình: Đây là dấu hiệu của tình trạng nhiễm độc thần kinh. Chú ý phát hiện triệu chứng này ngay cả khi trẻ đang chơi, quan sát xem tần suất giật mình có tăng theo thời gian hay không.
- Khó thở: Có thể là biểu hiện của tình trạng suy tim, rối loạn huyết động… Phát hiệu triệu chứng khó thở bằng cách quan sát các dấu hiệu co rút cơ hô hấp ở mũi ức, trẻ thở khó nhọc, thở nhanh hơn bình thường, cánh mũi phập phồng….
- Rối loạn ý thức: Có thể là biểu hiện của viêm não, huyết áp thấp… Cần phát hiện rất sớm từ khi trẻ ngủ gà, chậm chạp.
- Tiểu ít: Có thể là biểu dấu hiệu sớm của tình trạng nặng. Tiểu ít là biểu hiện của tình trạng rối loạn huyết động, tụt huyết áp, suy thận. Đánh giá lượng nước tiểu hàng ngày của trẻ bằng cách thu thập nước tiểu vào các dụng cụ có thể đánh giá số lượng như chai nước nhựa.
- Một số dấu hiệu khác: nôn nhiều, nôn khan, yếu chân tay, khó nuốt, đi loạng choạng…
Cách chăm sóc trẻ bị chân tay miệng
Đa số trẻ mắc bệnh tay chân miệng thường sẽ có khả năng tự phục hồi trong vòng 7 – 10 ngày, ngoại trừ những trường hợp kèm biến chứng nặng. Đối với trẻ mắc tay chân miệng thể nhẹ có thể được điều trị và chăm sóc tại nhà theo chỉ định của bác sĩ, tuy nhiên cần đi tái khám theo hẹn để kịp thời phát hiện biến chứng.
Vệ sinh miệng cho trẻ
- Đối với bệnh tay chân miệng ở trẻ, các nốt phỏng mọc trong miệng là vấn đề đáng lưu tâm nhất khiến trẻ đau mãi không ăn được, cũng không cho vệ sinh răng miệng, dẫn đến nguy cơ bội nhiễm, viêm nha chu và nấm miệng. Không nên dùng khăn sữa, bông gạc thấm nước muối để rửa răng miệng cho trẻ vì sẽ dễ gây chạm, vỡ các nốt phỏng, nguy cơ vết loét càng thêm nghiêm trọng.
- Cách vệ sinh miệng tốt nhất cho trẻ là sử dụng nước muối sinh lý cho trẻ súc miệng sau mỗi bữa ăn, trước khi đi ngủ và sau khi ngủ dậy. Khuyến khích trẻ cố gắng uống nhiều nước và súc miệng nước muối. Điều này có thể làm sạch răng miệng mà không gây nguy hiểm.
Dinh dưỡng
Các trẻ bị bệnh tay chân miệng đa phần đều rất biếng ăn, thậm chí có thể không ăn gì do các vết loét trong niêm mạc miệng gây ra nhiều đau đớn. Vì vậy, việc lựa chọn thức ăn cho trẻ cần ưu tiên các loại thức ăn mềm, mát lạnh, nhằm tạo ra cảm giác dễ chịu, chẳng hạn như bột dinh dưỡng, sữa, sữa chua, phô mai,… Nếu trẻ còn bú sữa mẹ, cần tiếp tục cho con bú, vệ sinh răng miệng đầy đủ, nghỉ ngơi và tránh kích thích.
Vệ sinh da
Vệ sinh da là bước cần thiết để tránh bội nhiễm vi khuẩn cho trẻ. Theo đó, phụ huynh có thể tắm cho trẻ bằng các loại thuốc nước có tính sát trùng nhẹ, như nước lá chè, lá chân vịt… Sử dụng dung dịch Betadin bôi và rửa các tổn thương ngoài da sau khi tắm.
Sử dụng thuốc
- Nếu trẻ có sốt, cần cho trẻ dùng thuốc hạ sốt chứa Paracetamol theo hướng dẫn trên tờ thông tin thuốc. Chỉ sử dụng thuốc khi trẻ sốt từ 38,5 độ C trở lên, kết hợp lau mát 2 bên hõm nách và bẹn để hạ nhiệt.
- Tuy nhiên, nếu nhận thấy sau khi dùng thuốc, tình trạng của trẻ vẫn không thuyên giảm mà liên tục kéo dài thì rất có thể là dấu hiệu trở nặng của bệnh tay chân miệng, cần đưa trẻ đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt.
Trên đây là những chia sẻ về dấu hiệu trở nặng của bệnh tay chân miệng và cách chăm sóc trẻ khi bị tay chân miệng. Hy vọng bài viết sẽ đem lại nhiều thông tin hữu ích cho bạn đọc và chăm sóc trẻ tốt hơn.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.