Nhận diện bệnh tay chân miệng: Triệu chứng, nguyên nhân và nhận biết
Tại Việt Nam, bệnh tay chân miệng lưu hành quanh năm ở hầu hết các tỉnh thành với hai đỉnh dịch, từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12. Hàng năm có khoảng 50.000 đến 100.000 trường hợp bệnh tay chân miệng được báo cáo và một số ca tử vong. Khu vực phía Nam chịu ảnh hưởng lớn nhất với số trường hợp bệnh chiếm tới hơn 60% số mắc trên toàn quốc. Năm 2011 Việt Nam ghi nhận sự gia tăng đột biến với 112.370 trường hợp bệnh được báo cáo, trong đó có 169 trường hợp tử vong từ tất cả 63 tỉnh thành trên toàn quốc.
Bệnh tay chân miệng là bệnh gì?
Bệnh tay chân miệng (HFMD) là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, có thể phát triển thành dịch tay chân miệng do virus đường ruột gây ra. Nhiễm trùng do vỡ của các bọng nước ở tay chân và niêm mạc miệng. Tay chân miệng không điển hình do Coxsackievirus A6 thường gây ra sốt cao với tổn thương sẩn, phỏng nước trên da đến tổn thương bọng nước lớn và phỏng nước lan tỏa khắp cơ thể.
Nguyên nhân nào gây ra bệnh tay chân miệng?
Bệnh tay chân miệng là căn bệnh truyền nhiễm thường xảy ra do sự xâm nhập của virus Coxsackie A16 hoặc Enterovirus 71 (EV71) – trong đó EV71 ít gặp nhưng lại gây ra những biến chứng nặng nề hơn. Đây là những chủng virus sống trong đường tiêu hóa và truyền nhiễm từ người này sang người khác thông qua tiếp xúc trực tiếp với nước bọt, chất dịch từ các bọng nước, chất nôn, giọt bắn khi ho hoặc hắt hơi của người bệnh.
Đặc biệt, nghiên cứu cho thấy virus gây bệnh tay chân miệng chỉ có thể bị tiêu diệt ở nhiệt độ 600C trong 15 phút. Ở điều kiện nhiệt độ lạnh – 400C, virus sẽ sống được đến 3 tuần ở môi trường bên ngoài. Do đó, trẻ có thể nhiễm bệnh khi tiếp xúc với đồ ăn, uống, mặt bàn, đồ chơi chung, ghế,…. có chứa virus gây bệnh.
Ngoài ra, bệnh có thể được gây ra do một số chủng virus nhóm A khác như Coxsackie A4-A7, A9, A10 hoặc virus Coxsackie nhóm B (B1-B3, và B5). Do đó, trẻ đã từng mắc bệnh tay chân miệng vẫn có thể tái nhiễm nhiều lần.
Bệnh tay chân miệng thường có những biểu hiện gì?
Bệnh thường bắt đầu với các biểu hiện như:
- Sốt, chán ăn, mệt mỏi và thường xuyên bị đau họng.
- Một hoặc hai ngày sau khi khởi phát sốt, xuất hiện đau trong miệng, có đốm đỏ như phỏng rộp và sau đó trở thành vết loét. Vết loét thường nằm trên lưỡi, nướu răng (lợi) và niêm mạc má.
- Phát ban trên da, không ngứa trong 1-2 ngày với những đốm màu đỏ không nổi hoặc nổi lên, có khi có rộp da. Ban thường nằm trong lòng bàn tay và lòng bàn chân; cũng có thể xuất hiện trên mông và hoặc ở cơ quan sinh dục.
- Người bị bệnh tay chân miệng có thể không biểu hiện triệu chứng, hoặc có thể chỉ có phát ban hoặc chỉ loét miệng.
- Trong một số ít trường hợp, bệnh có thể diễn biến nhanh với các triệu chứng về thần kinh, hô hấp và nhanh chóng dẫn đến tử vong.
Hiện nay, chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, các biện pháp phòng bệnh là vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường hạn chế lây lan (Theo WHO).
Những câu hỏi thường gặp
Mỗi người có thể bị lây nhiễm nhiều lần bệnh tay chân miệng?
Có, người có thể mắc bệnh tay chân miệng nhiều lần do có nhiều tuýp vi rút khác nhau. Người bệnh chỉ miễn dịch đối với một loại vi rút cụ thể, những lần mắc bệnh khác có thể xảy ra do lây nhiễm một loại vi rút tuýp khác.
Điều trị bệnh tay chân miệng như thế nào?
Hiện nay, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh tay chân miệng. Bệnh nhân nên uống nhiều nước và có thể được điều trị triệu chứng để giảm sốt và giảm đau từ vết loét, phòng biến chứng.
Ai có nguy cơ mắc bệnh tay chân miệng?
Tất cả những người chưa từng bị bệnh tay chân miệng đều có nguy cơ nhiễm bệnh, nhưng không phải ai bị nhiễm bệnh cũng xuất hiện bệnh.
Bệnh tay chân miệng xảy ra chủ yếu ở trẻ em dưới 10 tuổi, nhưng thường gặp nhất ở trẻ em dưới 5 tuổi. Các trẻ nhỏ thường dễ bị biến chứng nặng hơn.
Trẻ em có nhiều khả năng bị lây nhiễm và bị bệnh bởi chúng có ít kháng thể hơn người lớn và ít khả năng miễn dịch khi tiếp xúc. Hầu hết người lớn được miễn dịch, nhưng vẫn có trường hợp mắc bệnh ở thanh thiếu niên và người lớn.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.