Nấm miệng ở trẻ em: Những điều cha mẹ cần biết
Nấm miệng là một bệnh lý phổ biến ở trẻ em, gây nhiều khó chịu và lo lắng cho các bậc cha mẹ. Việc nhận biết sớm các triệu chứng và biết cách điều trị, phòng ngừa sẽ giúp con yêu luôn khỏe mạnh và vui tươi.
Dấu hiệu nhận biết nấm miệng ở trẻ em
Bố mẹ có thể dễ dàng nhận biết nấm lưỡi ở trẻ với các triệu chứng điển hình như sau:
- Tại lưỡi, má, vòm họng hoặc môi xuất hiện các mảng trắng nhỏ có hình tròn, dễ bong không gây chảy máu, nhưng khó làm sạch bằng nước.
- Đầu lưỡi loang lổ, khô ở đầu lưỡi.
- Trẻ có dấu hiệu quấy khóc, lười ăn thậm chí là mất vị giác.
- Khi nấm lưỡi mọc dày hơn và lây vào đường thở có thể khiến trẻ khó thở hơn. Hoặc mắc phải các bệnh lý như viêm phổi, tiêu chảy (khi nấm phát triển xuống dạ dày).
Nguyên nhân gây nấm miệng ở trẻ em
Nguyên nhân chính gây ra nấm miệng ở trẻ là do sự hình thành và hoạt động quá mức của loại nấm Candida albicans. Loại nấm này vẫn thường tồn tại trong cơ thể dưới tình trạng chung sống hài hòa. Tuy nhiên, dưới một điều kiện nào đó sẽ tạo cơ hội cho nấm phát triển và gây bệnh. Trong đó có những yếu tố sau làm tăng nguy cơ nhiễm nấm và bị nấm miệng ở trẻ như:
- Lạm dụng kháng sinh: Trẻ dưới 1 tuổi phải sử dụng nhiều loại thuốc, trong đó đặc biệt là lạm dụng kháng sinh, rất dễ dẫn đến tình trạng mất cân bằng chức năng miễn dịch. Hậu quả là các loại vi sinh vật có hại, trong đó có nấm Candida Albicans, có điều kiện thuận lợi để tấn công cơ thể và gây ra bệnh nấm miệng ở trẻ;
- Sức đề kháng kém: Với những bé sinh non, nhẹ cân hoặc thường xuyên ốm yếu, cơ thể có sức đề kháng yếu, hệ miễn dịch suy giảm cũng khiến cho vi khuẩn có hại có cơ hội phát triển. Nhất là những trẻ bị suy dinh dưỡng hoặc sử dụng corticoid đường hít dài ngày để điều trị hen suyễn thì nguy cơ nấm miệng càng cao.
- Nhiễm nấm từ người mẹ: Những trường hợp bà bầu bị nhẫm nấm sinh dục có nguy cơ lây bệnh cho trẻ sơ sinh trong quá trình sinh con. Cụ thể hơn khi sinh đường âm đạo, bé sẽ đi ra khu vực nhiễm nấm nên có nguy cơ rất cao hình thành bệnh nấm miệng. Bên cạnh đó, một số trường hợp trẻ bị nấm miệng từ đầu ti của người mẹ trong quá trình bú sữa;
- Vệ sinh kém: Cơ thể trẻ dưới 1 tuổi, đặc biệt là trẻ sơ sinh, còn rất non yếu với hệ thống miễn dịch chưa hoàn thiện nên bất cứ yếu tố nào không tốt đều có thể làm con bị bệnh. Những trẻ bú bình bị đóng cặn trong khoang miệng, nếu không vệ sinh sạch sẽ có nguy cơ nấm miệng rất cao. Hoặc những trẻ thường xuyên sử dụng ti giả hoặc ngậm nướu vốn đã bị nhiễm nấm mà không được vệ sinh kỹ lưỡng sẽ dễ dàng dẫn đến bệnh nấm miệng.
Phương pháp điều trị nấm miệng ở trẻ em
Trong trường hợp trẻ bị nấm lưỡi ở mức độ nhẹ, mẹ có thể tiến hành điều trị tại nhà bằng cách cho bé súc miệng hàng ngày với nước muối hoặc có thể tẩm dung dịch vào khăn gạc sạch để lau lưỡi cho bé.
Nấm lưỡi dễ tái phát và trở nặng khi không được phát hiện và điều trị đúng cách, do đó, bố mẹ vẫn nên nhanh chóng đưa trẻ đi thăm khám tại các cơ sở y tế khi có dấu hiệu của bệnh. Trong đó, cách điều trị nấm lưỡi ở trẻ được chỉ định phổ biến nhất hiện nay là sử dụng 2 loại thuốc sau:
- Thuốc dạng gel miconazole dùng để tiêu diệt các tế bào nấm ở bên trong miệng. Thuốc được sử dụng bằng cách thoa trực tiếp lên mảng nấm.
- Thuốc nystatin có dạng viên uống hoặc dạng bột để tưa miệng. Loại thuốc này thường được sử dụng khi trẻ không tương thích với việc sử dụng Miconazole.
Lưu ý trong quá trình điều trị nấm miệng cho trẻ
Để trẻ nhanh chóng khỏi bệnh, cha mẹ cần chăm sóc thật cẩn thận và kỹ lưỡng tại nhà. Ngoài ra, cha mẹ cũng nên lưu ý một số điều sau đây:
- Nên sử dụng các loại gạc rơ lưỡi cho trẻ loại mềm mịn, không bị mủn hay rơi rụng sợi lông trong miệng của trẻ.
- Trước khi vệ sinh khoang miệng cho trẻ, cha mẹ cần rửa tay sạch sẽ và vệ sinh gạc bằng nước muối sinh lý hoặc dung dịch NaHCO3 để diệt khuẩn trước khi vệ sinh, chấm thuốc cho trẻ.
- Tuyệt đối không được cạo vảy trắng trên lưỡi của bé bằng mọi cách vì điều này có thể khiến cho lưỡi của trẻ chảy máu, nấm miệng dễ bị nhiễm trùng.
- Không nên tự ý mua thuốc và sử dụng cho trẻ khi chưa thăm khám và có chỉ định của bác sĩ
- Tuyệt đối không hôn trẻ khi trẻ bị nấm vì điều này rất dễ khiến bệnh lý lây lan.
- Trong trường hợp sử dụng thuốc bôi diệt nấm, mẹ cần sử dụng theo một lượng vừa phải để tránh tình trạng tắc nghẽn ở cổ họng làm trẻ bị ngạt thở.
- Không cho bé ăn uống hay bú trong vòng 20 phút sau khi sử dụng thuốc.
- Nấm lưỡi có thể tái phát ngay cả khi đã hết triệu chứng, do đó, mẹ nên sử dụng thuốc cho bé trong ít nhất là 2 ngày tiếp theo.
Phòng ngừa nấm miệng ở trẻ em
Dù là bệnh lý xảy ra rất phổ biến với trẻ nhỏ nhưng bố mẹ vẫn có thể phòng ngừa bệnh lý này một cách hiệu quả. Trong đó, bố mẹ nên lưu ý tới các vấn đề sau:
- Thực hiện vệ sinh răng miệng cho trẻ một cách thường xuyên, sạch sẽ và đúng cách nhất để hạn chế điều kiện phát triển thuận lợi của nấm miệng.
- Sau khi cho trẻ bú sữa, nếu nhận thấy có phần cặn sữa bám ở lưỡi, mẹ nên dùng nước sôi để nguội hoặc nước muối sinh lý 0.9% để vệ sinh lưỡi.
- Thường xuyên tưa lưỡi cho bé: Thường xuyên vệ sinh khoang miệng cho trẻ bằng rỡ lưỡi để bảo đảm miệng của trẻ luôn sạch sẽ, nấm không thể sinh sôi và phát triển được.
- Vệ sinh sạch sẽ các vật dụng núm ti, núm vú giả, bình uống sữa trước khi cho bé ngậm.
- Không tự ý sử dụng các loại thuốc kháng sinh khi chưa được kê toa của bác sĩ.
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh cho trẻ, trong đó, chú ý cho trẻ ăn nhiều rau xanh và hoa quả trong và sau thời gian bị nấm lưỡi.
- Cho trẻ uống đủ nước mỗi ngày. Có thể dùng thay thế nước lọc bằng một số loại nước ép trái cây tự nhiên.
Nấm miệng ở trẻ em tuy không phải là bệnh lý nguy hiểm nhưng gây nhiều phiền toái cho cả bé và gia đình. Nhận biết sớm các triệu chứng, hiểu rõ nguyên nhân và biết cách điều trị, phòng ngừa sẽ giúp cha mẹ bảo vệ sức khỏe cho con yêu một cách tốt nhất. Hãy luôn theo dõi và chăm sóc miệng cho trẻ mỗi ngày, đồng thời đừng ngần ngại liên hệ với bác sĩ nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào. Quan tâm và chăm sóc đúng cách sẽ giúp bé phát triển khỏe mạnh và hạnh phúc.