Tìm hiểu về bệnh tiêu chảy ở trẻ em: Nguyên nhân, triệu chứng và cách xử lý
Tiêu chảy là một căn bệnh thường gặp trong cuộc sống của chúng ta ở cả người lớn và trẻ em. Tuy nhiên, đối với trẻ em cách xử trí từ bậc phụ huynh còn chưa phù hợp dẫn đến tình trạng nghiêm trọng hơn. Bài viết dưới đây sẽ giúp cha mẹ hiểu rõ hơn trong việc chăm sóc và xử trí khi trẻ bị tiêu chảy.
Triệu chứng tiêu chảy ở trẻ em
Tiêu chảy ở trẻ em thường là dấu hiệu cho thấy trẻ bị nhiễm trùng. Trẻ được xem là bị tiêu chảy khi trong phân có nhiều nước hơn bình thường, hoặc đi tiêu trên 3 lần/ngày.
Tiêu chảy là cách cơ thể tự loại bỏ vi trùng và hầu hết các đợt tiêu chảy ở trẻ em sẽ kéo dài từ vài ngày đến một tuần. Tiêu chảy có thể xảy ra kèm theo sốt, buồn nôn và nôn, chuột rút và thậm chí phát ban.
Tiêu chảy ở trẻ em có thể kéo dài vài ngày đến vài tuần
Tiêu chảy có 2 dạng:
- Tiêu chảy cấp ở trẻ: Trẻ đi ngoài phân lỏng kéo dài dưới 14 ngày. Nguyên nhân thường do thực phẩm hoặc nước bị nhiễm khuẩn hoặc do siêu vi.
- Tiêu chảy mãn tính ở trẻ: Tiêu chảy kéo dài trong vài tuần. Tình trạng này xảy ra có thể do nhiều nguyên nhân, thường gặp nhất là do trẻ bị nhiễm trùng hoặc nhiễm ký sinh trùng hội chứng ruột kích thích, hoặc không dung nạp hay dị ứng với thức ăn.
Biểu hiện thường thấy đầu tiên ở những trẻ bị tiêu chảy là những cơn đau bụng quặn thắt, sau đó là đi ngoài phân lỏng nhiều lần. Tình trạng này lặp đi lặp lại trong nhiều ngày (trung bình từ 3 – 5 ngày). Ngoài ra, trẻ còn gặp phải một số triệu chứng khác như:
- Sốt
- Mất cảm giác ngon miệng
- Buồn nôn (cảm giác khó chịu trước khi nôn)
- Nôn nhiều lần
- Sụt cân
- Mất nước
Nguyên nhân gây tiêu chảy ở trẻ em
Có rất nhiều lý do khiến trẻ bị tiêu chảy, có thể nhắc đến:
- Nhiễm trùng đường ruột:
- Do virus: Viêm dạ dày ruột do virus (thường được gọi là “cúm dạ dày”) là bệnh lý thường gặp ở trẻ em gây ra hiện tượng tiêu chảy, buồn nôn và nôn. Các triệu chứng thường kéo dài vài ngày, bệnh nhi (đặc biệt là trẻ sơ sinh) dễ bị mất nước do không bổ sung đủ chất lỏng cho cơ thể.
- Do Rotavirus (thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ)
- Do Enterovirus
- Do vi khuẩn: Nhiều loại vi khuẩn có khả năng gây ra tình trạng tiêu chảy ở trẻ em, chẳng hạn như E. coli, Salmonella, Campylobacter, Shigella… Chúng xâm nhập hệ tiêu hóa sau khi trẻ bị ngộ độc thực phẩm, khiến trẻ đi ngoài phân lỏng và nôn mửa trong vòng vài giờ sau khi bị nhiễm.
- Ký sinh trùng: Giardiasis và Cryptosporidiosis cũng gây tiêu chảy ở trẻ.
- Các nguyên nhân khác:
- Có chế độ ăn nhiều đường (ăn nhiều đồ ngọt, uống nhiều nước trái cây đóng hộp…)
- Dị ứng thực phẩm
- Không dung nạp lactose, fructose hoặc sucrose
- Đang bị các vấn đề về ruột như bệnh celiac, viêm ruột, viêm dạ dày, viêm loét đại tràng…
Cách xử lý khi trẻ bị tiêu chảy
Cách xử trí, điều trị tiêu chảy ở trẻ em phụ thuộc vào nguyên nhân gây nên tình trạng này. Cụ thể:
- Tiêu chảy do nhiễm trùng đường tiêu hóa:
- Tiêu chảy do virus sẽ tự khỏi
- Tiêu chảy do vi khuẩn: thuốc trị tiêu chảy là kháng sinh
- Tiêu chảy do ký sinh trùng: thuốc trị tiêu chảy là thuốc chống ký sinh trùng
- Tiêu chảy do rối loạn tiêu hóa: Tập cho trẻ làm quen với thức ăn mới một cách từ từ, vừa tập vừa lắng nghe phản ứng cơ thể trẻ. Nếu thấy trẻ tiêu chảy/nôn ói sau khi ăn món nào, cần ngưng cho trẻ ăn và thử lại một thời gian sau đó.
- Tiêu chảy do dị ứng thực phẩm:
- Tránh cho trẻ ăn những thực phẩm gây dị ứng. Để xác định trẻ dị ứng với loại thực phẩm nào, bạn hãy ghi nhật ký về những gì bé ăn/uống cũng như thói quen đi tiêu của trẻ.
- Một số loại thực phẩm dễ gây dị ứng ở trẻ là trứng, hải sản, sữa bò, đậu phộng, đậu nành…
- Tiêu chảy do bệnh celiac: Tránh cho trẻ ăn tất cả các loại thực phẩm và sản phẩm có chứa gluten (như lúa mì, lúa mạch, yến mạch, ngũ cốc nguyên hạt…).
- Tiêu chảy do không dung nạp lactose: Nên giảm hoặc tránh các loại thực phẩm/đồ uống làm từ sữa (như sữa tươi, sữa chua, phô mai, bánh ngọt, kem…). Bạn có thể cho trẻ uống các loại sữa hạt thay thế (sữa đậu nành, sữa hạnh nhân, sữa hạt điều…) để ngăn ngừa nguy cơ thiếu canxi ở trẻ.
- Tiêu chảy do không dung nạp fructose hoặc sucrose: Giảm hoặc tránh các loại thực phẩm/đồ uống có chứa các loại đường này.
- Tiêu chảy do bệnh viêm ruột: Nên đến bác sĩ để được thăm khám và kê toa thuốc, phẫu thuật và điều chỉnh chế độ ăn của trẻ.
Ngoài ra, thông tin dưới đây sẽ gợi ý thêm cho mẹ một số gợi ý về chế độ ăn uống khi bị tiêu chảy:
- Cho trẻ uống nhiều nước: nước lọc, nước ép nguyên chất, cháo, súp, nước dừa…
- Cho trẻ ăn ít nhất 6 bữa/ngày. Nếu trẻ ói, ngưng 10 phút, sau đó ăn/uống chậm lại.
- Không tự ý mua thuốc cầm tiêu chảy cho trẻ.
- Cho trẻ đi khám tại cơ sở y tế để chẩn đoán nguyên nhân gây tiêu chảy và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
Cần bổ sung đủ nước và điện giải khi trẻ bị tiêu chảy
- Theo dõi các dấu hiệu nghiêm trọng để đưa trẻ đi khám ngay, cụ thể:
- Nhịp tim nhanh, hạ huyết áp và lờ phờ (mất nước đáng kể)
- Phân có máu
- Nôn dịch mật
- Đau bụng dữ dội và/hoặc bụng chướng căng
- Ban xuất huyết và/hoặc da xanh
Kết luận
Bệnh tiêu chảy ở trẻ em là một vấn đề phổ biến nhưng có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không được xử lý kịp thời. Việc hiểu rõ nguyên nhân, nhận biết triệu chứng và áp dụng các biện pháp xử lý đúng cách sẽ giúp bảo vệ sức khỏe của trẻ. Hãy luôn chú ý đến chế độ ăn uống và vệ sinh cá nhân của trẻ, đồng thời tham khảo ý kiến của bác sĩ khi cần thiết để đảm bảo trẻ được chăm sóc tốt nhất. Hy vọng bài viết đã cung cấp những thông tin hữu ích và cần thiết để các bậc phụ huynh có thể tự tin hơn trong việc chăm sóc con cái.