Nguyên nhân dẫn đến bệnh trầm cảm ở người trẻ
Trầm cảm không chỉ là một vấn đề của người trưởng thành hay người cao tuổi, mà ngày càng nhiều người trẻ tuổi cũng phải đối mặt với căn bệnh này. Với nhịp sống hối hả và áp lực ngày càng tăng, trầm cảm ở người trẻ đang trở thành một vấn đề sức khỏe tâm thần quan trọng. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu trầm cảm là gì, nguyên nhân gây ra bệnh trầm cảm ở người trẻ, và các cách cải thiện tình trạng này một cách hiệu quả.
Trầm cảm là gì?
Theo WHO, trầm cảm là một rối loạn tâm thần phổ biến, đặc trưng bởi sự buồn bã, mất đi hứng thú hoặc khoái cảm, cảm thấy tội lỗi hoặc tự hạ thấp giá trị bản thân, bị rối loạn giấc ngủ hoặc ăn uống và kém tập trung thời gian dài. Các triệu chứng của trầm cảm xuất hiện và kéo dài ít nhất hai tuần sau đó có thể tiếp tục diễn tiến qua hàng tháng hoặc thậm chí là trong nhiều năm. Theo ước tính của WHO tính đến
năm 2020, trầm cảm là bệnh đứng thứ hai trong gánh nặng bệnh lý toàn cầu, chỉ sau bệnh lý mạch vành. Ước tính trên thế giới có khoảng 350 triệu người bị ảnh hưởng bởi trầm cảm. Dựa vào nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc thì tại Việt Nam, có đến gần 29% các trường hợp trẻ vị thành niên mắc phải các vấn đề sức khỏe tâm thần, phổ biến nhất là tình trạng stress, trầm cảm.
Hậu quả nghiêm trọng nhất của trầm cảm chính là hành vi tự sát.
Nguyên nhân bệnh trầm cảm ở người trẻ
Cho đến nay nguyên nhân trầm cảm chưa được rõ, có thể có sự tham gia của nhiều yếu tố, bao gồm sự tương tác qua lại giữa các yếu tố bên ngoài (văn hóa, quan hệ gia đình, quan hệ xã hội…) với các yếu tố bên trong (di truyền, thái độ, tính cách, sang chấn tinh thần, tổn thương thời thơ ấu do sinh học như: tổn thương não, thiếu hụt dẫn truyền thần kinh, mất cân bằng hormon…). Một số yếu tố được cho là nguyên nhân gây ra trầm cảm của người trẻ:
- Yếu tố di truyền: Một trong những nguyên nhân chính là yếu tố di truyền. Trong nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng có hơn 40% các trường hợp trẻ mắc bệnh trầm cảm được tìm thấy có yếu tố liên quan đến gen. Những đứa trẻ có thành viên trong gia đình có tiền sử mắc bệnh trầm cảm hoặc các rối loạn tâm thần liên quan có tỉ lệ mắc bệnh trầm cảm cao gấp 3 lần so với bình thường.
- Stress và áp lực: Các sự kiện căng thẳng như chuyển trường, học tập, thi cử, áp lực đồng trang lứa và thời đại (là việc so sánh sự thành công, có nhà lầu, có xe hơi với những người đồng tuổi, khiến nhiều người trẻ rơi vào bế tắc rồi dần chuyển sang tâm lý tiêu cực), áp lực từ các mối quan hệ xã hội phức tạp, mất việc làm đều có thể gây ra stress lớn và dẫn đến trầm cảm ở người trẻ.
- Tác động từ gia đình: gia đình có vấn đề như ly hôn, xung đột hoặc sự áp đặt của các bậc sinh thành dẫn đến không tôn trọng cảm xúc và suy nghĩ của con cái đã góp phần gây trầm cảm. Trong một số nghiên cứu khoa học cho thấy rằng việc trẻ sinh sống trong gia đình có người bệnh trầm cảm có thể bị ảnh hưởng bởi những cảm xúc, suy nghĩ, hành vi hàng ngày dần hình thành nên những triệu chứng trầm cảm.
- Rối loạn tâm lý: Các rối loạn khác như rối loạn lo âu, rối loạn thích nghi cũng có thể dẫn đến sự phát triển của trầm cảm ở người trẻ. Những người có các vấn đề sức khỏe lâm sàng như bệnh tim mạch, bệnh đái tháo đường cũng có nguy cơ cao hơn.
- Thay đổi hormone: Biến động nội tiết tố trong giai đoạn tuổi dậy thì hoặc sau khi sinh …sự biến động này có thể ảnh hưởng đến tâm lý và cảm xúc của người trẻ.
- Nghiện chất và sử dụng chất gây nghiện: Sử dụng ma túy, rượu bia hoặc các chất kích thích cũng là một nguyên nhân có thể gây ra trầm cảm ở người trẻ.
- Yếu tố xã hội và môi trường: Sự cô đơn, thiếu sự hỗ trợ từ gia đình và xã hội, bị bắt nạt, cảm thấy bị kì thị hoặc không được chấp nhận đều có thể dẫn đến trầm cảm.
Cách cải thiện trầm cảm
Tìm kiếm sự hỗ trợ xã hội:
Trong cuộc chiến với trầm cảm, việc tìm kiếm sự hỗ trợ xã hội là quan trọng. Hãy tìm kiếm sự hỗ trợ từ bạn bè, gia đình hoặc chuyên gia tâm lý. Chia sẻ cảm xúc và không cô đơn trong cuộc chiến với trầm cảm.
Chăm Sóc Sức Khỏe Tinh Thần:
- Vận động thường xuyên: Thể thao và rèn luyện thể chất giúp giảm căng thẳng và cải thiện tâm trạng. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc vận động thể chất có thể giúp giảm các triệu chứng trầm cảm như căng thẳng và lo âu. Cơ thể sản xuất endorphin trong quá trình vận động, đây là một chất dẫn truyền gây cảm giác thích thú và làm giảm đau.
- Chế độ ăn uống lành mạnh: Bổ sung nhiều loại rau xanh, thực phẩm giàu khoáng chất và vitamin. Hạn chế ăn đồ ăn cay nóng, chiên xào dầu mỡ, và thực phẩm có nhiều gia vị, đường, thực phẩm béo.
- Chú ý đến giấc ngủ: Thiếu ngủ có thể làm gia tăng các triệu chứng trầm cảm. Đảm bảo bạn có giấc ngủ đủ và đều đặn. Giấc ngủ tốt ảnh hưởng đến tâm lý và sức khỏe tổng thể.
Học cách quản lý stress
- Thư giãn: Thử yoga, thiền, tập trung vào hơi thở sâu, tự massage bàn tay hoặc sử dụng tinh dầu để thư giãn, nghe nhạc và uống trà, chăm sóc da sẽ giúp tự tin hơn và giảm căng thẳng, tạo thói quen tích cực như thức dậy sớm và viết nhật ký.
- Thiết lập kế hoạch: Đặt mục tiêu và lập kế hoạch để tạo cảm giác kiểm soát.
- Tránh tự trị bằng rượu, chất kích thích và các thiết bị điện tử:
Rượu và chất kích thích có thể làm tăng trầm cảm. Hãy hạn chế sử dụng hoặc tìm kiếm sự hỗ trợ nếu bạn gặp khó khăn. Việc tiếp xúc nhiều với các thiết bị điện tử sẽ làm tình trạng của bạn càng trầm trọng hơn. Vì thế, hãy tiết chế việc sử dụng các thiết bị điện tử nhất có thể.
Trầm cảm ở người trẻ là một vấn đề sức khỏe tâm thần nghiêm trọng nhưng hoàn toàn có thể điều trị và quản lý hiệu quả. Hiểu rõ nguyên nhân của trầm cảm giúp bạn tìm ra những cách cải thiện phù hợp. Từ việc tìm kiếm sự giúp đỡ chuyên môn, thực hành các kỹ thuật quản lý căng thẳng, duy trì lối sống lành mạnh đến xây dựng mối quan hệ tích cực, tất cả đều là những bước quan trọng để bạn có thể vượt qua trầm cảm và sống một cuộc sống khỏe mạnh hơn.
Nếu bạn cảm thấy mình đang phải đối mặt với trầm cảm, đừng ngần ngại tìm kiếm sự giúp đỡ từ các chuyên gia tâm lý hoặc bác sĩ. Hãy nhớ rằng, trầm cảm là một căn bệnh có thể điều trị được và bạn không đơn độc trong hành trình này. Chúc bạn sức khỏe và hạnh phúc!