Rối loạn tăng động giảm chú ý: Biểu hiện và phương pháp điều trị hiệu quả
Rối loạn tăng động giảm chú ý (Attention deficit hyperactivity disorder: ADHD) thường gặp ở trẻ em và sẽ kéo dài đến tuổi trưởng thành. Vậy, rối loạn tăng động giảm chú ý là gì? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp những thông tin cần thiết về chứng ADHD ở người lớn đến bạn đọc.
Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) là gì?
Hội chứng ADHD ở người lớn là gì?
Nhiều người cho rằng hội chứng ADHD chỉ xuất hiện ở những trẻ gặp khó khăn trong việc tập trung hoặc quá bốc đồng hay năng động. Tuy vậy, thực tế người lớn cũng có khả năng mắc hội chứng này.
Vậy, bệnh ADHD là gì? Rối loạn tăng động giảm chú ý ở người trưởng thành là một rối loạn sức khỏe tâm thần, khiến cho người bệnh không thể duy trì các mối quan hệ xã hội, công việc cũng như ảnh hưởng đến học tập.
Đặc điểm về hội chứng ADHD ở người lớn
Rối loạn tăng động giảm chú ý ở người lớn là vấn đề có liên quan đến sức khỏe tâm thần, gồm nhiều tình trạng khác nhau kết hợp lại như khó tập trung chú ý, hiếu động quá mức hay hành động bốc đồng, thiếu suy nghĩ. Từ đó, làm giảm năng suất học tập và làm việc, các mối quan hệ không ổn định, cùng với nhiều vấn đề khác.
Mặc dù ADHD thường xảy ra ở trẻ em và được phát hiện vào giai đoạn thơ ấu, tuy nhiên, một số trường hợp bị bỏ sót và đến độ tuổi trưởng thành mới được chẩn đoán phát hiện. Các triệu chứng ADHD của người lớn thường không rõ ràng như ở trẻ nhỏ, người bệnh vẫn thường có những cơn bốc đồng, khó chú ý.
“Rối loạn tăng động giảm chú ý” (ADHD) là vấn đề có liên quan đến sức khỏe tâm thần
Dấu hiệu mắc bệnh ADHD ở người lớn
Bệnh lý này gặp nhiều ở trẻ em và đối tượng dưới 18 tuổi. Tuy vậy, vẫn có một số ít người trưởng thành gặp các biểu hiện rối loạn tăng động giảm chú ý.
Rối loạn tăng động giảm chú ý đặc trưng bởi một số dấu hiệu sau:
Gặp khó khăn trong việc sắp xếp, tổ chức
Đối với những người mắc bệnh ADHD, họ có xu hướng gặp rắc rối trong việc sắp xếp cũng như tổ chức mọi thứ trong cuộc sống hàng ngày, chẳng hạn như:
- Chi trả các hóa đơn
- Sắp xếp thứ tự công việc
- Vấn đề chăm sóc con cái
Khó khăn trong việc tập trung chú ý
- Dễ bị phân tâm: Người trưởng thành mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý sẽ gặp rất nhiều trở ngại trong cuộc sống hối hả ngày nay. Bản thân người bệnh cũng có thể nhận thấy hậu quả của việc phân tâm như tình trạng hiệu suất công việc kém, đặc biệt là ở môi trường làm việc ồn ào và đông người. Nếu rơi vào trường hợp này, bạn có thể sẽ thấy các cuộc điện thoại hoặc thông báo email mới gây cản trở việc hoàn thành nhiệm vụ đúng hạn.
- Hay quên: Hay quên đồ đạc cá nhân, lịch hẹn, công việc, thường xuyên phải cần người khác nhắc nhở. Khó ghi nhớ thông tin, đặc biệt là đối với những thông tin vừa được nghe hoặc đọc.
- Lơ đễnh: Dễ mắc những sai lầm do thiếu tập trung, bỏ sót các chi tiết quan trọng, thường xuyên phải làm lại công việc. Khó theo dõi hướng dẫn và đặc biệt là hướng dẫn phức tạp hoặc nhiều bước.
- Dễ bị xao nhãng: Dễ bị thu hút bởi những suy nghĩ, cảm xúc hoặc hoạt động khác khi đang làm việc hoặc học tập. Khó cưỡng lại việc kiểm tra điện thoại, mạng xã hội hoặc thường tham gia vào các hoạt động khác khi cần tập trung.
Người bị ADHD thường gặp khó khăn trong việc giải quyết công việc
Cuộc sống hôn nhân gặp khó khăn
Trên thực tế, nhiều người lớn không bị bệnh ADHD cũng có thể gặp những rắc rối trong cuộc sống hôn nhân. Vì vậy, đây không hẳn là dấu hiệu cảnh báo chính cho hội chứng rối loạn tăng động giảm chú ý ở những người trưởng thành. Tuy nhiên, các triệu chứng ADHD có mối liên hệ mật thiết với một hoặc với nhiều vấn đề khác trong cuộc sống vợ chồng. Chẳng hạn, người bạn đời có khả năng lắng nghe kém hay tình trạng không giữ lời hứa là một trong những dấu hiệu chứng tỏ người bệnh không quan tâm đến mình.
Ngược lại, người mắc bệnh ADHD sẽ không hiểu vì sao bạn đời của mình lại buồn bã hay lo lắng. Mặt khác, họ cũng sẽ thấy khó chịu khi bị cằn nhằn hay đổ lỗi về một vấn đề mà họ cho rằng bản thân không có lỗi.
Bồn chồn, hiếu động
- Khó ngồi yên: Luôn di chuyển, gõ chân, vặn vẹo, hoặc thay đổi tư thế liên tục mỗi khi làm việc, học tập hay tham gia các hoạt động khác. Khó chịu khi phải ngồi yên trong thời gian dài.
- Nói nhiều: Nói liên tục hoặc hay chen ngang lời người khác, khó giữ im lặng khi cần thiết. Khó kiềm chế việc chia sẻ cảm xúc hoặc suy nghĩ, cả khi không phù hợp với hoàn cảnh.
- Hoạt động quá mức: Luôn ở trong trạng thái bận rộn, di chuyển liên tục, khó thư giãn. Có xu hướng tham gia nhiều hoạt động cùng lúc, tuy nhiên sẽ khó hoàn thành tất cả.
- Thiếu kiên nhẫn: Khó chờ đợi và dễ cáu kỉnh khi phải chờ đợi. Khó xếp hàng, tham gia các hoạt động tập thể đòi hỏi sự kiên nhẫn.
Người lớn mắc ADHD thường nói liên tục hoặc hay chen ngang lời người khác
Kỹ năng lắng nghe kém
Các vấn đề về tập trung sẽ dẫn đến khả năng lắng nghe kém ở người trưởng thành mắc bệnh ADHD. Từ đó, nhiều cuộc hẹn bị bỏ lỡ và những hiểu lầm không đáng có xảy ra. Một số ví dụ cho trường hợp này có thể là:
- Xao nhãng trong các cuộc họp kéo dài
- Nhầm lẫn về thời gian đón con dù đã được nhắc trước
- Sai thời gian hoặc địa điểm hẹn hò
Hội chứng ADHD có nguy hiểm không?
Đối với người trưởng thành, biểu hiện của ADHD không rõ rệt như trẻ em. Tuy vậy, bệnh lý này vẫn gây ra nhiều ảnh hưởng nếu không được chăm sóc và điều trị. Nguy cơ thất nghiệp cao do thiếu tập trung, công việc chậm trễ và thường xuyên sai sót là ảnh hưởng đầu tiên mà bệnh nhân phải đối mặt. Bệnh nhân cũng có các nguy cơ mắc trầm cảm, rối loạn lo âu bởi vì phải đối mặt với sự phê bình của những người xung quanh, áp lực tài chính hoặc khả năng cạnh tranh trong công việc thấp,…
Người lớn bị rối loạn tăng động giảm chú ý sẽ dễ lạm dụng chất gây nghiện, tham gia đua xe trái phép hoặc sử dụng chất gây nghiện và có những hành vi vi phạm pháp luật với mức độ từ nhẹ đến nghiêm trọng. Đặc biệt hơn, người lớn mắc chứng ADHD thường đi kèm với một số dạng rối loạn nhân cách, vì vậy mà khả năng phạm tội rất cao, nhất là khi không được xã hội chấp nhận.
Hội chứng ADHD có nguy hiểm không?
Phương pháp điều trị hiệu quả ADHD ở người lớn
Hầu hết người trưởng thành đều giảm các triệu chứng ADHD bằng thuốc, tuy nhiên nhiều người vẫn gặp khó khăn trong cuộc sống hàng ngày, công việc hoặc thiếu tự tin do mắc chứng rối loạn thiếu tập trung suốt đời. Kết hợp thuốc cùng với liệu pháp điều trị sẽ giúp cho người bệnh kiểm soát và giải quyết các vấn đề trong cuộc sống hiệu quả hơn. Một số liệu pháp điều trị hội chứng ADHD gồm:
- Liệu pháp trị liệu hành vi nhận thức (CBT)
- Liệu pháp hành vi biện chứng (DBT)
Những liệu pháp này có thể giúp cho người bệnh nhận ra những khó khăn mà hội chứng có thể gây ra trong cuộc sống, từ đó đưa ra cách xử lý phù hợp.
Ngoài ra, bạn có thể khắc phục bệnh bằng cách thay đổi lối sống:
- Tập thể dục thường xuyên: Việc rèn luyện thể chất giúp cải thiện khả năng tập trung chú ý, giảm thiểu sự hiếu động và bồn chồn, đồng thời giúp nâng cao sức khỏe tinh thần cũng như thể chất.
- Chế độ ăn uống khoa học: Ăn nhiều trái cây, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, protein nạc. Hạn chế các thức ăn nhanh, đồ ngọt và đồ uống có ga.
- Ngủ đủ giấc: Người trưởng thành cần ngủ từ 7 đến 8 tiếng mỗi ngày. Ngủ đủ giấc giúp cải thiện khả năng tập trung chú ý, trí nhớ cũng như tâm trạng.
- Quản lý căng thẳng: Tình trạng căng thẳng có thể làm trầm trọng hơn các triệu chứng ADHD. Các kỹ thuật quản lý căng thẳng hiệu quả bao gồm yoga, thiền và chánh niệm.
Bài viết trên đã tổng hợp những thông tin cần thiết giải đáp cho thắc mắc bệnh ADHD là gì. Nếu bạn nghi ngờ mình hoặc người thân mắc ADHD, hãy đến gặp bác sĩ để có thể được chẩn đoán và điều trị sớm nhất nhé.
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.