Sốt vàng: Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị
Sốt vàng là gì?
Sốt vàng là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, thường thấy nhất ở các vùng Nam Mỹ và châu Phi.
Khi truyền sang người, virus sốt vàng có thể gây hại cho gan và các cơ quan nội tạng khác gây tổn thương nhiều phủ tạng, suy gan, suy thận, trụy tim mạch, vàng da vừa hoặc nặng, sốc nhiễm khuẩn, và có khả năng gây tử vong.
Triệu chứng bệnh
Biểu hiện cấp tính.
Thời kỳ khởi phát thường xuất hiện khoảng 3 – 6 ngày từ khi bị muỗi Aedes đốt. Người bệnh có các triệu chứng không đặc hiệu giống nhiễm trùng virus thông thường khác như như sốt cao, 39 – 41 độ C, mệt mỏi, khó chịu, đau mỏi người, đau nhức cơ xương khớp, đau đầu, chán ăn, buồn nôn,… Thăm khám thực thế có thể thấy: da và kết mạc sung huyết, lưỡi đỏ, mạch tương đối chậm không tương xứng với nhiệt độ cơ thể cao, ấn đau thượng vị, gan to, đau, trường hợp nặng có thể có dấu hiệu vàng da.
Người bệnh có thể chuyển sang thời kỳ bệnh thuyên giảm kéo dài khoảng 48 giờ, các triệu chứng lâm sàng cải thiện, sốt giảm, người bệnh cảm thấy khỏe hơn, các xét nghiệm dần trở về ngưỡng bình thường.
Tuy nhiên khoảng 15 % người bệnh diễn biến nặng( sốt vàng nặng) với triệu chứng nhiễm trùng nhiễm độc rầm rộ và biểu hiện rối loạn chức năng nhiều cơ quan. Diễn biến nặng lên thường xảy ra từ khoảng ngày thứ 3 đến ngày thứ 6 sau thời kỳ khởi phát, người bệnh sốt cao trở lại, người mệt lử, vàng da, nôn, buồn nôn, đau bụng vùng thượng bị, rối loạn chức năng gan, thận, tim mạch,… Cơ chế gây bệnh liên quan đến cơn bão cytokine
Nguyên nhân gây ra bệnh
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh sốt vàng là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus sốt vàng gây ra. Virus lây truyền qua đường máu từ người và động vật mang bệnh sang người lành thông qua những vết đốt của muỗi vằn họ Aedes đã nhiễm bệnh. Muỗi Aedes vừa là véc tơ chính của virus sốt vàng, đồng thời cũng là ổ chứa mầm bệnh.
Con người không thể truyền bệnh sốt vàng trực tiếp cho nhau qua thông qua tiếp xúc thông thường, các vật dụng thường ngày, nhưng có thể truyền bệnh trực tiếp vào máu thông qua kim tiêm.
Ngoài ra, người ta còn phát hiện ra một số loài muỗi khác nhau có thể truyền virus sốt vàng. Chúng thường có mặt khắp nơi, nhiều nhất là ở những khu rừng nhiệt đới, truyền bệnh cho khỉ – đây cũng là một vật chủ cho căn bệnh này giống như con người.
Bệnh thường xảy ra nhiều nhất vào mùa mưa, khí hậu nóng (nhiệt độ trung bình trên 20 độ C), khi loài muỗi Aedes phát triển mạnh. Ở khu vực bệnh lưu hành, mọi chủng đều có thể nhiễm virus sốt vàng, trong đó trẻ em là đối tượng dễ bị nhiễm bệnh nhất.
Phương thức lây truyền và đối tượng nguy cơ bị sốt vàng da
Bệnh lây theo đường máu do côn trùng đốt và hút máu người và động vật nhiễm bệnh, sau đó đốt, hút máu và truyền virus cho người lành. Loài muỗi Aedes được coi là véc tơ chính của virus sốt vàng, đồng thời cũng là ổ chứa mầm bệnh.Bệnh không lây truyền do ăn uống, tiếp xúc trực tiếp hoặc qua đồ dùng hàng ngày
Mọi chủng người, giới tính, lứa tuổi khi chưa có miễn dịch đều có thể mắc bệnh sốt vàng, đặc biệt là trẻ nhỏ, tỉ lệ tử vong cao ở người cao tuổi. Vào mùa mưa, muỗi Aedes phát triển mạnh, trong hốc cây chứa nước mưa, các dụng cụ chứa nước tại khu vực nhà ở,… Những người sống tại khu vực này, hoặc du lịch đến khu vực này vào mùa muỗi sinh trưởng mạnh tăng nguy cơ mắc bệnh. Tốc độ lan truyền của virus tương đối nhanh, có thể gây thành dịch. Ngoài ra, nếu truyền máu và các chế phẩm máu hoặc nhận tạng ghép của người bị nhiễm virus, cũng tăng nguy cơ mắc bệnh.
Các phương pháp chẩn đoán
Chẩn đoán dựa vào các yếu tố dịch tễ (sống, du lịch hoặc đến làm việc tại các khu vực lưu hành bệnh như Châu Phi, Nam Mỹ,..), triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng và các xét nghiệm chẩn đoán căn nguyên virus.
Các xét nghiệm chẩn đoán căn nguyên virus bao gồm: Xét nghiệm huyết thanh học, xét nghiệm PCR RNA virus, nuôi cấy và phân lập virus
Bệnh sốt vàng cần chẩn đoán phân biệt với một số bệnh như: tổn thương gan do các virus viêm gan khác (virus viêm gan A, B, C, D, E); bệnh cúm; sốt xuất huyết do các căn nguyên virus khác (ví dụ sốt xuất huyết Dengue nặng,…), sốt rét, bệnh thương hàn, bệnh do Leptospira
Nguyên tắc điều trị
Bệnh sốt vàng hiện chưa có thuốc đặc trị, vì vậy điều trị theo các nguyên tắc: phát hiện, chẩn đoán đúng bệnh; điều trị sớm; tập trung chủ yếu điều trị triệu chứng như giảm sốt, giảm đau, chống xuất huyết; chống suy gan, thận; trợ tim mạch, chống dị ứng; chỉ dùng kháng sinh khi có biểu hiện bội nhiễm vi khuẩn; hạn chế tối đa các biến chứng muộn.
Các biện pháp phòng ngừa bệnh sốt vàng
Bệnh sốt vàng là một căn bệnh lây nhiễm thực sự nguy hiểm không chỉ ở các dấu hiệu phức tạp mà còn ở các biến chứng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Biện pháp dự phòng có hiệu quả nhất đối với bệnh sốt vàng cho đến nay là tiêm phòng vắc xin
Các biện pháp phòng bệnh không đặc hiệu như diệt bọ gậy và diệt muỗi Aedes, tuyên truyền và nâng cao sức khỏe, nâng cao hiểu biết, vệ sinh môi trường sống và vệ sinh thân thể, phát hiện sớm và điều trị kịp thời người bệnh,…
Việt Nam cho tới nay chưa có bệnh nhân sốt vàng, vì thế biện pháp tăng cường kiểm dịch y tế biên giới là rất quan trọng nhằm kịp thời phát hiện, xử lý, quản lý những trường hợp nghi mắc sốt vàng có thể xâm nhập.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.