Tác nhân gây bệnh tay chân miệng và cách phòng ngừa
Bệnh tay chân miệng là một trong những căn bệnh phổ biến mà trẻ em thường gặp, được gây ra bởi virus. Bệnh này có khả năng lây lan nhanh chóng thông qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với dịch tiết từ người bị nhiễm. Bài viết này sẽ giải thích về nguyên nhân của bệnh tay chân miệng và đề xuất những biện pháp phòng tránh hiệu quả để bảo vệ sức khỏe của bạn và gia đình, đặc biệt là trẻ nhỏ.
Bệnh tay chân miệng là gì?
Bệnh tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm do virus gây ra, có biểu hiện đặc trưng là sốt và mụn nước thường xuất hiện tập trung ở lòng bàn tay, lòng bàn chân và ở bên trong miệng.
Bệnh thường không nặng và chỉ gây sốt trong vài ngày, với các triệu chứng nhẹ nhàng. Tuy nhiên, nó có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm cơ tim hoặc phù phổi cấp và dẫn đến tử vong.
Bệnh xảy ra quanh năm, thường gặp vào các tháng 3 – 5 và 9 – 12. Bệnh phổ biến ở trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi, trẻ lớn ít gặp hơn.
Nguyên nhân chính gây ra bệnh tay chân miệng?
Bệnh tay chân miệng do các loại virus thuộc họ Enterovirus gây ra, cụ thể: virus Coxsackievirus A từ 2 đến 8, 10, 12, 14, 16; Coxsackievirus B 1, 2, 3, 5; Enterovirus 71.
Virus Coxsackie A-16 là loại thường gặp nhất; Enterovirus 71 thì ít gặp hơn nhưng có nhiều khả năng dẫn đến các biến chứng hiếm gặp (ví dụ như viêm màng não do virus, viêm não hoặc tổn thương cơ tim).
Loại virus này có sức sống mãnh liệt và dai dẳng, sống được trong khoảng nhiệt rất rộng (từ rất lạnh đến rất nóng). Virus có thể bị tiêu diệt ở nhiệt độ 560 độ C sau 30 phút. Với điều kiện nhiệt độ lạnh – 40 độ C, virus sẽ sống được đến 3 tuần ở môi trường bên ngoài. Trong đó, những môi trường sinh hoạt chung thường là nơi tập trung của virus như đồ dùng ăn uống, mặt bàn, đồ chơi chung, ghế,…
Đường lây nhiễm chính của tay chân miệng là qua hệ tiêu hóa từ tuyến nước bọt hay phân của trẻ nhiễm bệnh.
Cách phòng ngừa tay chân miệng
Hiện chưa có vắc xin phòng ngừa và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh tay chân miệng, nên việc chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa là rất cần thiết.
Chế độ ăn uống
- Đảm bảo chế độ ăn hàng ngày cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng. Đối với trẻ bú mẹ cần tăng cường cho bé bú thành nhiều lần trong ngày.
- Ăn chín, uống sôi.
- Hạn chế thức ăn gây đau rát hoặc tổn thương miệng như đồ chua, mặn hoặc cay, nóng, đặc.
- Tránh những thực phẩm cần nhai nhiều, đổi sang dùng thức ăn mềm nhẹ trong vài ngày.
- Tăng cường uống nước và các loại nước ép trái cây giàu vitamin cho trẻ. Nên dùng đồ uống nguội mát, sữa chua, các món tráng miệng, bánh pudding.
- Súc miệng bằng nước sạch sau mỗi bữa ăn
Chế độ sinh hoạt
- Cách ly đúng cách giữa trẻ bệnh – trẻ lành để hạn chế sự lây nhiễm
- Sử dụng khẩu trang y tế cho trẻ bệnh và người chăm sóc trẻ, rửa tay sạch sẽ ngay sau khi tiếp xúc.
- Vệ sinh cá nhân tốt cho trẻ: Tắm rửa hàng ngày cho trẻ bằng xà phòng với nước sạch. Khuyến khích trẻ rửa tay đúng cách bằng xà phòng dưới vòi nước chảy để ngăn ngừa sự tái nhiễm qua đường tay – miệng. Quần áo, tã lót của trẻ bệnh nên được tẩy trùng sạch sẽ bằng nước sôi trước khi giặt sạch bằng xà phòng.
- Vật dụng ăn uống của trẻ như bình sữa, ly uống nước, bát ăn cơm, muỗng ăn nên được luộc bằng nước sôi và sử dụng riêng biệt.
Cần đưa trẻ đến ngay bệnh viện khi trẻ có một trong những biểu hiện sau:
- Trẻ sốt cao liên tục 39 độ C không hạ sau khi đã hạ sốt tích cực.
- Trẻ giật mình chới với, hốt hoảng, thất thần.
- Trẻ có biểu hiện run tay chân (khi đưa đồ chơi cho trẻ cầm), yếu chân tay, trẻ đi đứng loạng choạng.
- Trẻ đảo mắt bất thường, nôn ói nhiều, quấy khóc (dỗ không nín), co giật, thở mệt…
Tóm lại, bệnh tay chân miệng do virus gây ra, là bệnh truyền nhiễm có thể để lại những biến chứng nghiêm trọng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, đặc biệt ở đối tượng trẻ em. Vì vậy, ba mẹ hãy chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh tay chân miệng để bảo vệ sức khỏe cho trẻ.