Bệnh tay chân miệng (HFMD) là một căn bệnh truyền nhiễm phổ biến, đặc biệt ở trẻ nhỏ, do virus thuộc họ enterovirus gây ra. Bệnh biểu hiện qua các triệu chứng như phỏng nước trên da và niêm mạc miệng, tay, chân, và các vùng khác. Trong khi bệnh thường không nghiêm trọng ở trẻ em, phụ nữ mang thai cũng có thể mắc phải và gặp phải một số triệu chứng như sốt, nổi mụn nước, và mệt mỏi. Dù nguy cơ biến chứng cho thai nhi là thấp, việc theo dõi và chăm sóc đúng cách là rất quan trọng. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về bệnh tay chân miệng, các triệu chứng và phương pháp điều trị cho phụ nữ mang thai
Bệnh tay chân miệng trong thai kỳ và những điều cần lưu ý
Bệnh thường gặp
15/08/2024Bệnh tay chân miệng là gì?
Bệnh tay chân miệng ( tên tiếng anh là HFMD – Hand, foot and mouth disease) là bệnh truyền nhiễm do virus thuộc họ virus đường ruột. Nguyên nhân gây bệnh điển hình do hai nhóm tác nhân là Coxsackie A16 và Enterovirus 71 (EV71). Đây được coi là virus có sức sống mãnh liệt và dai dẳng, sống được trong khoảng nhiệt rất rộng (từ rất lạnh đến rất nóng). Bệnh biểu hiện chính là tổn thương da, niêm mạc dưới dạng phỏng nước tập trung ở niêm mạc miệng, lòng bàn tay, bàn chân, mông, gối.
Nguyên nhân gây bệnh tay chân miệng ở thai phụ
Có nhiều chủng coxsackievirus khác nhau, trong đó coxsackievirus A16 thường là thủ phạm gây ra bệnh tay chân miệng. Coxsackievirus thực chất là một loại virus trong họ enterovirus.
Coxsackievirus gây bệnh tay chân miệng phổ biến nhất ở trẻ em dưới 5 tuổi nhưng nó cũng là tác nhân gây tay chân miệng ở phụ nữ mang thai. Virus này phổ biến ở một số nơi trên thế giới, đặc biệt là châu Á.
Virus này thường không gây nguy hiểm cho phụ nữ mang thai hoặc cho thai nhi. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp tay chân miệng ở phụ nữ mang thai gây biến chứng.
Nếu phụ nữ mang thai tiếp xúc với người mắc bệnh tay chân miệng, virus từ người bệnh có thể truyền sang mẹ bầu. Lúc này, với sức đề kháng yếu trong quá trình mang thai, mẹ bầu có thể xuất hiện các triệu chứng của bệnh tay chân miệng, bao gồm sốt, nổi mụn nước, mệt mỏi, chán ăn… Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp, phụ nữ mang thai bị nhiễm virus gây bệnh tay chân miệng nhưng không có bất kỳ dấu hiệu gì.
Triệu chứng bệnh tay chân miệng ở thai phụ
Có thể nhận biết bệnh tay chân miệng ở phụ nữ mang thai thông qua những triệu chứng sau :
- Thời gian ủ bệnh thường 3-6 ngày, thời gian ủ bệnh chưa xuất hiện biểu hiện bệnh
- Có thể không sốt hoặc sốt nhẹ, có khi sốt cao lên tới 39 – 40 độ C
- Nổi ban nước đỏ, đau rát chủ yếu trên lòng bàn tay, chân và miệng… Ban nước này có thể nằm ở lòng bàn tay, lòng đầu ngón tay, lòng bàn chân, môi, lưỡi, nướu hoặc vòm miệng.
- Đau khi ăn hoặc uống. Phụ nữ mang thai có thể gặp khó khăn trong việc ăn uống và giữ gìn sức khỏe của thai nhi nếu có triệu chứng này.
- Sốt, đau đầu, mệt mỏi và khó chịu.
- Buồn nôn hoặc nôn mửa.
- Đau họng, có thể phát triển thành viêm họng.
Nếu bạn phát hiện một hoặc nhiều triệu chứng trên, nên đi khám bác sĩ để chẩn đoán và điều trị kịp thời. Đồng thời, nên tuân thủ các biện pháp giữ gìn sức khỏe như vệ sinh tay sạch, uống nước đầy đủ và ăn chế độ dinh dưỡng hợp lý.
Phương pháp điều trị tay chân miệng ở thai phụ
Hiện tại, không có biện pháp chữa trị đặc hiệu cho bệnh tay chân miệng ở phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, để giảm thiểu các ảnh hưởng của bệnh tay chân miệng đối với thai nhi và phụ nữ mang thai, có thể áp dụng các biện pháp điều trị tay chân miệng như sau:
- Điều trị triệu chứng: Khi sốt cao trên 38,5 độ dùng hạ sốt paracetamol, sau mỗi 4-6 giờ uống lại nếu còn sốt, bù nước và điện giải. Tuy nhiên với phụ nữ mang thai khi có triệu chứng sốt cao cần phải được bác sĩ chuyên khoa theo dõi.
- Tăng cường vệ sinh cá nhân đúng cách: rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch, giặt quần áo, chăn gối, đồ chơi của bé thường xuyên để tránh lây lan bệnh.
- Ăn uống đúng cách: ăn uống đủ dinh dưỡng, tránh ăn đồ quá nóng, quá lạnh hoặc quá cay để giảm thiểu việc bị khó nuốt.
- Nghỉ ngơi đầy đủ: giảm tải công việc, dành thời gian nghỉ ngơi đầy đủ để cơ thể phục hồi và tăng cường sức đề kháng.
- Tránh tiếp xúc trực tiếp (ôm hôn, sử dụng chung đồ dùng…) với trẻ bị nhiễm bệnh cũng giúp làm giảm nguy cơ lây nhiễm.
- Vệ sinh và làm sạch khu vực sinh hoạt thường xuyên để giảm sự phát tán của vi rút gây bệnh.
- Thường xuyên kiểm tra thai nhi: đi khám thai định kỳ, chụp siêu âm để kiểm tra tình trạng của thai nhi và có biện pháp xử lý kịp thời nếu cần thiết.
- Sử dụng kháng thể: nếu phụ nữ mang thai đã từng mắc bệnh tay chân miệng hoặc tiếp xúc với người bị bệnh, có thể sử dụng kháng thể để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cho thai nhi.
Lưu ý: Nếu phát hiện mắc bệnh tay chân miệng khi đang mang thai, hãy báo ngay cho bác sĩ để được hỗ trợ điều trị và tư vấn kịp thời. Tuyệt đối không tự ý tự điều trị khi mang thai. Luôn luôn tham khảo ý kiến của bác sĩ để được tư vấn và điều trị một cách an toàn và hiệu quả nhất.
Nguyễn Thị Minh Hợi
Đã kiểm duyệt
Dược sĩ Nguyễn Thị Minh Hợi - Tốt nghiệp Đại học Y Dược Thái Bình.Nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực chuỗi bán lẻ Dược phẩm. Hiện là chuyên viên huấn luyện bán lẻ Pharmacity