Thực đơn dinh dưỡng cho người bị tay chân miệng
Bệnh tay chân miệng xuất hiện nhiều nơi, nguyên nhân là do thói quen ăn uống, vệ sinh cá nhân, vệ sinh ngoại cảnh chưa tốt làm mầm bệnh dễ lây lan qua đường tiêu hóa. Ngoài việc tuân theo chỉ định của bác sĩ, chế độ ăn uống và dinh dưỡng cho trẻ cũng rất quan trọng, góp phần đảm bảo sức khỏe của trẻ và làm bệnh thoái nhanh hơn. Do đó, bài viết dưới đây chúng ta cùng tìm hiểu về thực đơn dinh dưỡng cho người bị tay chân miệng và cách chăm sóc người bệnh như thế nào nhé.
Các chất dinh dưỡng cần thiết cho người bệnh tay chân miệng
Trẻ mắc bệnh tay chân miệng cần được chăm sóc vệ sinh và dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ. Vấn đề quan trọng nữa là cần chú ý dinh dưỡng và lựa chọn thực phẩm phù hợp giúp nâng cao sức đề kháng để trẻ nhanh khỏi
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, bổ sung nhóm thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất, đặc biệt là vitamin A, vitamin C, kẽm… sẽ giúp trẻ mắc bệnh tay chân miệng nâng cao sức đề kháng, chống nhiễm trùng và nhanh lành các tổn thương như các vết loét miệng.
Thực phẩm giàu kẽm
- Kẽm là chất dinh dưỡng có vai trò quan trọng đối với hệ miễn dịch, giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng và chống lại nhiễm trùng.
- Nguồn thực phẩm giàu kẽm rất phong phú như: sữa, thịt bò, lòng đỏ trứng, cá, gan lợn, tôm, lươn, hàu, sò, đậu nành, các loại hạt…
Thực phẩm giàu vitamin A
- Ngoài tác dụng bảo vệ mắt, vitamin A còn có một vai trò không thể thiếu đối với hệ miễn dịch. Vitamin A giúp bảo vệ niêm mạc và da, tăng cường sức đề kháng của cơ thể chống lại các bệnh nhiễm khuẩn. Nghiên cứu cũng cho thấy, vitamin A có thể hỗ trợ chữa lành vết thương, thúc đẩy sửa chữa mô và tái tạo tế bào.
- Vitamin A có nhiều trong: thịt gia cầm, gan động vật, cá, tôm, lòng đỏ trứng, sữa…; các loại rau lá xanh đậm hay các loại củ quả có màu vàng đỏ như: gấc, cà rốt, bí đỏ, xoài, đu đủ…
Thực phẩm giàu vitamin C
- Vitamin C là một chất dinh dưỡng thiết yếu cho sức khỏe tổng thể, đặc biệt là tăng cường hệ thống miễn dịch. Trong bữa ăn nên cho trẻ ăn các thực phẩm giàu vitamin C như các loại rau quả: rau ngót, rau dền, rau đay, mồng tơi, cam, bưởi, chuối, xoài, dưa hấu…
Các loại thực phẩm cần hạn chế
Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc giúp trẻ tăng đề kháng và mau hồi phục. Vậy những thực phẩm nào mà trẻ bị tay chân miệng nên kiêng ăn, bố mẹ có thể tham khảo qua một số lưu ý dưới đây:
- Tránh các loại thực phẩm giàu arginine: Arginine được biết đến là một loại axit amin có thể khiến virus sản sinh nhiều hơn. Việc này không có lợi đối với sức khỏe của bé bị tay chân miệng, một số thực phẩm giàu arginine mà bố mẹ có thể tránh cho trẻ sử dụng như nho khô, các loại hạt, lạc (đậu phộng), chocolate…
- Tránh các loại thức ăn cứng, cay nóng hay được nêm nếm quá mặn: Với trẻ bị tay chân miệng thường nổi nốt ban loét ở niêm mạc miệng, việc cho trẻ ăn thực phẩm cay, nóng cứng sẽ làm cho vết loét bị kích ứng mạnh hơn, khiến bé cảm thấy đau rát, khó chịu, vết loét cũng khó lành hơn.
- Tránh các loại thực phẩm giàu chất béo bão hòa: Các loại thực phẩm sẽ khiến da của bé tiết dầu nhiều hơn, vô tình làm cho tình trạng các nốt ban sẽ trở nên trầm trọng hơn. Bên cạnh đó những thực phẩm này thường khó tiêu hóa, trẻ hấp thụ chậm và không tốt với sức khỏe của trẻ đang bị bệnh. Tuyệt đối không dùng các thực phẩm mà bé từng bị dị ứng hoặc đồ ăn lạ.
Chăm sóc người bệnh như thế nào?
- Chăm sóc trẻ nhỏ trong giai đoạn bị bệnh và phục hồi cũng rất quan trọng. Cho trẻ ăn những món ăn mà trẻ muốn ăn, thức ăn cần mềm, loãng cho dễ nuốt, nguội vì thức ăn cứng, nóng làm trẻ đau rát miệng. Có thể thay một bữa ăn uống sữa, ăn bún, miến, phở không cần nhất thiết ăn cháo, cơm.
- Sau mỗi bữa ăn cần vệ sinh sạch sẽ bằng cách cho trẻ súc miệng để trẻ nghỉ ngơi không ăn vặt trong 3- 4 giờ sau đó mới cho ăn bữa khác. Sau khi chăm sóc trẻ mắc bệnh cần rửa tay kỹ với xà phòng. Không được chọc vỡ các mụn nước bọng nước trên da trẻ bệnh. Giặt các đồ dùng của bệnh nhân và lau phòng ở của bệnh nhân bằng các dung dịch sát khuẩn có chlor.
- Thông thường do trẻ mắc bệnh tay chân miệng ngắn (khoảng từ 5-10 ngày) nên không cần ép trẻ ăn quá nhiều . Tuy nhiên, cần cho trẻ ăn ăn uống đủ chất như cháo thịt nạc để protein và kẽm đầy đủ để tạo kháng nguyên, kháng thể cho trẻ. Các bậc cha mẹ có thể bổ sung vitamin C cho trẻ qua các loại thực phẩm như rau xanh, bắp cải, đu đủ, còn vitamin PP có nhiều trong các thực phẩm như gan, thận, ngũ cốc. Đối với những trẻ bắt đầu bắt đầu có dấu hiệu mụn nước vỡ là bệnh đã thoái trào, cần bổ sung thêm nhiều vitamin A qua các loại thực phẩm như cà rốt, ngô… để hỗ trợ bệnh mau lành, chống bội nhiễm.
- Nếu trẻ không thích ăn bún, miến, phở có thể cho trẻ ăn cháo, súp gà. Món ăn này đã trở thành bài thuốc quen thuộc dành cho người ốm. Cháo, súp gà rất tốt cho cơ thể, chúng có tác dụng ngăn chặn sự viêm nhiễm xảy ra ở tế bào trong cuống phổi, thúc đẩy hệ miễn dịch. Để tăng lượng dinh dưỡng, nên nấu súp gà với nấm. Hoặc có thể nấu nấm, thịt bò vì thực phẩm này chứa các thành phần dinh dưỡng tốt cho sức khỏe, giúp cơ thể sản sinh ra các tế bào bạch cầu và khiến các tế bào này trở nên khỏe mạnh, năng động hơn. Trong thịt bò có chứa kẽm, một thành phần quan trọng giúp cung cấp cho cơ thể đang thiếu hụt dưỡng chất. Nhiều người cho rằng ăn thật nhiều rau là ổn và cắt giảm tối đa lượng thịt bò (thịt đỏ), tuy nhiên cần thiết phải có chế độ dinh dưỡng đầy đủ và cân bằng rất tốt ở trẻ mắc bệnh.
Kết luận
Chăm sóc dinh dưỡng cho người bệnh tay chân miệng đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình hồi phục. Việc lựa chọn thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất như vitamin A, C, và kẽm sẽ giúp tăng cường hệ miễn dịch và làm lành nhanh chóng các vết loét. Đồng thời, tránh những thực phẩm cứng, cay nóng, hoặc giàu chất béo bão hòa để không làm tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn. Hy vọng rằng những thông tin trên sẽ giúp bạn xây dựng thực đơn dinh dưỡng hợp lý và hiệu quả cho người bệnh, góp phần hỗ trợ quá trình hồi phục nhanh chóng. Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, hãy liên hệ ngay với các chuyên gia y tế để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.