Tê bàn tay ở người làm văn phòng: làm sao để khắc phục?
Tê bàn tay là một trong nhiều số triệu chứng bệnh lý cơ xương khớp thường gặp ở dân văn phòng. Thông thường, tình trạng trên có thể tự khỏi nếu có chế độ nghỉ ngơi và sinh hoạt điều độ. Tuy nhiên, nếu bạn bị tê bàn tay thường xuyên và kéo dài không rõ nguyên nhân thì có thể đây là biểu hiện của bệnh lý nghiêm trọng. Vậy tê bàn tay ở người làm văn phòng: làm sao để khắc phục? Cùng tìm hiểu ở bài viết dưới đây.
Tê bàn tay biểu hiện như thế nào?
Tê bàn tay xảy ra là do các rễ thần kinh đang bị tác động, chèn ép lên hoặc đang bị chèn ép. Tình trạng này dẫn đến tê hoặc châm chích ở các đầu ngón tay, cảm giác giống như bị kiến bò, sau đó lan dần cả bàn tay, thậm chí là cánh tay.
Nếu thỉnh thoảng bạn thấy tê bì tay thì đó chỉ là hiện tượng bình thường, sau khi nghỉ ngơi, thư giãn một chút, cảm giác đó sẽ không làm phiền chúng ta nữa. Tuy nhiên, chúng ta không nên chủ quan nếu tình trạng này xảy ra thường xuyên. Đây có thể là triệu chứng của một số bệnh lý nghiêm trọng.
Tại sao người làm văn phòng dễ bị tê bàn tay
Tê bàn tay là triệu chứng thường gặp ở người làm văn phòng do phải thường xuyên dùng chuột, bàn phím máy tính, điện thoại thông minh trong thời gian dài. Trong số các nguyên nhân gây tê mỏi bàn tay thì hội chứng ống cổ tay là nguyên nhân thường gặp nhất.
Một báo cáo tại Châu Âu cho thấy hơn 60% các rối loạn cơ xương khớp liên quan đến công việc là hội chứng ống cổ tay. Hội chứng ống cổ tay là một bệnh lý chèn ép thần kinh thần kinh giữa ở đoạn đi qua cổ tay. Triệu chứng đặc trưng bởi đau tay, tê và dị cảm trong vùng chi phối của dây thần kinh giữa gồm: ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa và một nửa ngón đeo nhẫn. Bệnh kéo dài có thể làm giảm sức mạnh cầm nắm và chức năng bàn tay.
Cách khắc phục tê bàn tay
Massage
Sử dụng các loại tinh dầu như dầu ô liu, dầu dừa rồi massage nhẹ nhàng lên khu vực bị tê theo vòng tròn cho đến khi vùng bị tê nóng lên. Phương pháp điều trị tê bàn tay tại chỗ này giúp đẩy nhanh lưu thông máu, “đánh bay” triệu chứng tê bàn tay ngay tại thời điểm thực hiện.
Chườm nóng
Nhúng miếng vải vào nước nóng rồi chườm vào vùng bị tê trong 5 – 10 phút. Lặp lại cho đến khi hết tê. Người bệnh cũng có thể sử dụng vòi nước ấm, miếng dán hoặc dùng túi chườm nóng.
Nẹp
Bạn có thể đeo nẹp để bảo vệ bàn tay, giữ cho cổ tay thẳng, giúp giảm áp lực lên các dây thần kinh. Tùy vào điều kiện, bạn có thể đeo nẹp vào ban ngày hoặc buổi tối. Phương pháp điều trị tê bàn tay này thường được áp dụng với trường hợp tê bàn tay do hội chứng ống cổ tay.
Các bài tập đơn giản và tập được tại chỗ phù hợp cho người văn phòng
Bài tập nắm tay
Căng bàn tay hết sức đến khi bạn thấy chặt, không đau. Nhẹ nhàng nắm tay lại, ngón cái để trước, giữ 30 – 60 giây, sau đó bung rộng các ngón tay. Làm cả hai bàn tay, lặp lại 4 lần. Bài tập này làm tăng sức mạnh bàn tay của bạn, tăng khả năng vận động và giúp giảm đau
Bài tập căng ngón tay
Úp bàn tay xuống bàn phẳng, nhẹ nhàng làm phẳng lòng bàn tay xuống mặt bàn phẳng (chú ý không dùng lực của các khớp ngón tay, cổ tay), giữ 30-60 giây, lặp lại 4 lần, làm hai tay.
Bài tập móng vuốt
Giúp cải thiện tầm vận động khớp ngón tay. Giữ hai tay trước mặt, lòng bàn tay hướng về phía bạn. Co các ngón tay sao cho đầu móng chạm vào gốc ngón, lúc này trông giống như kiểu “móng vuốt”. Giữ 30 – 60 giây rồi thả ra. Lặp lại 4 lần mỗi tay.
Bài tập tăng sức nắm
Giúp bạn mở nắm cửa dễ dàng hơn, cầm vật tránh bị rơi. Giữ trái banh mềm trong lòng bàn tay, ép càng chặt càng tốt. Giữ vài giây rồi thả ra. Lặp lại mỗi tay 10-15 lần, 2-3 lần/tuần nhưng nên nghỉ khoảng 2 ngày giữa các lần tập. Không tập bài này khi ngón cái bị tổn thương.
Bài tập tăng sức kẹp
Làm tăng sức cơ của ngón tay và ngón cái, giúp bạn mở khóa, mở gói thức ăn dễ dàng hơn. Kẹp một trái banh mềm giữa các ngón tay. Giữ 30-60 giây. Lặp lại 10-15 lần cả hai tay, 2-3 lần/tuần nhưng nên nghỉ khoảng 2 ngày giữa các lần tập. Không tập bài này khi ngón cái bị tổn thương.
Bài tập nâng ngón tay
Đặt tay trên bàn phẳng, lòng bàn tay úp. Nhẹ nhàng nâng ngón lên rồi từ từ hạ xuống. Có thể nâng cùng lúc ngón cái và các ngón tay khác. Tập 8 – 12 lần mỗi ngón. Bài tập này giúp tăng tầm vận động và độ linh hoạt ngón tay.
Biện pháp phòng ngừa tê bàn tay ở người làm văn phòng
- Trước tiên, bạn cần nhận ra các tư thế làm đau mỏi cổ tay, bàn tay. Nếu được, bạn hãy hạn chế tối đa các tư thế này, hoặc ít nhất là giảm thiểu các động tác này lặp đi lặp lại ở cổ tay.
- Điều chỉnh tư thế cổ tay, bàn tay khi sử dụng chuột và bàn phím sao cho trục cổ tay và trục bàn tay nằm trên đường thẳng. Tránh hiện tượng cổ tay bị gập hoặc ưỡn quá mức.
- Thay đổi các hoạt động công việc trong ngày hoặc tránh kéo dài một tư thế làm việc quá lâu, nhất là các hoạt động đơn điệu lặp đi lặp lại.
- Nên bố trí thời gian nghỉ ngắn giữa buổi, vận động các động tác thư giãn cho cổ tay ngay tại chỗ làm như xoay cổ tay.