Thoát vị đĩa đệm ở người trẻ tuổi
Thoát vị đĩa đệm là gì?
Thoát vị đĩa đệm là một thuật ngữ chỉ tình trạng xảy ra khi nhân nhầy của đĩa đệm cột sống chệch ra khỏi vị trí bình thường, xuyên qua dây chằng chèn ép vào các rễ thần kinh gây tê bì, đau nhức. Tình trạng này thường là kết quả của sang chấn hoặc do đĩa đệm bị thoái hóa, nứt, rách, có thể xảy ra ở bất kì khu vực nào của cột sống. Trên thực tế, thường hay gặp hiện tượng đau lan tỏa từ thắt lưng xuống chân (đau dây thần kinh tọa) do thoát vị đĩa đệm ở cột sống thắt lưng là phổ biến nhất.
Nguyên nhân mắc bệnh thoát vị địa đệm ở người trẻ
Thoát vị đĩa đệm chủ yếu xảy ra do hậu quả của quá trình lão hóa tự nhiên. Nhưng ngày nay, bệnh đang có xu hướng trẻ hóa nhanh hơn.
Tính chất công việc: Những người phải thường xuyên làm các công việc bốc vác nặng sẽ tổn thương cột sống và có nguy cơ mắc thoát vị đĩa đệm nhiều hơn. Bên cạnh đó, những nhân viên văn phòng, lái xe,… phải ngồi một chỗ quá lâu trong thời gian làm việc cũng gây áp lực lên cột sống.
Ảnh hưởng chấn thương: Những chấn thương khi tập luyện, chơi các môn thể dục thể thao cường độ mạnh,… cũng sẽ tổn thương đến cột sống, gia tăng nguy cơ bị thoát vị đĩa đệm ở người trẻ tuổi.
Thói quen sinh hoạt: Nhiều người trẻ vẫn giữ những thói quen xấu trong sinh hoạt hàng ngày như đứng, ngồi cong vẹo, gù lưng, đeo vật nặng lệch một bên hay lười vận động,… đây chính là những tác nhân gây thoát vị đĩa đệm.
Thói quen ăn uống: Ăn uống không đủ chất, lạm dụng đồ ăn nhanh, bỏ bữa sáng,… cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của cơ thể. Xương khớp không đủ dưỡng chất sẽ yếu và lão hóa nhanh hơn. Đồng thời, nếu bị thừa cân, béo phì, trọng lực dồn lên cột sống nhiều hơn, nguy cơ bị thoát vị đĩa đệm cũng vì đó mà gia tăng.
Bẩm sinh: Thoát vị đĩa đệm có thể liên quan đến các bệnh lý bẩm sinh như hẹp ống sống , thoát vị nhân tủy hay dị tật cột sống bẩm sinh.
Triệu chứng và dấu hiệu thoát vị địa đệm
Triệu chứng của thoát vị đĩa đệm có thể khác nhau tùy theo từng giai đoạn bệnh, cụ thể như:
Giai đoạn đầu
Ở giai đoạn này, đĩa đệm bắt đầu thay đổi hình dạng và bị bao xơ, mất tính đàn hồi, làm cho nhân nhầy dễ thoát khỏi vị trí bình thường. Mặc dù vậy, bao xơ chưa rách hoàn toàn và vùng chèn ép không quá lớn, do đó nhiều người chỉ cảm nhận tê cứng nhẹ ở vùng lưng hoặc cổ.
Giai đoạn tiến triển
Theo thời gian, bao xơ tiếp tục suy yếu và bị rách vỡ. Nhân nhầy bắt đầu thoát ra ngoài và chèn ép vào các rễ thần kinh. Các cơn đau xuất hiện khi nhân nhầy chèn ép vào các rễ thần kinh, gây ra những cảm giác đau và không thoải mái.
Giai đoạn nặng
Ở giai đoạn này, thoát vị đĩa đệm trở nên nghiêm trọng hơn, với khối đĩa đệm lớn và chèn ép nghiêm trọng vào các cấu trúc xung quanh. Cơn đau trở nên dữ dội, thường xuyên và kéo dài. Cơn đau có thể xuất hiện tại vùng thoát vị và xuống các vùng như vai, gáy, cánh tay, bàn tay, hông và chân. Bên cạnh đó, cơn đau có thể tăng lên khi người bệnh thực hiện các hoạt động vận động mạnh và giảm đi khi nghỉ ngơi. Ngoài ra, một số trường hợp, người bệnh có cảm giác tê bì ở ngón tay, ngón chân hoặc cảm giác châm chích.
Giai đoạn cuối
Trong trường hợp nghiêm trọng nhất, thoát vị đĩa đệm có thể dẫn đến mất khả năng vận động, khả năng kiểm soát đại tiểu, tiểu tiện và có thể gây teo cơ, biến dạng cơ thể, thậm chí dẫn đến tàn phế.
Cách phòng tránh thoát vị địa đệm cho
Để bảo vệ cột sống và ngăn ngừa nguy cơ thoát vị đĩa đệm khác, nên chú ý các biện pháp sau để phòng ngừa:
- Luôn ngồi và đứng thẳng lưng.
- Nếu đứng lâu, nên gác nhân lên vật nào đó để giảm áp lực cho lưng.
- Tránh bê nâng các vật quá nặng.
- Nếu nâng vật nặng, cần ngồi xuống rồi từ từ nâng lên, tránh uốn cong vùng thắt lưng rồi bê lên đột ngột.
- Duy trì cân nặng ổn định để hạn chế áp lực lớn lên cột sống.
- Tránh hút thuốc vì thuốc lá gây xơ cứng động mạch, làm tổn thương đĩa đệm.
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, tăng cường các món giúp chắc khỏe xương.
- Vận động điều độ, phù hợp với thể chất. Để an toàn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.