Cách trị viêm họng tại nhà hiệu quả, an toàn
Viêm họng là một căn bệnh phổ biến, thường gặp ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là trẻ em. Bệnh gây ra nhiều triệu chứng khó chịu như đau rát họng, ho, sốt, nuốt khó,… Ảnh hưởng đến sinh hoạt và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Có nhiều cách trị viêm họng tại nhà đơn giản, hiệu quả và an toàn mà bạn có thể áp dụng để giảm bớt các triệu chứng khó chịu và giúp cơ thể mau chóng hồi phục. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ chia sẻ với bạn một số cách trị viêm họng tại nhà hiệu quả, được nhiều người tin dùng.
Bệnh viêm họng là gì?
- Đau họng là tình trạng sưng, đau rát khi nuốt, có thể cảm thấy khô và ngứa họng.
- Có thể là triệu chứng của viêm họng liên cầu khuẩn, cảm lạnh thông thường, dị ứng hoặc bệnh đường hô hấp trên khác.
- Đau họng do virus hoặc vi khuẩn có tên Streptococcus nhóm A gây ra có thể có các triệu chứng tương tự.
- Bệnh viêm họng là tình trạng niêm mạc họng bị viêm do các tác nhân virus hoặc vi khuẩn gây ra. Bệnh rất thường gặp ở cả người lớn và trẻ em, nhất là khi thời tiết lạnh hoặc thay đổi thời tiết.
- Đa phần các trường hợp viêm họng không nguy hiểm. Nhưng một số trường hợp viêm họng ở người sức khỏe yếu hoặc điều trị không tốt – nhất là nhiễm liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A, có thể tiến triển gây ra biến chứng nguy hiểm.
Các triệu chứng của bệnh viêm họng
Các triệu chứng phổ biến có thể bao gồm:
- Sốt
- Đau khi nuốt
- Đỏ họng
- Amidan sưng đỏ và sưng tấy
- Các mảng trắng hoặc mủ trên amidan
- Những đốm nhỏ màu đỏ trên vòm miệng (đốm xuất huyết)
- Các hạch bạch huyết bị sưng ở phía trước cổ
Các loại viêm họng:
- Viêm họng cấp tính: Là tình trạng viêm cấp tính của niêm mạc họng miệng kết hợp chủ yếu với viêm amidan.
- Viêm họng mạn tính: Là tình trạng viêm họng kéo dài, bao gồm các hình thức viêm họng xuất tiết, viêm họng mạn tính quá phát (viêm họng hạt) và viêm họng teo. Viêm họng có thể khu trú hoặc lan tỏa với các thể điển hình là viêm VA mạn tính và viêm amidan mạn tính.
Nguyên nhân gây viêm họng
Viêm họng cấp tính
- Viêm họng cấp tính xảy ra do virus hoặc vi khuẩn. Thường là nhiễm virus trước sau đó bội nhiễm các tạp khuẩn khác (liên cầu, phế cầu.)
- Bệnh viêm họng lây nhiễm từ người này qua người khác bằng nước bọt, nước mũi.
- Các tác nhân gây viêm họng là:
- 60-80% trường hợp viêm họng là do virus gồm: Adenovirus (nhất là ở trẻ em), virus cúm, virus parainfluenzae (viêm thanh quản), virus Coxsackie, virus Herpes, virus Zona, EBV (1 trong 8 loại virus Herpes)…
- 20-40% trường hợp viêm họng là do vi khuẩn. Bao gồm: liên cầu tan huyết nhóm A (thường gặp), liên cầu tan huyết nhóm B, C & G (ít gặp), Haemophilus influenzae, tụ cầu vàng, Moraxella catarrhalis, vi khuẩn kỵ khí, hiếm gặp là các vi khuẩn Neisseria (vi khuẩn lậu cầu), phế cầu, Mycoplasma.
- Viêm mũi xoang mạn tính.
- Viêm amidan mạn tính.
- Hội chứng trào ngược dạ dày thực quản.
- Tắc mũi mạn tính (do vẹo vách ngăn, polyp mũi).
- Do tiếp xúc với khói bụi, các chất kích thích (vd: hơi hóa học, vôi, xi măng, thuốc lá, rượu…)
- Cơ địa: dị ứng,…
Điều trị viêm họng
Hầu hết các bệnh viêm họng đều không cần dùng kháng sinh, có thể thuyên giảm sau 3-5 ngày. Có thể uống giảm đau, kháng viêm để điều trị triệu chứng.
Súc họng bằng nước muối:
- Giúp giảm đau, giảm đờm và sưng tấy.
- Có thể tự pha nước muối ấm tại nhà để súc họng. Nhưng tốt nhất nên dùng nước muối sinh lý 0.9% pha sẵn có bán tại các nhà thuốc để đảm bảo nồng độ natri vừa đủ phát huy tác dụng, và không quá đậm đặc gây kích ứng niêm mạc họng.
- Mỗi ngày nên súc họng bằng nước muối ít nhất 2 lần khi vừa ngủ dậy hoặc chuẩn bị đi ngủ.
- Khi súc họng, cần ngửa cổ để nước muối có thể đi sâu xuống họng. Giữ nước muối ở họng trong vòng ít nhất 30 giây và khò liên tục. Sau khi nhổ nước muối ra khỏi miệng không nên súc lại bằng nước.
Uống nhiều nước ấm:
- Tình trạng viêm họng thường đi kèm với ho và sốt.
- Sốt gây mệt mỏi, mất nước vì thế bù nước cho cơ thể lúc này rất cần thiết để phục hồi sức khỏe
- Ho nhiều kèm theo đàm sẽ gây khó chịu cho cổ họng. Vì vậy, uống nhiều nước ấm giúp loãng đờm, cải thiện tình trạng ho.
Các loại nước giúp giảm đau họng:
- Nước chanh và mật ong ấm: giúp ngăn chặn các dây thần kinh gửi tín hiệu đau
- Trà đen ấm: chứa các hợp chất tanin nên có thể giúp làm dịu niêm mạc họng đang bị sưng và giảm triệu chứng đau.
- Mật ong (dùng cho người lớn hoặc trẻ em trên 1 tuổi): có đặc tính chống oxy hóa và kháng khuẩn tự nhiên nên rất tốt để dùng khi bị viêm họng
- Trà cam thảo: giảm các triệu chứng đau do viêm họng (Theo Trung tâm NCCIH – The National Center for Complementary and Integrative Health)
- Trà gừng: có đặc tính chống viêm và chống oxy hóa, có khả năng kháng khuẩn nên có thể giúp điều trị các bệnh truyền nhiễm, trong đó có viêm họng do nhiễm virus. Tuy nhiên hạn chế dùng cho người bị cao huyết áp
- Trà bạc hà: có hoạt tính kháng khuẩn, kháng virus và chống dị ứng, cũng có khả năng giảm đau bằng cách gây tê thần kinh tại chỗ nên làm giảm đau do viêm họng
- Trà hoa cúc: chứa flavonoid – một chất kháng viêm tự nhiên, tinh dầu hoa cúc có thể thâm nhập bên dưới bề mặt niêm mạc họng và dưới lớp mô sâu hơn để làm giảm tình trạng viêm, đau.
Các loại nước giúp tăng sức đề kháng:
- Các loại nước ép trái cây giàu vitamin C giúp tăng cường sức đề kháng, giúp bệnh mau hồi phục.
- Tuy nhiên, không nên uống các loại nước quá chua: nước chanh nguyên chất, nước cam chua nguyên chất vì nồng độ axit cao có thể gây loét vùng họng đang bị tổn thương.
- Có thể uống các loại C sủi, vitamin tổng hợp có tại các nhà thuốc để tăng cường sức đề kháng
Chườm ấm:
Dùng khăn nhúng vào nước ấm, vắt ráo nước rồi đắp lên cổ họng có thể giúp giảm viêm đau.
Tạo độ ẩm:
- Không khí khô có thể khiến họng khô rát, ho
- Dùng máy tạo độ ẩm có thể giúp bổ sung độ ẩm cho không khí giảm các triệu chứng viêm họng
Cách phòng ngừa viêm họng:
- Luôn rửa tay bằng xà bông diệt khuẩn sau khi đi ra ngoài hoặc tiếp xúc những nơi bụi bẩn nhiều
- Vì bệnh viêm họng dễ lây nhiễm nên hạn chế tiếp xúc gần với những người bị viêm họng, cảm lạnh hoặc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên.
- Không hút thuốc và tránh tiếp xúc với khói thuốc
- Nên giữ ấm cơ thể khi trời lạnh
- Luôn bổ sung từng đợt các loại vitamin để tăng sức đề kháng, giảm tình trạng thiếu hụt vitamin
- Tiêm đầy đủ các loại vacxin cúm, ho gà, HPV,…
- Hạn chế hò hét quá mức gây tổn thương dây thanh quản
- Nên đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà hoặc làm những nơi dễ lây bệnh như nhà thuốc, bệnh viện, những nơi có dịch bệnh,…
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu việc điều trị viêm họng tại nhà không khả quan, trở nên tệ hơn hoặc kèm theo các biểu hiện:
- Khó thở
- Khó nuốt
- Máu trong nước bọt hoặc đờm
- Chảy nước dãi quá nhiều (ở trẻ nhỏ)
- mất nước
- Sưng và đau khớp
- phát ban
Nên đi bác sĩ để được thăm khám và có phác đồ điều trị thích hợp.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.