Viêm loét giác mạc do nấm: Nấm tấn công - Mắt bạn có nguy cơ gì?
Viêm loét giác mạc có thể do nhiễm vi khuẩn, nấm, vi rút hoặc ký sinh trùng như Acanthamoeba (sống trong nước bị ô nhiễm).Loét có thể bắt đầu với chấn thương giác mạc, chẳng hạn như khô mắt nghiêm trọng, vật lạ làm trầy xước, xâm nhập đọng lại trong mắt hoặc nếu mắt bị kích ứng bởi kính áp tròng, đặc biệt là đeo kính áp tròng trong lúc ngủ hoặc không được khử trùng đầy đủ. Vậy Viêm loét giác mạc do nấm: Nấm tấn công – Mắt bạn có nguy cơ gì? Cùng tìm hiểu ở bài viết dưới đây.
Viêm giác mạc do nấm là gì?
Viêm loét giác mạc do nấm là tình trạng mất lớp biểu mô giác mạc, kèm theo nhiễm nấm vào lớp nhu mô hoặc nội mô giác mạc. Đây là tổn thương viêm loét giác mạc hay gặp thứ hai sau vi khuẩn.
Các loài nấm gây viêm loét giác mạc
Có hai loại nấm chính gây bệnh là: nấm men và nấm sợi. Trong đó, nấm men có đặc điểm đơn bào, hình tròn, hình trứng có hoặc không có chồi . Nấm sợi đa bào, hình ống, phân nhánh có hoặc không có vách ngăn. Nấm hay gây bệnh viêm loét giác mạc là nấm sợi, hay gặp là Fusarium, Aspergillus. Nấm sợi thường khó chẩn đoán và điều trị hơn nấm men.
Các yếu tố nguy cơ gây nhiễm nấm
- Viêm loét giác mạc do nấm thường gặp ở các nước có khí hậu nóng ẩm, các nước đang phát triển, có liên quan đến các chấn thương giác mạc do đất, bụi, cành cây, lá cây. Ngoài ra còn một số yếu tố nguy cơ khác như sử dụng kính tiếp xúc, sau phẫu thuật ở mắt, bệnh nhân có hội chứng suy giảm miễn dịch.
- Viêm loét giác mạc do nấm là một bệnh nhiễm trùng giác mạc khó điều trị. Tỷ lệ viêm loét giác mạc do nấm ngày càng tăng và khó điều trị do vệ sinh môi trường kém, chế độ bảo hộ lao động kém và cả sự lạm dụng các thuốc tra mắt có corticoid.
- Tiên lượng của viêm loét giác mạc do nấm thường xấu hơn so với viêm nhiễm giác mạc do vi khuẩn nói chung, do viêm nhiễm giác mạc do nấm khó chẩn đoán (chỉ dựa vào lâm sàng mà không có điều kiện chẩn đoán bằng cận lâm sàng), thuốc chống nấm ít, giá thành đắt, thói quen sử dụng thuốc có corticoid và kháng sinh bừa bãi.
Triệu chứng viêm giác mạc do nấm là gì?
Bệnh nhân bị viêm loét giác mạc bởi nấm thường có các dấu hiệu sau:
- Đau nhức, cộm mắt.
- Sợ, nhạy cảm với ánh sáng.
- Chảy nước mắt, dịch từ mắt thường xuyên.
- Thị lực giảm, nhìn mờ, thậm chí chỉ cảm nhận được ánh sáng.
Cách phòng ngừa viêm giác mạc do nấm
Để phòng bệnh viêm loét giác mạc do nấm, cần có thái độ thận trọng hơn trong sinh hoạt và lao động, tránh chủ quan để xảy ra chấn thương ở mắt. Trang bị thêm kính bảo vệ mắt khi làm việc và khi đi ngoài đường.
Nếu không may bị cát bụi, hạt sạn, hạt thóc… bắn vào mắt, tuyệt đối không được day, dụi mắt vì rất dễ dẫn đến xước và rách giác mạc. Cách xử trí đúng là rửa mắt bằng nước sạch để bụi tự trôi ra trong trường hợp có thể tự kiểm soát được, như bị hạt bụi bay vào mắt, gây thốn nhẹ. Nếu tình hình không cải thiện hoặc khi bị dị vật to hơn bắn vào mắt, cần đến cơ sở chuyên khoa mắt để thăm khám và có phương án điều trị thích hợp.
Những người thường xuyên sử dụng kính áp tròng cần tuân thủ chặt chẽ quy trình vệ sinh kính và định kỳ thực hiện. Khi có những triệu chứng bệnh ở mắt nói chung như ngứa, cộm, đau, đỏ mắt, không nên tự ý mua thuốc nhỏ mắt. Việc điều trị bệnh mắt, bao gồm viêm giác mạc do nấm, chỉ nên thực hiện sau khi được chẩn đoán chính xác tại các cơ sở y tế chuyên về nhãn khoa.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.