Bệnh Celiac được điều trị như thế nào?
Bệnh Celiac là một bệnh tự miễn nghiêm trọng xảy ra ở những người có khuynh hướng di truyền, trong đó việc ăn gluten dẫn đến tổn thương ở ruột non. Người ta ước tính căn bệnh này ảnh hưởng đến 1 trên 100 người trên toàn thế giới nhưng chỉ có khoảng 30% được chẩn đoán chính xác.
Những điều cần biết về bệnh Celiac
Khi người mắc bệnh Celiac ăn thực phẩm có chứa gluten (một loại protein có trong lúa mì, lúa mạch đen và lúa mạch), cơ thể họ sẽ tạo ra phản ứng miễn dịch tấn công ruột non. Phản ứng này làm tổn thương các nhung mao trên bề mặt ruột non (các nhung mao giúp thúc đẩy quá trình hấp thụ chất dinh dưỡng). Khi nhung mao bị tổn thương, chất dinh dưỡng không thể hấp thụ đầy đủ vào cơ thể.
Bệnh Celiac có tính di truyền. Những người có người thân thế hệ thứ nhất mắc bệnh celiac (cha mẹ, con cái, anh chị em ruột) có 1/10 nguy cơ mắc bệnh celiac.
Bệnh celiac có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi. Nếu không được điều trị, bệnh celiac có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác.
Các biện pháp phòng ngừa bệnh celiac
Hiện nay, không có cách chữa trị bệnh Celiac, nhưng tuân theo chế độ ăn không có gluten sẽ giúp kiểm soát các triệu chứng và ngăn ngừa các biến chứng lâu dài.
Người mắc bệnh Celiac sau khi ăn thực phẩm chứa gluten (bánh mì, ngũ cốc, bánh quy…) có thể xảy ra các triệu chứng cấp như: tiêu chảy (phổ biến nhất), đau bụng, nôn mửa, đi phân có mỡ… Nếu không được phát hiện, về lâu dài người bệnh sẽ có các dấu hiệu: mệt mỏi, sụt cân bất thường, ngứa và tê tay chân…
Bệnh Celiac phần lớn do di truyền, ngoài ra còn có một số yếu tố làm tăng nguy cơ phát triển bệnh Celiac:
- Đã từng bị nhiễm trùng tiêu hóa lúc nhỏ
- Giai đoạn sơ sinh không bú sữa mẹ
- Bệnh tiểu đường tuýp 1…
Gluten cũng có thể được tìm thấy trong một số sản phẩm không phải thực phẩm, bao gồm cả một số loại thuốc. Nhiễm chéo gluten có thể xảy ra nếu thực phẩm không chứa gluten và thực phẩm có chứa gluten được chế biến cùng nhau hoặc dùng chung dụng cụ. Do đó cần kiểm tra nhãn các sản phẩm hay dùng.
Không đưa gluten vào chế độ ăn của bé trước 6 tháng tuổi. Sữa mẹ tự nhiên không chứa gluten như tất cả các loại sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh.
Ở một số người, bệnh Celiac có thể khiến lá lách hoạt động kém hiệu quả, khiến bạn dễ bị nhiễm trùng hơn. Việc phòng ngừa bệnh có thể thực hiện bằng cách tiêm chủng bổ sung các loại vắc-xin như: vắc-xin cúm, vắc-xin Hib/MenC – giúp chống nhiễm trùng máu, viêm phổi và viêm màng não, vắc-xin phế cầu khuẩn.
Vì vậy, để được phát hiện sớm và phòng ngừa bệnh Celiac tiến triển, nếu bạn có những triệu chứng trên sau khi ăn sản phẩm chứa gluten bạn nên điều chỉnh lại chế độ dinh dưỡng của bản thân hoặc nếu bạn thuộc các trường hợp có nguy cơ bạn nên gặp bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.
Bệnh Celiac được điều trị như thế nào?
Cách quan trọng nhất để điều trị bệnh celiac là áp dụng chế độ ăn không có gluten trong suốt quãng đời còn lại. Sau khi thực hiện chế độ ăn này trong vài tuần, ruột non sẽ bắt đầu lành lại.
Ngay cả một lượng nhỏ gluten cũng có thể gây hại, bạn có thể gặp phải những triệu chứng đường ruột rất khó chịu. Vì vậy, cần tránh tất cả các loại thực phẩm và đồ uống có chứa hoặc được làm từ lúa mì, lúa mạch đen hoặc lúa mạch. Nên đọc nhãn của sản phẩm để biết sản phẩm có chứa gluten hay không.
Gluten không cần thiết trong chế độ ăn uống và nó có thể được thay thế bằng các thực phẩm khác. Có rất nhiều sản phẩm không chứa gluten của các loại thực phẩm phổ biến như mì ống, đế bánh pizza và bánh mì có sẵn trong các siêu thị và cửa hàng thực phẩm tốt cho sức khỏe.
Thuốc điều trị bệnh Celiac:
Bác sĩ cũng có thể kê đơn các loại thuốc corticosteroid để điều trị tình trạng viêm còn sót lại sau khi cắt gluten khỏi chế độ ăn uống, thuốc dapsone để điều trị phát ban do bệnh Celiac.
Bổ sung vitamin hoặc khoáng chất trong trường hợp bệnh nhân bị thiếu máu hoặc thiếu hụt dinh dưỡng nghiêm trọng.
Theo dõi đáp ứng điều trị mỗi 3 – 6 tháng, phát hiện sớm biến chứng của bệnh để xử lý kịp thời.
Bệnh Celiac không gây tử vong, nhưng sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị đúng. Tổn thương do bệnh Celiac có thể phục hồi được nếu cắt hoàn toàn gluten khỏi chế độ ăn, vì vậy người bệnh cần tuân thủ chế độ ăn không gluten và tham khảo ý kiến bác sĩ khi có các triệu chứng bất thường.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.