Bệnh trầm cảm là gì? Dấu hiệu và giải pháp điều trị trầm cảm
Nhiều người thắc mắc trầm cảm là gì và hướng giải quyết như thế nào bởi đây là một bệnh khá phổ biến trong cuộc sống hiện đại ngày nay. Trầm cảm là một dạng rối loạn tâm lý phức tạp, người bệnh luôn mang khí sắc u buồn, trống rỗng và tuyệt vọng về cuộc sống hiện tại, luôn ám ảnh bởi những cảm xúc cũng như những suy nghĩ tiêu cực, thậm chí có thể dẫn đến tự tử.
Trầm cảm là một dạng rối loạn tâm lý phức tạp
Bệnh trầm cảm là gì?
Trầm cảm là bệnh lý rối loạn thần kinh phổ biến nhất trên Thế Giới và có nguy cơ đe dọa đến tính mạng. Theo thống kê của tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cứ 20 người bình thường sẽ có một người từng rơi vào giai đoạn trầm cảm. Bệnh nhân thường sẽ không thể tự nhận ra dấu hiệu trầm cảm của bản thân cũng như mọi người xung quanh cũng sẽ khó nhận biết được các dấu hiệu này.
Ở Việt Nam, thống kê có đến 30% dân số gặp phải các rối loạn về tâm thần, đặc biệt là trầm cảm. Người bệnh thường xuyên cảm thấy chán nản, buồn rầu và không thấy hứng thú với cuộc sống, ăn không ngon, mặc cảm thua kém, mất ngủ cũng như làm việc không hiệu quả, thậm chí nghiêm trọng hơn là liên tục rầu rĩ và nghĩ đến cái chết. Trầm cảm thường kèm theo lo lắng, nặng đầu, đau ngực, hồi hộp, đau mỏi vai gáy, tay chân lạnh.
Trầm cảm có thể gặp ở mọi độ tuổi, tỉ lệ nữ nhiều hơn nam gấp 2 lần. Bệnh sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến gia đình và xã hội bởi vì đem đến nỗi đau khổ, phá hoại cuộc sống bình thường, nếu không điều trị sớm sẽ có nguy cơ dẫn đến tự sát.
Ví dụ: Mới đây có trường hợp một nữ thần tượng Hàn Quốc quyết định tự tử sau thời gian dài bị trầm cảm, người mẹ tước đi sinh mạng của chính đứa con mình mới sinh (dấu hiệu trầm cảm sau sinh),…
Phụ nữ mang thai hoặc sau sinh dễ mắc bệnh trầm cảm
Nguyên nhân gây bệnh trầm cảm
Trầm cảm được gọi là rối loạn vì không thể xác định các nguyên nhân cụ thể mà chỉ có thế xác định yếu tố nguy cơ, nghĩa là bệnh nhân trải qua những điều này thì nguy cơ trầm cảm sẽ cao hơn những đối tượng khác. Một số nguyên nhân trầm cảm có thể bao gồm:
- Do bệnh lý hoặc chấn thương: Những đối tượng có tiền sử mắc bệnh não như chấn thương sọ não, viêm não, u não dễ mắc bệnh trầm cảm do tổn thương cấu trúc não.
- Sử dụng chất kích thích: Người bệnh dễ trầm cảm nếu thường xuyên hút thuốc lá, rượu bia và sử dụng các chất kích thích tổn hại thần kinh như ma túy, ma túy đá,…
- Căng thẳng kéo dài: Áp lực công việc hoặc học tập kéo dài, áp lực gia đình, xung đột, môi trường sống căng thẳng,…
- Trầm cảm chưa rõ nguyên nhân (nội sinh): Nguyên nhân này xảy ra do rối loạn hoạt động của các chất dẫn truyền thần kinh có trong não bộ như Serotonin, Noradrenaline,…Nhìn chung, các yếu tố liên quan đến các nhóm sinh học (thay đổi chất dẫn truyền ở não, di truyền,…), môi trường (căng thẳng kéo dài, thiếu các nguồn lực xã hội,…) tâm lý (sang chấn trong quá khứ,….) đều có thể góp phần làm tăng nguy cơ trầm cảm.
Dấu hiệu nhận biết bệnh trầm cảm
Nhìn chung những người mắc bệnh trầm cảm sẽ có các dấu hiệu như sau:
- Chậm chạp hoặc dễ bị kích động.
- Thường xuyên thấy mệt mỏi và mất năng lượng.
- Mắc chứng rối loạn giấc ngủ như mất ngủ hoặc ngủ nhiều.
- Luôn thấy tự ti, vô dụng hoặc mặc cảm tội lỗi.
- Giảm khả năng tập trung, hoặc thiếu quyết đoán.
- Tâm trạng thường xuyên chán nản, gần như mỗi ngày.
- Có suy nghĩ đến cái chết, ý nghĩ tự tự, lên kế hoạch hoặc cố gắng để tự tử.
- Không có hứng thú trong hầu hết mọi việc, mọi hoạt động (bao gồm cả hoạt động tình dục).
- Giảm cân đáng kể dù không ăn kiêng hoặc tăng cân trong một số trường hợp, khẩu vị thay đổi (có thể giảm hoặc tăng khẩu vị).
- Cảm thấy buồn trong hầu hết thời gian trong ngày. Ngoài ra, người mắc rối loạn có thể sẽ cảm thấy vô vọng, trống rỗng hoặc dễ khóc. Ở trẻ em và người lớn tuổi có thể sẽ biểu hiện bằng sự cáu gắt.
Lưu ý: Dấu hiệu trầm cảm của mỗi người là khác nhau. Một số người mắc rối loạn có thể sẽ ngủ nhiều hơn so với bình thường, trong khi một số khác lại không thể ngủ. Hơn nữa, tùy thuộc vào loại rối loạn trầm cảm mà có những tiêu chí chẩn đoán khác nhau.
Trầm cảm được gọi là rối loạn vì không thể xác định các nguyên nhân cụ thể
Các mức độ của bệnh trầm cảm
Mặc dù chưa được thống nhất, tuy nhiên có thể phân mức độ nghiêm trọng của bệnh trầm cảm thông qua các triệu chứng, thời gian cũng như các suy giảm chức năng cơ thể đi kèm. Theo như hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ cho rằng triệu chứng và mức độ của bệnh trầm cảm có mối liên kết. Trầm cảm được phân thành các mức độ bệnh như sau:
- Triệu chứng dưới mức trầm cảm: Có ít hơn 5 dấu hiệu trầm cảm.
- Mức độ trầm cảm nhẹ: Có hơn 5 dấu hiệu trầm cảm, các dấu hiệu làm suy giảm chức năng nhẹ.
- Trầm cảm mức độ vừa: Các dấu hiệu trầm cảm gây ảnh hưởng đến chức năng cơ thể nhẹ hoặc nặng.
- Trầm cảm nặng: Có hầu hết tất cả các dấu hiệu trầm cảm, gây ảnh hưởng đến hoạt động, đời sống, sức khỏe, công việc và học tập.
Các dấu hiệu có mối liên quan chặt chẽ đến mức độ suy giảm chức năng của cơ thể như hoạt động ăn, uống, ngủ, độ tập trung,… Theo thời gian, bệnh trầm cảm được chia theo mức độ bệnh.
- Cấp tính: Có các dấu hiệu trầm cảm nghiêm trọng từ 2 tuần đến dưới 2 năm.
- Mạn tính: Dấu hiệu trầm cảm nghiêm trọng sẽ thường kéo dài hơn 2 năm. Trên thực tế, nên xem xét thời gian cụ thể cũng như mức độ kéo dài của các triệu chứng với từng cá nhân cùng với mức độ nghiêm trọng của nó.
Các giải pháp điều trị bệnh trầm cảm
Phương pháp điều trị bệnh trầm cảm bao gồm dùng liệu pháp tâm lý hoặc dùng thuốc hoặc có kết hợp cả hai liệu pháp. Nếu các phương pháp điều trị trên không làm giảm các triệu chứng, liệu pháp trị liệu bằng sốc điện (ECT) và các liệu pháp kích thích não khác có thể là một trong những lựa chọn để điều trị bệnh.
Liệu pháp tâm lý
Liệu pháp tâm lý sẽ giúp bạn rèn luyện khả năng tự nhận thức bản thân, nhìn nhận cảm xúc, suy nghĩ, hành vi cũng như hướng dẫn bạn cách thay đổi các thói quen để có thể thoát khỏi trầm cảm.
Liệu pháp tâm lý có thể giúp bạn thấu hiểu và vượt qua những khó khăn trong các mối bận tâm hoặc những tình huống khiến bạn trầm cảm, làm cho bệnh bớt trầm trọng hơn.
Tuy nhiên, liệu pháp này có thể áp dụng đối với những bệnh nhân trầm cảm ở mức độ nhẹ. Đối với trường hợp trầm cảm mức độ trung bình và nặng, khuyến cáo hàng đầu vẫn nên sử dụng thuốc chống trầm cảm.
Liệu pháp sử dụng thuốc
Đây là phương pháp phổ biến để giúp điều trị bệnh trầm cảm. Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy sử dụng thuốc chống trầm cảm hữu ích cho những trường hợp bị trầm cảm vừa hoặc nặng. Không được khuyến dùng cho trường hợp trầm cảm nhẹ, bởi trầm cảm thể nhẹ có thể được điều trị bằng liệu pháp tâm lý. Một số loại thuốc, liều lượng cũng như thời gian điều trị sẽ do bác sĩ chỉ định.
Ngày nay, các thuốc phổ biến được dùng điều trị trầm cảm như: Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc, thuốc ức chế monoamine oxidase, thuốc chống trầm cảm ba vòng, thuốc chống trầm cảm không điển hình.
Thuốc chống trầm cảm hữu ích cho những trường hợp bị trầm cảm vừa hoặc nặng
Liệu pháp trị liệu bằng sốc điện (ECT)
Liệu pháp này được áp dụng ở đối tượng dùng thuốc không hiệu quả và có các biểu hiện như:
- Mức độ trầm cảm nặng có tự sát.
- Trầm cảm với các biểu hiện kích động, chậm phát triển tâm thần.
- Trầm cảm trong thai kỳ.
- Trầm cảm có hoang tưởng.
Bệnh nhân có dấu hiệu chống đối ăn uống có thể cần ECT để tránh tử vong. Liệu pháp ECT đặc biệt có hiệu quả đối với chứng rối loạn trầm cảm loạn thần.
Đáp ứng khoảng 6 – 10 lần điều trị bằng ECT thường tốt và có thể giúp cải thiện cho người bệnh. Tái phát sau khi điều trị bằng ECT thường phổ biến, do đó việc dùng thuốc sẽ thường được chỉ định sau khi ngừng ECT.
Liệu pháp quang trị liệu
Liệu pháp ánh sáng được biết đến nhiều nhất trong điều trị trầm cảm theo mùa, tuy nhiên cũng có thể có hiệu quả khi điều trị chứng trầm cảm không theo mùa.
Liệu pháp này có thể thực hiện ở nhà với 2.500 – 10.000lux, khoảng cách 30 – 60cm trong một ngày (lâu hơn so với nguồn ánh sáng ít hơn).
Một số loại liệu pháp kích thích não khác gần đây được áp dụng để điều trị trầm cảm kháng thuốc bao gồm kích thích từ trường xuyên sọ (Transcranial Magnetic Stimulation – TMS), kích thích thần kinh phế vị (Vagus nerve stimulation – VNS) và một số liệu pháp điều trị bằng kích thích não khác vẫn còn đang được nghiên cứu.
Lưu ý: Cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ khi sử dụng các loại thuốc được chỉ định.
Bài viết trên đã chia sẻ những thông tin hữu ích về trầm cảm là gì? Nguyên nhân và dấu hiệu của bệnh trầm cảm. Nếu nhận thấy bản thân, người thân hoặc bạn bè xung quanh có các triệu chứng bất thường về tâm lý, cần đưa họ đến gặp bác sĩ tâm lý để có thể được tư vấn và điều trị sớm nhất nhé.
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.