Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Đầy hơi là gì? Những điều cần biết về đầy hơi
Đầy hơi là triệu chứng thuộc về đường tiêu hóa, tuy không gây nguy hiểm nhưng gây khó chịu cho người bệnh. Hiện tượng đầy hơi là do lượng hơi tăng lên trong đường tiêu hóa, do rối loạn chuyển hóa các chất tinh bột hoặc do sự rối loạn lên men của vi sinh vật mà chủ yếu là họ vi khuẩn đường ruột.
Tổng quan chung về đầy hơi
Đầy hơi, có thể là hệ quả của thói quen ăn uống hoặc là biểu hiện của một số bệnh lý của đường tiêu hóa như viêm đại tràng, sỏi thận, sỏi mật,… Tình trạng này thường đi kèm với các biểu hiện như cảm giác đau bụng âm ỉ, ợ chua, nôn hoặc buồn nôn… Việc xác định được nguyên nhân gây ra chứng đầy hơi, sẽ giúp bạn đưa ra những lựa chọn điều trị phù hợp. Đầy hơi xảy ra khi khi tình trạng gas bị tích tụ trong dạ dày làm cho bụng căng lên. Cảm giác này có thể xuất hiện nhiều hơn một lần trong ngày. Một số biểu hiện của chứng đầy hơi bao gồm cảm giác khó chịu ở bụng, cảm giác đau thắt hoặc căng chướng bụng, xì hơi và sôi bụng…. Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ bị đầy hơi chướng bụng như do thói quen ăn uống, sinh hoạt ít vận động, có thể làm cho hệ tiêu hóa hoạt động chậm lại, tiêu thụ đồ uống có gas hoặc mắc bệnh mãn tính về đường ruột…
Triệu chứng
Đầy hơi làm ta thấy khó chịu nhưng nó chỉ thường xảy ra trong một khoảng thời gian ngắn. Tuy nhiên, nguyên nhân gây ra tình trạng phiền toái này có thể do việc dung nạp lactose hoặc cũng có thể là biểu hiện của một tình trạng bệnh lý bất thường nguy hiểm như ung thư. Vậy làm sao để xác định được nguyên nhân gây ra tình trạng chướng bụng đầy hơi là lành tính hay không và cách khắc phục nó là điều hết sức quan trọng. Đặc biệt là khi bạn bị chứng chướng bụng, đầy hơi kéo dài.
Dưới đây là những dấu hiệu của chứng chướng bụng đầy hơi kéo dài:
- Giảm cân là dấu hiệu của việc bị đầy hơi nghiêm trọng. Nếu bạn bị sụt cân mà không rõ nguyên nhân đi kèm với cảm giác no dù chỉ ăn một chút thức ăn thì có khả năng cơ thể bạn có một khối u và các chất tiết ra từ khối u sẽ tác động đến cảm giác thèm ăn của bạn.
- Cổ trướng cũng có thể là nguyên nhân gây ra chướng bụng, đầy hơi kéo dài. Nó cũng có thể là do các bệnh về gan. Cổ trướng sẽ làm cho một lượng lớn dịch tích tụ có thể làm bụng to ra.
- Nếu bạn bị chướng bụng đầy hơi kèm theo buồn nôn và nôn mửa thì đó có thể là dấu hiệu của sự tắc ruột vì các mô sẹo hoặc khối u đã chèn ép thành ruột. Các cơn đau này có thể dữ dội và xuất hiện theo từng cơn tách biệt.
- Đi ngoài có máu hoặc âm đạo bị chảy máu cũng có thể có liên quan đến tình trạng đầy hơi chướng bụng kéo dài.
- Sốt cùng với chứng chướng bụng khó tiêu có thể có nguyên nhân là tình trạng nhiễm trùng hoặc viêm nhiễm. Bạn nên đến các cơ sở y tế để được xét nghiệm chẩn đoán các nguyên nhân nhiễm trùng.
Nguyên nhân
Thực tết có rất nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng chướng bụng đầy hơi, điển hình như:
Nguyên nhân do thói quen sinh hoạt
- Cơ thể dung nạp quá lượng chất đạm yêu cầu
- Tiêu thụ quá nhiều thức ăn cay, nóng
- Tiêu thụ nhiều rượu bia, chất kích thích, hút thuốc lá, nhai kẹo cao su
- Thói quen nhai không kỹ khi ăn hoặc nói chuyện trong khi ăn
- Căng thẳng và lo lắng
- Phối hợp thực phẩm không đúng cách
- Ăn uống không đúng giờ
Nguyên nhân xuất phát từ bệnh lý
- Cơ thể bị rối loạn tiêu hóa
- Các bệnh lý như viêm đại tràng, ung thư đại tràng, celiac…
- Tác dụng phụ của một số loại thuốc kháng sinh và thuốc giảm đau
- Bị chứng trào ngược dạ dày-thực quản (GERD) hoặc hội chứng ruột kích thích, nấm men đường ruột phát triển quá mức
- Tình trạng không dung nạp thực phẩm
- Kháng insulin, thiếu men tiêu hóa, bao gồm cả tình trạng không dung nạp đường sữa.
Đối tượng nguy cơ
Hiện tượng đầy hơi, khó chịu xảy ra rất phổ biến và thường gặp ở cả người lớn và trẻ em. Bệnh thường ảnh hưởng đến phụ nữ nhiều hơn là nam giới. Tình trạng đầy hơi không nghiêm trọng và có thể dễ dàng điều trị. Tuy nhiên, nếu bị đầy hơi kéo dài và không giảm dù đã áp dụng những biện pháp thông thường, bạn cần phải đi khám để có thể xác định được nguyên nhân.
Chẩn đoán
Bước đầu tiên trong việc chẩn đoán tình trạng đầy hơi là khám lâm sàng và xem xét tiền sử bệnh. Bạn nên cung cấp thông tin chi tiết cho bác sĩ về những triệu chứng cũng như chế độ ăn uống của mình. Bạn cũng nên cho bác sĩ biết về bất cứ loại thuốc hoặc thảo dược nào đang dùng. Điều này sẽ giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh chính xác hơn.
Để chẩn đoán chính xác nguyên nhân và tình trạng bệnh, bác sĩ thường chỉ định bệnh nhân thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán sau:
- Các xét nghiệm máu
- Siêu âm ổ bụng
- Nội soi tiêu hóa
Phòng ngừa bệnh
Thay đổi lối sống, cách ăn uống, từ bỏ một số thói quen có hại khác, … có thể giúp phòng ngừa chứng đầy hơi khó tiêu, cụ thể:
- Ăn uống đúng cách: Người bệnh cần tránh ăn quá nhiều trong một bữa, thay vào đó, có thể ăn thành nhiều bữa nhỏ. Chú ý ăn chậm, nhai kỹ để thức ăn dễ dàng được tiêu hóa khi đi xuống dạ dày. Bên cạnh đó, cũng cần hạn chế những thực phẩm gây đầy hơi, khó tiêu như các sản phẩm từ sữa, bơ, các loại đậu, ngũ cốc, thực phẩm giàu carbohydrate khó tiêu, nhiều chất xơ, thức uống có gas, thức ăn cay nóng, nhiều axit, ….
- Thay đổi thói quen: Hút thuốc lá là một trong những thói quen làm tích tụ và dư thừa không khí trong dạ dày gây đầy hơi, chướng bụng. Vì vậy, nên từ bỏ thói quen không tốt này để tránh bị đầy bụng, khó tiêu. Ngoài ra, người bệnh cũng cần hạn chế những chất kích thích khác như rượu, bia, cafe, … là những thức uống gây đầy hơi.
- Vận động nhẹ nhàng: Vận động nhẹ nhàng như đi bộ, tập yoga, … giúp khí trong cơ thể di chuyển tốt hơn và dễ dàng thoát ra ngoài.
- Chườm nóng: Khi bị đầy bụng, làm giãn cơ bụng bằng cách tắm nước ấm có thể giúp hơi tích tụ trong dạ dày dễ thoát ra ngoài hơn.
Điều trị như thế nào?
Chứng đầy hơi chướng bụng có thể được điều trị hiệu quả tại nhà bằng cách thay đổi lối sống hoặc dùng thuốc.
Thay đổi lối sống và chế độ ăn uống
- Uống nhiều nước hơn.
- Giảm hàm lượng Natri trong chế độ ăn uống.
- Ngưng ăn thực phẩm gây đầy hơi.
- Ăn chậm nhai kỹ.
- Tập thể dục thường xuyên.
Cho tới nay chủ yếu là điều trị triệu chứng của bệnh bằng:
- Sử dụng thuốc chống acid, chống tiết acid và chống đầy hơi
- Thuốc tác động lên co bóp của ống tiêu hóa: domperidone, metoclopramide…
- Dùng men tiêu hóa giúp kích thích chuyển hóa thức ăn ở dạ dày
- Điều trị bệnh kèm theo nếu có. Đối với trường hợp có nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori cần điều trị diệt vi khuẩn
Chú ý: Việc dùng thuốc phải có chỉ định của bác sĩ
Thông thường, chứng đầy hơi do thực phẩm hoặc rối loạn hormone sẽ thuyên giảm trong vòng vài giờ đến vài ngày. Nếu thời gian kéo dài lâu hơn, triệu chứng lặp lại liên tục, thậm chí đã dùng thuốc, đây có thể là lời cảnh báo về bệnh lý nghiêm trọng. Người bệnh cần liên hệ ngay với bác sĩ để được chăm sóc y tế kịp thời.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.