Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Gout cấp tính là gì? Những điều cần biết về gout cấp tính
Gout không quá nguy hiểm và có thể chữa khỏi khi được phát hiện sớm và có phương án điều trị thích hợp. Tuy nhiên, khi gout cấp tính khởi phát, người bệnh cần được điều trị ngay để không gây ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt. Do vậy, việc nắm được triệu chứng của bệnh để đi thăm khám là điều cần thiết.
Tổng quan chung
Gout cấp tính là tình trạng viêm khớp do sự tích tụ của các tinh thể urate trong khớp, dẫn đến sưng, đau và đỏ. Nguyên nhân chính của bệnh là do nồng độ axit uric trong máu cao, không được cơ thể đào thải hiệu quả. Gout thường xuất hiện đột ngột, gây ra những cơn đau dữ dội, đặc biệt là vào ban đêm.
Bệnh gout cấp đặc trưng bởi các cơn sưng đau đột ngột ở các khớp. Cơn gout cấp đầu tiên thường xảy ra ở những người trong độ tuổi từ 35-55 và phổ biến hơn ở nam giới. Ở phụ nữ, cơn gout thường biểu hiện sau tuổi mãn kinh.
Triệu chứng
Thời gian đầu, đa số người bệnh vẫn hoạt động được bình thường và không có triệu chứng cụ thể nào của bệnh lý. Vì vậy, khi bệnh biến chuyển nặng hơn, một số triệu chứng lâm sàng mới dần rõ ràng. Một vài biểu hiện đặc trưng của gout cấp tính có thể nhận diện như:
- Cơn đau thường xuất hiện ở ngón cái và khởi phát khi bệnh nhân ăn một lượng lớn protid, sử dụng đồ uống có cồn, bị nhiễm lạnh hoặc vận động quá mức,…
- Thường hay bị ớn lạnh, sốt nhẹ và sức khỏe yếu hơn.
- Chán ăn, không có cảm giác ngon miệng
- Thường thấy đau khớp dữ dội từng cơn, trở nặng hơn về đêm khiến giấc ngủ bị ảnh hưởng.
- Các cơ bị đau nhức kéo dài trong khoảng 1 tuần và thuyên giảm rồi biến mất. Khi cơn đau chấm dứt, các khớp xương vẫn hoạt động được bình thường.
- Có biểu hiện bị sưng viêm, đi kèm với cảm giác nóng ở khu vực quanh các khớp xương.
- Khi chạm vào những khu vực khớp xương bị sưng viêm bạn sẽ cảm thấy đau nhức, tê ngứa, cứng khớp,… ở ngón chân cái hoặc ở những vùng bị viêm khác.
Các cơn đau do bệnh gout cấp tính gây nên thường xuất hiện đột ngột. Theo ghi nhận, có khoảng hơn 60% các trường hợp phải chịu những cơn đau của bệnh lý trong khoảng 1 – 3 năm. Bên cạnh đó, có những trường hợp chỉ phải chịu cảm giác đau một lần rồi sau đó chuyển biến sang giai đoạn tiếp.
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây bệnh gút chủ yếu do rối loạn chuyển hóa axit uric, ngoài ra còn do chế độ ăn uống giàu chất đạm. Thông thường, axit uric trong cơ thể sẽ được thận lọc và đào thải ra bên ngoài thông qua nước tiểu. Tuy nhiên, khi nồng độ axit uric quá cao sẽ tạo ra urat ở xương, khớp, bao hoạt dịch, thậm chí là ở nhu mô thận, gây sưng đau nhức. Khi nồng độ axit uric trong máu tăng lên cũng dẫn đến bệnh gout.
Dưới đây là các yếu tố khởi phát bệnh gút cấp:
- Chế độ ăn uống không cân bằng, tiêu thụ nhiều hải sản, các loại thịt đỏ, rượu bia, nước ngọt, …
- Bị béo phì, thừa cân làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, rối loạn chuyển hóa hay các bệnh lý ở gan, thận.
- Gia đình có tiền sử mắc bệnh gút.
- Một số loại thuốc làm tăng nồng độ axit uric trong máu và khởi phát bệnh gút cấp như thuốc lợi tiểu, thuốc chẹn beta, thuốc ức chế men chuyển, aspirin (liều thấp).
- Là nam giới, hoặc người mới vừa bị chấn thương hoặc phẫu thuật.
- Thời tiết trở lạnh làm thay đổi và ảnh hưởng đến tuần hoàn trong cơ thể, đặc biệt là các khớp, khởi phát bệnh gút cấp.
Đối tượng nguy cơ
Các đối tượng có nguy cơ mắc phải Gout cấp bao gồm:
- Nam giới tuổi trung niên hoặc nữ giới sau mãn kinh,
- Người uống nhiều bia rượu,
- Người béo phì,
- Người mắc rối loạn chuyển hóa,
- Người bị tăng acid uric máu kéo dài,
- Tiền căn gia đình có người mắc bệnh gout,
- Sử dụng lâu các thuốc làm tăng acid uric máu.
Chẩn đoán
Phương pháp chẩn đoán gout cấp được chẩn đoán thông qua kết quả xét nghiệm gout hoặc chẩn đoán hình ảnh. Tùy vào tình trạng cơn đau gout của người bệnh và các triệu chứng lâm sàng mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp chẩn đoán phù hợp.
Bước đầu tiên trong quy trình chẩn đoán, bác sĩ cần phải khám tổng quát cho người bệnh. Bước này gồm đánh giá sức khỏe tổng quan, thăm khám các triệu chứng lâm sàng. Điều này để các bác sĩ có thể loại trừ các nguyên nhân gây đau khớp khác như các loại viêm khớp khác, nhiễm trùng, chấn thương,…
Bệnh gout cấp được ưu tiên chẩn đoán bằng xét nghiệm dịch khớp. Ở phương pháp này, bác sĩ sẽ rút chất nhờn tại vị trí khớp bị đau của người bệnh và tiến hành kiểm tra dưới kính hiển vi để tìm tinh thể acid uric.
Ngoài ra, một số phương pháp chẩn đoán bệnh gout cấp tính còn bao gồm:
- Xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ acid uric trong máu, các chỉ số viêm cấp tính như máu lắng, CRP.
- Các hoạt động xét nghiệm chẩn đoán bằng hình ảnh như chụp x-quang, chụp CT cắt lớp hoặc siêu âm. Mục đích của xét nghiệm hình ảnh là để giúp bác sĩ có thể hình dung vị trí và tình trạng tinh thể acid uric trong khớp.
Phòng ngừa bệnh
Cách phòng ngừa bệnh gout hiệu quả nhất là chú ý đến chế độ ăn và sinh hoạt, nếu gia đình có người từng bị gút, bạn nên thực hiện các xét nghiệm thăm khám định kỳ bên cạnh đó cần chú ý:
- Kiểm soát cân nặng: Cân nặng có ảnh hưởng đến tiến triển của bệnh, cân nặng hợp lý giúp giảm tình trạng tăng acid uric và giảm sức ép lên các khớp.
- Chế độ dinh dưỡng hợp lý: Hạn chế thực phẩm chứa nhiều purine là ưu tiên hàng đầu, bên cạnh đó cần bổ sung đủ nước và chất xơ cũng như nguồn protein từ đậu, trứng, sữa và hạn chế bia, rượu mạnh, các loại nước có gas.
- Lối sống lành mạnh: Tập thể dục và tham gia các hoạt động ngoài trời là một việc lý tưởng để nâng cao sức khỏe bản thân, tránh làm việc với cường độ cao gây áp lực cho sức khỏe. Mặt khác, chủ động khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần để phát hiện bệnh và điều trị bệnh gút sớm.
Điều trị như thế nào?
Bệnh gút cấp cần được phát hiện và điều trị sớm để bệnh không tiến triển thành mãn tính và gây các biến chứng khác.
Điều trị bệnh gút cấp bao gồm các loại thuốc sau:
- Colchicine: Colchicine có tác dụng giảm viêm, sưng đau hiệu quả. Tuy nhiên, thuốc không được dùng với liều cao, liều dùng được chỉ định là 1mg/ngày, uống thuốc trong vòng 12 giờ sau khi cơn đau gút khởi phát, uống sớm sẽ tốt hơn. Ngoài ra, người bệnh cần dùng đồng thời với thuốc kháng viêm không chứa steroid (nếu không chống chỉ định) để hiệu quả kháng viêm tăng lên.
- Thuốc kháng viêm không chứa steroid (NSAIDs): NSAIDs có thể được chỉ định dùng riêng lẻ trong điều trị bệnh gút cấp hoặc kết hợp với Colchicine nêu trên. Tuy nhiên, NSAIDs có thể gây nhiều tác dụng phụ như suy thận, viêm loét dạ dày, …
- Corticoid toàn thân: Trong trường hợp người bệnh không đáp ứng với Colchicine và NSAIDs nêu trên, Corticoid đường toàn thân có thể được chỉ định để điều trị bệnh gút cấp. Tuy nhiên, chỉ nên dùng thuốc trong thời gian ngắn.
Bên cạnh việc dùng thuốc, người bệnh cũng cần thay đổi lối sống phù hợp để ngăn không cho bệnh tiến triển, cụ thể như sau:
- Hạn chế thực phẩm giàu đạm, purin, đồng thời tăng cường thực phẩm chứa nhiều chất xơ.
- Uống đủ nước mỗi ngày, từ 2 – 2,5l nước/ngày.
- Không uống rượu, bia, thức uống có cồn hoặc chứa chất kích thích, dễ khởi phát bệnh gút cấp.
- Tập luyện thể dục thể thao để giữ cân nặng ở mức hợp lý, cơ thể không bị thừa cân, béo phì.
- Lao động vừa phải, không bị quá sức. Nghỉ ngơi hợp lý và tránh để cơ thể thường xuyên rơi vào trạng thái căng thẳng, áp lực.
- Nếu muốn dùng bất kỳ một loại thuốc nào, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ vì một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến bệnh gút cấp.
- Nếu bị tiểu đường hoặc cao huyết áp, cần điều trị ngay để bệnh không ảnh hưởng đến việc điều trị bệnh gút.
Dấu hiệu bệnh gút cấp là những cơn đau khởi phát đột ngột xuất hiện vào ban đêm, đau nhức dữ dội. Để giảm đau nhanh chóng, người bệnh có thể ngâm chỗ sưng (thường là ở chân) vào nước ấm hoặc chườm đá. Sau khi nhận biết cơn đau của bệnh gút cấp, người bệnh cần thăm khám và điều trị sớm để bệnh không tiến triển và gây biến chứng.