Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Hội chứng Sjogren là gì? Những điều cần biết về hội chứng Sjogren
Hội chứng Sjogren là một rối loạn tự miễn dịch của các tuyến nội tiết phân bố ở nhiều nơi trên cơ thể. Bệnh gây ra nhiều triệu chứng khó chịu nhưng nhìn chung khá lành tính, không ảnh hưởng tới tuổi thọ của bệnh nhân. Vậy hội chứng Sjogren là gì? Chúng ta cùng tham khảo bài viết dưới đây nhé.
Tổng quan chung
Hội chứng Sjogren hay bệnh tự miễn Sjogren là một rối loạn tự miễn dịch do rối loạn chức năng của các tuyến ngoại tiết trên cơ thể. Cụ thể, bệnh xảy ra khi hệ miễn dịch tấn công các tuyến nước bọt và tuyến lệ, khiến chúng ngừng hoạt động. Đặc trưng của bệnh là tình trạng khô mắt, khô miệng và khô niêm mạc, thường phối hợp với rối loạn miễn dịch khác như viêm khớp dạng thấp và bệnh lupus. Bệnh thường gặp ở nữ, tập trung nhiều trong độ tuổi 40 – 60 và không lây nhiễm.
Các bệnh lý phối hợp với hội chứng Sjogren bao gồm viêm khớp dạng thấp, xơ cứng bì, viêm đa cơ, xơ gan ứ mật tiên phát, viêm tuyến giáp Hashimoto, xơ phổi kẽ,…
Triệu chứng
Khi gặp phải hội chứng Sjogren, người bệnh thường thấy khô mắt và khô miệng cụ thể là mắt nóng rát như có cát dưới mí mắt, nhạy cảm với ánh sáng thậm chí loét mắt. Đối với miệng, người bệnh cảm nhận rõ rệt sự giảm tiết nước bọt cản trở ăn uống như khó nhai, nuốt khó và tăng nguy cơ sâu răng, nhiễm trùng miệng. Một số dấu hiệu nhận biết khác bao gồm:
- Thị lực kém như nhìn mờ, nhòe.
- Mắt ngứa và đỏ nhiều hơn.
- Thường xuyên khát nước, môi khô, miệng đau.
- Sốt và phát ban trên da.
- Thở gấp.
- Đau dạ dày.
- Đau khớp.
- Tuyến ở má, hạch bạch huyết có dấu hiệu sưng.
- Ở nữ giới âm đạo khô và gây đau rát khi quan hệ.
Nguyên nhân
Có 3 yếu tố chính góp phần thúc đẩy hội chứng Sjogren đó là yếu tố di truyền, môi trường và gen:
- Yếu tố di truyền: Khuynh hướng di truyền đối với hội chứng Sjögren liên quan đến các gen lớp II của phức hợp hòa hợp mô chủ yếu (MHC), đặc biệt là gen HLA-DR và HLA-DQ. Các gen này thay đổi theo các chủng tộc. Người da trắng mắc hội chứng Sjögren hay gặp các gen HLA-DRB1.0301, HLA-DRB3.0101, HLA-DQA1.0501, HLA-DQB1.0201…. Trong khi đó, phụ nữ da vàng mắc hội chứng Sjögren lại hay gặp gen HLA-DRB1.0405, HLA-DRB4.0101, HLA-DQA1.0301, HLA-DQB1.0401…
- Yếu tố môi trường: Yếu tố môi trường bao gồm các tác nhân lây nhiễm, đặc biệt virus đã được nghiên cứu có mối liên quan đến cơ chế sinh bệnh của hội chứng Sjögren. Giả thiết cho rằng virus khi xâm nhập vào cơ thể đã thúc đẩy sản xuất tự kháng thể do có khả năng bắt chước các gen của cơ thể dẫn đến phá hủy mô. Các virus đã được nghiên cứu bao gồm: HCV (virus viêm gan C), EBV, virus gây bệnh bạch cầu lympho T ở người (HTLV-1).
- Yếu tố nội tiết: Vai trò của sự thiếu hụt estrogen có thể giải thích tại sao hội chứng Sjögren thường gặp ở nữ giới, đặc biệt nữ giới 45-55 tuổi. Các nghiên cứu trên động vật cho thấy mối tương quan giữa giảm nồng độ estrogen và các triệu chứng giống hội chứng Sjögren. Những con chuột bị bất hoạt gen aromatase dẫn đến không có khả năng tổng hợp estrogen, đã phát triển các dấu hiệu tự miễn dịch giống như hội chứng Sjögren.
Cơ chế bệnh sinh:
- Tổn thương đặc trưng của hội chứng Sjögren là viêm các tuyến do khu trú tế bào lympho T.
- Dưới tác động của các yếu tố môi trường trên những người nhạy cảm di truyền, đặc biệt phụ nữ tuổi mãn kinh gây tình trạng viêm do kích hoạt các tế bào lympho T và tiết cytokine viêm. Các tế bào đơn nhân, chủ yếu là lympho T sau khi được kích hoạt sẽ xâm nhập vào các tuyến/ống ngoại tiết qua đường mạch máu, cùng với đó các kháng thể và cytokine viêm cũng đến gây các phản ứng viêm, phản ứng miễn dịch tại chỗ làm rối loạn chức năng tuyến ngoại tiết, dẫn đến giảm sản xuất nước mắt ở tuyến lệ và giảm giãn xuất nước bọt của tuyến nước bọt. Ngoài ra các tuyến ngoại tiết ở nơi khác như da, khí quản, âm đạo cũng rối loạn. Các phức hợp miễn dịch trên có thể lắng đọng ở da, khớp, cơ quan khác gây viêm mạch hệ thống.
Đối tượng nguy cơ
Tất cả mọi người đều có khả năng mắc phải hội chứng Sjogren. Tuy nhiên những người có các đặc điểm kể sau có khả năng mắc bệnh cao hơn những người khác:
- Là nữ giới.
- Tuổi từ 40 trở lên.
- Có cơ địa mắc các bệnh lý tự miễn khác như viêm khớp dạng thấp, lupus, xơ cứng bì, viêm gan ứ mật tiên phát, viêm tuyến giáp Hashimoto, viêm động mạch và xơ phổi kẽ…
- Có người thân trong gia đình mắc phải hội chứng Sjogren, nhất là bố mẹ và anh chị em ruột.
Chẩn đoán
Xét nghiệm máu
Xét nghiệm máu nhằm kiểm tra:
- Mức độ của các loại tế bào máu khác nhau.
- Sự hiện diện của các kháng thể thường gặp trong hội chứng Sjogren.
- Bằng chứng về tình trạng viêm.
- Dấu hiệu của các vấn đề với gan và thận của bệnh nhân.
Kiểm tra mắt
- Xét nghiệm nước mắt Schirmer được chỉ định để đo độ khô của mắt người bệnh. Một mảnh giấy lọc nhỏ được đặt dưới mi mắt dưới để đo lượng nước mắt của bệnh nhân.
- Một bác sĩ chuyên điều trị các rối loạn về mắt (bác sĩ nhãn khoa) cũng có thể kiểm tra bề mặt mắt bằng một thiết bị phóng đại được gọi là đèn khe. Bác sĩ có thể nhỏ thuốc vào mắt để giúp bệnh nhân dễ dàng nhận thấy tổn thương giác mạc.
Chẩn đoán hình ảnh
- Biểu đồ hình thái: Tia X đặc biệt này có thể phát hiện thuốc nhuộm được tiêm vào tuyến nước bọt trước tai. Quy trình này cho biết lượng nước bọt chảy vào miệng.
- Xạ hình tuyến nước bọt: Thử nghiệm y học hạt nhân này bao gồm việc tiêm vào tĩnh mạch một đồng vị phóng xạ, được theo dõi hơn một giờ để xem nó đến nhanh như thế nào trong tất cả các tuyến nước bọt.
Sinh thiết
- Bác sĩ cũng có thể làm sinh thiết môi để phát hiện sự hiện diện của các cụm tế bào viêm. Từ đó có thể chỉ ra hội chứng Sjogren. Đối với thử nghiệm này, một mảnh mô được lấy ra từ các tuyến nước bọt trong môi và được kiểm tra dưới kính hiển vi.
Phòng ngừa bệnh
Hiện nay vẫn chưa có biện pháp phòng ngừa đặc hiệu của bệnh vì nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ liên quan chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, người bệnh có thể tham khảo những cách sau nhằm hạn chế diễn tiến của hội chứng Sjogren như:
- Đảm bảo vệ sinh răng miệng sạch sẽ bằng cách nâng cao ý thức của bản thân và thường xuyên đến gặp nha sĩ. Uống nhiều nước, ngưng hút thuốc là các thói quen mà người bệnh nên thiết lập.
- Sử dụng nước mắt nhân tạo, thuốc nhỏ mắt. Mang kính khi đi ra ngoài để bảo vệ mắt.
- Dùng kem dưỡng ẩm cho da.
- Đến gặp bác sĩ ngay khi xuất hiện các dấu hiệu mới hoặc triệu chứng của bệnh trở nên nặng nề hơn.
Điều trị như thế nào?
Hiện chưa có phương pháp nào có thể chữa khỏi bệnh hoàn toàn. Tuy nhiên, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kết hợp với các liệu pháp điều trị khác để giúp bệnh nhân kiểm soát được bệnh và giảm nhẹ triệu chứng của bệnh. Cụ thể:
Điều trị bằng thuốc
Một số loại thuốc có thể được chỉ định trong điều trị để làm giảm viêm mắt, khô mắt, giúp tăng tiết nước bọt và giảm đau khớp, ức chế miễn dịch. Đó là:
- Thuốc điều trị khô mắt: Nước mắt nhân tạo và thuốc tăng tiết nước mắt được sử dụng cho các trường hợp mắc hội chứng Sjogren thể nhẹ và trung bình. Với các trường hợp bệnh nặng, có các biến chứng kèm theo như viêm mí mắt, loét giác mạc thì cần sử dụng thêm các loại thuốc kháng sinh, thuốc mỡ sản khoa hoặc huyết thanh tự thân;
- Thuốc điều trị khô miệng: Pilocarpin có tác dụng làm tăng tiết nước bọt, giảm khô miệng cho bệnh nhân;
- Thuốc ức chế miễn dịch: Gồm corticoid, hydroxychloroquine, methotrexate có tác dụng làm chậm diễn tiến và giảm mức độ trầm trọng của bệnh;
- Thuốc khác: Thuốc chống viêm không steroid, các thuốc giảm đau thông thường giúp làm giảm triệu chứng đau, sưng nề.
Thay đổi lối sống
Thay đổi chế độ sinh hoạt hằng ngày, thói quen chăm sóc cơ thể cũng góp phần cải thiện các triệu chứng bệnh và phòng ngừa các biến chứng nặng của hội chứng Sjogren. Một số lưu ý cho người bệnh là:
- Đi khám nha khoa thường xuyên, vệ sinh răng miệng và làm sạch kẽ răng sau mỗi bữa ăn;
- Trao đổi kỹ với bác sĩ nếu người bệnh đang trong thời kỳ mang thai hoặc cho con bú;
- Trao đổi với bác sĩ về các sản phẩm đang sử dụng có khả năng tạo ẩm, giữ ẩm cho mắt, miệng, da,… Trường hợp nước mắt nhân tạo khiến mắt bị nóng rát thì bệnh nhân nên chuyển sang sử dụng loại khác theo lời khuyên của bác sĩ. Những trường hợp bị khô mắt vào ban đêm có thể sử dụng thuốc mỡ được bác sĩ kê đơn. Chất bôi trơn âm đạo dùng hằng ngày hoặc trước khi sinh hoạt tình dục cũng giúp giảm khô âm đạo;
- Nên sử dụng máy tạo độ ẩm không khí vào ban đêm để tránh tình trạng khô mắt, miệng, mũi;
- Sử dụng thuốc mỡ bôi cho da khô để giữ độ ẩm trên da;
- Báo ngay cho bác sĩ nếu bị đau dạ dày nghiêm trọng, đau mắt hoặc thay đổi về thị lực.
Hội chứng Sjogren là một bệnh tự miễn dịch phức tạp và ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh của cuộc sống hàng ngày. Việc nhận biết sớm và điều trị kịp thời có thể giúp giảm triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống. Nếu bạn hoặc người thân có bất kỳ triệu chứng nào liên quan đến hội chứng này, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn và điều trị phù hợp. Chăm sóc sức khỏe của bạn chính là bảo vệ bản thân và những người thân yêu.