Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Lạc nội mạc trong cơ tử cung là gì? Những điều cần biết về lạc nội mạc trong cơ tử cung
Lạc nội mạc trong cơ tử cung là một bất thường của vị trí niêm mạc tử cung bị sai chỗ. Vậy triệu chứng, nguyên nhân là gì? Chúng ta cùng tham khảo bài viết dưới đây nhé.
Tổng quan chung
Bên trong lòng của tử cung được lớp một lớp niêm mạc, người ta còn gọi lớp này là nội mạc tử cung. Nội mạc tử cung có đặc tính là phát triển và tăng sinh dưới tác động của hormon và góp phần tạo ra một chu kỳ kinh nguyệt.
Với những người bình thường thì lớp nội mạc này chỉ nằm bên trong lòng tử cung, nhưng với một số người thì lớp niêm mạc này có thể tồn tại ở nhiều vị trí khác nhau như trong ổ bụng, buồng trứng, niêm mạc hậu môn, tại cơ quan khác hay chính trong cơ tử cung thì gọi là lạc nội mạc tử cung.
Lạc nội mạc trong cơ tử cung hay còn gọi là bệnh tuyến cơ tử cung là sự có mặt của các tuyến, tổ chức giống như niêm mạc tử cung tại cơ tử cung. Những tổ chức này có khuynh hướng lan tỏa khiến tử cung giãn rộng, những người mắc bệnh này có thể có tử cung tăng gấp đôi hoặc gấp 3 lần nhưng bình thường. Những tuyến và tổ chức giống như niêm mạc tử cung này cũng có đặc tính tương tự như niêm mạc tử cung, nó cũng tăng sinh và bong ra dưới tác động của hormon.
Người ta nhận thấy việc phát hiện lạc nội mạc trong cơ tử cung thường được phát hiện cùng với một số bất thường vùng chậu khác.
Triệu chứng
Các triệu chứng của lạc nội mạc trong cơ tử cung có thể khác nhau ở mỗi người, từ mức độ nhẹ tới nặng. Có khoảng 1/3 trường hợp là không có triệu chứng nào và chỉ được phát hiện khi đi khám bệnh phụ khoa khác. Nhưng ở những trường hợp còn lại, bệnh lạc nội mạc trong cơ tử cung có thể ảnh hưởng tới chất lượng sống của người bệnh.
Người phụ nữ mắc lạc nội mạc trong cơ tử cung có thể bị:
- Đau nhiều tới rất đau trong thời gian có kinh nguyệt (thống kinh), lượng máu kinh ra nhiều (cường kinh) có lẫn máu cục, kéo dài (rong kinh).
- Có thể có cảm giác tăng áp lực lên bàng quang và trực tràng, đau trong khi đi cầu.
- Dấu hiệu đau vùng chậu, đau khi giao hợp cũng là những biểu hiện thường gặp.
- Tử cung to lên nhưng người bệnh có thể chỉ thấy bụng to hơn trước. Các triệu chứng này thường xảy ra khi bệnh nhân quanh độ tuổi 40-50.
Tuy nhiên, các triệu chứng trên thường không chuyên biệt, dẫn đến nhầm lẫn với các bệnh lý khác như chảy máu tử cung do rối loạn chức năng, do u xơ tử cung hay lạc nội mạc tử cung… Tần suất và độ nặng của các triệu chứng phụ thuộc vào mức độ lan tỏa và độ sâu của lạc nội mạc trong cơ tử cung. Triệu chứng thường biến mất hoặc cải thiện sau khi mãn kinh.
Nguyên nhân
Thực ra người ta vẫn chưa biết rõ được chính xác các nguyên nhân gây ra căn bệnh này. Các nhà nghiên cứu cho rằng lạc nội mạc tử cung xảy ra có thể liên quan tới một số yếu tố bao gồm:
- Dòng kinh bị tắc nghẽn gây ứ đọng hay chảy ngược: Mô kinh nguyệt bị ứ đọng và chảy ngược qua ống dẫn trứng, lắng đọng trên các cơ quan vùng chậu, sau đó sinh sôi và phát triển gây ra lạc nội mạc tử cung.
- Yếu tố di truyền: Bệnh này thường có yếu tố di truyền, nên những người có chị em, cô, bác, mẹ ruột mắc bệnh thì cũng có nguy cơ cao hơn.
- Phẫu thuật: Lạc nội mạc trong cơ tử cung có liên quan tới một số thủ thuật tại vùng tiểu khung, đặc biệt là mổ đẻ, nhưng người đẻ nhiều lần cũng có nguy cơ bệnh cao hơn.
- Nội tiết tố: Nồng độ hormone estrogen trong cơ thể tăng cao cũng có thể được cho là yếu tố gây ra tình trạng lạc nội mạc tử cung.
- Tuổi tác: Mặc dù nó có thể xảy ra ở hầu hết lứa tuổi có kinh nguyệt. Nhưng phổ biến hơn cả là phụ nữ tuổi từ 30 đến 40 tuổi.
Đối tượng nguy cơ
Nguyên nhân chính xác của bệnh cơ tuyến tử cung vẫn chưa được biết. Tuy nhiên, có những yếu tố khiến phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn như:
- Độ tuổi 40 hoặc 50 (trước khi mãn kinh).
- Có con.
- Đã được phẫu thuật tử cung, chẳng hạn như sinh mổ hoặc phẫu thuật để loại bỏ u xơ tử cung.
Chẩn đoán
Khi có những triệu chứng trên, bác sĩ sẽ chỉ định làm siêu âm. Siêu âm là phương pháp rẻ tiền, dễ thực hiện. Trên siêu âm sẽ thấy tử cung to không đối xứng, nhưng không phải do nhân xơ tử cung. Chỗ tổn thương nằm trong lớp cơ tử cung thường có ranh giới không rõ, phản âm kém so với lớp cơ. Có thể xuất hiện các đảo hoặc nốt tăng âm, hoặc các nang trống âm.
- Khi trên siêu âm còn nghi ngờ, chỉ định chụp cộng hưởng từ MRI cũng là cần thiết. MRI phân biệt rất tốt lạc nội mạc trong cơ tử cung dạng lan tỏa hay khu trú, loại trừ được u tân sinh trong cơ tử cung. Tuy nhiên tại Việt Nam vẫn là một phương pháp đắt tiền.
- Mặc dù chẩn đoán hình ảnh là phương pháp hữu hiệu nhưng để xác định chắc chắn chỉ khi sinh thiết sau cắt tử cung.
Phòng ngừa bệnh
Hiện chưa rõ nguyên nhân gây lạc nội mạc trong cơ tử cung nên chưa có biện pháp phòng tránh hiệu quả. Do đó, nếu các bạn có triệu chứng gì bất thường nên đi thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán cụ thể.
Điều trị như thế nào?
Nếu như lạc nội mạc trong cơ tử cung không gây ra những biến chứng ảnh hưởng tới sức khỏe thì thường chỉ cần chăm sóc và điều trị triệu chứng. Bởi vì nó thường biến mất sau khi mãn kinh. Một số biện pháp có thể được lựa chọn để điều trị phụ thuộc vào từng đối tượng bao gồm:
Điều trị nội khoa:
- Thuốc chống viêm: Những loại thuốc như chống viêm để giúp kiểm soát cơn đau. Điều trị bằng cách bắt đầu dùng thuốc chống viêm khoảng từ một đến hai ngày trước khi chu kỳ kinh bắt đầu và cần dùng thuốc đến khi sạch kinh, để làm giảm lưu lượng máu kinh nguyệt từ đó có tác dụng giảm đau, giảm lượng máu mất do kinh nguyệt.
- Thuốc nội tiết: Như thuốc tránh thai hoặc miếng dán, đặt vòng âm đạo có chứa thuốc nội tiết, thuốc làm vô kinh có thể giúp giảm đau.
Ngoại khoa:
Để điều trị dứt điểm lạc nội mạc trong cơ tử cung thì cần cắt tử cung. Phương pháp này được chỉ định nếu người bệnh đau nhiều và điều trị bằng thuốc không hiệu quả.
Thủ thuật:
Ngày nay nhờ những tiến bộ y học để tránh việc phải cắt tử cung, thì người ta còn có phương pháp nút mạch tử cung. Dùng phương pháp này với mục đích làm tắc mạch máu nuôi dưỡng vùng bị bệnh, làm giảm các triệu chứng của bệnh.
Các biện pháp chăm sóc:
Ngoài việc thăm khám và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ thì để giảm các triệu chứng nhất là trong kỳ kinh có thể thử các biện pháp như:
- Ngâm cơ thể trong bồn nước ấm.
- Chườm nóng trên bụng bằng túi chườm hay thảo dược.
Bệnh lạc nội mạc trong cơ tử cung có thể gặp ở phụ nữ ở độ tuổi kinh nguyệt với tỷ lệ khá cao. Nhưng việc phát hiện không hề dễ chút nào, thường được phát hiện tình cơ khi thăm khám. Nếu có những dấu hiệu bất thường liên quan tới kinh nguyệt bạn cần thăm khám để tìm kiếm nguyên nhân và điều trị phù hợp.
Hi vọng với những chia sẻ ở trên giúp các bạn hiểu hơn về lạc nội mạc trong cơ tử cung.