Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Men gan cao là gì? Những điều cần biết về men gan cao
Men gan tăng cao là bệnh rất phổ biến hiện nay, bệnh xuất hiện ở mọi lứa tuổi với mức độ ngày càng nghiêm trọng. Vậy men gan tăng cao là gì, nguyên nhân và triệu chứng của men cao là gì? Khi nào thì nên đi khám và kiểm tra men gan? Tất cả sẽ được giải thích qua bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
Men gan cao là tế bào gan đang bị phá hủy hàng loạt bởi một tác nhân nào đó. Men gan tăng càng cao, mức độ tổn thương tại gan càng nặng nề. Men gan cao thường gặp ở người bị viêm gan hoặc các bệnh lý khác của bệnh gan do dùng một số thuốc làm tăng men gan, người nghiện rượu, bia. Men gan cao được phân loại thành 3 mức độ:
- Mức độ nhẹ: Chỉ số men gan tăng cao < 5 lần so với mức bình thường.
- Mức độ trung bình: Chỉ số men gan tăng cao ~ 5-10 lần so với mức bình thường.
- Mức độ nặng: Chỉ số men gan tăng cao > 10 lần so với mức bình thường.
Có nhiều nguyên nhân khác nhau khiến men gan cao như: viêm gan, men gan cao do rượu, men gan cao do virus, bệnh sốt rét, bệnh đường mật… Trong đó bia rượu là nguyên nhân chính gây ra tình trạng men gan cao.
Triệu chứng men gan cao
Tăng men gan cũng như các bệnh lý về gan khác thường có chung một số triệu chứng, nhưng rất khó nhận biết được ở giai đoạn đầu. Men gan tăng cũng có thể là triệu chứng của một số bệnh lý gan mật đang trong thời gian ủ bệnh. Nếu chỉ số men gan tăng nhẹ từ 1-2 lần so với giới hạn bình thường, cơ thể của người bệnh chưa nhận thấy những triệu chứng rõ rệt. Nhưng nếu chỉ số men gan tăng hơn 5 lần thì các triệu chứng điển hình của men gan cao sẽ thấy rõ. Cụ thể như:
- Mệt mỏi.
- Sốt.
- Buồn nôn và ói mửa.
- Đau vùng bụng trên bên phải.
- Thay đổi tinh thần tiêu cực.
- Nổi mề đay, ngứa ngáy.
- Chán ăn, bỏ ăn.
- Rối loạn tiêu hóa.
- Suy nhược cơ thể, mệt mỏi, uể oải, thiếu năng lượng.
- Vàng mắt, vàng da bất thường.
- Nước tiểu sậm màu.
- Phân có màu vàng nhạt
- Sưng bụng (ít gặp hơn).
Nguyên nhân men gan cao
Theo nghiên cứu men gan tăng cao thường do những nguyên nhân sau đây:
- Lạm dụng thuốc hoặc tác dụng phụ của thuốc như: các thuốc kháng sinh, giảm đau, chống viêm,…
- Uống rượu bia thường xuyên.
- Thừa cân, béo phì.
- Người đã và đang mắc phải các bệnh lý về gan do uống nhiều rượu bia hoặc bị viêm gan do virus các loại A – B – C.
- Một vài bệnh lý khác cũng có thể là nguyên nhân của tình trạng men gan tăng cao như ung thư gan, xơ gan, viêm túi mật, viêm tụy, tắc mật do giun, do sỏi,…
Đối tượng nguy cơ men gan cao
Một số đối tượng có nguy cơ cao mắc phải tình trạng tăng men gan bao gồm:
- Người ăn uống thiếu khoa học
- Lạm dụng rượu bia
- Thường xuyên sử dụng thuốc không theo chỉ dẫn của bác sĩ
- Bệnh nhân viêm gan, gan nhiễm mỡ, béo phì, xơ gan, viêm gan,…
- Người thường xuyên tiếp xúc và hấp thụ các chất độc hại như thuốc trừ sâu, hoá chất công nghiệp, kim loại nặng,…
Chẩn đoán men gan cao
Cách chẩn đoán men gan là xét nghiệm chỉ số men gan. Thông qua kết quả xét nghiệm chỉ số men gan, bác sĩ sẽ đánh giá chức năng gan, xác định những bệnh lý liên quan tới gan. Nồng độ men gan tăng cao thường là biểu hiện của tình trạng tổn thương gan, viêm gan, tổn thương gan do rượu, xơ gan, thậm chí là ung thư gan. Xét nghiệm men gan có thể hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán tình trạng sức khỏe của gan, ống mật.
Phòng ngừa bệnh men gan cao
Men gan cao thường có biểu hiện không rõ, nên khi phát hiện ra bệnh thường ở mức độ nghiêm trọng ảnh hưởng tới sức khỏe, đặc biệt có thể gây tử vong. Để giảm nguy cơ trên, bản thân mỗi người phải có ý thức bảo vệ sức khỏe. Dưới đây là một số biện pháp phòng chống men gan tăng.
- Ăn nhiều rau: rau xanh đảm bảo được hàm lượng vitamin và chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, giúp khỏe hơn và giảm lượng mỡ trong gan. Một số rau tốt cho cơ thể như cải xanh, bắp cải, rau bina,…
- Ăn nhiều chất xơ hơn: thực phẩm có chứa chất xơ giúp phá vỡ cholesterol và kiểm soát hàm lượng men gan. Chất xơ giúp tăng lượng mật sinh ra ở gan, làm giảm chất béo trong cơ thể.
- Thực phẩm có tính oxi hóa: thực phẩm trên không làm giảm nồng độ men gan nhưng sẽ giữ cho men gan luôn ổn định giúp gan hoạt động hiệu quả hơn. Ví dụ như các thực phẩm sau: củ cải đường, hạt dẻ, bơ,…
- Cung cấp thêm vitamin C: là chất cần thiết để sức đề kháng hệ miễn dịch tăng, tế bào gan được hồi phục, giúp men gan giảm. Tăng cường vitamin C bằng cách sử dụng cam, bưởi, quýt, chanh,… không sử dụng đồ uống có chứa đường
- Giảm cân đối với trường hợp béo phì: Khi béo phì thường có nguy cơ cao men gan tăng. Chính vì vậy cần giảm cân để tốt cho sức khỏe và kiểm soát được men gan.
- Tập thể dục hàng ngày: việc tập thể dục thường xuyên giúp cho sức khỏe tốt và hỗ trợ chức năng của gan. Có thể bạn đi bộ hàng ngày hoặc tập thể dục từ 10 – 15 phút/ lần.
- Uống nước hàng ngày: uống đủ lượng nước mỗi ngày giúp gan đào thải các chất thải hiệu quả. Uống nước khi thức dậy, sau khi ăn, sau khi đi ngủ và vào ban đêm.
- Không sử dụng chất kích thích: rượu, bia là chất phá hủy gan, mà cho gan bị tổn thương nhiều, vì vậy để phục hồi lại men gan, bạn nên bỏ rượu, bia.
- Môi trường sống tốt: Gia đình và nơi làm việc cũng góp phần làm tăng nồng độ men gan. Trong môi trường đó sử dụng các sản phẩm từ thiên nhiên, chứa ít chất độc hại, không sử dụng thuốc lá, đặc biệt là ngồi gần người khác.
- Sử dụng thuốc cần phải theo chỉ định bác sĩ.
Điều trị men gan cao như thế nào?
Để điều trị tình trạng men gan cao, bác sĩ sẽ dựa trên nguyên nhân cũng như cơ chế gây bệnh để đưa ra phác đồ phù hợp nhất, ví dụ như:
- Khi men gan tăng cao do bị viêm gan virus thì bệnh nhân sẽ được kê thuốc ức chế sự hoạt động của virus, giúp hạ men gan và bảo vệ gan tốt hơn.
- Nếu bạn bị men gan cao do thường xuyên uống rượu bia, hút thuốc thì ngay lập tức phải ngưng sử dụng các chất kích thích, các loại đồ uống có cồn để hạn chế các tác động xấu đến gan. Đồng thời sử dụng các thuốc tăng cường chức năng gan, giúp đào thải độc tố trong gan, từ đó làm hạ men gan.
- Tăng men gan do các bệnh lý ở gan mật thì cần điều trị ổn định các bệnh lý đó.
- Bên cạnh đó, những bệnh nhân bị men gan tăng cao cũng cần xây dựng cho mình một chế độ ăn hợp lý, bổ sung thêm các loại rau củ quả tươi, thường xuyên tập luyện thể thao để nâng cao sức đề kháng.
- Phục hồi chức năng gan theo chỉ định của bác sĩ.
Ghi nhận cho thấy, trên thị trường đang bày bán nhiều loại dược liệu thiên nhiên được quảng cáo có khả năng hỗ trợ phục hồi và giúp bảo vệ lá gan một cách an toàn. Tuy nhiên, vì thiếu hiểu biết về y học nên nhiều người đã tin tưởng và sử dụng các sản phẩm điều trị không có nguồn gốc rõ ràng, chưa được chứng minh về hiệu quả khiến bệnh không cải thiện mà còn trở nên trầm trọng hơn. Do vậy, việc thăm khám và hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, bao gồm cả các sản phẩm cải thiện chức năng gan là điều cần thiết.