Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Nghẹt mũi là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị
Nghẹt mũi là triệu chứng khá phổ biến trong bệnh cảm cúm. Bệnh thường đi kèm với tình trạng chảy nước mũi, hắt xì. Nghẹt mũi cũng là triệu chứng chính trong các bệnh viêm mũi xoang, u mũi xoang hay ung thư. Vậy chúng ta cùng tham khảo bài viết dưới đây để hiểu hơn về nghẹt mũi nhé.
Tổng quan chung
Nghẹt mũi là tình trạng hơi thở qua mũi không dễ dàng do dịch mũi, cấu trúc mũi, niêm mạc mũi sưng viêm gây tắc nghẽn, cản trở.
Bình thường, khi chúng ta hít thở, không khí sẽ đi qua mũi và được hệ thống lông chuyển lọc bớt bụi bẩn, sau đó được lớp dịch tiết niêm mạc làm ẩm, cuối cùng được làm ấm bởi hệ thống mạch máu trước khi di chuyển xuống họng và tới phổi để hô hấp.
Nghẹt mũi là biểu hiện khi người bệnh không thể thở dễ dàng bằng mũi do cả hai hay một trong hai lỗ mũi bị dịch nhầy hoặc nguyên nhân khác ngăn bít tắc, thay vào đó người bệnh hít thở chủ yếu bằng miệng.
Bệnh nghẹt mũi có thể có nhiều mức độ khác nhau, từ nhẹ chỉ gây cảm giác khó chịu cho người bệnh cho đến mức độ nặng, gây khó thở và thiếu oxy (chủ yếu gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ chưa biết thở bằng miệng). Bên cạnh đó, để chẩn đoán nghẹt mũi chính xác thì bệnh có thể kèm theo các dấu hiệu khác như: đau đầu, đau vùng mặt, chảy mũi, giảm khứu giác, hắt hơi…
Triệu chứng
Nghẹt mũi có thể xuất hiện ở mọi thời điểm trong ngày hoặc có khi liên tục cả ngày. Tuy nhiên, ở một số người sẽ thấy tình trạng nghẹt mũi về đêm nặng hơn và nhất là khi ngủ. Khi nằm, lượng máu về đầu tăng lên dẫn đến tăng lưu lượng máu vùng mũi. Để thích nghi, các mạch máu trong mũi bị giãn ra nhiều hơn khiến tình trạng viêm mũi tăng lên kèm theo mũi sưng nghẹt hơn khi dịch nhầy bị tích tụ lại trong khoang mũi.
Trong một vài trường hợp, nghẹt mũi có thể gây ra các triệu chứng khác như:
Nguyên nhân
Những tình trạng và bệnh lý có thể gây nghẹt mũi bao gồm:
- Dị ứng.
- Cảm cúm.
- Viêm xoang (nhiễm trùng xoang).
- Những khối lành tính phát triển trong mũi. Ví dụ như polyp mũi hay u lành ở mũi.
- Vẹo vách ngăn.
- Viêm mũi không do dị ứng (nghẹt mũi kéo dài hay hắc xì hơi không liên quan tới dị ứng).
- Viêm VA.
- Dị vật trong mũi, thường gặp ở trẻ em.
- Lạm dụng thuốc chống nghẹt mũi.
- Tiếp xúc hóa chất.
- Khói thuốc lá, khói bụi từ môi trường.
- Không khí khô.
- Uống rượu.
- Stress.
- Bệnh lý tuyến giáp.
- Mang thai.
- Thay đổi hóc môn.
- Thuốc, ví dụ như những thuốc dùng để điều trị huyết áp cao, rối loạn cương dương, trầm cảm, co giật hay những tình trạng bệnh lý khác.
Đối tượng nguy cơ
Ngoài ra, còn có một số yếu tố làm tăng nguy cơ nghẹt mũi:
- Dị tật vách ngăn mũi.
- Nhiễm khuẩn do virus, vi khuẩn.
- Thường xuyên tiếp xúc với môi trường khói bụi, ô nhiễm.
- Tinh thần không thoải mái, hay căng thẳng, stress kéo dài.
- Thời tiết hanh khô, lạnh.
Chẩn đoán
Với các dấu hiệu của bệnh nhân, bác sĩ sẽ hỏi bệnh, thăm khám kĩ lưỡng để chẩn đoán nghẹt mũi cũng như nguyên nhân gây ra dấu hiệu này. Các phương pháp chẩn đoán nghẹt mũi có thể bao gồm:
- Soi vùng mũi họng bằng dụng cụ chuyên biệt để phát hiện tình trạng viêm nhiễm, tổn thương, dị vật hoặc nhưng bất thường về mặt giải phẫu của vùng mũi.
- Chụp X quang vùng mặt để phát hiện các dị tật hoặc dị vật có thể gây ra bệnh nghẹt mũi.
- CT hoặc MRI là kĩ thuật hiện đại nhất, giúp mô tả chính xác các cấu trúc hoặc tổn thương có thể gây nghẹt mũi.
- Xét nghiệm máu để tìm ra các dấu hiệu nhiễm trùng trong các bệnh cảnh viêm xoang, viêm mũi để củng cố chẩn đoán nguyên nhân gây nghẹt mũi.
Phòng ngừa bệnh
Phòng ngừa bị ngạt mũi chính là cách tránh nguyên nhân gây ra bệnh. Ngoài ra, để phòng ngừa bị nghẹt mũi hiệu quả, bạn cần lưu ý các vấn đề sau:
- Vận động thể dục thể thao mỗi ngày để tăng cường sức đề kháng.
- Xịt rửa mũi thường xuyên (1-2 lần/ngày) bằng nước muối sinh lý hoặc chai xịt chuyên dụng.
- Đeo khẩu trang khi ra ngoài nhằm tránh tiếp xúc khói bụi, dị vật, khói thuốc lá.
- Uống đủ nước, nhất là khi thời tiết hanh khô hoặc sử dụng máy lạnh thường xuyên.
- Vệ sinh răng miệng, súc miệng đều đặn.
- Chế độ ăn uống khoa học, hợp lý, bổ sung nhiều rau xanh, vitamin.
- Tập thở bằng các bài yoga có hiệu quả tích cực đối với hệ hô hấp giúp phòng ngừa nghẹt mũi.
Điều trị như thế nào?
Điều trị chung
- Làm thông thoáng hốc mũi: rửa mũi bằng nước muối sinh lý, hút dịch mũi…
- Nhỏ mũi bằng các thuốc gây co mạch: Ephedrin 1-3%, naphazolin 0.5-1% (không dùng cho trẻ sơ sinh)…
- Xông hơi: Hơi nước ấm có pha dầu thơm.
- Khí dung: Kháng sinh, corticoid, thuốc co mạch.
Điều trị nội khoa
Việc sử dụng thuốc chủ yếu là điều trị các nguyên nhân viêm nhiễm gây nghẹt mũi cũng như điều trị giảm nhẹ triệu chứng, giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn:
- Thuốc hạ sốt sử dụng khi có sốt cao, kéo dài do tình trạng nhiễm trùng.
- Sử dụng kháng sinh chống nhiễm khuẩn và phòng bội nhiễm.
- Thuốc chống dị ứng trong trường hợp viêm mũi dị ứng.
- Chống viêm, giảm phù nề: Dùng corticoid giảm liều dần.
- Nâng cao sức đề kháng của cơ thể: Vitamin C, các thuốc tăng sức đề kháng…
Điều trị ngoại khoa
Điều trị phẫu thuật giúp giải quyết các nguyên nhân gây nghẹt mũi như dị tật bẩm sinh, chấn thương, dị vật hoặc các nguyên nhân khác như vẹo vách ngăn, lệch vách ngăn mũi…
- Tiêm các thuốc gây xơ vào cuốn mũi như: tiêm corticoid…
- Nạo V.A: Trong trường hợp viêm quá phát che kín cửa mũi sau.
- Tạo hình lại các dị hình: sẹo hẹp, tịt lỗ mũi sau, dị hình vách ngăn…
- Cuốn mũi thoái hóa: Có thể đốt bằng điện nhiệt, nitơ lỏng hoặc laser…
- Lấy bỏ dị vật hốc mũi và phẫu thuật lấy bỏ các khối u và polyp (bằng phẫu thuật kinh điển hoặc nội soi).
Hi vọng với những chia sẻ trên giúp các bạn hiểu thêm về nghẹt mũi.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.