Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Sỏi mật là gì? Những điều cần biết về sỏi mật
Bệnh sỏi túi mật có thể không có bất kỳ một biểu hiện nào mà được phát hiện tình cờ qua siêu âm hoặc chụp cắt lớp vi tính ổ bụng. Ở giai đoạn muộn bệnh có thể gây đau bụng, gây vàng da tắc mật, viêm đường mật, nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn đường mật, chảy máu đường mật,… Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu về Sỏi mật qua bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
Khi chúng ta ăn thức ăn vào, gan bắt đầu làm nhiệm vụ tổng hợp, bài tiết để sản xuất ra mật. Lúc này, túi mật và ống túi mật có nhiệm vụ chứa và dự trữ dịch mật từ gan. Đồng thời, túi mật có tác dụng co bóp đẩy dịch mật vào ống mật chủ, từ đó đổ vào tá tràng và xuống ruột non, giúp phân hủy các chất béo, thúc đẩy quá trình tiêu hóa thức ăn diễn ra thuận lợi.
Sỏi mật là các hạt nhỏ giống như sỏi tìm thấy trong túi mật, là một cơ quan giống như túi nhỏ chứa mật. Mật là chất tiêu hóa do gan tạo ra để phân tách và tiêu hóa chất béo và được tạo thành từ cholesterol, nước, chất béo, muối mật và bilirubin.
Sỏi mật được tạo ra từ mật bị cứng và nếu mật chứa lượng cholesterol, bilirubin hoặc muối mật cao, mật bị ít nước đi và cứng thành sỏi. Sỏi mật có thể xuất hiện dưới dạng một viên sỏi lớn có kích thước như một quả bóng golf, viên sỏi nhỏ hoặc kết hợp các dạng này.
Triệu chứng
Khi mắc bệnh sỏi túi mật đa số bệnh nhân không có triệu chứng gì và thường được tình cờ phát hiện trong quá trình thăm khám chẩn đoán bằng siêu âm ổ bụng. Những triệu chứng đau dữ dội xuất hiện nhiều nhất khi sỏi làm tắc ống túi mật. Những cơn đau thường xảy ra trong trường hợp túi mật co thắt đột ngột (hay xảy ra sau bữa ăn nhiều thịt, dầu mỡ), do gia tăng sức ép của sỏi lên thành túi mật hoặc động tác co thắt túi mật làm chúng dịch chuyển, hệ quả làm tắc đường dẫn mật.
Trong các triệu chứng cơ bản có cơn đau thường xuất hiện ở giữa hoặc bên phải phần trên ổ bụng, ngay dưới đường xương sườn – tình trạng đau đớn gia tăng kéo dài khoảng 60 phút và có thể duy trì, mức độ giảm dần suốt vài tiếng tiếp theo. Cảm giác đau có thể mạnh mẽ và dai dẳng hoặc nhức nhối và căng phồng. Cũng không hiếm trường hợp cơn đau lan theo hướng sau lưng hoặc cánh tay phải. Không loại trừ kèm theo tình trạng buồn nôn và nôn. Cơn đau thuyên giảm, khi túi mật trở lại trạng thái bình thường.
Sỏi túi mật cũng có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng, như viêm túi mật cấp, viêm đường mật, viêm tụy cấp…
Nguyên nhân
Sỏi mật là kết quả của sự mất cân bằng mật và túi mật không khỏe mạnh. Khi xảy ra tình trạng mất cân bằng, hàm lượng cholesterol cao trong mật kết tinh và bám vào thành túi mật. Theo thời gian, các kết tinh tạo thành sỏi mật có thể bắt đầu từ kích cỡ hạt cát và lớn dần bằng quả bóng golf. Sỏi mật gây kích ứng cho túi mật và có thể làm tắc túi mật, ống mật, gan hoặc tụy.
Sỏi cholesterol xảy ra do nồng độ cholesterol và bilirubin trong dịch mật tăng, cũng như do nồng độ muối mật giảm.
Sỏi sắc tố có xu hướng xuất hiện ở những người mắc xơ gan, nhiễm trùng ống mật và các rối loạn máu di truyền.
Đối tượng nguy cơ
Bất cứ ai cũng có thể bị sỏi mật, kể cả trẻ em. Tuy nhiên, có một số yếu tố nguy cơ khiến bạn dễ bị sỏi mật hơn, bao gồm:
- Yếu tố nguy cơ hàng đầu là nữ giới có tuổi từ 40 trở lên, thường xuyên nhịn đói, giảm cân nhanh chóng.
- Người có chế độ ăn giàu chất béo, thừa cân hoặc béo phì, có lối sống ít vận động… cũng dễ mắc phải sỏi túi mật.
- Những người trong gia đình có anh chị em, bố mẹ mắc sỏi túi mật cũng sẽ có nguy cơ.
- Người mắc một số bệnh lý rối loạn tiêu hóa, bệnh viêm ruột mạn tính hoặc có sử dụng một số loại thuốc kháng sinh, tránh thai sẽ có nguy cơ cao mắc sỏi túi mật.
Chẩn đoán
Để chẩn đoán sỏi túi mật, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện các xét nghiệm sau đây:
- Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu giúp phát hiện dấu hiệu nhiễm trùng, viêm đường mật, viêm tuyến tụy, viêm túi mật, viêm gan…
- Chụp X-quang: Bác sĩ có thể chỉ định chụp X-quang để tìm sỏi túi mật. Với xét nghiệm này, người bệnh không cần gây mê hoặc uống thuốc để ổn định tâm lý.
- Siêu âm: Phương pháp này sử dụng thiết bị đầu dò và sóng âm thanh an toàn để tạo ra hình ảnh về cấu trúc túi mật, từ đó giúp phát hiện được sỏi mật. Quá trình xét nghiệm hoàn toàn không gây đau đớn cho người bệnh.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT): Phương pháp chụp cắt lớp vi tính sẽ tạo ra hình ảnh về tuyến tụy, túi mật và ống dẫn mật, từ đó giúp phát hiện sỏi mật, các biến chứng như nhiễm trùng, tắc nghẽn túi mật, ống dẫn mật…
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Phương pháp này sẽ tạo ra hình ảnh chi tiết về các cơ quan và mô mềm, giúp phát hiện sỏi túi mật trong đường mật.
- Quét HIDA (Cholescintigraphy): Phương pháp này sử dụng chất phóng xạ an toàn để tạo ra hình ảnh về đường mật, giúp phát hiện các cơn co thắt bất thường của túi mật hoặc tình trạng tắc nghẽn ống dẫn mật do sỏi.
- Nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP): Nội soi mật tụy ngược dòng thường kết hợp với nội soi dạ dày và chụp X-quang để chẩn đoán, điều trị các vấn đề bệnh lý liên quan đến ống túi mật, tụy, loại bỏ sỏi mật…
Phòng ngừa bệnh
Không thể ngăn ngừa sỏi túi mật. Tuy nhiên, bạn có thể giảm bớt các nguy cơ bằng cách tuân thủ lối sống lành mạnh. Điều quan trọng là duy trì cân nặng hợp lý bằng cách tập thể dục và ăn uống cân bằng. Có kế hoạch giảm cân phù hợp và kiểm soát mức cholesterol cũng là một phần quan trọng trong việc ngăn ngừa sỏi mật.
Một số biện pháp nhằm giảm nguy cơ hình thành sỏi mật như:
- Duy trì cân nặng hợp lý, tránh béo phì.
- Ăn uống lành mạnh, giàu chất xơ (rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt), hạn chế chất béo động vật.
- Tập thể dục đều đặn, tăng cường vận động thể chất. Nên tập ít nhất 30 phút mỗi ngày, 5 ngày/tuần để ngăn ngừa các yếu tố nguy cơ gây bệnh sỏi mật.
- Uống đủ nước, từ 1,5-2 lít nước mỗi ngày.
- Không giảm cân quá nhanh, mỗi tuần chỉ nên giảm 0,5-1kg.
- Khám sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị sớm sỏi mật.
- Với những người đã điều trị sỏi mật, cần tuân thủ chế độ ăn uống, lối sống khoa học và tái khám theo hẹn để phòng tránh sỏi mật tái phát.
Điều trị như thế nào?
Tùy từng trường hợp mà các bác sĩ sẽ có lựa chọn cho phù hợp. Nếu sỏi không có biểu hiện gây đau cần theo dõi định kỳ và có điều trị.
Các phương pháp điều trị sỏi túi mật bao gồm:
- Phẫu thuật: mổ mở hoặc mổ nội soi. Với các phương pháp này, mổ cắt túi mật loại bỏ được nguồn gốc sinh ra sỏi. Thường sỏi túi mật là sỏi chuyển hóa cholesterol.
- Dẫn lưu túi mật tạm thời qua da dưới hướng dẫn của siêu âm. Phương pháp này áp dụng với những người già yếu, có nhiều bệnh lí nền khó khăn với gây mê và hồi sức sau mổ. Nếu tiến hành phẫu thuật ngay khả năng hồi phục khó, nguy cơ tử vong cao. Dẫn lưu túi mật chỉ mang ý nghĩa tạm thời, sau đó hồi sức tốt cho bệnh nhân để phẫu thuật thì 2.
- Tán sỏi túi mật qua da: Phương pháp này tán sỏi túi mật và lấy sỏi qua da, hoặc đẩy xuống tá tràng. Với phương pháp này không điều trị được triệt căn vì nguyên nhân gây sỏi ở túi mật, bệnh có thể tái phát sỏi ở túi mật. Cần khám định kỳ 6 tháng một lần để kiểm tra mức độ tiến triển của sỏi túi mật. Ngoài ra, kết hợp vận động thể dục thể thao, chế độ ăn giảm chất béo để giảm cân hạn chế tối đa các yếu tố nguy cơ.
Bài viết trên đã cho bạn những thông tin bổ ích về Sỏi mật. Hi vọng, sẽ có ích cho việc chăm sóc sức khỏe gia đình bạn.