Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Thấp khớp là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp phòng ngừa
Thấp khớp, còn được gọi là viêm khớp dạng thấp, là một bệnh lý tự miễn dịch gây viêm nhiễm và đau đớn ở các khớp. Bệnh này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống mà còn có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về thấp khớp, nguyên nhân, triệu chứng, và các phương pháp phòng ngừa.
Tổng quan chung
Bệnh thấp khớp (Rheumatoid Arthritis) hay còn gọi là phong thấp, là một dạng bệnh viêm nhiễm về xương khớp rất phổ biến. Bệnh có liên quan đến hoạt động của hệ thống tự miễn dịch, nguyên nhân chính là do phần dịch khớp bị viêm nhiễm.
Thấp khớp gây ra các triệu chứng đau nhức, sưng tấy và cứng khớp. Các vùng khớp xương bị bệnh thường bị ảnh hưởng nghiêm trọng và có tính chất đối xứng. Nghĩa là một bên gối, bàn tay bị thấp khớp thì thông thường bên còn lại cũng sẽ bị. Bệnh có thể xảy ra ở tất cả các khớp trong cơ thể. Kèm với tình trạng đau nhức khớp, người bệnh thường có triệu chứng ốm yếu, mệt mỏi và sốt.
Bệnh thấp khớp có 2 dạng thường gặp rất phổ biến là:
- Thấp khớp có liên quan đến khớp: Là các tình trạng bệnh có ảnh hưởng đến khớp xương như viêm khớp dạng thấp, lupus, gút, viêm đốt sống,…
- Thấp khớp không liên quan đến khớp: Là tình trạng bệnh khi các vùng khớp không bị ảnh hưởng mà chỉ những phần mô mềm và các cơ bị đau nhức giống viêm khớp dạng thấp.
Triệu chứng
Người bệnh thấp khớp có thể cảm nhận rõ rệt mức độ ảnh hưởng của bệnh thông qua những biểu hiện sau:
- Các khớp cứng và khô: Triệu chứng nặng hơn vào buổi sáng, đặc biệt là khi mới ngủ dậy hoặc sau khi vận động, lao động. Trường hợp nặng, cứng khớp có thể xuất hiện cả ngày khiến người bệnh mệt mỏi.
- Các khớp xương có biểu hiện sưng, nóng, khớp yếu.
- Cơ thể người bệnh mệt mỏi rã rời, cân nặng giảm sút rõ rệt do bệnh lý ảnh hưởng tới hoạt động ăn ngủ.
- Người bệnh có nguy cơ bị sốt.
- Trường hợp nặng, không được điều trị kịp thời có thể gặp phải triệu chứng biến dạng khớp.
Nguyên nhân
Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng bệnh thấp khớp. Đó có thể là do những tác động từ bệnh ngoài môi trường, thói quen sinh hoạt, chế độ ăn uống hoặc do vấn đề cơ địa, gen bên trong. Cụ thể là:
- Do tuổi tác: Các thống kê khoa học cho thấy có khoảng gần 50% số người mắc bệnh viêm khớp ở độ tuổi từ 65 trở lên. Trẻ em là đối tượng hiếm gặp nhất của bệnh.
- Do gen: Gen di truyền cũng là một trong những nguyên nhân gây thấp khớp. Nếu trong gia đình có người mắc bệnh, thì nguy cơ mắc thấp khớp sẽ cao hơn mức bình thường.
- Giới tính: Nữ có tỷ lệ mắc bệnh thấp khớp, viêm khớp dạng thấp cao hơn nam giới.
- Hút thuốc lá: Trong một nghiên cứu tại Thụy Điển về tình trạng bệnh thấp khớp cho thấy, người hút thuốc lá có nguy cơ mắc các bệnh viêm khớp cao hơn 21% so với người không hút thuốc.
- Nghề nghiệp: Các nghiên cứu khoa học chứng minh rằng, người thường xuyên tiếp xúc với các loại hóa chất, xăng dầu có nguy cơ mắc bệnh thấp khớp rất cao. Ví dụ như các nghề: Sơn móng tay, thợ sơn, tiếp xúc với thuốc trừ sâu, xăng dầu,…
- Chế độ ăn uống, dinh dưỡng: Người béo phì là đối tượng có nguy cơ mắc thấp khớp rất cao. Do đó, cần điều chỉnh và cân bằng chế độ ăn uống để hạn chế tốt nhất các nguy cơ mắc bệnh.
Đối tượng nguy cơ
Thấp khớp cực kì phổ biến, ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi và giới tính, nhưng thường xuất hiện nhiều hơn ở nữ. Phần lớn bệnh thường xuất hiện ở những người từ 40 đến 60 tuổi. Tuy nhiên, bệnh vẫn có thể ảnh hưởng đến bất kỳ độ tuổi nào.
Những yếu tố có thể làm tăng nguy mắc bệnh thấp khớp bao gồm:
- Giới tính: phụ nữ thường dễ mắc thấp khớp hơn nam giới;
- Tuổi tác: bệnh thấp khớp thường xuất hiện từ 40-60 tuổi;
- Bệnh sử gia đình: nếu trong gia đình bạn có thành viên bị thấp khớp, thì bạn cũng có nguy cơ cao mắc bệnh;
- Hút thuốc;
- Tiếp xúc với môi trường: dù chưa chắc chắn và có nghiên cứu rõ ràng, nhưng một số yếu tố như tiếp xúc nhiều với amiăng hay silica có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh thấp khớp. Các nhân viên cứu hộ tiếp xúc nhiều với khí bụi trong vụ sập đổ trung tâm thương mại thế giới có nguy cơ cao mắc các bệnh tự miễn dịch như bệnh thấp khớp;
- Béo phì: Những người béo phì có nguy cơ cao mắc bệnh thấp khớp, đặc biệt là với những phụ nữ đang điều trị bệnh trong độ tuổi dưới 55.
Chẩn đoán
Dựa vào các triệu chứng, bệnh sử, khám thực thể và sử dụng các xét nghiệm khác nhau, bác sĩ có thể kiểm tra và đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh thấp khớp.
Khai thác bệnh sử và kiểm tra thể chất
Trong quá trình này, bác sĩ sẽ thăm hỏi người bệnh về các triệu chứng, thời điểm chúng bắt đầu và chúng đã thay đổi như thế nào theo thời gian. Đồng thời, người bệnh cũng sẽ được hỏi thêm về các bệnh lý đang mắc phải khác, các loại thuốc đang sử dụng và tiền sử gia đình.
Bác sĩ sẽ thực hiện kiểm tra thể chất để đánh giá khớp của bạn có bị sưng, đỏ, nóng và đau hay không. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng sẽ kiểm tra phạm vi chuyển động và sức mạnh cơ bắp của người bệnh.
Sự phân bố của các khớp bị ảnh hưởng và các dấu hiệu thực thể giúp phân biệt các loại bệnh thấp khớp khác nhau. Việc kiểm tra phạm vi chuyển động có thể góp phần giúp bác sĩ xác định mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Chẩn đoán hình ảnh
Các xét nghiệm hình ảnh như chụp X-quang, chụp CT, MRI hoặc siêu âm có thể đóng một vai trò quan trọng trong chẩn đoán và quản lý bệnh thấp khớp. Kết quả của các xét nghiệm này sẽ giúp:
- Xác định các dấu hiệu viêm và tổn thương ở khớp, mô mềm và xương;
- Đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh;
- Theo dõi tiến triển bệnh và đánh giá mức độ phù hợp với phác đồ điều trị.
Dưới đây là một số xét nghiệm hình ảnh quan trọng có thể giúp chẩn đoán bệnh thấp khớp:
- Chụp X-quang: Chụp X-quang là loại xét nghiệm hình ảnh phổ biến nhất được sử dụng để chẩn đoán bệnh thấp khớp. Chúng có thể cho thấy những thay đổi về xương, chẳng hạn như thu hẹp không gian khớp, xói mòn xương và phát triển xương mới. Chụp X-quang cũng hữu ích trong việc theo dõi sự tiến triển của bệnh theo thời gian.
- Siêu âm cơ xương khớp (MSUS): MSUS là loại siêu âm sử dụng sóng âm thanh tần số cao để tạo ra hình ảnh của khớp, mô mềm và gân. MSUS giúp phát hiện các dấu hiệu sớm của tình trạng viêm, chẳng hạn như sưng và dày lên của màng hoạt dịch (màng khớp). MSUS cũng có thể được sử dụng để đánh giá mức độ tổn thương ở khớp và hướng dẫn tiêm cũng như các thủ thuật khác.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Chụp MRI sử dụng nam châm và sóng vô tuyến mạnh để tạo ra hình ảnh chi tiết của các mô mềm như khớp. Chụp MRI rất hiệu quả trong việc phát hiện cả tình trạng viêm và tổn thương ở khớp, mô mềm và xương. Chụp MRI thường được sử dụng để chẩn đoán sớm bệnh thấp khớp và theo dõi phản ứng với điều trị.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT): Chụp CT có thể được sử dụng để tạo ra hình ảnh chi tiết về xương và khớp. Chụp CT thường được sử dụng để đánh giá mức độ nghiêm trọng của tổn thương khớp và loại trừ các nguyên nhân gây đau khớp khác, chẳng hạn như gãy xương và nhiễm trùng. CT không nhạy bằng MRI đối với tình trạng viêm mô mềm.
- Chụp cắt lớp phát xạ Positron (PET): Chụp cắt lớp phát xạ Positron PET có thể được sử dụng để đo hoạt động trao đổi chất của các mô. Chụp PET có thể được sử dụng để xác định các khu vực bị viêm và theo dõi phản ứng với điều trị.
- Quét xương (Xạ hình xương): Quét xương là một xét nghiệm hình ảnh hạt nhân sử dụng chất đánh dấu phóng xạ để phát hiện những bất thường ở xương và khớp có thể không nhìn thấy được trên hình ảnh X-quang thông thường. Đây là một xét nghiệm có độ nhạy cao giúp phát hiện tình trạng viêm, ngay cả ở giai đoạn đầu của bệnh. Điều này làm cho xạ hình xương trở thành một công cụ hữu ích để chẩn đoán và theo dõi sự tiến triển của bệnh thấp khớp cũng như hiệu quả điều trị.
Bác sĩ sẽ đề xuất các xét nghiệm hình ảnh tốt nhất dựa trên các triệu chứng và tiền sử bệnh của người bệnh. Điều quan trọng cần lưu ý là các xét nghiệm hình ảnh không phải lúc nào cũng có thể chẩn đoán chính xác bệnh thấp khớp. Tuy nhiên, kết quả chẩn đoán hình ảnh có thể cung cấp thông tin có giá trị giúp bác sĩ chẩn đoán và xây dựng kế hoạch điều trị.
Xét nghiệm máu
Một số xét nghiệm máu có thể giúp xác nhận chẩn đoán hoặc loại trừ các nguyên nhân khác có thể gây ra các triệu chứng của người bệnh. Những xét nghiệm này có thể bao gồm:
- ESR/CRP đo mức độ viêm;
- Yếu tố thấp khớp RF và anti-CCP trong chẩn đoán bệnh viêm khớp dạng thấp;
- Nồng độ axit uric được dùng để chẩn đoán bệnh gút;
- Kháng thể kháng nhân ANA tìm kiếm các tự kháng thể tấn công các mô khỏe mạnh, thường gặp trong các bệnh thấp khớp tự miễn như bệnh lupus, viêm khớp dạng thấp,…;
- Tổng phân tích tế bào máu (CBC) để phát hiện thiếu máu liên quan đến viêm khớp dạng thấp.
Nói chung, xét nghiệm máu rất chính xác trong việc phát hiện tình trạng viêm và dấu hiệu của một số loại bệnh thấp khớp cụ thể. Đây là một công cụ có giá trị để chẩn đoán và quản lý bệnh thấp khớp.
Xét nghiệm dịch khớp (Phân tích chất lỏng hoạt dịch)
Phân tích chất lỏng hoạt dịch là một xét nghiệm chẩn đoán có thể giúp xác định nguyên nhân gây viêm và sưng ở khớp hoặc bao hoạt dịch. Dịch khớp được phân tích về hình thức, độ nhớt, số lượng tế bào và các đặc tính khác.
Một số tình trạng thấp khớp có thể được chẩn đoán bằng phân tích dịch khớp bao gồm:
- Viêm khớp dạng thấp;
- Bệnh gout;
- Giả bệnh gút;
- Viêm khớp vảy nến;
- Viêm khớp phản ứng,….
Trên thực tế, trong chẩn đoán bệnh thấp khớp thì phân tích dịch khớp không phải là xét nghiệm thường xuyên. Tuy nhiên, phương pháp này có thể hữu ích trong trường hợp chẩn đoán không rõ ràng hoặc khi cần loại trừ các nguyên nhân có thể gây viêm khớp khác.
Chìa khóa để chẩn đoán chính xác là đánh giá kỹ lưỡng bệnh sử và khám lâm sàng cùng với các xét nghiệm sẽ xác định bệnh thấp khớp cụ thể và loại trừ các nguyên nhân tiềm ẩn khác gây đau khớp và viêm. Chẩn đoán sớm, chính xác giúp xác định được hướng dẫn điều trị thích hợp.
Phòng ngừa bệnh
Bệnh thấp khớp có thể phòng tránh và hạn chế sự ảnh hưởng, phát triển của bệnh bằng cách thay đổi thói quen sinh hoạt hàng ngày, chế độ ăn uống, vận động, nghỉ ngơi. Theo đó các bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo người bệnh nên:
- Thường xuyên tập luyện thể dục để giúp cơ thể khỏe mạnh, xương khớp dẻo dai và hạn chế nguy cơ mắc bệnh.
- Có chế độ ăn uống khoa học, bổ sung nhiều vitamin, chất khoáng, chất xơ, canxi,… để xương chắc khỏe và tăng sức đề kháng cho cơ thể.
- Giữ thể trạng, cân nặng luôn ổn định, hạn chế nguy cơ béo phì, thừa cân.
- Không sử dụng thuốc lá và các chất kích thích ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.
- Hạn chế những tác động, va chạm gây tổn thương đến xương khớp.
Mọi người nên chủ động phòng tránh và điều trị bệnh xương khớp sớm, đặc biệt là khi bước sang độ tuổi trung niên. Ngay khi thấy xuất hiện các triệu chứng bất thường của bệnh nên đi khám, kiểm tra sức khỏe toàn diện để có phương pháp phòng, chữa phù hợp.
Điều trị như thế nào?
Hiện nay, vẫn chưa có biện pháp chữa khỏi hoàn toàn bệnh thấp khớp. Tuy nhiên, phác đồ điều trị phù hợp có thể hỗ trợ kiểm soát các triệu chứng và làm chậm sự tiến triển của bệnh. Mục tiêu của điều trị bệnh thấp khớp bao gồm giảm viêm, giảm đau, làm chậm hoặc ngăn ngừa tổn thương khớp, cải thiện chức năng khớp và duy trì khả năng vận động của cơ thể. Việc điều trị cần phải được điều chỉnh sao cho phù hợp với từng loại bệnh thấp khớp cụ thể, cũng như mức độ nghiêm trọng của bệnh. Các phương pháp điều trị bệnh thấp khớp phổ biến bao gồm:
Dùng thuốc
Có nhiều loại thuốc có thể được sử dụng để điều trị bệnh thấp khớp, bao gồm:
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như ibuprofen hoặc naproxen có thể giúp giảm viêm và sưng;
- Thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARD) như methotrexate, leflunomide và hydroxychloroquine có thể giúp làm chậm sự tiến triển của bệnh;
- Thuốc giảm đau như acetaminophen;
- Corticosteroid để ức chế hệ thống miễn dịch và ngăn chặn nó tấn công các mô của cơ thể. Tuy nhiên, corticosteroid cũng có nhiều tác dụng phụ nên thường chỉ được sử dụng để giảm đau trong thời gian ngắn hoặc kết hợp với các loại thuốc khác có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh thấp khớp.
- Thuốc sinh học là các protein biến đổi gen hoạt động giống như các protein tự nhiên trong hệ thống miễn dịch. Thuốc hoạt động bằng cách nhắm mục tiêu các protein cụ thể gây viêm trong cơ thể và được coi là phương pháp điều trị tích cực cho bệnh thấp khớp. Thuốc sinh học được dùng một mình hoặc kết hợp với các loại thuốc trị thấp khớp khác. Bác sĩ có thể sẽ kê đơn thuốc này cho những người mắc bệnh thấp khớp từ trung bình đến nặng trong trường hợp bệnh không được cải thiện khi sử dụng thuốc chống thấp khớp truyền thống (DMARD).
Các loại thuốc làm giảm hoạt động miễn dịch và giảm viêm là nền tảng của hầu hết các phác đồ điều trị bệnh thấp khớp. Các loại thuốc cụ thể được sử dụng tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Thay đổi lối sống
Các biện pháp thay đổi lối sống đóng một vai trò quan trọng trong điều trị bệnh thấp khớp. Chúng có thể giúp giảm viêm, cải thiện chức năng khớp và kiểm soát cơn đau. Một số biện pháp thay đổi lối sống quan trọng đối với việc kiểm soát bệnh thấp khớp, bao gồm:
- Tập thể dục: Tập thể dục có thể giúp tăng cường cơ bắp, cải thiện tính linh hoạt và giảm đau khớp và cứng khớp. Một số bài tập phù hợp cho người bệnh thấp khớp bao gồm đi bộ, bơi lội, đạp xe… Người bệnh nên bắt đầu tập luyện ở cường độ nhẹ và tăng dần theo thời gian để cơ thể thích nghi.
- Giảm cân nếu thừa cân: Duy trì cân nặng khỏe mạnh có thể giúp giảm viêm và căng thẳng cho khớp. Nếu bạn thừa cân hoặc béo phì, việc giảm cân cũng có thể làm giảm đáng kể cơn đau khớp một cách hiệu quả;
- Chườm nóng và chườm lạnh: Chườm nóng giúp thư giãn cơ bắp và tăng cường lưu thông máu. Chườm lạnh giúp làm dịu cơn đau và giảm viêm. Sử dụng miếng đệm sưởi ấm, khăn ấm hoặc túi lạnh/túi đá trong 15-20 phút mỗi lần;
- Nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc: Mệt mỏi có thể làm trầm trọng thêm tình trạng đau khớp và cứng khớp. Điều quan trọng là phải nghỉ ngơi đầy đủ, đặc biệt là khi người bệnh đang trải qua cơn bùng phát. Đặt mục tiêu ngủ 7-9 giờ mỗi đêm và tránh các hoạt động mạnh gây căng thẳng;
- Sử dụng các thiết bị hỗ trợ: Người bệnh có thể sử dụng một số thiết bị trợ lực như gậy, nẹp, xe tập đi, bệ ngồi toilet mở rộng và các thiết bị khác để có thể giúp giảm áp lực cho các khớp bị đau; từ đó, duy trì hoạt động tối ưu;
- Duy trì tư thế đúng: Hoạt động sai tư thế có thể khiến cho trọng lượng cơ thể phân bổ không đều và tạo thêm căng thẳng cho các khớp.
- Bỏ hút thuốc: Hút thuốc có thể làm trầm trọng thêm tình trạng viêm và tổn thương khớp;
- Giảm căng thẳng: Khi cơ thể bị căng thẳng có thể gây viêm và căng cơ, làm trầm trọng thêm tình trạng đau khớp. Người bệnh có thể thử các phương pháp thư giãn để kiểm soát căng thẳng, chẳng hạn như tập thể dục, yoga, thiền hoặc mát-xa;
- Ăn một chế độ ăn uống lành mạnh: Một chế độ ăn chống viêm giàu trái cây, rau, cá và chất béo lành mạnh có thể giúp giảm viêm khớp và hỗ trợ tăng cường sức khỏe tổng thể.
- Uống đủ nước: Mất nước có thể khiến cho khớp bị cứng và đau. Do đó, người bệnh cần uống nhiều nước trong ngày;
- Bảo vệ khớp: Người bệnh cần tránh các hoạt động quá sức hoặc làm căng khớp. Đồng thời, người bệnh nên sử dụng kỹ thuật thích hợp khi cúi xuống hoặc nâng vật nặng.
Các phương pháp tiếp cận không dùng thuốc tập trung vào việc bảo vệ khớp thông qua thời gian nghỉ ngơi cân bằng với việc duy trì tính linh hoạt. Khi đó, cơ thể sẽ dần điều hòa giúp cải thiện thể lực tổng thể hiệu quả.
Vật lý trị liệu
Bên cạnh phác đồ điều trị y khoa, các phương pháp vật lý trị liệu cũng hỗ trợ giúp làm giảm triệu chứng của bệnh thấp khớp một cách tối ưu. Bác sĩ có thể sẽ hướng dẫn người bệnh thực hiện một số bài tập giúp gia tăng tính linh hoạt cho khớp. Tùy vào từng tình trạng bệnh, người bệnh có thể chủ động tập các bài tập trị liệu khớp tại nhà hoặc đến bệnh viện để bác sĩ hướng dẫn và theo dõi chi tiết.
Phẫu thuật
Phẫu thuật là lựa chọn điều trị thích hợp cho người bị tổn thương khớp nghiêm trọng không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác. Các phẫu thuật thông thường bao gồm:
- Phẫu thuật cắt bỏ màng hoạt dịch để loại bỏ lớp lót khớp bị viêm;
- Hợp nhất khớp để mang lại sự ổn định và giảm đau ở các khớp bị tổn thương nghiêm trọng;
- Loại bỏ khớp bị hư hỏng và cấy ghép khớp nhân tạo;
- Sửa chữa các gân bị đứt do viêm.
Phẫu thuật thường được khuyến nghị cho những bệnh nhân bị tổn thương khớp đáng kể và tiếp tục bị đau/mất chức năng mặc dù đã dùng thuốc và các phương pháp điều trị khác.
Phương pháp điều trị thay thế
Ngoài ra các phương pháp kể trên, còn có một số liệu pháp hỗ trợ điều trị khác có thể giúp kiểm soát bệnh thấp khớp, chẳng hạn như:
- Châm cứu để giảm đau và viêm ở những người bị thấp khớp;
- Massage để cải thiện lưu thông máu, giảm căng thẳng cũng như giảm đau và cứng khớp;
- Yoga và thái cực quyền có thể giúp cải thiện tính linh hoạt, sức mạnh, sự cân bằng và thư giãn cho những người bị bệnh thấp khớp;
- Một số loại thảo mộc như nghệ, gừng, boswellia và vỏ cây liễu có đặc tính chống viêm có thể giúp giảm đau và sưng khớp;
- Glucosamine, chondroitin, axit béo omega-3 và một số chất bổ sung thảo dược có thể hỗ trợ sức khỏe khớp và giúp giảm đau.
Điều quan trọng cần lưu ý là bằng chứng về tính hiệu quả và an toàn của các phương pháp điều trị thay thế còn hạn chế hoặc chưa rõ ràng. Do đó, để đảm bảo chúng an toàn và phù hợp với tình trạng bản thân, người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện bất kỳ liệu pháp thay thế nào.
Điều trị sớm và tích cực có thể giúp làm thuyên giảm triệu chứng của bệnh thấp khớp trong nhiều trường hợp, đồng thời ngăn ngừa các biến chứng một cách đáng kể. Lưu ý rằng, việc theo dõi định kỳ giúp đảm bảo rằng các biện pháp điều trị bệnh có hiệu quả theo thời gian.
Kết luận
Thấp khớp là một bệnh lý phức tạp, gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người bệnh. Tuy nhiên, việc hiểu rõ về bệnh, nhận biết sớm các triệu chứng và áp dụng các biện pháp phòng ngừa, điều trị hiệu quả có thể giúp người bệnh sống khỏe mạnh và hạn chế biến chứng. Hãy duy trì lối sống lành mạnh, thường xuyên kiểm tra sức khỏe và tham khảo ý kiến bác sĩ khi có dấu hiệu bất thường để bảo vệ sức khỏe của bạn.