Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Viêm loét miệng là gì? Những điều cần biết về viêm loét miệng
Viêm loét miệng hay nhiệt miệng là một trong những vấn đề sức khỏe mà ai cũng có thể gặp phải. Bệnh có thể gây đau khi ăn uống và khi nói chuyện. Hãy cùng tìm hiểu về những điều cần biết về viêm loét miệng qua bài viết này.
Tổng quan chung
Viêm loét miệng, loét miệng là những tổn thương nhỏ, nông bên trên bề mặt niêm mạc trong các khoang miệng, lưỡi, lợi,… Các vết loét thường có hình bầu dục hoặc tròn, ở giữa có màu vàng hoặc trắng và có viền đỏ xung quanh.
Đây là một bệnh được đánh giá là lành tính, không gây nguy hiểm, thường tự khỏi trong vòng từ 2-3 ngày. Tuy nhiên những triệu chứng của nó lại gây đau rát đặc biệt là khi ăn uống, giao tiếp, nuốt nước bọt,…
Ngoài ra cũng có một số trường hợp bị loét miệng nhưng nghiêm trọng hơn như: nhiễm khuẩn, nhiễm virus, bệnh tự miễn,… Với những trường hợp này, thì tình trạng vết loét sẽ đặc biệt hơn như: bị tái đi tái lại nhiều lần, thời gian để lành vết nhiệt lâu (trên 2 tuần) và kèm theo một số triệu chứng như: lên hạch, sốt, tiêu chảy,…
Triệu chứng
Tùy vào cơ địa cũng như nguyên nhân gây bệnh mà tình trạng viêm khoang miệng ở mỗi người sẽ xuất hiện với hình dạng và kích thước khác nhau.
Dưới đây là mô tả chi tiết về từng tình trạng viêm loét khoang miệng mà bạn có thể tham khảo:
- Loét Herpes: Tình trạng này thường xuất hiện với số lượng vết loét lớn, 10 cho đến 100 vết loét có thể tập trung lại thành chùm và tạo nên các mảng lớn tại niêm mạc họng
- Loét aphthe nhỏ: Là tình trạng phổ biến nhất và cũng có nhiều dấu hiệu đặc trưng nhất, loét aphthe nhỏ thường hình thành từ một hoặc nhiều vết viêm loét nhỏ với đường kính dưới 1cm phân bố thành từng đám hoặc đứng riêng lẻ
- Loét aphthe lớn: Hay còn được gọi là bệnh Sutton hoặc viêm hoại tử khoang miệng có thể tái phát. Tình trạng này sẽ gây ra những vết loét có kích thước lớn hơn 1cm và thường có thời gian hồi phục lâu hơn. Không chỉ thế, nó còn có thể gây ra hoại tử và để lại sẹo sau khi khỏi bệnh.
- Màu sắc của vết loét sẽ có trung tâm màu vàng, xung quanh sưng đỏ. Tình trạng viêm loét này sẽ khiến người bệnh cảm thấy đau rát, khó chịu trong 2-3 ngày đầu và giảm dần vào các ngày sau khi được chữa trị và bắt đầu hồi phục.
Nguyên nhân
Có nhiều nguyên nhân gây ra viêm loét niêm mạc miệng, bao gồm:
- Chấn thương: bỏng nhiệt do ăn uống thức ăn quá nóng, tổn thương hay gặp ở vòm miệng, chỗ cung răng hàm trên; do đụng dập, té ngã, bị đánh; do các thủ thuật nha khoa như khoan trám răng, hàn răng, nhổ răng, lắp răng giả nhưng không vừa, răng bị mẻ, gãy…; trẻ em bị que kem, bút viết, hoặc vật sắc nhọn đâm vào miệng lưỡi.
- Do tác động của các chất hóa học như axít, nước vôi, nước súc miệng quá đậm đặc, dùng nhiều kem đánh răng nhưng súc miệng chưa kỹ…
- Nhiễm khuẩn: nhiều loại vi khuẩn gây viêm loét lợi răng hoại tử cấp tính quanh ổ răng, thường gặp ở người thiếu dinh dưỡng, suy giảm miễn dịch, người bị mệt mỏi suy nhược cơ thể, hút thuốc, vệ sinh kém.
- Nhiễm virus Herpes: viêm miệng do virus Herpes với triệu chứng là mụn nước lan rộng rồi tạo thành vết loét, gặp ở môi, mép, niêm mạc miệng, có thể có sốt, viêm họng, nổi hạch.
- Varicella zoster virus (VZV): gặp trong bệnh thủy đậu, bệnh gây loét, mụn nước ở niêm mạc miệng. VZV tiềm ẩn trong mô thần kinh, gây phát ban da tương ứng với rễ thần kinh và ảnh hưởng nhánh dây thần kinh số V gây loét miệng, rất đặc trưng vì cùng bên với đau và dị cảm.
- Các mụn nước thường ở vòm miệng, má, lưỡi, họng vỡ nhanh tạo vết loét. Coxsackie virus: là loại virut gây bệnh tay – chân – miệng ở trẻ em; tổn thương mụn nước trên nền đỏ tạo thành loét, gặp ở niêm mạc miệng, lưỡi gà, đặc biệt ở khẩu cái, lưỡi, niêm mạc má.
- Rubella: gây ra bệnh sởi, dấu hiệu ở miệng chính là dấu Koplik, với dát hồng ban nhỏ ở niêm mạc má, trung tâm hoại tử trắng, thường xuất hiện 1-2 ngày trước triệu chứng toàn thân. Epstein – Barr virus (EBV): gây hội chứng sốt, loét miệng vùng sau miệng hầu.
Ngoài ra còn có các yếu tố khác gây viêm loét miệng như:
- Ảnh hưởng của nội tiết tố
- Do yếu tố di truyền
- Do dị ứng thức ăn
- Do thuốc điều trị bệnh
- Do thiếu các loại vitamin: C, PP, B6, B12
- Do thiếu sắt
- Do bệnh tự miễn.
Đối tượng nguy cơ
Người lớn, trẻ em, người già là những đối tượng dễ mắc bệnh lở miệng. Những yếu tố nguy cơ góp phần dẫn đến viêm loét niêm mạc miệng bao gồm:
- Những người sống trong vùng nhiệt đới khí hậu nóng ẩm thất thường, khiến khoang miệng dễ bị khô, làm mất cân bằng trong khoang miệng
- Chế độ ăn uống kém khoa học, ăn thức ăn quá lạnh hoặc quá nóng, chua cay, thường xuyên uống bia rượu, hút thuốc lá….
- Người có tiền sử mắc bệnh răng miệng như đau răng, viêm nướu, viêm nha chu… hoặc những người mới mọc răng
- Người mới phẫu thuật chỉnh hình vùng răng – hàm – mặt hoặc mới nhổ răng, lấy cao răng, làm răng giả…
- Người có thói quen vệ sinh răng miệng kém, không đúng cách làm mất cân bằng trong khoang miệng, gây suy giảm hệ miễn dịch tăng nguy cơ viêm loét miệng.
Chẩn đoán
Việc chẩn đoán bệnh viêm loét miệng có thể xác định bằng mắt thường qua thăm khám lâm sàng bác sĩ chuyên khoa tai – mũi – họng mà không cần tới xét nghiệm.
Tuy nhiên, nếu bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng viêm loét miệng nặng thì bác sĩ có thể chỉ định một số xét nghiệm như: xét nghiệm máu, sinh thiết để có thể chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh.
Điều này rất quan trọng để có thể tìm ra nguyên nhân gây bệnh giúp bác sĩ có cái nhìn tổng quan và lên phương án điều trị phù hợp càng sớm càng tốt.
Phòng ngừa bệnh
Một số biện pháp giúp phòng ngừa hiệu quả tình trạng viêm loét niêm mạc miệng gồm:
- Nên khám răng miệng định kỳ để phát hiện và điều trị dứt điểm các bệnh lý về răng, vệ sinh răng miệng sạch sẽ. Nên tránh những nguyên nhân có thể gây chấn thương, dù rất nhẹ ở miệng.
- Đề phòng tái phát cần dùng nước súc miệng có bán tại các nhà thuốc để súc miệng theo chỉ dẫn, tuy nhiên không nên lạm dụng vì có thể làm khoang miệng khô hơn, các vi khuẩn gây bệnh dễ tấn công niêm mạc miệng, gây loét.
- Ăn uống đầy đủ chất, chú ý bổ sung thực phẩm giàu kẽm, nên ăn nhiều rau xanh và hoa quả tươi, uống đủ nước mỗi ngày.
- Tránh ăn uống các loại thức ăn có tính chất kích thích tại chỗ như: các loại mắm, tiêu, ớt, gia vị cay; các loại thức uống có cồn, caffein… Tránh các căng thẳng thần kinh không cần thiết để giảm tái phát bệnh.
Điều trị như thế nào?
Thuốc sử dụng trong điều trị loét miệng chủ yếu có tác dụng chữa triệu chứng nhằm mục đích giảm số lượng, kích thước của vết loét, giảm đau, đẩy nhanh thời gian lành thương và ngăn chặn bệnh tái phát.
Thuốc bôi tại chỗ và súc miệng:
- Các thuốc bôi tại chỗ được bào chế dưới dạng gel, thuốc bôi hoặc dung dịch bôi như kem bôi có chứa triamcinolone acetonide hoặc amlexanox (aphthasol), gel 2% lidocaine dùng bôi chỗ loét, nitrate bạc bôi trực tiếp lên tổn thương. Các thuốc này có tác dụng làm bớt đau ngay sau khi bôi và lành thương trong vòng 3 – 5 ngày.
- Dung dịch súc miệng có tác dụng sát khuẩn thường gặp là chlorhexidine có tác dụng giúp mau lành loét. Sau 3-5 ngày thì cảm giác đau hầu như giảm nhanh và lành thương sau đó. Đây là thuốc được bác sĩ kê đơn và cần dùng theo đúng chỉ định. Ngoài ra, bệnh nhân có thể súc miệng bằng nước muối sinh lý 0,9% với tác dụng làm sạch các vết loét. Tuyệt đối không nên tự pha nước muối mặn vì nồng độ không đảm bảo sẽ khiến vết loét lâu lành và tăng kích thích đau nhiều hơn. Để đảm bảo hiệu quả sử dụng thì nên bôi thuốc vào trước các bữa ăn khoảng 1 giờ để phát huy tốt tác dụng kháng viêm mà và giảm đau hoặc có thể bôi trước khi đi ngủ buổi tối 1-2 giờ.
Thuốc uống:
- Trong trường hợp bệnh nhân viêm loét niêm mạc miệng có kèm theo tình trạng bội nhiễm do vi khuẩn thì sẽ được chỉ định sử dụng kháng sinh. Trong đó, để điều trị nhiệt miệng có thể dùng kết hợp hoạt chất Sulfamethoxazole và Trimethoprim hoặc khi vết loét to và kéo dài dai dẳng ở trong má thì cần kết hợp uống thêm kháng sinh đặc hiệu vùng răng miệng là Spiramycin và Metronidazol.
- Nếu xảy ra tình trạng bội nhiễm nấm tại chỗ thì cần sử dụng thêm thuốc kháng nấm và có thể kết hợp bôi để có hiệu quả điều trị cao hơn như Itraconazol, Fluconazol hoặc Nystatin.
- Bệnh nhân loét miệng áp-tơ cần được bổ sung thêm các loại vitamin như vitamin PP, vitamin B12, vitamin C, viên sắt và folic acid hoặc vitamin tổng hợp trong thời gian ngắn để nâng cao sức đề kháng nhằm thúc đẩy vết loét nhanh lành.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.