Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Những điều cần biết về viêm phổi do virus
Viêm phổi là tình trạng nhiễm trùng xảy ra ở một hoặc cả hai bên phổi, do vi khuẩn, virus hoặc nấm gây ra. Viêm phổi có thể nhẹ hoặc nặng đến mức gây suy hô hấp, sốc nhiễm khuẩn và tử vong. Vậy viêm phổi do virus là gì, triệu chứng ra sao, ai có khả năng mắc bệnh, cách chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa như thế nào?
Viêm phổi do Virus là gì?
Viêm phổi do virus là tình trạng tổn thương các tổ chức tại phổi mà nguyên nhân là do virus gây ra. Bệnh ảnh hưởng đến chức năng của phổi theo mức độ từ nhẹ đến nghiêm trọng tùy từng trường hợp. Đặc biệt, viêm phổi có thể đe dọa trực tiếp tính mạng người bệnh nếu không được phát hiện sớm và điều trị đúng cách.
Triệu chứng của viêm phổi do virus
Viêm phổi thường khởi phát đột ngột với sốt cao 39-40 độ C, rét run kèm theo:
- Đau tức ngực, thường đau ở bên phổi bị tổn thương
- Ho tăng dần, lúc đầu chỉ ho khan, về sau ho có đờm đặc màu vàng, xanh hoặc gỉ sắt
- Nôn, chướng bụng, đau bụng
- Khó thở thường xảy ở bệnh nhân viêm phổi nặng, tổn thương phổi lan tỏa hoặc có bệnh mạn tính kèm theo; thở nhanh, nông, tím tái môi, đầu ngón tay, ngón chân
- Một số trường hợp đặc biệt, như người nghiện rượu có thể có lú lẫn, trẻ em bị co giật. Ở người cao tuổi có thể không có sốt, khởi phát với triệu chứng lú lẫn, mê sảng, có nguy cơ tử vong cao do suy hô hấp, hạ nhiệt độ.
Nguyên nhân gây bệnh
Một số virus thường gây viêm họng là:
- Influenza typ A và influenza typ B (virus cúm) là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra viêm phổi do virus ở người trưởng thành.
- Virus hợp bào đường hô hấp (Respiratory syncytial virus – RSV) là nguyên nhân thường gặp gây bệnh viêm phổi ở trẻ em và đặc biệt là trẻ nhỏ.
- Các loại virus khác như corona virus, rhino virus, parainfluenza virus, và adeno virus.
- Một số virus mặc dù có khả năng, nhưng hiếm khi gây viêm phổi bao gồm virus sởi, virus thủy đậu, herpes simplex
Các virus như virus cúm, cúm gia cầm, virus hợp bào hô hấp, Adenovirus, Coronavirus… có thể gây viêm phổi nặng, chiếm khoảng 10% các bệnh nhân viêm phổi.
Đối tượng nguy cơ
Dưới đây là những đối tượng dễ bị viêm phổi mà nguyên nhân là do virus:
- Người lớn tuổi có sức đề kháng kém.
- Trẻ em dưới 5 tuổi. Đặc biệt là trẻ dưới 2 tháng tuổi khi bị viêm phổi do virus có nguy cơ tử vong cao nhất so với lứa tuổi khác.
- Phụ nữ đang trong giai đoạn mang thai có hệ miễn dịch suy giảm nên dễ bị tấn công bởi vi khuẩn và virus. Không chỉ người mẹ mà em bé cũng có nguy cơ dị tật nếu viêm phổi ở 3 tháng đầu của thai kỳ.
- Người bệnh đang được điều trị trong phòng chăm sóc đặc biệt của bệnh viện.
- Người thường xuyên hút thuốc lá.
- Người bị phổi tắc nghẽn mãn tính, hen suyễn, hoặc bệnh tim có nguy cơ mắc viêm phổi cao hơn bình thường.
Chẩn đoán
Viêm phổi do virus đôi khi không có triệu chứng và có thể khỏi bệnh chỉ sau vài ngày tiếp xúc với mầm bệnh. Trường hợp người bệnh có các triệu chứng lâm sàng rõ ràng như sốt, khó thở sẽ được bác sĩ kiểm tra tim phổi để nghe tiếng ran bất thường và đếm nhịp thở. Sau đó, tùy vào từng kết quả khám lâm sàng, bác sĩ sẽ chỉ định cho người bệnh làm các cận lâm sàng để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp:
- Chụp x-quang phổi: Dựa vào kết quả phim chụp, bác sĩ sẽ theo dõi được tình trạng tổn thương của các mô kẽ, phế nang phổi.
- Xét nghiệm máu: Các bệnh lý do virus thường làm thay đổi chỉ số bạch cầu trong máu. Kết quả xét nghiệm máu sẽ giúp đánh giá sơ bộ người bệnh đang bị nhiễm virus hay vi khuẩn.
- Nội soi phế quản: Bác sĩ sẽ sử dụng ống nội soi mềm đưa vào phế quản để theo dõi, đánh giá hình ảnh tổn thương của đường hô hấp. Chỉ định này còn được thực hiện để lấy dịch, mô hoặc tế bào của phổi trong một số trường hợp nhất định.
- Chụp CT: Kết quả của phim chụp CT là tiêu chuẩn quan trọng để chẩn đoán xác định các đám mờ của phổi dù là nhỏ nhất. Kết quả xquang thông thường hay bị bỏ sót những tổn thương này nên chỉ định chụp CT là rất cần thiết khi nghi ngờ bệnh nhân bị viêm phổi do nhiễm virus.
Ngoài ra còn có các xét nghiệm khác như: xét nghiệm ngoáy mũi, họng, sinh thiết,…
Phòng ngừa viêm phổi do virus
Để phòng ngừa bệnh viêm phổi và đặc biệt là viêm phổi nặng, nên:
- Phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm virus, vi khuẩn từ người sang người.
- Điều trị triệt để các nhiễm trùng tai mũi họng, răng hàm mặt.
- Tiêm vaccine phòng cúm mỗi năm 1 lần: Tất cả các đối tượng trên 6 tháng tuổi.
- Tiêm vaccine phế cầu: Người bị bệnh hô hấp mạn tính, đái tháo đường, bệnh gan mạn tính, bệnh thận mạn, tình trạng suy giảm miễn dịch, bệnh tim mạn, dò dịch não tủy, không có lách hoặc thiếu hụt bổ thể, nghiện rượu, người lớn tuổi.
- Tiêm các loại vaccine chống virus, vi khuẩn khác theo nhu cầu.
- Quản lý tốt các bệnh lý nền như đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen suyễn, bệnh gan mạn tính, bệnh thận mạn tính…
- Không hút thuốc lá, thuốc lào.
- Uống rượu bia điều độ.
- Giữ ấm cổ, ngực trong mùa lạnh.
- Có lối sống lành mạnh giúp tăng sức đề kháng: ăn uống cân bằng dinh dưỡng, tập thể dục thường xuyên, ngủ và nghỉ ngơi đầy đủ.
Điều trị viêm phổi do Virus như thế nào?
Điều trị viêm phổi do virus chủ yếu là điều trị triệu chứng và hỗ trợ hệ miễn dịch:
- Nghỉ ngơi và uống đủ nước: Giúp cơ thể phục hồi nhanh chóng.
- Dùng thuốc giảm triệu chứng: Paracetamol hoặc ibuprofen để giảm sốt và đau.
- Thuốc kháng virus: Trong một số trường hợp, thuốc kháng virus có thể được chỉ định, đặc biệt trong viêm phổi do cúm.
- Oxy liệu pháp: Dùng trong các trường hợp suy hô hấp nghiêm trọng.
- Điều trị hỗ trợ: Dinh dưỡng tốt, giữ ấm cơ thể, và tránh gắng sức.
Kết luận
Viêm phổi do virus cần được quan tâm và điều trị đúng cách để tránh các biến chứng nghiêm trọng. Luôn giữ cho mình một lối sống lành mạnh, tiêm vacxin định kỳ và theo dõi sức khỏe thường xuyên là những biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất. Nếu bạn hoặc người thân có dấu hiệu viêm phổi, đừng ngần ngại liên hệ với bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.