Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Viêm ruột thừa là gì? Những điều cần biết về bệnh viêm ruột thừa
Tổng quan chung
Viêm ruột thừa cấp là tình trạng viêm cấp tính ở ruột thừa. Sự tắc nghẽn trong lòng ruột thừa (sỏi phân, phì đại các nang bạch huyết dưới niêm mạc, dị vật, khối u của ruột thừa hoặc manh tràng) có thể là nguyên nhân gây viêm ruột thừa. Lượng vi khuẩn nhân lên nhanh chóng do tắc nghẽn khiến ruột thừa bị viêm, sưng và hóa mủ. Nếu không được chữa trị kịp thời, ruột thừa viêm có thể bị vỡ, làm mủ lan tràn vào ổ bụng, gây viêm phúc mạc đe dọa tới tính mạng của bệnh nhân. Trường hợp khác, viêm ruột thừa có thể bị giới hạn lại bởi các cơ quan quanh đó và hình thành ổ áp xe.
Triệu chứng của viêm ruột thừa
Triệu chứng đặc trưng của viêm ruột thừa là cơn đau bắt đầu xung quanh hoặc trên rốn. Cơn đau có thể nặng hoặc chỉ đau nhẹ và gây khó chịu, và sau đó di chuyển đến vùng góc dưới phải bụng. Ở đó, cơn đau trở nên liên tục và gia tăng nhiều hơn và thường gia tăng khi cử động, ho, v.v. Bụng thường co cứng và đau khi sờ vào.
Chán ăn là tình trạng rất phổ biến. Buồn nôn và ói mửa có thể xảy ra trong khoảng nửa số trường hợp bị viêm ruột thừa và đôi khi có táo bón hoặc tiêu chảy. Thân nhiệt có thể bình thường hoặc tăng nhẹ. Sốt cao có thể là dấu hiệu cho thấy ruột thừa đã bị vỡ.
Chuỗi các triệu chứng điển hình xuất hiện trong khoảng 50% các trường hợp bị viêm ruột thừa. Một nửa số trường hợp còn lại, có thể thấy các dấu hiệu ít điển hình hơn, đặc biệt là ở phụ nữ mang thai, bệnh nhân cao tuổi hoặc ở trẻ nhũ nhi. Ở phụ nữ mang thai, dấu hiệu viêm ruột thừa dễ bị che lấp bởi các triệu chứng thông thường như bị đau bụng nhẹ và bị buồn nôn từ những nguyên nhân khác. Các bệnh nhân cao tuổi có thể cảm thấy ít đau bụng và ít đau khi chạm vào hơn hầu hết các bệnh nhân khác, vì vậy việc chẩn đoán và điều trị sẽ bị trì hoãn, dẫn đến vỡ ruột thừa ở 30% các trường hợp. Trẻ nhũ nhi và trẻ em nhỏ thường hay bị tiêu chảy, ói và sốt đồng thời với đau bụng.
Nguyên nhân gây bệnh
Viêm ruột thừa xảy ra khi ruột thừa bị tắc nghẽn, thường do phân, dị vật hoặc ung thư. Sự tắc nghẽn cũng có thể là hậu quả của việc viêm nhiễm vì ruột thừa thường phù nề và tăng tiết dịch để đáp ứng với bất kỳ tình trạng viêm nhiễm nào trong cơ thể. Khi tắc nghẽn, vi khuẩn thường nhân lên nhanh chóng, làm ruột thừa bị viêm, phù nề và ứ dịch, tạo thành vòng xoắn bệnh lý.
Đối tượng nguy cơ
Bệnh thường xảy ra nhất ở tuổi thiếu niên và ở độ tuổi 20 nhưng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Các tình trạng khác ảnh hưởng tới ruột thừa bao gồm: carcinoid, ung thư, u tuyến, và túi thừa. Ruột thừa có thể bị ảnh hưởng bởi Bệnh Crohn hoặc là viêm đại tràng thể loét kèm theo viêm toàn bộ đại tràng (bệnh viêm ruột).
Chẩn đoán
Các dấu hiệu viêm ruột thừa cấp tính rất dễ gây nhầm lẫn với một số tình trạng bệnh lý khác, chẳng hạn như:
- Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI)
- Loét dạ dày – hành tá tràng
- Viêm túi mật, viêm tụy cấp
- Nhiễm trùng đường ruột, viêm túi thừa.
- Viêm thùy dưới phổi phải.
- Phụ nữ có thể nhầm với các bệnh lý phụ khoa: Viêm phần phụ, vỡ nang hoàng thể, xoắn u nang buồng trứng…
- Trẻ em: Lồng ruột.
- Người già: Tắc ruột, u manh tràng.
Ngoài ra, vị trí đau ruột thừa chính xác còn khác nhau ở mỗi trường hợp nên rất khó phân biệt, Để chẩn đoán rõ ràng, bác sĩ thường sẽ chỉ định thực hiện nhiều xét nghiệm khác nhau, bao gồm:
- Khám thực thể vùng bụng.
- Khám trực tràng
- Xét nghiệm máu để xác định số lượng bạch cầu, từ đó giúp phát hiện nhiễm trùng.
- Xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh: Siêu âm ổ bụng, Chụp CLVT, MRI ổ bụng.
- Xét nghiệm nước tiểu, để loại trừ nguyên nhân nhiễm trùng đường tiết niệu.
Phòng ngừa bệnh
Phòng ngừa là cách tốt nhất để tránh bị viêm ruột thừa. Những biện pháp đơn giản sau đây có thể giúp bạn giảm nguy cơ bị viêm ruột thừa:
- Điều chỉnh chế độ ăn uống: Chế độ ăn uống lành mạnh và đủ dinh dưỡng là một trong những cách đơn giản nhất để phòng ngừa viêm ruột thừa. Bạn cần ăn đủ các loại thực phẩm giàu chất xơ như rau xanh, hoa quả, và ngũ cốc nguyên hạt. Các loại thực phẩm này giúp tăng cường khả năng tiêu hóa và ngăn ngừa tắc nghẽn đường ruột. Bạn cũng nên tránh ăn các loại thực phẩm có tính chất kích thích đường ruột như đồ ngọt, đồ chiên, đồ nhiều dầu mỡ.
- Tập thể dục thường xuyên: Tập thể dục thường xuyên giúp tăng cường sức khỏe tổng thể của cơ thể và tăng cường khả năng tiêu hóa. Bạn nên tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày, bao gồm các hoạt động nhẹ như đi bộ,tập yoga hoặc bơi lội.
- Giảm stress: Stress có thể làm suy yếu hệ miễn dịch của cơ thể và làm tăng nguy cơ bị viêm ruột thừa. Do đó, bạn cần thực hiện các phương pháp giảm stress như tập yoga, học cách thư giãn, tập thể dục, hoặc tham gia các hoạt động giải trí để giảm stress.
- Giữ vệ sinh an toàn thực phẩm: Vi khuẩn có thể lây lan qua thức ăn và nước uống. Do đó, bạn cần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm bằng cách rửa tay sạch sẽ trước khi ăn, chế biến thức ăn đúng cách, không ăn thực phẩm đã hỏng, và uống nước sôi hoặc nước đóng chai.
Điều trị viêm ruột thừa
Theo một số nghiên cứu, những trường hợp viêm ruột thừa cấp không biến chứng có thể điều trị với kháng sinh tỷ lệ thành công hơn 80 – 90%. Tuy nhiên tỷ lệ tái phát sau điều trị bảo tồn không mổ sau 1 năm là khá cao hơn 30%. Do đó cho đến nay phẫu thuật nội soi cắt ruột thừa viêm vẫn là tiêu chuẩn vàng cho điều trị viêm ruột thừa cấp.
Phẫu thuật cắt ruột thừa có thể thực hiện bằng phẫu thuật mở hoặc phẫu thuật nội soi.
- Phẫu thuật mở: Bác sĩ sẽ tiến hành cắt ruột thừa viêm qua đường mổ McBurney, đường mổ Lanz, hay đường mổ Battle, trong một số trường hợp nặng, phẫu thuật viên có thể thực hiện qua đường giữa.
- Phẫu thuật nội soi cắt ruột thừa: Phẫu thuật viên sẽ rạch da tối thiểu (5 – 10 mm) tại 3 vị trí nhằm đặt các dụng cụ nội soi. Sau đó Ruột thừa sẽ được cắt bằng dụng cụ nội soi dưới sự quan sát trực tiếp qua camera. Đồng thời phẫu thuật viên có thể khảo sát tình trạng các tạng khác trong ổ bụng một cách dễ dàng. Đây là phương pháp điều trị ưu việt đối với phẫu thuật cắt ruột thừa viêm. Phẫu thuật nội soi thường giúp đẩy nhanh quá trình hồi phục, vết thương ít đau và hẹn chế để lại sẹo.Phương pháp này được ưu tiên áp dụng đối với người bệnh cao tuổi hoặc người béo phì.