Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Viêm tai giữa thủng màng nhĩ là gì? Có nguy hiểm không?
Viêm tai giữa mãn tính thủng màng nhĩ là một tình trạng bệnh cần được điều trị sớm để tránh nguy cơ nghe kém vĩnh viễn. Bệnh có thể gây biến chứng ù tai, giảm thính lực, điếc vĩnh viễn, ảnh hưởng đến khả năng phát triển ngôn ngữ của trẻ, thậm chí gây các biến chứng viêm não – màng não nguy hiểm đến tính mạng. Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu về viêm tai giữa mạn tính thủng màng nhĩ qua bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
Viêm tai giữa thủng màng nhĩ là một phản ứng phụ của viêm tai giữa cấp tính khi không được điều trị kịp thời và đúng cách. Bệnh có khả năng tái phát nhiều lần, dẫn đến thủng màng nhĩ.
Viêm tai giữa mạn tính gồm hai loại chính:
- Viêm tai giữa mạn tính mủ nhầy: Triệu chứng là chảy mủ tai, mủ đặc hoặc mủ vàng kéo dài thành sợi, tăng lên sau mỗi đợt viêm mũi, họng. Nguyên nhân do tổn thương niêm mạc, tuyến nhầy quá phát và tăng tiết chất mủ nhầy không thối. Có thể gây biến chứng như viêm mũi, viêm họng, điếc dẫn truyền.
- Viêm tai giữa mạn tính mủ: Có triệu chứng chảy mủ tai, mủ đặc hoặc loãng vón cục màu vàng hoặc xanh, có thể lẫn máu, mùi thối. Nguyên nhân do tổn thương xương và khả năng xuất hiện cholesteatoma (một khối u không ác tính). Có thể gây biến chứng như điếc dẫn truyền tiến triển nặng, điếc hỗn hợp, ù tai, đau tai, choáng đầu.
Triệu chứng
Viêm tai giữa mạn tính có nhiều thể lâm sàng, thường gồm thể thủng nhĩ và tiết dịch. Viêm tai giữa tiết dịch không có nhiều triệu chứng rõ rệt, ngoại trừ nghe kém. Viêm tai giữa mạn tính thủng màng nhĩ thường gây ra các triệu chứng như:
- Chảy mủ tai, đau tai
- Nghe kém, suy giảm chức năng tai
- Soi tai thấy màng nhĩ thủng
- Màng nhĩ bị thủng kéo dài trên 12 tuần
- Ù tai, niêm mạc tai giữa phù nề, thoái hóa
- Hòm nhĩ có thể ứ dịch hoặc sạch
- Có mô hạt viêm, polyp hòm nhĩ
Nguyên nhân
Thủng màng nhĩ xuất phát từ nhiều nguyên nhân nhưng phổ biến nhất là do:
- Viêm tai giữa cấp tính tái phát nhiều lần.
- Rối loạn chức năng/ tổn thương giải phẫu vòi nhĩ.
- Chấn thương gây thủng màng nhĩ.
- Đặt ống thông khí không đúng cách của bác sĩ.
- Người có bất thường về xương sọ như mắc hội chứng Mèo kêu, hội chứng Down, hở hàm ếch và hoặc thiểu sản màn hầu – dị dạng tim mạch (hội chứng Shprintzen).
- Nhiễm trùng đường hô hấp trên.
Khi lỗ thủng màng nhĩ quá rộng, hoặc điều trị viêm tai không đúng cách, viêm nhiễm kéo dài, lỗ thủng màng nhĩ không được đóng kín, sẽ gây viêm tai giữa mạn tính thủng màng nhĩ.
Đối tượng nguy cơ
Theo nhận định của chuyên gia y tế, viêm tai giữa không phân biệt tuổi tác và có thể ảnh hưởng tới mọi người. Tuy nhiên, bệnh này thường phổ biến hơn ở trẻ em từ 6 đến 36 tháng tuổi do cấu trúc vòi nhĩ của trẻ còn ngắn và nằm ngang hơn so với người lớn, gây khó khăn trong việc dẫn lưu dịch ra khỏi tai giữa.
Trẻ em là nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc viêm tai giữa. Nhóm trẻ em có nguy cơ cao mắc viêm tai giữa bao gồm:
- Trẻ sử dụng núm vú giả hoặc bú bình
- Trẻ sống trong môi trường ô nhiễm không khí hoặc thường xuyên trải qua thay đổi độ cao và khí hậu
- Trẻ bị cảm lạnh, viêm xoang, cúm hoặc tái phát nhiễm trùng tai
- Trẻ có các dị tật bẩm sinh về vùng mũi họng
- Trẻ có hệ miễn dịch yếu
- Trẻ bị dị vật hoặc nước chui vào tai mà không được làm sạch.
Nhiều nghiên cứu cho thấy tỷ lệ mắc bệnh viêm tai giữa cấp ở trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi là khoảng 80%. Khoảng 30% trẻ có khả năng tự khỏi bệnh mà không cần điều trị. Gần 40% trẻ bị viêm tai giữa tái phát nhiều lần.
Có một sự tương quan giữa tuổi tác và viêm tai giữa cấp ở trẻ em: Khi trẻ càng lớn, tỷ lệ mắc viêm tai giữa cấp giảm đi do tỷ lệ nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp tính càng giảm. Chức năng của vòi nhĩ trong tai càng tốt, giúp bảo vệ tai giữa tốt hơn. Tổ chức vòm màng nhĩ dần teo đi ít, gây tắc nghẽn vòi nhĩ ít hơn.
Chẩn đoán
Phương pháp chẩn đoán thủng màng nhĩ viêm tai giữa thường dựa trên các đánh giá lâm sàng và các phương tiện cận lâm sàng. Chẩn đoán phân biệt cũng là yếu tố quan trọng không thể thiếu.
Đánh giá lâm sàng
- Nội soi tai thường phát hiện các dấu hiệu như mủ tai đặc, thối, hoặc chảy dài, cũng như có thể phát hiện tổ chức cholesteatoma. Màng nhĩ có thể bị biến dạng, phồng, thủng, hoặc có vết bẩn ở lỗ thủng.
- Cấy dịch tai giúp xác định loại vi khuẩn gây bệnh và chọn loại kháng sinh phù hợp.
- Việc thực hiện Chụp CT-scan hoặc MRI thái dương có thể giúp xác định chẩn đoán, mức độ bệnh lý trong tai giữa và các biến chứng liên quan đến cấu trúc xương xung quanh, bao gồm tiêu xương con hoặc xương thái dương, cũng như các vấn đề nội sọ khác.
- Đo thính lực để kiểm tra tai của bệnh nhân.
Chẩn đoán phân biệt
Các phương pháp chẩn đoán phân biệt giữa viêm tai giữa mạn tính có thủng màng nhĩ và các tình trạng khác, có nhiều biểu hiện tương tự, có thể gây nhầm lẫn, bao gồm:
- Nhót hoặc viêm ống tai ngoài: Điều này thường gây đau khi kéo vành tai hoặc nhấn vào bình tai, và nội soi có thể phát hiện tình trạng viêm của ống tai ngoài.
- Viêm tấy hạch hoặc tổ chức liên kết sau tai: Bệnh này không đi kèm với tiền sử chảy mủ tai, và sức nghe thường bình thường.
- Viêm tai giữa sau lao phổi: Cần tìm hiểu về tiền sử bệnh và thực hiện X-quang phổi.
- Viêm tai giữa do xoắn khuẩn bệnh giang mai: Cần kiểm tra tiền sử bệnh và thực hiện các xét nghiệm chuyên biệt để chẩn đoán.
Phòng ngừa bệnh
Để phòng ngừa viêm tai giữa thủng màng nhĩ, bạn đọc có thể tham khảo một số thông tin dưới đây:
- Người bệnh khi có triệu chứng đau nhức tai, chảy dịch, nghe kém nên đi khám và điều trị triệt để, tránh tình trạng viêm tai giữa tái phát, kéo dài.
- Vệ sinh tai đúng cách, không dùng tăm bông ngoáy sâu trong tai dễ làm tổn thương tai.
Điều trị
- Người bị viêm tai giữa thủng màng nhĩ cần được sớm thăm khám và điều trị.
- Thông thường, với các trường hợp nhẹ, không quá nghiêm trọng, bệnh sẽ được điều trị bằng kháng sinh đường uống, thuốc nhỏ tai kết hợp với cách vệ sinh tai khi bị viêm tai giữa phù hợp để khống chế mô hạt viêm.
- Trường hợp người bệnh bị viêm tai giữa mạn tính thủng màng nhĩ thì cần có sự kết hợp giữa điều trị ngoại khoa và điều trị nội khoa để phục hồi chức năng nghe cho bệnh nhân. Người bệnh có thể được chỉ định phẫu thuật vá màng nhĩ qua nội soi hoặc phẫu thuật đường sau tai kết hợp mở sào bào thượng nhĩ. Trong trường hợp có cholesteatoma thì cần phẫu thuật tiệt căn xương chũm để điều trị.
Trên đây là những chia sẻ về viêm tai giữa thủng màng nhĩ. Hy vọng bài viết sẽ đem lại nhiều thông tin hữu ích cho bạn đọc.