Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Zona thần kinh là gì? Những điều cần biết về Zona thần kinh
Bệnh zona thần kinh, còn được biết đến với tên gọi “giời leo,” là một bệnh nhiễm trùng da do virus Varicella zoster (VZV) gây ra. Sau khi người bệnh đã khỏi bệnh thủy đậu, virus này vẫn có thể tồn tại ở trạng thái tiềm tàng trong các hạch thần kinh và tái hoạt động khi gặp các điều kiện thuận lợi như suy giảm miễn dịch, căng thẳng hoặc suy nhược cơ thể. Mặc dù bệnh không gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng, nếu không được điều trị đúng cách, bệnh có thể để lại nhiều biến chứng nguy hiểm.
Tổng quan chung
Bệnh zona thần kinh còn gọi là bệnh zona, tên tiếng Anh là shingles, trong dân gian còn được gọi với tên gọi là “giời leo”. Bệnh zona là bệnh nhiễm trùng da do virus thần kinh Varicella zoster (VZV) – virus gây bệnh thủy đậu, thuộc họ virus herpes gây nên. Sau khi người bệnh bị bệnh thuỷ đậu đã khỏi thì vẫn còn một số virus Varicella tồn tại ở trạng thái tiềm tàng nhưng không gây bệnh. Các virus này cư trú ở các hạch thần kinh trong nhiều tháng, nhiều năm. Khi gặp các điều kiện thuận lợi như: suy giảm miễn dịch, các sang chấn tinh thần hoặc suy nhược cơ thể… loại virus này sẽ tái hoạt. Chúng nhân lên và phát triển lan truyền ra các đầu dây thần kinh cảm giác làm tổn thương niêm mạc, da từ đó gây nên bệnh zona. Đó chính là lý do mà zona là một bệnh ngoài da nhưng lại có tổn thương gốc ở dây thần kinh.
Triệu chứng
- Tiền triệu: bệnh khởi đầu với các cảm giác bất thường trên một vùng da như bỏng, nóng rát, châm chích, tê, đau, nhất là về đêm, hiếm gặp hơn là dị cảm ở một vùng hoặc nhiều dây thần kinh chi phối từ 1-5 ngày
- Nổi ban đỏ trên da, sau đó hình thành đám mụn nước, bọng nước nhỏ, tụ lại thành từng chùm.
- Mụn nước ban đầu căng, dịch trong, sau đó chuyển thành mủ, màu trắng đục nếu bị nhiễm trùng
- Mụn nước vỡ, đóng vảy trong khoảng 7-10 ngày, có thể để lại sẹo lấm tấm màu trắng trên da về sau
- Tổn thương mọc trên đường đi của dây thần kinh ngoại biên
- Cảm giác đau rát, tê râm ran, ngứa ngáy âm ỉ như kim châm, giật giật theo cơn ở vùng da bị bệnh
- Biến mất sau 2-4 tuần
- Có thể kèm theo các triệu chứng toàn thân khác như: Sốt và ớn lạnh, nhức đầu, mệt mỏi, ù tai bên vùng da bị bệnh, đi lại loạng choạng, sợ ánh sáng, rối loạn bài tiết mồ hôi
Nguyên nhân
Giời leo hay Zona thần kinh xuất hiện chủ yếu do sự tái hoạt động của virus Varicella-zoster trong cơ thể, đặc biệt ở những người có hệ miễn dịch suy giảm và ở các nhóm tuổi cao. Các yếu tố thuận lợi cho việc tái hoạt động của virus Varicella-zoster bao gồm:
- Suy giảm miễn dịch: Người có hệ miễn dịch suy yếu do tuổi tác, mắc các bệnh mãn tính, hoặc đang điều trị hóa trị, xạ trị, có nguy cơ cao mắc bệnh zona thần kinh.
- Tuổi tác: Người cao tuổi có hệ miễn dịch suy yếu, tăng nguy cơ mắc bệnh zona thần kinh. Người trên 50 tuổi có nguy cơ cao hơn so với người trẻ, đặc biệt ở những người trên 80 tuổi.
- Căng thẳng và lo lắng: Tâm trạng căng thẳng kéo dài có thể ảnh hưởng đến hệ miễn dịch, tạo điều kiện cho virus hoạt động.
- Phẫu thuật và điều trị ung thư: Phẫu thuật có thể làm suy giảm hệ miễn dịch, tạo điều kiện cho virus Varicella-zoster tái hoạt động. Các phương pháp điều trị bằng tia xạ và hóa trị ung thư cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh zona.
- Mệt mỏi và sức đề kháng yếu: Sức đề kháng suy yếu do mệt mỏi làm tăng cường khả năng tái hoạt động của virus VZV.
Vùng da bị tổn thương: Các vùng da bị phát ban hoặc tổn thương là nơi lý tưởng cho virus tái hoạt động.
Đối tượng nguy cơ
Zona thần kinh không phải là bệnh lý hiếm gặp, theo thống kê có tới 1/3 dân số mắc bệnh zona ít nhất 1 lần trong đời. Người mắc zona sau khi khỏi bệnh rất hiếm khi bị tái phát. Tỉ lệ tái phát lần 2 được thống kê khoảng 4.8-12/1000 người/năm. Zona tái phát thường gặp ở người suy giảm hệ miễn dịch như mắc bệnh HIV/AIDS, ung thư.
Các đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh zona thần kinh bao gồm:
- Người lớn tuổi: Zona thần kinh thường xuất hiện ở những người lớn tuổi, nhất là những người > 50 tuổi. Càng lớn tuổi thì nguy cơ mắc bệnh càng cao. Theo thống kê, tỷ lệ mắc zona thần kinh ở người khỏe mạnh là 1 – 4/1000 mỗi năm và những người trên 65 tuổi chiếm tới 4 – 12/1000. Có đến 50% số người > 85 tuổi sẽ mắc bệnh zona thần kinh. Ngoài ra, một số người mắc bệnh lý nền như: máu ác tính, rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp, bệnh tự miễn,… cũng dễ bị tái phát zona.
- Người suy giảm miễn dịch do mắc bệnh lý: Các bệnh làm suy giảm hệ miễn dịch như bạch cầu, ung thư, HIV/AIDS là yếu tố khiến người bệnh nhân dễ mắc bệnh zona hơn. Bên cạnh đó, các phương pháp điều trị như xạ trị hoặc hóa trị cũng làm giảm sức đề kháng của cơ thể, tạo điều kiện cho virus Varicella-Zoster tái hoạt động.
- Người sử dụng các loại thuốc điều trị lâu dài: Các nghiên cứu chỉ ra, những người phải sử dụng thuốc điều trị lâu dài như steroid prednisone có tác dụng ngăn ngừa thải ghép cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh zona nhiều lần.
- Người bị thủy đậu trước 18 tuổi: Nguy cơ virus Varicella-Zoster tái hoạt động và gây bệnh zona cũng cao hơn.
Chẩn đoán
Bệnh nhân zona thần kinh vùng quanh tai có thể gặp những triệu chứng sau đây:
- Thăm khám kiểm tra lâm sàng thấy ở trước hay sau tai bệnh nhân có nổi những hạch nhỏ. Da ống tai ngoài dày, đỏ, có nhiều mụn nước ở các giai đoạn khác nhau, cái thì đã vỡ, cái đã tạo sẹo, có cái đang chứa dịch màu vàng.
- Nếu bệnh nhân chà xát nhiều vào vùng này, mụn nước sẽ bị nhiễm trùng làm bội nhiễm, có thể gây viêm tấy lan toả ống tai ngoài, viêm sụn vành tai…
- Màng nhĩ sưng huyết đỏ. Đo thính lực đồ kém tiếp nhận.
- Zona thần kinh có thể biểu hiện ở những vùng khác của cơ thể: lâm sàng bệnh nhân xuất hiện những đám mụn nước trên da ở nhiều giai đoạn khác nhau, theo đường đi của dây thần kinh, thường chỉ ở một bên cơ thể, vùng da xung quanh tấy đỏ, ngứa và đau kiểu bỏng rát
- Xét nghiệm máu không có nhiều giá trị, chỉ thấy bạch cầu giảm mức độ ít. Nghiệm pháp miễn dịch huỳnh quang tìm virus cũng chỉ mang tính chất gợi ý. Chẩn đoán chủ yếu dựa vào diễn biến và triệu chứng lâm sàng là dấu hiệu đau và mụn nước nằm ở vùng của các dây thần kinh, một bên.
Phòng ngừa bệnh
Các biện pháp phòng ngừa zona thần kinh bao gồm:
- Tránh tiếp xúc với những người mắc bệnh zona khi cơ thể còn vết mụn nước.
- Tiêm chủng ngừa bệnh để bảo vệ khỏi thủy đậu và tránh được bệnh zona.
- Ngủ đủ giấc.
- Không hút thuốc.
- Chế độ sinh hoạt và nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng, tập thể dục để tăng sức đề kháng.
- Khi xuất hiện bệnh cần đến bác sĩ.
- Tuân thủ quy định của bác sĩ.
Điều trị như thế nào?
Để điều trị bệnh zona thần kinh hiệu quả, các bác sĩ thường áp dụng các biện pháp sau đây:
- Thuốc kháng virus: Sử dụng các loại thuốc như acyclovir, valacyclovir, hoặc famciclovir để ngăn chặn sự phát triển của virus, giúp giảm triệu chứng và rút ngắn thời gian bệnh.
- Thuốc giảm đau: Sử dụng các loại thuốc giảm đau như paracetamol, ibuprofen hoặc thuốc giảm đau mạnh hơn theo chỉ định của bác sĩ để giảm đau và khó chịu do bệnh gây ra.
- Thuốc kháng viêm: Corticosteroids có thể được chỉ định để giảm viêm và đau.
- Chăm sóc da: Giữ vùng da bị bệnh sạch sẽ và khô ráo, tránh tiếp xúc với nước và các chất kích ứng khác để ngăn ngừa nhiễm trùng thứ phát. Có thể sử dụng các dung dịch sát khuẩn nhẹ để rửa vết thương.
- Thuốc an thần: Trong trường hợp đau nhiều và kéo dài, bác sĩ có thể chỉ định thuốc an thần nhẹ để giúp bệnh nhân có giấc ngủ tốt hơn.
Việc điều trị sớm trong vòng 72 giờ kể từ khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên có thể giảm thiểu biến chứng và cải thiện tốc độ phục hồi (theo Mayoclinic)
Trong trường hợp mắc bệnh Zona để ngăn ngừa lây lan cho người xung quanh, người bệnh nên:
- Sử dụng băng gạc, quần áo che vết phát ban, mụn nước;
- Thường xuyên vệ sinh cá nhân sạch sẽ;
- Không dùng tay chạm mụn nước tiếp xúc thân mật với người không nhiễm bệnh.
Kết luận
Bệnh zona thần kinh, mặc dù không gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng, nhưng có thể gây ra nhiều biến chứng nếu không được điều trị đúng cách. Việc phát hiện và điều trị kịp thời là rất quan trọng để giảm đau, ngăn ngừa biến chứng và tăng tốc độ phục hồi. Người bệnh nên tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ, giữ gìn vệ sinh vùng da bị tổn thương, và thực hiện các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ sức khỏe. Nếu có bất kỳ triệu chứng bất thường nào, nên tìm đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. Việc chăm sóc đúng cách không chỉ giúp người bệnh giảm thiểu sự khó chịu mà còn giúp ngăn ngừa lây lan cho người xung quanh.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.