Bí quyết chăm sóc và phòng bệnh tay chân miệng
Bệnh tay chân miệng xuất hiện nhiều nơi, nguyên nhân là do thói quen ăn uống, vệ sinh cá nhân, vệ sinh ngoại cảnh chưa tốt làm mầm bệnh dễ lây lan qua đường tiêu hóa. Ngoài việc tuân theo chỉ định của bác sĩ, chế độ ăn uống và dinh dưỡng cho trẻ cũng rất quan trọng, góp phần đảm bảo sức khỏe của trẻ và làm bệnh thoái nhanh hơn.
Đối với trẻ mắc bệnh
Chăm sóc trẻ nhỏ trong giai đoạn bị bệnh và phục hồi cũng rất quan trọng. Cho trẻ ăn những món ăn mà trẻ muốn ăn, thức ăn cần mềm, loãng cho dễ nuốt, nguội vì thức ăn cứng, nóng làm trẻ đau rát miệng. Có thể thay một bữa ăn uống sữa, ăn bún, miến, phở không cần nhất thiết ăn cháo, cơm.
Sau mỗi bữa ăn cần vệ sinh sạch sẽ bằng cách cho trẻ súc miệng để trẻ nghỉ ngơi không ăn vặt trong 3- 4 giờ sau đó mới cho ăn bữa khác. Sau khi chăm sóc trẻ mắc bệnh cần rửa tay kỹ với xà phòng. Không được chọc vỡ các mụn nước bọng nước trên da trẻ bệnh. Giặt các đồ dùng của bệnh nhân và lau phòng ở của bệnh nhân bằng các dung dịch sát khuẩn có chlor.
Thông thường do trẻ mắc bệnh tay chân miệng ngắn (khoảng từ 5-10 ngày) nên không cần ép trẻ ăn quá nhiều. Tuy nhiên, cần cho trẻ ăn ăn uống đủ chất như cháo thịt nạc để protein và kẽm đầy đủ để tạo kháng nguyên, kháng thể cho trẻ. Các bậc cha mẹ có thể bổ sung vitamin C cho trẻ qua các loại thực phẩm như rau xanh, bắp cải, đu đủ, còn vitamin PP có nhiều trong các thực phẩm như gan, thận, ngũ cốc. Đối với những trẻ bắt đầu bắt đầu có dấu hiệu mụn nước vỡ là bệnh đã thoái trào, cần bổ sung thêm nhiều vitamin A qua các loại thực phẩm như cà rốt, ngô… để hỗ trợ bệnh mau lành, chống bội nhiễm.
Nếu trẻ không thích ăn bún, miến, phởi có thể cho trẻ ăn cháo, súp gà. Món ăn này đã trở thành bài thuốc quen thuộc dành cho người ốm. Cháo, súp gà rất tốt cho cơ thể, chúng có tác dụng ngăn chặn sự viêm nhiễm xảy ra ở tế bào trong cuống phổi, thúc đẩy hệ miễn dịch. Để tăng lượng dinh dưỡng, nên nấu súp gà với nấm. Hoặc có thể nấu nấm, thịt bò vì thực phẩm này chứa các thành phần dinh dưỡng tốt cho sức khỏe, giúp cơ thể sản sinh ra các tế bào bạch cầu và khiến các tế bào này trở nên khỏe mạnh, năng động hơn.
Trong thịt bò có chứa kẽm, một thành phần quan trọng giúp cung cấp cho cơ thể đang thiếu hụt dưỡng chất. Nhiều người cho rằng ăn thật nhiều rau là ổn và cắt giảm tối đa lượng thịt bò (thịt đỏ), tuy nhiên cần thiết phải có chế độ dinh dưỡng đầy đủ và cân bằng rất tốt ở trẻ mắc bệnh.
Đối với trẻ chưa mắc bệnh
Hiện tại vẫn chưa có vaccin phòng bệnh chân tay miệng. Trong mùa bệnh dịch hay xảy ra, biện pháp hữu hiệu nhất để khống chế bệnh là phòng lây lan bệnh sang người lành. Các biện pháp phòng ngừa là: Trẻ em, người lành nên hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân, không nên ra chỗ đông người. Cần theo dõi chặt chẽ những trẻ có biểu hiện sốt trong vùng dịch. Cần cho trẻ ăn uống đủ chất để tăng cường hệ miễn dịch nhằm hạn chế mắc bệnh.
Ở trẻ sơ sinh thì hệ miễn dịch là các kháng thể được truyền qua sữa mẹ vì vậy cần tăng cường cho trẻ bú mẹ nhiều hơn.
Đối với trẻ không còn bú mẹ cần tăng cường miễn dịch cho trẻ qua dinh dưỡng, vận động, thói quen sinh hoạt, lối sống lành mạnh. Cha mẹ nên bổ sung các thực phẩm tốt cho hệ miễn dịch cho trẻ, khuyến khích tập luyện thể dục thể thao ngoài trời nhiều hơn, giữ vệ sinh thân thể và nơi ở sạch sẽ để tiêu diệt nguồn vi khuẩn, virus lây bệnh.
Một số chất dinh dưỡng rất quan trọng và cần thiết cho trẻ là protein, đạm động vật, thực vật, đặc biệt các bà mẹ nên bổ sung chất đạm có nguồn gốc từ động vật sẽ rất tốt cho trẻ như thịt, cá, tôm, cua, mực… Bổ sung các chất khoáng như kẽm, sắt, canxi bằng cách cho trẻ ăn nhiều thịt bò, lươn, trứng, các loại sò, cá và cần nhất là phải cho trẻ uống sữa thường xuyên.
Trái cây và rau quả, củ là những thực phẩm không thể thiếu trong bữa ăn của trẻ. Một số loại rau, củ như bí đỏ, bí đao, khoai tây, cà rốt, cà chua, giá, rau cải, dền, bồ ngót và trái cây như chuối, cam, ổi, bưởi, đu đủ, dâu, sơ ri… cũng có thành phần dinh dưỡng rất cao.
Ngoài ra, cần tuân thủ vệ sinh bằng cách tăng cường rửa tay sạch sẽ trước, sau khi ăn. Không cho trẻ ngậm đồ chơi. Đồ dùng, vật dụng, nhà cửa phải rửa sạch mỗi ngày. Cần phát hiện kịp thời tay chân miệng
Triệu chứng bắt đầu xuất hiện sau khi nhiễm virut từ 3-6 ngày. Biểu hiện sớm nhất của bệnh là mệt mỏi, sốt nhẹ, đau họng, sổ mũi diễn ra trong vài ngày. Sau đó bệnh sang giai đoạn toàn phát. Đầu tiên là sự xuất hiện các mụn nước ở niêm mạc miệng, thường là ở mặt trong má, lợi, mặt bên của lưỡi; các mụn nước có kích thước nhỏ nằm trên một nền niêm mạc viêm đỏ. Các mụn nước trong miệng thường dập vỡ rất nhanh tạo ra các vết trợt loét rất đau rát làm bệnh nhân khó ăn uống. Tiếp theo, xuất hiện các mụn nước, bọng nước ở bàn chân, bàn tay, đôi khi gặp cả mụn nước, bọng nước ở mông.
Bệnh nhân có khả năng lây bệnh cho người khác qua đường hô hấp trong 1 tuần đầu bị bệnh. Vì vậy, việc phát hiện bệnh sớm để cách ly, đưa trẻ đến cơ sở y tế được thăm khám và tư vấn cụ thể tránh biến chứng nặng là rất cần thiêt.
Nguồn: Bs. Nguyễn Quang Huy
Bạn có thể xem thêm: