Cách làm giảm triệu chứng trào ngược dạ dày - thực quản
Cuộc sống hối hả nhiều bộn bề, lo toan nhưng đã lúc nào chúng ta “chậm lại một nhịp” cho bản thân nhiều thời gian hơn để chăm sóc sức khỏe. Bài viết dưới đây viết về một căn bệnh hiện đại mà phần đông chúng ta mắc phải. Cùng tìm hiểu bệnh trào ngược dạ dày- thực quản (GERD): Nguyên nhân trào ngược dạ dày? Triệu chứng trào ngược dạ dày? Điều trị trào ngược dạ dày như thế nào?
Bệnh trào ngược dạ dày – thực quản là gì?
Bệnh trào ngược dạ dày – thực quản (Gastroesophageal Reflux Disease – GERD): là tình trạng dịch tiêu hóa của dạ dày trào ngược lên thực quản, gây các triệu chứng khó chịu và/hoặc gây viêm, tổn thương thành thực quản, thanh quản, họng và/hoặc hô hấp.
GERD là một hiện tượng sinh lý có thể gặp ở người bình thường, thường xảy ra về đêm, sau bữa ăn với đặc điểm là thời gian ngắn và không gây triệu chứng
Trào ngược dạ dày – thực quản là bệnh lý tiêu hóa ngày càng phổ biến
Nguyên nhân
Các nguyên nhân gây trào ngược dạ dày – thực quản (GERD) bao gồm:
Tại thực quản:
- Suy cơ thắt dưới thực quản: Cơ thắt dưới thực quản là phần cơ thấp nhất của thực quản, nơi nó nối dạ dày, có nhiệm vụ như một cánh cửa giữa dạ dày và thực quản. Khi thức ăn hoặc nước bọt được nuốt, cơ thắt dưới thực quản sẽ giãn ra trong một vài giây cho phép chúng vào dạ dày rồi đóng lại. Khi cơ thắt thực quản dưới bị suy, chúng giãn ra trong một thời gian dài làm cho thức ăn từ dạ dày có thể trào ngược lên thực quản.
- Thoát vị hoành: Là tình trạng cơ thắt dưới thực quản và một phần trên của dạ dày chui lên cơ hoành. Lúc này cơ thắt dưới thực quản không nằm cùng mức với lỗ tâm hoành, vì vậy dễ dàng xảy ra trào ngược hơn.
- Sự rối loạn cơ thắt thực quản: Nuốt tạo ra những cơn co thắt thực quản từ thực quản trên, còn gọi là nhu động. Nó giúp đẩy thức ăn, nước bọt… ở trong thực quản vào dạ dày. Khi sự co thắt thực quản bị rối loạn hoặc lượng nước bọt giảm làm rối loạn thanh thải acid ở thực quản gây kích ứng và viêm.
Tại dạ dày
- Do sự chậm rỗng dạ dày: Thức ăn chậm xuống ruột làm tăng áp lực trong dạ dày, làm thức ăn và dịch vị dễ trào lên thực quản.
- Túi acid lớn và gần cơ hoành
- Áp lực ổ bụng tăng lên đột ngột: Khi ho, hắt hơi gắng sức cũng có thể gây trào ngược dạ dày thực quản.
Các yếu tố nguy cơ:
- Tuổi tác (trên 40 tuổi)
- Giới tính: nam giới nhiều hơn nữ giới
- Chế độ ăn nhiều dầu mỡ
- Căng thẳng tâm lý
- Hút thuốc lá
- Thói quen nằm nghỉ sau ăn
- Mang thai
- Béo phì (BMI > 23)
- Hội chứng chuyển hóa
- Thuốc đang sử dụng: Thuốc ức chế bêta, thuốc trị hen phế quản, thuốc an thần, thuốc giảm đau.
Các tác hại của bệnh trào ngược dạ dày – thực quản
Bệnh trào ngược dạ dày – thực quản không chỉ gây khó chịu với những cơn ợ nóng, ợ chua mà còn tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe về lâu dài.
Biến chứng tiêu hóa
- Viêm thực quản: Tiếp xúc liên tục với axit dạ dày khiến thực quản bị kích ứng, viêm loét, dẫn đến chảy máu, hẹp thực quản, thậm chí thủng.
- Viêm loét dạ dày tá tràng: Axit dạ dày trào ngược có thể bào mòn niêm mạc dạ dày, gây loét, chảy máu, thậm chí ung thư dạ dày.
- Hội chứng Barrett: Biến đổi niêm mạc thực quản do trào ngược axit lâu ngày, tiềm ẩn nguy cơ cao ung thư thực quản.
Biến chứng hô hấp
- Viêm thanh quản, viêm họng: Axit trào ngược kích thích cổ họng, gây ho, khàn tiếng, đau rát, lâu dần dẫn đến viêm thanh quản, viêm họng mãn tính.
- Hen suyễn: Axit trào ngược có thể làm nặng thêm các triệu chứng hen suyễn, dẫn đến khó thở, co thắt phế quản.
- Viêm phổi do trào ngược: Axit trào ngược xâm nhập đường hô hấp dưới, gây viêm phổi do trào ngược, nguy hiểm cho người già, trẻ em và người có bệnh lý nền.
Biến chứng khác
- Sâu răng: Axit trào ngược bào mòn men răng, gây sâu răng, mòn men răng.
- Viêm xoang: Axit trào ngược có thể kích thích xoang, dẫn đến viêm xoang tái phát.
- Mất ngủ: Ợ nóng, trào ngược axit ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ, gây mất ngủ, mệt mỏi.
Trào ngược dạ dày – thực quản kéo dài tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm
Phương pháp điều trị trào ngược dạ dày – thực quản
Mục tiêu điều trị:
- Loại bỏ triệu chứng
- Làm lành viêm thực quản
- Quản lý, ngăn ngừa biến chứng
- Cải thiện chất lượng cuộc sống
- An toàn – hiệu quả – tiết kiệm nhất cho bệnh nhân
Phương pháp trị trào ngược dạ dày- thực quản (GERD) hiện nay
Thay đổi lối sống
Đây là biện pháp được khuyến nghị áp dụng đầu tiên cho bệnh nhân GERD. Thay đổi lối sống có thể cải thiện và làm giảm triệu chứng ở bệnh nhân GERD.
- Ăn vừa đủ no, chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày.
- Không ăn thức ăn có nhiều dầu, mỡ vì thức ăn nhiều dầu mỡ sẽ làm chậm quá trình làm rỗng dạ dày.
- Không ăn nhiều thức ăn chứa canxi, không dùng quá nhiều vitamin C vì các chất này kích thích dạ dày tiết acid.
- Không ăn trước khi đi ngủ 2-3 h, không nằm ngay sau khi ăn.
- Bỏ hút thuốc lá, uống rượu, bia, tránh nước có gas.
- Hạn chế trà, cà phê, chocolate.
- Giảm cân.
- Nên kê cao chân đầu giường 20 – 25 cm.
- Nằm nghiêng trái
- Tập thở bụng hiệu quả trên những bệnh nhân có triệu chứng bị vướng hay nghẹn ở cổ.
Người mắc bệnh GERD cần hạn chế rượu, bia, nước có gas
Sử dụng thuốc
Các thuốc sử dụng trị trào ngược dạ dày- thực quản (GERD) hiện nay:
- Thuốc kháng acid Antacid và Alginate – antacid
- Thuốc ức chế tiết acid kháng thụ thể H2 và ức chế bơm Proton (PPI)
- Thuốc hỗ trợ vận động (Prokinetic)
- Thuốc giãn cơ cơ thắt thực quản dưới – Baclofen
- Thuốc điều chỉnh cảm giác đau: thuốc chống trầm cảm ba vòng: Amitriptylin, Nortriptyline, Imipramin, Desipramin, Trazodone, SSRI.
Phẫu thuật
Khi can thiệp nội khoa để trị trào ngược dạ dày- thực quản (GERD) không đạt hiệu quả thì sẽ can thiệp phẫu thuật.
Bệnh trào ngược dạ dày – thực quản tuy không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nhưng bệnh diễn tiến âm thầm, dai dẳng, nếu không phát hiện điều trị kịp thời bệnh gây ra các tổn thương nghiêm trọng như viêm thực quản, hẹp thực quản, barrett thực quản, nghiêm trọng hơn là ung thư thực quản. Hiểu biết về dấu hiệu, triệu chứng, nguyên nhân bệnh giúp cho ta kiểm soát tốt về bệnh, chất lượng cuộc sống được nâng cao.
Kết luận
Để giảm triệu chứng trào ngược dạ dày – thực quản, việc điều chỉnh lối sống và chế độ ăn uống là rất quan trọng. Hãy ăn những bữa nhỏ, tránh các thực phẩm kích thích và duy trì tư thế thẳng đứng sau khi ăn. Thực hiện các biện pháp này có thể giúp bạn cải thiện đáng kể tình trạng sức khỏe tiêu hóa. Nếu triệu chứng kéo dài hoặc trở nên nghiêm trọng, hãy liên hệ với bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời. Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo.