Chảy máu cam có nguy hiểm không?
Chảy máu cam hay chảy máu mũi là một tình trạng phổ biến, bất cứ ai cũng có thể gặp phải. Đây là tình trạng xuất huyết trong mũi hầu như ai cũng từng bị trong đời. Chảy máu mũi hiếm khi là dấu hiệu nguy hiểm nhưng nếu hay chảy máu mũi thì bạn có thể cảm thấy lo lắng. Vậy chảy máu cam có nguy hiểm không? Cùng tìm hiểu ở bài viết dưới đây.
Tổng quan về chảy máu cam
Chảy máu cam là gì?
Chảy máu cam còn gọi là chảy máu mũi, là tình trạng máu chảy ra từ một hay cả 2 bên hốc mũi. Máu chảy ra thường xuất phát một bên mũi, nhưng chảy máu lượng nhiều, nhanh có thể làm máu chảy qua cả mũi còn lại. Có thể chảy máu ra ngoài từ lỗ mũi trước hoặc chảy ra sau xuống họng
Vị trí chảy máu mũi
Tình trạng chảy máu mũi thường phân thành chảy máu mũi trước hoặc sau:
- Chảy máu mũi trước: Máu chảy ra từ lỗ mũi phía trước, thường xuất phát từ vị trí trước dưới của vách ngăn mũi, là nơi hội lưu nhiều mạch máu nông, gọi là vùng Little chứa đám rối điểm mạch Kisselbach: máu chảy ra thường ít, đa số tự cầm.
- Chảy máu mũi sau: Máu chảy ra xuống họng khiến bệnh nhân khạc ra máu, thường xuất phát từ nhánh sau ngoài của động mạch bướm khẩu cái, thỉnh thoảng sẽ gặp trường hợp chảy máu nặng ở nhóm này.
Các nguyên nhân gây chảy máu cam
Chảy máu cam xảy ra khi có sự tổn thương, đứt gãy các mạch máu trong niêm mạc mũi, là tình trạng cấp cứu xảy ra đột ngột và khó có thể xác định nguyên nhân ngay lập tức, một số nguyên nhân gây chảy máu mũi chia thành các nhóm như sau:
Chảy máu mũi vô căn
Là các trường hợp chảy máu mũi mà không tìm thấy căn nguyên gây bệnh.
Nguyên nhân tại chỗ
- Chấn thương: do lực tác động từ bên ngoài, ngoáy mũi, bị đấm, tai nạn, dị vật gây rách niêm mạc, tổn thương các điểm mạch và mạch máu.
- Viêm nhiễm: các bệnh viêm mũi dị ứng,viêm mũi cấp và mạn làm cho niêm mạc nhạy cảm dễ gây chảy máu.
- Do môi trường bên ngoài: thời tiết hanh khô, khiến cho luồng không khí tác động vào niêm mạc mũi khiến mũi trở nên khô và gây chảy máu cam.
- Dị hình vách ngăn: lệch vách ngăn, vẹo vách ngăn…
- Hít phải hóa chất gây độc: hóa chất trong dụng cụ vệ sinh, khói hóa chất tại nơi làm việc và các mùi mạnh khác.
- Lạm dụng các thuốc tại chỗ như các thuốc co mạch.
- Chảy máu từ các khối u lành tính hay ác tính trong hốc mũi.
- Chảy máu từ các khối u vùng họng mũi, vùng vòm.
- Dị dạng mạch máu trong hốc mũi.
Nguyên nhân toàn thân
- Nhiễm siêu vi: cúm, sốt xuất huyết, sởi, thương hàn, ký sinh trùng sốt rét…
- Tăng huyết áp và các bệnh lý tim mạch khác cũng có thể là căn nguyên đằng sau gây chảy máu mũi.
- Bệnh lý về gan như suy gan, viêm gan, xơ gan…
- Viêm thận mạn tính.
- Bệnh về máu, các bệnh rối loạn đông máu, suy giảm tiểu cầu…
- Một số thuốc: thuốc chống đông, chống viêm làm loãng máu khiến cho máu khó đông dễ gây chảy máu.
Chảy máu mũi thường xuyên dấu hiệu bệnh gì?
- Rối loạn chức năng đông cầm máu, xuất huyết giảm tiểu cầu…
- Nhiễm virus.
- Các khối u vùng mũi họng, vùng vòm, có thể ác tính hoặc lành tính.
- Vẹo vách ngăn, lệch vách ngăn, polyp…
Khi nào chảy máu cam là nguy hiểm
Khoảng 60% dân số đều bị chảy máu cam ít nhất một lần trong đời và khoảng 10% là trường hợp đặc biệt cần được điều trị kịp thời và đúng cách tại cơ sở y tế.
Chảy máu cam là một tình trạng phổ biến, ít nguy hiểm, nếu có kỹ năng xử lý chảy máu cam tốt có thể cầm máu ngay tại nhà mà chưa cần đến sự hỗ trợ y tế.
Tuy nhiên nếu hãy đến gặp bác sĩ khi có một trong các dấu hiệu nguy hiểm sau:
- Chảy máu cam nhiều, không cầm được sau 20 phút.
- Thường xuyên chảy máu cam.
- Có các triệu chứng của thiếu máu đi kèm như hoa mắt chóng mặt, đau đầu, da niêm mạc xanh nhợt.
- Đang dùng các thuốc chống đông hoặc có các bệnh rối loạn đông máu, ngay khi có hiện tượng chảy máu cam cần đến cơ sở y tế ngay.
- Chảy máu cam kèm chấn thương vùng mũi gây sưng đau.
- Chảy máu mũi do chấn thương.
- Chảy máu cam ở trẻ dưới 2 tuổi.
- Nuốt một lượng lớn máu dẫn đến nôn .
Các cách xử lý khi chảy máu cam
Chảy máu cam thường ít nguy hiểm không phải là dấu hiệu của điều gì quá nghiêm trọng. Chúng phổ biến, đặc biệt ở trẻ em và hầu hết có thể dễ dàng điều trị tại nhà. Một số cách xử lý chảy máu cam:
- Tư thế: ngồi thẳng, đầu hơi cúi về phía trước, điều này sẽ ngăn cản máu chảy xuống cổ họng, gây buồn nôn, nôn và tiêu chảy. Đừng nằm thẳng hay gập người quá sâu.
- Thở bằng miệng, tránh thở bằng mũi.
- Dùng ngón tay cái và ngón tay trỏ bóp chặt hai cánh mũi trong vòng 3-5 phút. Sau đó kiểm tra lại, nếu vẫn tiếp tục chảy thực hiện lại động tác bóp cánh mũi thêm 10 phút. Lưu ý rằng động tác này rất quan trọng, nếu thực hiện chính xác sẽ giúp cầm máu ngay mà không cần đến cơ sở y tế.
- Dùng túi chườm đá lạnh đặt nhẹ lên vùng sống mũi để thu hẹp, giảm tốc độ chảy của mạch máu, đây là cách có thể sử dụng để tạo cảm giác thoải mái.
- Có thể sử dụng bông tẩm thuốc co mạch để nhét vào vị trí chảy máu, điều này nên được thực hiện tại các cơ sở y tế.
- Dùng các thuốc xịt co mạch, tuy nhiên cách này không nên dùng kéo dài vì làm tăng nguy cơ chảy máu cam tái phát.
- Khạc nhổ nhẹ nhàng máu trong cổ họng ra ngoài, dùng khăn giấy để hứng máu và dịch, tránh nuốt xuống họng.
- Sau khi máu đã cầm, đừng cúi xuống xì mũi và ngoáy mũi hay cố gắng đưa bất kỳ vật lạ gì vào mũi để tránh xây xát niêm mạc mũi.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.