Chế độ ăn uống để phòng và trị bệnh táo bón
Táo bón là tình trạng rất phổ biến đặc trưng bởi đi đại tiện phân khô cứng, buồn đi mà không đi được, phải rặn mạnh, gây ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe. Táo bón làm cho cơ thể người bệnh mất đi nhiều dưỡng chất có lợi. Vì vậy, để phòng ngừa táo bón bạn hãy tham khảo thêm bài viết bên dưới nhé.
Vai trò của việc phòng ngừa, điều trị bệnh táo bón
Táo bón là một triệu chứng không phải là một bệnh. Táo bón phổ biến nhất trong các bệnh lý về đường tiêu hóa trên thế giới với tỷ lệ 17% dân số toàn cầu, trong đó, chỉ 12% số người tự xác định được bệnh. Táo bón xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến hơn ở những người trên 65 tuổi với tỷ lệ 30-40%. Phụ nữ có tỷ lệ mắc táo bón cao gấp 3 lần nam giới. Táo bón cũng thường xảy ra ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai.
Táo bón là nguy cơ tiềm ẩn về đường tiêu hóa và bệnh hậu môn trực tràng
Hiểu rõ về táo bón sẽ giúp người dân có biện pháp phòng ngừa, phát hiện và điều trị sớm, nhằm tránh tình trạng có thể gây ra các nguy cơ tiềm ẩn về đường tiêu hóa và bệnh hậu môn trực tràng. Vì Không chỉ gây mệt mỏi, ảnh hưởng đến sinh hoạt, táo bón còn là nguyên nhân quan trọng dẫn đến bệnh trĩ, nứt kẽ hậu môn, sa trực tràng, thậm chí là ung thư trực tràng.
Hướng dẫn chế độ ăn uống lành mạnh để giảm thiểu và điều trị táo bón
Điều chỉnh chế độ ăn uống: chìa khóa để điều trị hầu hết người bệnh bị táo bón là điều chỉnh chế độ ăn uống, bao gồm:
- Tăng sử dụng lượng chất xơ: Chất xơ có sẵn trong các nguồn tự nhiên rất đa dạng như trái cây, rau và ngũ cốc. Sử dụng chất xơ có nguồn gốc tự nhiên thì có ưu điểm vượt trội về mặt dinh dưỡng so với việc bổ sung chất xơ tinh khiết. Tuy nhiên, việc khuyên người bệnh ăn nhiều trái cây và rau quả đôi khi không thành công, có thể bổ sung chất xơ tinh khiết như psyllium hoặc methylcellulose. Nói chung, việc bổ sung các chất xơ là an toàn và hiệu quả nếu uống đủ nước. Chúng không phải là thuốc nhuận tràng và phải được dùng thường xuyên (cho dù bạn có bị táo bón hay không) để giúp bạn tránh táo bón trong tương lai.
- Tăng lượng nước uống vào: Người bệnh nên được uống ít nhất 8 ly nước mỗi ngày (1,5 đến 2 lít nước).
- Giảm việc sử dụng thực phẩm gây táo bón như thực phẩm giàu chất béo động vật (kể cả các sản phẩm từ sữa, thịt và trứng), đường tinh luyện, cà phê, trà và rượu.
Chất xơ có sẵn trong các nguồn tự nhiên rất đa dạng
Các thực phẩm nên tránh để phòng bệnh táo bón
Một số thực phẩm tưởng chừng tốt cho hệ tiêu hóa, nhưng có thể là thủ phạm gây táo bón nếu ăn không đúng cách như:
- Chuối: chuối có thể là nguyên nhân gây táo bón hoặc là “thuốc” trị táo bón – tùy theo mức độ chín của nó. Chuối xanh chứa hàm lượng tinh bột cao có thể thực sự dẫn đến táo bón vì nó có nhiều tannin – một chất tự nhiên làm săn se và có vị chát khi ăn — hơn là chuối đã chín. Tuy nhiên, tannin chỉ gây táo bón ở một số người, chứ không phải tất cả. Đó là lý do vì sao chế độ ăn gồm chuối, gạo, nước sốt táo và trà thường giúp ích khi bị tiêu chảy.
- Bánh mì: Không phải lúc nào cơ thể cũng hấp thu và tiêu hóa tốt những thực phẩm từ bột mì, khiến cho vi khuẩn trong đại tràng lên men các fructan-polymer của phân tử fructose và tạo ra hơi. Những người không dung nạp được bột mì hoặc gluten có thể bị tiêu chảy hoặc táo bón khi ăn bánh mì.
- Khoai tây chiên: Khoai tây chiên giòn là món ăn vặt rất dễ quá đà. Nó có thể được dùng để thay thế cho bữa phụ hoặc món phụ giàu chất xơ hơn. Khoai tây chiên giòn thường ít chất xơ và nhiều chất béo, dễ dẫn đến táo bón do làm chậm hoạt động của hệ tiêu hóa.
- Sô cô la: Các “tín đồ” của sô cô la đều thừa nhận không có thứ đồ ăn gì khiến ta khó “cầm lòng” hơn sô cô la, nhưng hệ tiêu hóa lại có ý kiến khác. Mặc dù một lượng sô cô la vừa phải, nhất là sô cô la đen, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, nhưng nó có thể làm chậm quá trình tiêu hóa. Một nghiên cứu năm 2005 trên tờ European Journal of Gastroenterology & Hepatology thấy rằng khi hỏi những người bị táo bón về tên thực phẩm được cho là thủ phạm, sô cô la bị “chỉ mặt gọi tên” nhiều nhất cùng với bánh mì trắng và chuối.
- Thức ăn đóng hộp: Thức ăn đóng hộp rất tiện lợi vì giúp bạn tiết kiệm thời gian nấu nướng, nhưng không tốt cho tiêu hóa. Thức ăn đóng hộp thường ít chất xơ, nhiều chất béo và muối do bảo quản. Những yếu tố này kết hợp với nhau sẽ cản trở khả năng đào thải chất cặn bã của cơ thể. Quá trình chế biến thực phẩm cũng làm giảm lượng chất xơ, và thực phẩm chế biến sẵn nói chung thường ít chất xơ.
- Thịt đỏ: Thịt đỏ còn tươi không phải là nguyên nhân trực tiếp gây táo bón, nhưng thời gian thức ăn lưu lại trong dạ dày có thể góp phần gây ra những vấn đề về tiêu hóa. Thịt bò, cùng với những thực phẩm giàu đạm khác, lâu tiêu hơn, góp phần gây ra cảm giác no kéo dài hơn. Cảm giác “no lâu” này cũng là nguyên nhân khiến một số người than phiền về tình trạng “đầy bụng” sau khi ăn thịt Ăn thịt đỏ cùng với nhiều thực phẩm giàu chất xơ như salat có thể giúp làm giảm tình trạng táo bón do ăn thịt.
- Sữa: Canxi từ sữa làm cho xương chắc khỏe, nhưng uống quá nhiều sữa có thể làm chậm quá trình tiêu hóa và khiến phân cứng, gây táo bón.
- Cà phê: Cà phê là loại thức uống nhiều người ưa thích, nhưng uống quá nhiều có thể khiến cơ thể mất nước và làm tắc nghẽn các cơ quan, gây táo bón
- Đồ uống có cồn, chất kích thích: Những đồ uống này có thể khiến hút nước trong thành ruột của bạn và làm trầm trọng thêm bệnh táo bón của bạn.
Đồ ăn nhanh cũng có thể gây táo bón
Kết luận
Táo bón không chỉ gây khó chịu mà còn ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tổng thể. Việc duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh, giàu chất xơ, uống đủ nước và tập thể dục đều đặn là những biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả để phòng ngừa và điều trị táo bón. Hãy lắng nghe cơ thể mình, thay đổi thói quen ăn uống và sinh hoạt để duy trì hệ tiêu hóa khỏe mạnh. Nếu tình trạng táo bón kéo dài, đừng ngần ngại tìm kiếm sự tư vấn từ bác sĩ để được hỗ trợ kịp thời. Chăm sóc sức khỏe hệ tiêu hóa không chỉ giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống.