Triệu chứng và nguyên nhân bệnh bạch hầu
Bạch hầu là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, nhưng với kiến thức và biện pháp phòng ngừa thích hợp, chúng ta có thể bảo vệ bản thân và cộng đồng khỏi bệnh này. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu sâu hơn về bệnh bạch hầu, từ định nghĩa, triệu chứng, nguyên nhân cho đến cách phòng ngừa hiệu quả. Hãy cùng nhau nắm vững thông tin để xây dựng một môi trường sống an toàn và khỏe mạnh.
1. Bệnh bạch hầu là gì?
Bệnh bạch hầu là một bệnh nhiễm khuẩn do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra. Bệnh chủ yếu lây truyền qua đường hô hấp khi tiếp xúc với người bệnh hoặc mang vi khuẩn mà không có triệu chứng. Bệnh bạch hầu có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng, thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
2. Triệu chứng của bệnh bạch hầu
Triệu chứng của bệnh bạch hầu thường bắt đầu từ 2 đến 5 ngày sau khi bị nhiễm. Các triệu chứng phổ biến bao gồm:
- Đau họng và khàn giọng.
- Sốt nhẹ và ớn lạnh.
- Khó nuốt và khó thở.
- Hạch bạch huyết sưng to ở cổ.
- Xuất hiện màng giả màu xám trắng trên amidan và họng.
Tùy vào vị trí vi khuẩn gây bệnh sẽ có những biểu hiện khác nhau.
- Bệnh bạch hầu mũi trước: Người bệnh sổ mũi, chảy ra chất mủ nhầy đôi khi có máu, có màng trắng ở vách ngăn mũi. Thể bệnh thường nhẹ do độc tố vi khuẩn ít thâm nhập vào máu.
- Bệnh bạch hầu họng và amidan:
- Người bệnh mệt mỏi, đau cổ họng, chán ăn, sốt nhẹ.
- Sau 2-3 ngày xuất hiện một đám hoại tử tạo thành lớp giả mạc màu trắng xanh, dai và dính chắc vào amiđan, hoặc có thể lan rộng bao phủ cả vùng hầu họng.
- Có thể sưng nề vùng dưới hàm và sưng các hạch vùng cổ làm cổ bạnh ra như cổ bò ở một số người.
- Trường hợp nhiễm độc nặng: phờ phạc, xanh tái, mạch nhanh, đờ đẫn, hôn mê. Nếu không được điều trị tích cực, những bệnh nhân này có thể tử vong trong vòng 6 – 10 ngày.
- Bạch hầu thanh quản: Là thể bệnh tiến triển nhanh và nguy hiểm. Người bệnh sốt nhẹ, khàn tiếng, ho, các giả mạc tại thanh quản hoặc từ hầu họng lan xuống. Nếu không được điều trị kịp thời, các giả mạc có thể gây tắc đường thở, làm bệnh nhân suy hô hấp và tử vong nhanh chóng.
Ở một số người, nhiễm vi khuẩn bạch hầu chỉ gây ra các triệu chứng bệnh nhẹ hoặc không có dấu hiệu và triệu chứng rõ ràng nào. Những người bị nhiễm bệnh nhưng vẫn không biết về căn bệnh của mình được gọi là người mang bệnh bạch hầu do họ có thể lây truyền bệnh cho cộng đồng mà không có triệu chứng bị bệnh.
3. Nguyên nhân gây ra bệnh bạch hầu
Bệnh bạch hầu gây ra bởi vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae thuộc họ Corynebacteriaceae. Vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae có 3 type:
- Gravis
- Mitis
- Intermedius.
Vi khuẩn có sức đề kháng cao ở ngoài cơ thể và chịu được khô lạnh. Nếu được chất nhầy bao quanh cơ thể, vi khuẩn có thể sống trên đồ vật vài ngày, thậm chí là vài tuần. Dưới ánh sáng mặt trời, vi khuẩn sẽ chết sau vài giờ, ở nhiệt độ 580C vi khuẩn sống được 10 phút, ở phenol 1% và cồn 60 độ có thể sống được 1 phút.
Vi khuẩn này lây truyền qua các giọt bắn nhỏ từ người nhiễm bệnh khi họ ho, hắt hơi hoặc nói chuyện. Ngoài ra, tiếp xúc trực tiếp với đồ vật bị nhiễm khuẩn cũng có thể gây lây nhiễm.
4. Cách phòng ngừa bệnh bạch hầu
Để phòng ngừa bệnh bạch hầu, tiêm vắc-xin là biện pháp hiệu quả nhất. Tại Việt Nam hiện nay không có vắc xin đơn phòng bệnh bạch hầu, chỉ có vắc xin những vắc xin dạng phối hợp.
- Trong Chương trình Tiêm chủng quốc gia:
- Vắc xin 5 trong 1 phòng bệnh bạch hầu – ho gà – uốn ván – Hib – viêm gan B (DPT-VGB-Hib): tiêm cho trẻ từ 2 – 24 tháng tuổi
- Vắc xin bạch hầu – ho gà – uốn ván: tiêm khi trẻ 16 – 18 tháng tuổi
- Vắc xin dịch vụ, bao gồm:
- Vắc xin 6 trong 1 Hexaxim (Pháp) hoặc Infanrix Hexa (Bỉ) phòng 6 bệnh Bạch hầu – Ho gà – Uốn ván – Bại liệt – Hib – Viêm gan B: tiêm cho trẻ từ 2 – 24 tháng tuổi.
- Vắc xin 4 trong 1 Tetraxim (Pháp) phòng bệnh Bạch hầu – Ho gà – Uốn ván – Bại liệt: dành cho đối tượng từ 2 tháng tuổi đến 13 tuổi, đặc biệt là tiêm nhắc khi trẻ 4-6 tuổi đối với những trẻ không tiêm 5 trong 1 hoặc 6 trong 1.
- Vắc xin Adacel (Pháp), Boostrix (Bỉ) phòng 3 bệnh Bạch hầu – Uốn ván – Ho gà: đối với trẻ trên 4 tuổi và người lớn, thường được khuyến cáo tiêm nhắc mũi vắc xin này mỗi 10 năm một lần. Vắc xin Boostrix còn được sử dụng cho thai phụ từ 27-36 tuần thai.
Ngoài ra, cần duy trì vệ sinh cá nhân tốt, rửa tay thường xuyên và tránh tiếp xúc với người nhiễm bệnh.
Bạch hầu là một bệnh nguy hiểm nhưng có thể phòng ngừa được. Việc hiểu rõ về bệnh, nhận biết triệu chứng và thực hiện các biện pháp phòng ngừa sẽ giúp bảo vệ sức khỏe của bản thân và cộng đồng. Hãy luôn chủ động trong việc tiêm phòng và duy trì vệ sinh cá nhân để ngăn chặn sự lây lan của bạch hầu. Với sự hợp tác của mọi người, chúng ta có thể kiểm soát và loại trừ bệnh bạch hầu, xây dựng một môi trường sống an toàn, khỏe mạnh cho tất cả.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.