Bệnh sốt xuất huyết trong thai kỳ và những điều cần lưu ý
Bệnh sốt xuất huyết là một trong những vấn đề sức khỏe lo ngại với mọi người. Việc hiểu rõ về căn bệnh này, các nguyên nhân và biện pháp phòng tránh là rất quan trọng để bảo vệ cả sức khỏe của mẹ và thai nhi. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về bệnh sốt xuất huyết trong thai kỳ, những điều cần lưu ý và cách giữ gìn sức khỏe cho mẹ bầu bị sốt xuất huyết an toàn và hiệu quả.
Bệnh sốt xuất huyết là gì?
Sốt xuất huyết là bệnh gây ra do vi-rút Dengue, lây truyền qua vết đốt của muỗi nhiễm bệnh. Sốt xuất huyết nặng có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Hiện nay bệnh vẫn chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu cũng như chưa có vắc-xin phòng ngừa, có thể mắc bệnh nhiều lần trong đời do bệnh có nhiều type. Bệnh có biểu hiện sốt cao liên tục, xuất huyết dưới da toàn thân và có thể có biến chứng, nặng nhất là trụy tim mạch gây tử vong. Phát hiện sớm và đến sớm các cơ sở y tế để được chăm sóc y tế đúng cách có thể làm giảm tỷ lệ tử vong.
Nguyên nhân dễ mắc sốt xuất huyết ở thai phụ
Thai phụ là đối tượng có nguy cơ cao dễ mắc bệnh sốt xuất huyết. Nguyên nhân là khi mang bầu, hệ miễn dịch của mẹ bị suy yếu, tạo cơ hội cho virus xâm nhập và có điều kiện phát triển mạnh mẽ, từ đó mẹ bầu bị sốt xuất huyết và tiến triển nghiêm trọng.
Triệu chứng sốt xuất huyết ở thai phụ
- Biểu hiện sốt xuất huyết ở phụ nữ mang thai cũng tương tự như các bệnh nhân khác. Triệu chứng khá giống với cảm cúm, biểu hiện thường là sốt cao đột ngột 39 – 40 độ C, liên tục, khó hạ sốt, kéo dài từ 2-7 ngày, kèm theo đau đầu, sau đó nổi ban và có dấu hiệu chấm xuất huyết ngoài da.
- Khi sốt xuất huyết diễn tiến nặng sẽ có triệu chứng chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam, nôn ra máu, đi ngoài phân đen, cơ thể mất nước, khát nước, tiểu ít, đau bụng, nôn ói nhiều, tay chân lạnh, vật vã.
- Nặng hơn sẽ có biểu hiện choáng, mạch nhanh, huyết áp tụt. Các dấu hiệu cảnh báo sốt xuất huyết nặng thường bắt đầu xuất hiện từ 3 đến 7 ngày sau khi khởi phát bệnh.
Phòng ngừa sốt xuất huyết ở thai phụ
Một số cách phòng bệnh sốt xuất huyết theo trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC):
- Dành 10 – 15 phút mỗi tuần để dọn dẹp nơi mình làm việc, sinh sống, từ trong nhà đến xung quanh nhà, thu dọn, không để có vật chứa đọng nước làm phát sinh lăng quăng. Lật úp các xô, lọ, chai cũ không dùng đến; cọ rửa và thay nước lọ hoa, chén nước cúng ít nhất 01 lần/tuần, dọn dẹp mái hiên, nóc nhà, máng xối,…
- Đậy kín lu, hồ, phuy chứa nước khi không dùng đến để tránh muỗi đẻ trứng và phát sinh lăng quăng, muỗi.
- Đối với những nơi chứa nước không dùng để uống, sinh hoạt có thể thả cá để diệt lăng quăng.
- Sử dụng bình xịt, nhang, kem thoa xua muỗi, mặc áo quần dài tay, ngủ mùng kể cả ban ngày… để tránh muỗi đốt.
Khi có các dấu hiệu nghi ngờ bị sốt xuất huyết, mẹ bầu cần thực hiện ngay các biện pháp sau nhằm giảm nguy cơ bệnh diễn tiến nặng:
- Đến ngay các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán xác định bệnh và có phương án điều trị phù hợp.
- Hạ sốt bằng paracetamol 10-15mg/kg cân nặng nếu sốt trên 38 độ C.
- Uống thật nhiều nước và các loại nước trái cây giàu vitamin C.
- Ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu. Tránh thức ăn nhiều dầu mỡ, đồ ăn cay nóng.
- Mặc thoáng mát, nghỉ ngơi tại giường, hạn chế đi lại.
- Nếu gần ngày dự sinh, bạn nên chọn sinh tại các bệnh viện lớn, có khả năng xử trí kịp thời các biến chứng nguy hiểm xảy ra trong và sau sinh cho mẹ và bé.
- Tuân thủ phác đồ điều trị và những hướng dẫn của nhân viên y tế.
Nếu mẹ bầu đang tự theo dõi tại nhà và có một trong các dấu hiệu bệnh nặng sau đây, bạn nên đến bệnh viện ngay để được cấp cứu kịp thời:
- Đau bụng dữ dội hoặc đau cơ.
- Nôn ói liên tục (ít nhất 3 lần trong 1 giờ).
- Chảy máu mũi hoặc chảy máu chân răng.
- Nôn ra máu hoặc có máu trong phân.
- Thở nhanh, khó thở.
- Cảm thấy mệt mỏi nhiều, tay chân lạnh, vật vã, lừ đừ.
Trong thai kỳ, bà bầu bị sốt xuất huyết là một trong những vấn đề sức khỏe đáng lo ngại và cần được quan tâm đặc biệt. Việc nhận biết và phòng tránh các nguy cơ liên quan là chìa khóa để bảo vệ sức khỏe của mẹ và thai nhi. Hãy luôn tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ, đảm bảo duy trì một lối sống lành mạnh và thường xuyên kiểm tra sức khỏe để đảm bảo mọi điều kiện đều đạt đến mức tốt nhất cho cả mẹ và bé. Nếu có bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ hoặc câu hỏi, hãy tham khảo ý kiến chuyên môn từ các bác sĩ và chuyên gia y tế để có giải đáp và hỗ trợ đúng đắn nhất.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.