Tầm quan trọng của tiêm phòng sởi đúng thời điểm cho trẻ em
Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính có khả năng lây truyền rất mạnh đặc biệt ở lứa tuổi trẻ em. Tiêm vắc xin phòng bệnh sởi là biện pháp quan trọng và hiệu quả nhất để phòng bệnh. Vậy thời điểm tiêm vắc xin phòng bệnh sởi phù hợp nhất là khi nào thì mời quý bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây.
Tổng quan về bệnh sởi
Bệnh sởi là gì?
Bệnh sởi (Morbilli) hay còn gọi là bệnh ban đỏ, là một bệnh truyền nhiễm, gây dịch lưu hành rộng rãi ở mọi nơi trên thế giới, nhất là trong thời kỳ trước tiêm chủng.
Đặc điểm dịch tễ học của bệnh sởi
- Trên 90% số người trước lứa tuổi 20 đã bị mắc bệnh sởi, rất hiếm người không bị mắc sởi. Ước tính hàng năm khoảng 100 triệu trường hợp mắc và 6 triệu người tử vong do sởi.
- Bệnh sởi xảy ra cũng có tính theo mùa. Ở vùng khí hậu ôn đới, bệnh sởi xuất hiện nhiều vào cuối mùa đông và đầu mùa xuân. Ở vùng nhiệt đới, bệnh xảy ra nhiều vào mùa khô.
- Bệnh sởi lưu hành ở mọi nơi trong cả nước và phổ biến ở trẻ em, nhất là ở trẻ dưới 5 tuổi.
- Việc gây miễn dịch phòng bệnh sởi bằng một liều vắc xin sởi sống giảm độc lực được bắt đầu trong Chương trình TCMR ở Việt Nam từ năm 1985 và tỷ lệ mắc bệnh sởi đã giảm xuống từ 91/100.000 dân năm 1986 xuống 2,35/100.000 năm 2006. Tuy nhiên, bệnh vẫn còn tản phát ở nhiều nơi và vẫn xảy ra dịch sởi với quy mô có nhỏ hơn thời kỳ chưa tiêm vắc xin sởi. Việt Nam đã cam kết với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương thực hiện các chiến lược loại trừ sởi vào năm 2010 với tỷ lệ mắc sởi không vượt quá 1/1.000.000 dân.
Phương thức lây truyền bệnh sởi
- Bệnh sởi lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với các chất tiết của mũi họng bệnh nhân.
- Có thể lây gián tiếp qua những đồ vật mới bị nhiễm các chất tiết đường mũi họng của bệnh nhân.
Bệnh sởi có tính lây truyền cao nhất, chỉ có thể cắt đứt được sự lây truyền của bệnh trong cộng đồng khi nào đạt được > 95% tỷ lệ miễn dịch bảo vệ đặc hiệu sởi trong quần thể dân cư.
Triệu chứng của bệnh sởi
Sau một thời gian ủ bệnh từ 10 đến 12 ngày, bệnh sởi xuất hiện các dấu hiệu và triệu chứng như:
- Sốt
- Ho khan
- Sổ mũi
- Ăn không ngon
- Chảy máu cam
- Đau họng
- Viêm kết mạc
- Xuất hiện những đốm Koplik trắng nhỏ với tâm màu trắng hơi xanh trên nền đỏ bên trong miệng hay trên niêm mạc bên trong của má.
Vì sao nên tiêm phòng vắc xin sởi?
Tất cả những người chưa bị mắc bệnh sởi hoặc chưa được gây miễn dịch đầy đủ bằng vắc xin phòng bệnh sởi đều có cảm nhiễm với bệnh sởi. Sau khi mắc bệnh sởi tự nhiên sẽ được miễn dịch bền vững.
Bệnh sởi nguy hiểm nhất đối với trẻ em nhỏ tuổi (< 3 tuổi). Bệnh sởi làm suy yếu sức đề kháng của cơ thể cho nên thường kèm theo biến chứng như viêm phế quản, viêm tai, tiêu chảy gây nên bởi vi khuẩn gây bệnh có điều kiện. Những bệnh này khi mắc cùng bệnh sởi có diễn biến rất nặng.
Trẻ em được sinh từ người mẹ trước đây đã bị bệnh sởi thì trẻ đó sẽ được miễn dịch thụ động do kháng thể mẹ truyền cho trong khoảng từ 6 đến 9 tháng tuổi hoặc lâu hơn tùy thuộc vào số lượng kháng thể mẹ tồn dư trong thời gian có thai và tỷ lệ giảm kháng thể trong máu mẹ. Kháng thể mẹ còn tồn tại ở trẻ em sẽ ngăn cản sự đáp ứng miễn dịch khi tiêm vắc xin sởi ở lứa tuổi này. Nếu gây miễn dịch cho trẻ vào lúc 15 tháng tuổi thì sẽ đạt được tỷ lệ đáp ứng miễn dịch cao từ 94 -98%. Việc gây miễn dịch lại bằng một liều bổ sung có thể làm tăng mức độ miễn dịch tới 99%. Trẻ em sinh ra từ người mẹ đã được gây miễn dịch bằng vacxin sởi thì trẻ đó cũng có kháng thể thụ động của mẹ truyền cho, nhưng chỉ ở mức độ thấp và vẫn còn cảm nhiễm với bệnh sởi. Vì vậy, những trẻ này cần được gây miễn dịch bằng cách tiêm vắc xin phòng bệnh sởi sớm hơn.
Nên tiêm phòng sởi thời điểm nào?
Hiện nay, nước ta đang lưu hành các loại vắc xin có thể bảo vệ sức khỏe khỏi sự tấn công của bệnh sởi, bao gồm:
- Vắc xin sởi đơn MVVac của Việt Nam: thời điểm nên tiêm phòng vắc xin phòng bệnh sởi phù hợp từ 9 – 11 tháng tuổi cho mũi 1 và tiêm nhắc lại mũi 2 cho trẻ 6 tuổi trong tiêm chủng thường xuyên.
- Vắc xin 3in1 kết hợp phòng 3 bệnh Sởi – Quai bị – Rubella MMR II của Mỹ, MMR của Ấn Độ và Priorix của Bỉ: thời điểm nên tiêm phòng vắc xin phòng bệnh sởi phù hợp là mũi 1 vào lúc 12 tháng tuổi, mũi 2 vào lúc 4-6 tuổi.
Bên cạnh đó cần thực hiện chiến dịch tiêm vắc xin sởi bổ sung cho trẻ ở lứa tuổi cao hơn ở vùng nguy cơ cao (nơi vẫn còn vi rút sởi lưu hành, tỷ lệ tiêm chủng thấp…), tăng cường giám sát bệnh.
Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp quý bạn đọc có thêm thông về bệnh sởi để bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho gia đình bạn.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.