Tiêu chảy do kháng sinh: Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị
Tổng quan chung
Kháng sinh là một loại thuốc để điều trị nhiễm khuẩn cho trẻ em và người lớn. Tuy nhiên khi dùng kháng sinh có thể sẽ gây ra những tác dụng không mong muốn. Một trong số tác dụng phụ hay gặp là tiêu chảy.
Tiêu chảy do kháng sinh là tình trạng trẻ đi tiêu lỏng, xảy ra do tác dụng phụ của các thuốc kháng sinh điều trị nhiễm khuẩn. Hiện tượng này có thể gặp ở mọi đối tượng, đặc biệt là trẻ nhỏ do hệ tiêu hóa chưa phát triển hoàn chỉnh.
Triệu chứng
Tiêu chảy do kháng sinh có thể gây ra những triệu chứng ở các mức độ khác nhau từ nhẹ đến nặng. Tình trạng tiêu chảy thường kéo dài từ 1 – 7 ngày, bắt đầu từ giữa ngày thứ 2 và ngày thứ 8 của đợt điều trị bằng kháng sinh. Sau đây là một số triệu chứng của người bị tiêu chảy do kháng sinh:
- Người bệnh sẽ có triệu chứng đi phân lỏng nhiều lần trong ngày.
- Một số trường hợp nặng, người bệnh có dấu hiệu đi ngoài liên tục, phân lỏng có mủ hoặc máu, buồn nôn, nôn, bụng đau, chuột rút, sốt.
- Nếu tiêu chảy khi sử dụng kháng sinh ở mức nghiêm trọng mà không được xử lý kịp có thể biến chứng viêm dạ dày – ruột, viêm đại tràng,… gây mất nước, chất điện giải, tổn thương niêm mạc ruột.
Nguyên nhân
Kháng sinh được áp dụng điều trị bệnh nhờ cơ chế kìm hãm hoặc tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh. Đối với một cơ thể bình thường, hệ vi khuẩn có lợi và hại trong hệ tiêu hóa luôn ở trạng thái cân bằng. Việc sử dụng kháng sinh có thể gây ra tình trạng:
- Phá vỡ sự cân bằng của hệ vi khuẩn, vừa tiêu diệt vi khuẩn có hại đồng thời diệt cả vi khuẩn có lợi cho đường ruột.
- Tạo môi trường thuận lợi có một số vi khuẩn có hại phát triển như Salmonella.
- Tạo điều kiện để các vi khuẩn mới xâm nhập và gây bệnh.
Khi dùng kháng sinh kéo dài, một số chủng vi khuẩn có lợi sẽ bị ảnh hưởng, các vi khuẩn có hại lại ít bị ảnh hưởng. Vì vậy, sự mất cân bằng giữa hai nhóm vi khuẩn là nguyên nhân gây ra bệnh tiêu chảy do kháng sinh. Khi hệ vi sinh bị mất cân bằng, nhóm vi khuẩn có hại phát triển tràn lan trong đường tiêu hóa, tiết ra độc tố gây tổn thương niêm mạc ruột, kích hoạt quá trình viêm nhiễm, phù nề, xuất tiết, xuất huyết trong lòng ruột và hội chứng tiêu chảy. Bất kỳ loại kháng sinh nào cũng có thể gây ra sự mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột, nhất là những loại kháng sinh phổ rộng dẫn đến tình trạng bị tiêu chảy khi uống kháng sinh.
Đối tượng nguy cơ
Bất kỳ ai cũng có thể bị tiêu chảy khi sử dụng kháng sinh, tuy nhiên, một số trường hợp có nguy cơ cao cần lưu ý:
- Người có tiền sử tiêu chảy do kháng sinh.
- Sử dụng kháng sinh trong thời gian dài hoặc điều trị phối hợp nhiều loại kháng sinh.
- Người lớn tuổi từ 65 trở lên hoặc trẻ em dưới 5 tuổi.
- Bệnh nhân đã từng phẫu thuật đường ruột.
- Người mắc có mắc các bệnh ảnh hưởng hệ tiêu hóa như ung thư, viêm ruột, viêm đại tràng.
Chẩn đoán
Để chẩn đoán tiêu chảy do kháng sinh, bác sĩ sẽ hỏi bệnh nhân một số thông tin về sức khỏe, tiền sử y khoa, bao gồm cả việc từng điều trị kháng sinh trong khoảng thời gian gần đây. Nếu bác sĩ nghi ngờ bạn nhiễm C. difficile, mẫu phân có thể được xét nghiệm.
Các trường hợp tiêu chảy do kháng sinh ở mức nhẹ có thể tự khỏi sau khoảng 2 ngày ngưng sử dụng. Tuy nhiên, bất kể trường hợp nào cũng không được chủ quan mà tốt nhất nên tìm đến bác sĩ chuyên khoa để kiểm tra tình trạng sức khỏe.
Phòng ngừa bệnh
Dưới đây là một số biện pháp để phòng ngừa tiêu chảy do kháng sinh:
- Sử dụng kháng sinh chỉ khi nào thực sự cần thiết, dưới sự hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ. Kháng sinh chỉ có tác dụng trên những bệnh do vi khuẩn gây ra. Chúng không có hiệu quả đối với virus, như cảm lạnh và cúm.
- Rửa tay bằng cồn thường xuyên đối với người chăm bệnh, người thăm, bệnh và bệnh nhân.
- Khai báo với bác sĩ nếu đã từng bị tiêu chảy khi sử dụng kháng sinh trước đó. Từng bị tiêu chảy do kháng sinh có thể tăng nguy cơ bị hội chứng này lần nữa. Bác sĩ có thể chỉ định loại kháng sinh khác cho phù hợp.
- Bổ sung men vi sinh để cân bằng hệ vi sinh đường ruột.
- Chế độ ăn hợp lý, cân bằng dinh dưỡng, tăng sức đề kháng, bổ sung nhiều loại thức ăn có chứa nhiều món ăn bổ sung lợi khuẩn như ngũ cốc nguyên cám, sữa chua, súp lơ, rau chân vịt.
- Tập luyện thể dục thường xuyên, nâng cao sức khỏe.
Điều trị
Việc điều trị tiêu chảy do kháng sinh còn phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng:
- Phải đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám, xác định tình trạng bệnh.
- Nếu tình trạng nhẹ có thể tự khỏi sau vài ngày ngưng sử dụng kháng sinh.
- Nến tình trạng tiêu chảy nặng, phải tham khảo ý kiến của bác sĩ, đồng thời bổ sung thêm men vi sinh. Lưu ý uống men vi sinh phải cách thời gian uống kháng sinh 2 tiếng đồng hồ.
- Bổ sung đủ nước, bù nước điện giải: uống đủ nước lọc, bù lượng nước đã mất. Có thể bù điện giải bằng Oresol (nếu trẻ nhỏ cần phải tham khảo ý kiến của bác sĩ). Lưu ý dung dịch bù nước đã pha quá 12 giờ không dùng hết cần phải được bỏ đi. Bù nước điện giải cần được duy trì đến khi người bệnh đi ngoài phân sệt.
- Chế độ dinh dưỡng lành mạnh, hạn chế ăn các loại thức ăn chứa nhiều dầu mỡ, chua cay để tránh kích thích đường ruột. Tăng cường các loại nước ép hoa quả tươi, rau củ theo mùa.
- Chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày, ăn các loại đồ ăn mềm và dễ tiêu hóa.
Kháng sinh ngày càng trở nên phổ biến và bạn có thể dễ dàng mua ở các quầy thuốc. Vì lý do đó mà những vấn đề liên quan đến việc sử dụng kháng sinh xuất hiện ngày càng nhiều. Để hạn chế hội chứng tiêu chảy do kháng sinh và những vấn đề khác liên quan đến kháng sinh, hãy đi khám bệnh nếu bạn có vấn đề về sức khỏe và hạn chế việc mua thuốc không được kê đơn bởi bác sĩ.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.