Dấu hiệu nhận biết sớm trẻ mắc bệnh trầm cảm
Trầm cảm ở trẻ em là gì?
Trầm buồn là một phản ứng cảm xúc tự nhiên của con người trong cuộc sống. Trạng thái cảm xúc này trở thành bệnh lý gọi là rối loạn trầm cảm, khi biểu hiện trầm trọng, kéo dài ít nhất hai tuần và ảnh hưởng rõ rệt đến các sinh hoạt, học tập lao động hàng ngày.
Trầm cảm ở trẻ em là hội chứng rối loạn tâm lý phổ biến, có thể khiến trẻ cảm thấy tự ti, khó hòa nhập với xã hội, rối loạn ăn uống, giấc ngủ, tự hạ thấp giá trị của bản thân. Ở mức độ nghiêm trọng, trầm cảm có thể khiến trẻ có xu hướng suy nghĩ về cái chết, tự tử. Nghiên cứu cho thấy khi bị trầm cảm, bé gái thường sẽ có xu hướng nghĩ đến tự tử nhiều hơn còn bé trai lại thường có xu hướng thực hiện hành động tự tử cao hơn. Do đó, việc phát hiện sớm tình trạng trẻ bị trầm cảm, đưa trẻ đến bệnh viện hoặc các chuyên gia tâm lý ở trẻ em để được hỗ trợ càng sớm càng tốt là cách tốt nhất giúp trẻ phát triển an toàn, khỏe mạnh và toàn diện.
Dấu hiệu của bệnh trầm cảm ở trẻ em
Trẻ bị trầm cảm có thể có nhiều biểu hiện khác nhau, do đó, bệnh rất dễ bị nhầm lẫn với những thay đổi về cảm xúc, thể chất bình thường của trẻ. Dấu hiệu điển hình nhất của trầm cảm là cảm giác buồn bã, vô vọng, khép mình với xã hội. Một số dấu hiệu khác của bệnh gồm:
- Khó tập trung, hay quên.
- Thường xuyên có cảm giác mệt mỏi, uể oải, thiếu sức sống.
- Suy giảm chất lượng học tập, nhạy cảm khi nói về thành tích.
- Có cảm giác tách biệt, cách ly với xã hội, không hứng thú tham gia các hoạt động tập thể với bạn bè, người thân.
- Khó kiểm soát được cảm xúc, thường xuyên cảm thấy khó chịu, tức giận, la hét và khóc lóc.
- Luôn cảm thấy bản thân kém cỏi, tội lỗi.
- Có xu hướng chống đối, suy nghĩ tiêu cực, nghĩ về cái chết, tự tử.
- Khẩu vị thay đổi thất thường.
- (Có cảm giác đau mỏi cơ thể). Ngoài ra các kèm rối loạn cơ thể không giải thích được: đau đầu, đau bụng, đau lưng
Nguyên nhân gây bệnh trầm cảm ở trẻ em
Trầm cảm ở trẻ em bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể bắt nguồn từ các yếu tố di truyền hoặc do các yếu tố môi trường. Một số nguyên nhân thường gặp khiến trẻ bị trầm cảm gồm:
Áp lực học tập
Hiện nay, nhiều gia đình thường xuyên so sánh, tạo áp lực cho con trẻ về thành tích học tập. Điều này khiến trẻ rơi vào trạng thái căng thẳng, mệt mỏi, về lâu có thể gây trầm cảm.
Bạo lực học đường
Bạo lực học đường là một trong những nguyên nhân (hàng đầu) gây nên tình trạng trầm cảm ở trẻ. Phần lớn nạn nhân của bạo lực học đường thường sẽ có xu hướng che giấu, sợ hãi, chịu đựng và sống khép kín, từ đó dẫn đến trầm cảm.
Ảnh hưởng đến từ hạnh phúc gia đình
Hạnh phúc gia đình là một trong những yếu tố ảnh hưởng mạnh đến tâm lý và sự trưởng thành của trẻ. Trẻ sinh ra trong một gia đình hạnh phúc thường sẽ có tâm lý thoải mái và yên bình. Ngược lại, trẻ sinh ra trong một gia đình thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, cãi vã, thiếu sự yêu thương, bị la mắng, chê trách sẽ có xu hướng bị trầm cảm cao.
Bị áp đặt
Việc can thiệp quá sâu và đời sống riêng tư, sở thích cá nhân của trẻ khiến trẻ bị gò bó, không thoải mái và thường xuyên phải làm những điều mình không muốn. Từ đó, trẻ hình thành cảm giác khó chịu, không được tôn trọng, trở nên dễ nóng giận, có xu hướng phản kháng. Điều này vô tình tạo nên rào cản tâm lý giữa trẻ và bố mẹ, trẻ ít tâm sự với bố mẹ hơn, dễ đi lạc hướng và trầm cảm.
Thay đổi môi trường sống
Trẻ có thể gặp khó khăn khi thích nghi với những thay đổi từ môi trường sống. Điều này có thể gây ảnh hưởng đến các mối quan hệ xã hội như bạn bè, quá trình học tập, từ đó, khiến trẻ dễ rơi vào tình trạng trầm cảm.
Ảnh hưởng đến tâm lý
Một số vấn đề chấn động về tâm lý như người thân mất, bị lạm dụng tình dục, kết quả học tập sa sút, bố mẹ ly hôn, bạo lực gia đình… khiến trẻ gặp phải các cú sốc tâm lý nghiêm trọng. Từ đó, trẻ có xu hướng khép mình lại với các mối quan hệ với xã hội, khó chia sẻ với người khác, tăng nguy cơ bị trầm cảm.
Di truyền
Trầm cảm do yếu tố di truyền thường xảy ra ở trẻ trong giai đoạn từ 1 – 6 tuổi. Nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ đã chỉ ra khoảng 40% trẻ trầm cảm có liên quan đến ADN; trẻ sinh ra trong gia đình có người thân bị trầm cảm sẽ có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn gấp 3 lần so với những đứa trẻ sinh ra trong gia đình bình thường.
Nếu bạn lo lắng rằng con mình có thể bị trầm cảm, điều quan trọng là phải đưa trẻ đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị. Bác sĩ có thể kê đơn thuốc hoặc đề nghị liệu pháp tâm lý, hoặc kết hợp cả hai.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.