Trẻ mấy tháng biết lật? Cách tập cho bé lật an toàn
Trẻ biết lật là một cột mốc quan trọng để bé bước qua các giai đoạn phát triển tiếp theo như bò và ngồi. Vậy trẻ mấy tháng biết lật? Hãy cùng Pharmacity khám phá những dấu hiệu cho thấy bé sắp biết lật và cách hỗ trợ bé đạt được kỹ năng này qua bài viết dưới đây.
Trẻ mấy tháng biết lật? Cột mốc phát triển của bé
Khi đến khoảng 4 tháng tuổi, phần dưới cơ thể của bé sẽ phát triển đầy đủ, lúc này bé có đủ sức sử dụng cánh tay để đẩy cơ thể lên rồi xoay từ lưng sang bụng và ngược lại.
Nhiều bé có khả năng lật từ khi chỉ mới 3 tháng tuổi và khi được 6 tháng tuổi, hầu hết các bé không chỉ thành thạo việc lật từ ngửa sang sấp và ngược lại mà còn bắt đầu biết đẩy người để ngồi dậy.
Trẻ từ 3-4 tháng tuổi đã bắt đầu biết lật
Dấu hiệu nhận biết trẻ sắp biết lật
Những dấu hiệu nhận biết cho thấy trẻ sắp biết lật mà ba mẹ có thể tham khảo:
- Khi đặt trẻ nằm sấp trẻ có thể nhấc đầu lên, đồng thời chống tay để nâng đỡ phần ngực và đầu.
- Khi nằm ngửa, bé thường đung đưa chân hoặc hướng chân lên phía trước.
- Bé sẽ thích nằm nghiêng hơn so với những tháng trước.
- Trẻ thường xoay đầu từ bên này sang bên kia.
- Khi có đồ vật xung quanh, bé sẽ di chuyển để lấy chúng.
- Bé thường uốn cong người sang một bên.
Trẻ có dấu hiệu sắp biết lật thường tự uốn cong người sang một bên
Cách giúp bé biết lật nhanh chóng và an toàn
Sau khi xác định được trẻ mấy tháng biết lật, để giúp con học lật một cách thuận lợi và dễ dàng hơn, ba mẹ có thể áp dụng một số phương pháp hỗ trợ bé dưới đây:
- Mẹ có thể thường xuyên vui chơi và tương tác cùng con bằng cách khuyến khích con lật và nằm sang một bên để bé chủ động lật về phía mẹ.
- Đặt đồ chơi gần bé để kích thích bé vươn người và lật để lấy đồ chơi.
- Thực hiện các động tác massage cho trẻ để tạo cảm giác thoải mái và giúp phát triển xương tốt hơn.
- Mẹ nên đặt bé nằm sấp và khuyến khích bé vươn người và lật để lấy các đồ vật mà bé thích.
- Hãy dành thời gian để tập lật khoảng 20 phút mỗi ngày.
- Khi bé hoàn thành động tác lật, hãy vỗ tay khen ngợi và động viên để giúp bé thích thú hơn.
Đặt trẻ nằm sấp là cách hỗ trợ bé tập lật hiệu quả
Khi nào cần cho trẻ đi khám bác sĩ?
Nếu đã áp dụng các biện pháp hỗ trợ bé cho tới tháng thứ 6 mà trẻ vẫn chưa tự lật, xoay hay trở người thì ba mẹ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và can thiệp kịp thời.
Bên cạnh đó một số dấu hiệu bất thường về sự phát triển thể chất của trẻ trong giai đoạn này bao gồm:
- Bé không phản ứng với âm thanh hoặc ánh sáng.
- Bé không cười hoặc không thể giao tiếp mắt.
- Bé không thể tự kiểm soát phần đầu khi đặt nằm sấp.
- Bé nằm im và không chuyển động.
Tuy nhiên, ba mẹ cần lưu ý rằng mỗi bé sẽ có sự phát triển kỹ năng vận động theo cách riêng. Vì vậy, nếu con bạn phát triển chậm hơn so với các bé đồng trang lứa thì cũng đừng quá lo lắng. Thay vào đó, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ về tình trạng của bé để đảm bảo bé nhận được sự hỗ trợ cần thiết.
Một số lưu ý khi tập lật cho bé
Ngoài việc hiểu rõ về vấn đề trẻ mấy tháng biết lật, ba mẹ cũng cần lưu ý một số điều sau khi tập lật cho bé:
- Luôn để mắt đến bé: Luôn ở cạnh và quan sát khi con tập lật để đảm bảo an toàn. Không nên để bé một mình, đặc biệt là khi đặt bé nằm ở những vị trí trên cao.
- Cẩn thận khi thay quần áo và tã: Khi thay quần áo và tã cho trẻ sơ sinh, hãy giữ một bên tay của bé để tránh bé lật và bị ngã.
- Tránh xa các đồ vật nguy hiểm: Không để các đồ vật như chăn, gối, vặt sắc nhọn và nhỏ ở nơi bé nằm ngủ hoặc trong nôi để tránh nguy cơ gây nguy hiểm đến trẻ.
- Không nên tập lật sau khi ăn: Hệ tiêu hóa của bé chưa phát triển hoàn thiện, vì vậy chỉ nên cho bé nằm sấp trong thời gian ngắn và sau bữa ăn khoảng 30 phút để tránh làm trẻ bị nôn trớ.
- Chia nhỏ thời gian tập lật: Mẹ nên chia nhỏ thời gian tập cho con, chỉ nên cho bé tập lật khoảng 20 phút mỗi ngày vì tập lật lâu sẽ làm bé mệt mỏi, bỏ bú.
Trên đây đã giải đáp cho chúng ta câu hỏi về việc trẻ mấy tháng biết lật và cách hỗ trợ trẻ tập lật một cách an toàn. Trong giai đoạn này, ba mẹ cần kiên nhẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho con tập lật để giúp bé phát triển kỹ năng vận động một cách tốt nhất.
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.