Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Vẩn đục dịch kính là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp phòng ngừa
Vẩn đục dịch kính là tình trạng có nhiều hình ảnh lơ lửng nhiều hình dạng trong tầm mắt của người mắc bệnh. Vẩn đục dịch kính gây ra những khó chịu, ảnh hưởng tới tầm nhìn nhưng thường lành tính. Vậy chúng ta cùng tìm hiểu bài viết sau để hiểu rõ hơn về vẩn đục dịch kính nhé.
Tổng quan chung
Dịch kính có cấu tạo chủ yếu là các collagen sắp xếp theo nhiều hướng khác nhau, lấp đầy giữa các khoảng trống là nước, trong suốt nằm ngay sau thủy tinh thể và trước võng mạc, chiếm đến 80% thể tích của nhãn cầu.
Chức năng của dịch kính là cho các tia sáng từ ngoài vào đáy mắt, cung cấp dinh dưỡng cho thủy tinh thể và võng mạc, duy trì áp lực ở trong mắt để võng mạc không bị bong rách và giúp thấu kính tập trung hình ảnh rõ nét hơn trên võng mạc.
Vẩn đục dịch kính là tình trạng lắng đọng hoặc ngưng tụ trong dịch kính, phần lắng đọng này nằm lơ lửng trong dịch kính làm cho người bị bệnh thấy các hình ảnh trôi nổi trong mắt. Những vật này sẽ di chuyển theo động tác của mắt và có xu hướng rơi xuống vùng thấp nên sẽ rõ hơn khi nằm.
Vẩn đục dịch kính thường gặp và phần lớn không gây nguy cơ biến chứng gì cho mắt. Mặc dù không gây nguy hiểm nhưng bệnh nhân thường cảm thấy khó chịu, đặc biệt trong những trường hợp nặng khi vẩn đục dịch kính di chuyển không ngừng trong thị trường, một số trường hợp có thể gây ra biến chứng rách, bong võng mạc ảnh hưởng nghiêm trọng tới thị lực.
Triệu chứng
Khi mắt bị vẩn đục dịch kính có thể gây xuất hiện những chấm tròn có màu đen, hay một số vật chất trôi nổi ở tầm nhìn và chúng thường có những đặc điểm như sau:
- Vẩn đục di chuyển khi chúng ta thay đổi hướng nhìn, nếu bạn thay đổi hướng nhìn thì vẩn đục sẽ có xu hướng di chuyển nhanh và lệch ra khỏi tầm nhìn của bạn.
- Khi nhìn vào một khoảng trống và sáng, chẳng hạn như bầu trời, bức tường sáng, đồng tử của chúng ta sẽ co lại và khiến những vẩn đục dịch kính trở nên rõ nét và dễ nhìn hơn.
- Vẩn đục thường trôi nổi trong dịch kính nhưng chúng có xu hướng lắng xuống phần dưới nhãn cầu vì có trọng lực. Cũng chính vì thế mà khi bệnh nhân nằm ngửa sẽ nhìn rõ vẩn đục hơn vì lúc này chúng rơi gần về phía hoàng điểm và đồng thời nằm trên trục thị giác.
- Ngoài ra, mắt đục dịch kính còn có thể gây ra một số triệu chứng khác như bị chớp sáng, giảm thị lực ngoại biên thị lực hình ống.
Nguyên nhân
Sự xuất hiện của vẩn đục trong dịch kính có nhiều nguyên nhân, bao gồm cả tổn thương từ bộ phận khác của mắt hoặc tác nhân từ môi trường bên ngoài. Dưới đây là một số nguyên nhân thường gặp gây vẩn đục dịch kính:
Rách, bong võng mạc
- Khi bị rách, bong võng mạc có thể dẫn đến xuất huyết, phần máu đọng đen có thể lẫn vào trong dịch kính dẫn đến vẩn đục. Đây là biến chứng nghiêm trọng ảnh hưởng đến thị lực, không chỉ gây vẩn đục dịch kính mà còn ảnh hưởng tới khả năng thu nhận hình ảnh cần can thiệp điều trị sớm.
Thoái hóa dịch kính
- Thoái hóa dịch kính là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến vẩn đục dịch kính. Theo thời gian, cấu trúc dịch kính bị lão hóa trở nên lỏng lẻo hơn, các sợi collagen cũng thiếu gắn kết, dễ tách ra khỏi khối gel tụ lại thành từng đám. Những đám này có màu sắc đậm, lơ lửng và trở thành vẩn đục bên trong dịch kính.
- Trong dịch kính có chứa khoảng 1% collagen và acid hyaluronic có tác dụng tạo ra bộ khung giữ dịch kính ổn định trong khung. Khi thoái hóa dịch kính, nồng độ acid này giảm cũng là nguyên nhân gây hóa lỏng dịch kính.
Viêm màng bồ đào
- Viêm màng bồ đào có thể do nhiễm khuẩn hoặc vô khuẩn, tình trạng chung là làm tổn thương, sưng màng bồ đào. Đây cũng là một nguyên nhân gây ra vẩn đục dịch kính.
Xuất huyết ở mắt
- Do huyết áp cao, tăng áp lực máu bất thường, chấn thương ở mắt,… dẫn đến xuất huyết, một phần máu có thể di chuyển vào dịch kính tạo thành các vết vẩn đục bất thường.
Nguyên nhân khác
- Một số nguyên nhân ít phổ biến bao gồm: bệnh võng mạc tiểu đường ở bệnh nhân tiểu đường, cận thị, chấn thương mắt, do tuổi cao, biến chứng sau phẫu thuật đục thủy tinh thể,…
Tùy theo nguyên nhân mà tình trạng vẩn đục dịch kính có thể phải can thiệp điều trị hoặc không cần thiết. Tuy nhiên người bệnh không nên chủ quan, nếu có triệu chứng cần theo dõi và đi khám tại cơ sở chuyên khoa mắt.
Đối tượng nguy cơ
- Một số đối tượng có nguy cơ cao bị vẩn đục dịch kính là:
Tuổi cao là một yếu tố nguy cơ đáng kế cho sự phát triển của tình trạng vẩn đục dịch kính. Thường thì những người trên 50 tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao. - Bệnh nhân mắc một số bệnh toàn thân gây ảnh hưởng đến mắt như cao huyết áp, tiểu đường hoặc bệnh lý tại mắt liên quan đến tuổi như thoái hóa hoàng điểm tuổi già….
- Cận thị nặng hay còn gọi là cận thị thoái hóa là yếu tố thuận lợi đẩy nhanh quá trình thoái hóa dịch kính ở người trẻ tuổi
- Chấn thương mắt.
Chẩn đoán
Khi một bệnh nhân đến bác sĩ nhãn khoa với triệu chứng vẩn đục dịch kính, đầu tiên bác sĩ sẽ hỏi bệnh nhân về chúng.
- Bác sĩ nhãn khoa sẽ kiểm tra tầm nhìn trung tâm và ngoại vi của bệnh nhân.
- Khám mắt bằng đèn khe.
- Nhỏ thuốc vào mắt để làm giãn đồng tử.
- Sau khi đồng tử giãn ra, võng mạc và dịch kính sẽ được kiểm tra bằng đèn sáng từ kính soi đáy mắt.
Bác sĩ nhãn khoa sẽ có thể nhìn thấy vẩn đục dịch kính và sẽ có thể cho bệnh nhân biết liệu có bất kỳ dấu hiệu bất thường liên quan nào cần xét nghiệm hoặc điều trị thêm không.
Phòng ngừa bệnh
Mặc dù không thể ngăn ngừa hoàn toàn vẩn đục dịch kính, nhưng một số biện pháp có thể giúp giảm nguy cơ và bảo vệ sức khỏe mắt:
- Kiểm tra mắt định kỳ: Khám mắt thường xuyên để phát hiện sớm các vấn đề.
- Bảo vệ mắt: Sử dụng kính bảo hộ khi làm việc trong môi trường có nguy cơ gây chấn thương cho mắt.
- Kiểm soát bệnh lý toàn thân: Điều trị các bệnh lý toàn thân như tiểu đường để giảm nguy cơ ảnh hưởng đến mắt.
- Dinh dưỡng hợp lý: Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt là các vitamin và khoáng chất tốt cho mắt.
Điều trị như thế nào?
Điều trị vẩn đục dịch kính phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng và nguyên nhân gây bệnh:
Theo dõi: Nếu vẩn đục dịch kính không ảnh hưởng nhiều đến tầm nhìn, bác sĩ có thể chỉ định theo dõi mà không cần can thiệp.
Điều trị nguyên nhân: Nếu vẩn đục dịch kính do viêm nhiễm hoặc bệnh lý mắt, điều trị nguyên nhân gốc là cần thiết.
Đối với những trường hợp nghiêm trọng hơn, có nguy cơ gây biến chứng, ảnh hưởng đến thị lực, bệnh nhân có thể được điều trị theo những phương pháp sau:
- Phẫu thuật hút bỏ dịch kính: Các bác sĩ sẽ thực hiện phẫu thuật để loại bỏ dịch kính trong mắt bệnh nhân và sau đó thay thế bằng một dung dịch trong suốt khác có những chức năng tương tự như dịch kính. Tuy nhiên, phương pháp này có tiềm ẩn rủi ro và có thể ảnh hưởng đến thị lực của bệnh nhân.
- Sử dụng tia laser để phá vỡ vùng đục của dịch kính: Nhờ vào năng lượng của tia laser, vẩn đục dịch kính có thể được phá vỡ. Phương pháp này có thể an toàn hơn phương pháp phẫu thuật nhưng vẫn có thể gây ra những rủi ro nhất định. Vì thế, cần cân nhắc kỹ về lợi ích và rủi ro trước khi thực hiện phẫu thuật hoặc sử dụng tia laser để điều trị bệnh.
Các chuyên gia khuyên rằng, nếu có hiện tượng mắt đục dịch kính, bệnh nhân nên đi thăm khám để được các bác sĩ nhãn khoa chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh và đưa ra hướng điều trị phù hợp, hiệu quả nhất.
Bên cạnh đó, bạn cũng nên duy trì những thói quen tốt cho sức khỏe đôi mắt, chẳng hạn như thực hiện những bài tập thể dục mắt, mát xa mắt, tránh để mắt tiếp xúc với ánh sáng mặt trời hay các loại ánh sáng mạnh khác, bổ sung những loại thực phẩm tốt cho mắt, không nên thức quá khuya,…
Hi vọng với những chia sẻ trên giúp các bạn hiểu hơn về vẩn đục dịch kính.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.